Tháp Tường Long tại Đồ Sơn TP Hải Phòng- Di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu vùng Duyên hải Bắc bộ

alt

Trên bản đồ vệ tinh Hải Phòng, bán đảo Đồ Sơn là một dải đất uốn khúc ra biển theo hướng Đông Nam, hẹp dần và kết thúc ở điểm cuối cùng là đảo Hòn Dáu. Với địa hình ba phía giáp biển và những ngọn núi đất thoai thoải xanh màu rừng cây tạo cho nơi đây một phong cảnh sơn thủy hữu tình đặc sắc ít nơi nào có được.

Vào thời kỳ biển tiến hàng nghìn năm trước, khi mà nước biển bao phủ nhiều vùng đất duyên hải, có lẽ nơi đây đã từng là điểm tiền tiêu của miền ven biển Bắc Bộ nước ta.

Hiện nay có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Đồ Sơn là nơi đầu tiên tiếp nhận đạo Phật truyền vào với những giai thoại về chùa Hang (Cốc tự) – nơi nhà sư Phật Quang (còn gọi sư Bần) người Ấn Độ đã cư ngụ và truyền đạo. Ngoài ra những ghi chép trong thư tịch cổ còn nói rằng nơi đây từng tồn tại tháp Asoka do đoàn truyền giáo Ấn Độ của vua A Dục Vương (Asoka) cùng các phật tử dựng nên để đánh dấu sự có mặt của đạo Phật. Hai tài liệu Trung Hoa: “Giao Châu Ký” của Lưu Hân Kỳ (năm 360-420 sau CN) và “Thủy Kinh Chú” của Lệ Đào Nguyên đều ghi rằng: “…ở Giao Châu tại thành NêLê (1), có bảo tháp của vua Asoka”. Sau này các học giả xác định thành NêLê chính là Đồ Sơn – Hải Phòng.

Do vị trí địa lý đặc biệt của Việt Nam ở bán đảo Đông Dương (giáp biển nhiều nhất) nên việc Phật giáo dưới thời hoàng đế Asoka từ Ấn Độ du hành chủ yếu theo đường biển bằng thuyền buôn của các thương gia tới Việt Nam sớm hơn Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. Cũng vì vị trí địa lý của địa hình Đồ Sơn chạy dài nhô ra hẳn đại dương và cửa biển Đồ Sơn nằm ở giữa, phía Bắc nhìn ra sông Bạch Đằng, phía Nam đối diện cửa sông Văn Úc, thuận tiện cho thuyền bè di chuyển theo hệ thống sông Thái Bình lên Luy Lâu (2) nên các thư tịch cổ nước ngoài đã ghi chép rằng nơi đây các thương thuyền thời kỳ ấy khi vào biển Đông trao đổi hàng hóa với nước Văn Lang và Trung Quốc thường hay dừng chân nghỉ ngơi và lấy nước ngọt ở cửa biển Nêlê (Đồ Sơn – Hải Phòng nay). Cho đến tận bây giờ, khu vực ven biển Đồ Sơn và khu vực xung quanh vẫn còn một số giếng nước ngọt cổ, hiện vẫn cấp nước cho bà con trong vùng.

Từng có giả thuyết cho rằng đạo Phật truyền vào nước ta đầu tiên bằng đường biển vào khoảng 300 năm trước công nguyên ở giai đoạn cuối nhà nước văn Lang, đầu nhà nước Âu Lạc (cuối thời vua Hùng, đầu thời Thục An Dương Vương). Vậy thì huyền tích về thánh Chử Đồng Tử đã tiếp nhận Phật pháp từ sư Phật Quang rồi trên đường về qua trang Minh Liễn (Kiến Thụy) đã cải tử hoàn sinh con trai bà Đa không phải là không có cơ sở (nay ở thôn Cốc Liễn, xã Minh Tân, Kiến Thụy, Hải Phòng vẫn còn Đình Cốc Liễn thờ thần Đông Yên (Chử Đồng Tử). Tại đây hiện còn lưu giữ 20 đạo sắc phong từ đời Lê Thần Tông 1628 đến trước đời Khải Định (1916-1925).

Chứng tích rõ ràng nhất ghi nhận vai trò tiền tiêu của Đồ Sơn ở khu vực Đông bắc Đại Việt chính là tháp Tường Long do vua Lý Thánh Tông xây dựng trên đỉnh núi Ngọc (thuộc phường Vạn Xuyên, quận Đồ Sơn) để thờ Phật.

Đây là ngọn núi đầu tiên trong dãy núi Rồng thuộc bán đảo Đồ Sơn cao khoảng 168 m. Có giả thuyết cho rằng tháp Tường Long được xây chính trên nền móng cũ của tháp Asoka.

Khi đó đã trải qua hàng nghìn năm và Tháp Asoka đã đổ nát thì vua Lý Thánh Tông trong một giâc mơ, đã được Phật A Di Đà đưa tới đây và đọc cho hai câu kệ:

“Tường Long hiện Trung Hải

Lôi động khởi Phong Đăng .”

(Nghĩa là: Thấy rồng hiện giữa biển, sấm nổ mở ra sự hưng thịnh).

Tỉnh dậy, nhà Vua đã thân chinh ngự tới đây để cho phục dựng bảo tháp, mở ra

một thời kỳ thái bình thịnh trị với những chiến công phá Tống bình Chiêm hiển hách.

Sách Đại Việt sử lược – cuốn sử chính thống đầu tiên của nước ta từ thời nhà Trần chép:

“Năm Mậu Tuất niên hiệu Long Thụy thứ 5 (1058). Mùa thu tháng 9, vua ngự ra cửa biển Ba Lộ nhân đó ngự ra chỗ xây Tháp ở Đồ Sơn. Năm sau (1059) Vua Lý Thánh Tông thấy Rồng vàng hiện lên ở điện Trường Xuân, Vua ban cho Tháp này tên hiệu là Tường Long, ý muốn ghi lại điềm lành”. Như vậy thì nhiều khả năng tháp Tường Long được xây dựng vào năm 1058.

Tháp Tường Long ngoài y nghĩa tâm linh và vai trò quân sự còn mang ý nghĩa rất lớn về phong thủy.

Dưới cái nhìn phong thủy của các nhà địa lý học thì vị trí mà người xưa chọn để xây dựng Tháp Tường Long thật là vùng đất tụ sơn, tụ thủy. Bởi nếu không có vị trí đắc địa thì khi xưa các nhà truyền giáo do Vua ASoKa (A-Dục Vương) cử đến đây truyền đạo đã chẳng chọn nơi này để dựng tháp Asoka. Nên biết rằng các nhà truyền giáo Ấn Độ phần lớn đều là các bậc cao tăng uyên thâm về Phật Pháp, lại nắm vững các tri thức khoa học huyền bí của nền khoa học cổ đại Ấn Độ. Hơn nữa, các cao tăng đến vùng Đông Nam Á và Việt Nam truyền đạo lúc ấy đều thuộc hệ phái Phật giáo Mật Tông chủ chương dùng các phép tu hành bí mật để khai mở tâm thức con người dẫn đến sự giác ngộ nên chẳng phải ngẫu nhiên mà hai vị cao tăng Sona và Uttara lại cho dựng ngôi tháp ấy

Đồ Sơn gồm có mười ngọn núi (1 núi Mẹ; 9 núi con mà dân gian gọi là cửu long sơn). Núi mẹ (mẫu sơn) cao chừng 168 m so với mặt biển. Đỉnh núi này chính là nơi bảo tháp Asoka (A Dục Vương) được dựng vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên. Sau này, vào giữa thế kỷ XI vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng tháp Tường Long trên nền tháp cổ A-Dục Vương.

Nhìn trên bản đồ vệ tinh, chúng ta có thể thấy vị trí tháp Tường Long nằm khá cân đối ở khu vực thị xã Đồ Sơn. Nếu lấy hướng mặt nhìn ra biển Đông thì tay Long (rồng) của Tháp chính là khu vực bán đảo Đồ Sơn nơi có khu bãi tắm 3 và bến Nghiêng ra đảo Hòn Dáu. Tay Long này uốn khúc phình ra trên bờ biển và tưởng như kết thúc tại khu vực Casino – mỏm cuối của bán đảo, nhưng thực ra sau một đoạn chui ngầm dưới biển sâu nó lại cất cao đầu vươn lên tạo thành đảo Hòn Dáu linh thiêng với bao truyền kỳ huyền bí.

Đảo Dáu như thể vừa là Long đầu (đầu rồng) vừa là Án sa của tháp Tường Long. Tay Long này đặc biệt còn được tiếp thêm sinh lực của nhánh sông Lạch Tray khiến cho nó có đầy đủ sơn khí, thủy khí đem đến sự thịnh vượng cả nhân tài lẫn vật lực. Còn tay Hổ của Tháp Tường Long chính là con sông Văn Úc đổ ra cửa biển Văn Úc . Đây là một nhánh của hệ thống sông Thái Bình. Trước khi đổ ra cửa Văn Úc tại Đồ Sơn, sông Văn Úc đã hợp lưu và phân lưu với một số nhánh như sông Hương (có đoạn gọi là sông Rạng) nên nó có được một sự cân bằng rất tốt cho lưu lượng dòng chảy quanh năm. Nó chính là một nhánh tay Hổ khá tốt xét về mặt tổng thể. Tuy nhiên, như một sự trớ trêu của tạo hóa mà khi bắt đầu đoạn sông đổ ra cửa biền Đồ Sơn thì tay Hổ Văn Úc đang đi vào từ cung Tây Nam (Quẻ Khôn tượng trưng cho Đất – Mẹ) bỗng đổi hướng rẽ ngoặt xuống hướng Tây Bắc – cùng cung hướng với Tay Long tạo thành một thế rất xấu là phản cung Thủy và tạo nên thế Long Hổ vô tình, trở thành tay Hổ vô tình với Đồ Sơn, làm giảm đi đáng kể lượng nước đổ vào khu tiểu vịnh Đồ Sơn cũng đồng nghĩa là nguồn sinh khí giảm thiểu, lại thêm bị cái hại của thế phản cung Thủy thì vùng đất này tất khó tránh khỏi cái họa tiểu nhân và đàn bà (theo quan điểm tâm linh). Trái lại tay Hổ là sông Văn Úc này lại kết hợp với Tay Hổ là sông Lạch Tray ôm vòng tạo ra một vùng đất khá trù phú bên cạnh Đồ Sơn là huyện Tiên Lãng. Nhược điểm ở chỗ tay Hổ lại hơi có tư thế doãi ra, ngoảnh đi làm cho huyệt Long bị tán khí! Điều này ứng với “Thê thiếp, tiểu nhân – Người dưới lấn áp bề trên”. Và như thế huyệt này cũng không thành chân Long đích huyệt. Hiểu rõ điều này nên các vị cao tăng Ấn Độ xưa và Vua Lý Thánh Tông sau này đã cho dựng tháp để tụ khí mạch, tạo uy thế cho tay Long, áp chế tay Hổ, để giúp nơi đây thành một huyệt đất quý.

Nền móng của tháp Tường Long được phát hiện tình cờ vào cuối năm 1972 khi bộ đội, dân quân Đồ Sơn đào hào xây dựng trận địa phòng không chống máy bay Mỹ.

Khi đó các cán bộ của Bảo tàng Hải Phòng đã đến ghi chép, mang mẫu gạch móng về thẩm định. Cuối tháng 2 năm 1978, Viện khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Sở Văn hóa thông tin Hải Phòng tiến hành khai quật tháp Tường Long lần thứ nhất để tìm hiểu về kiến trúc thời Lý ở Hải Phòng.

Hai mươi năm sau, vào 1998 tháp được khai quật lại với mục đích giữ chân móng tháp làm “bảo tàng ngoài trời”, chuẩn bị cho phỏng dựng lại ngôi tháp cổ này ở gần với chân móng ngôi tháp cũ. Nhờ hai cuộc khai quật nền tháp, chúng ta đã có những hiểu biết cơ bản về kiến trúc, đề tài trang trí, chất liệu xây dựng của ngôi tháp…

Qua 2 cuộc khai quật, người ta thấy phát lộ 2 nền móng tháp giống nhau về cơ bản, chỉ khác nhau về kích thước. Phải chăng vào thời Lý người ta không chỉ xây một mà là 2 tháp, hay là tháp Tường Long được xây gần chân móng tháp Asoka cổ? Tất cả còn đợi câu trả lời của các cuộc khai quật nghiên cứu quy mô hơn.

Tháp Tường Long ngoài giá trị lịch sử, văn hóa – nghệ thuật và tâm linh còn có giá trị quân sự.

Sách “Đại Nam Nhất thống chí” triều Nguyễn chép: “Tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn huyện Nghi Dương cao 100 thước”. 1 thước ở thời Nguyễn (thước ta) bằng 0,425 mét, suy ra tháp Tường Long phải cao hơn 40 m. Với triều cao ấy, lại ở trên đỉnh núi cao 168 m thì tháp không chỉ là biểu tượng sùng Phật của một vị minh quân triều Lý mà còn trở thành một đài quan sát bờ biển, cảnh báo kẻ thù xâm phạm từ xa.

Tháp Tường Long có thể còn nắm trong hệ thống “phong hỏa đài”, ban ngày người ta có thể dùng khói, ban đêm đốt lửa  báo hiệu cho các trạm thông tin kế tiếp truyền báo về kinh đô trong điều kiện thông tin liên lạc đơn sơ ngày xưa. Đài quan sát này cũng đồng thời được coi như một vọng gác tiền tiêu bảo vệ vùng ven biển Đông Bắc Tổ quốc ta thời bấy giờ.

Có thể nói, tháp Tường Long là tháp cao thứ hai (sau tháp Báo Thiên ở Thăng Long cao 70 m) trong hệ thống các tháp chùa được xây dựng dưới thời nhà Lý.

Năm Gia Long thứ 3 (1804), tháp Tường Long bị phá vỡ, lấy gạch xây thành trấn Hải Dương theo chủ trủ trương của ông vua đầu triều Nguyễn. Thật không bình thường khi phải phá đi một ngọn tháp nói lớn thì cũng không sai, nhưng để xây một tòa thành thì vật liệu của nó thật chẳng thấm tháp gì, lại thêm sự vận chuyển xa xôi, khó khăn ?

Có thể nói, ở đây việc phá tháp nằm trong mục đích phá thế phong thủy của Đồ Sơn đất nghịch (theo chủ trương của các ông vua luôn lo sợ mất ngai vàng). Họ cho phá hết những gì đe dọa sự trường tồn của triều đại mình. Thêm nữa bài học Mạc Đăng Dung phản nhà Lê, Phan Bá Vành, Nguyễn Hữu Cầu khởi nghĩa chống triều đình Lê-Trịnh còn nóng hổi thì việc phá hoại Tháp Tường Long chắc chắn nằm trong âm mưu thay đổi thế phong thủy có hại cho triều đình. Chuỗi sự kiện này còn kéo dài tới tận đời vua Minh Mạng như phá Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An) của vua Quang Trung, phá Thành Hà Nội để xóa bỏ sinh khí của một đất đế đô trên 700 năm lịch sử với rất nhiều các bậc hiền tài vốn là nguyên khí quốc gia.

Trong bài viết của mình, tác giả – kiến trúc sư Ngô Huy Giao còn điểm số phận bi thảm của tháp Tường Long như sau:

“Tháp có 12 tầng. Năm 1288 bị sét đánh đổ ngọn. Năm 1322 lại bị sét đánh sạt 2 tầng trên. Năm 1426, giặc Minh phá tháp lấy đồng làm vũ khí. Năm 1791 triều đình Lê phá tháp lấy gạch tu bổ thành Thăng Long”.

Đến thời Pháp đô hộ, chính quyền thực dân đã đào xới tháp, lấy đi nhiều bảo vật bằng đá, đồng và chặt đầu tượng Phật Adi Đà mang về Pháp.

Với sự phá hoại như vậy, một kỳ quan văn hóa nay chỉ còn sót lại chút tàn tích khiến chúng ta không khỏi xót xa. Vậy nên việc nghiên cứu, phỏng dựng lại tháp Tường Long không chỉ là yêu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa của cha ông mà còn nhằm mục đích hội tụ khí thiêng sông núi của phong thủy Đồ Sơn như đã trình bày ở trên.

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa – Thông tin về việc hưởng ứng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2008 Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố Hải Phòng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng  quần thể di tích lịch sử tháp Tường Long tại quyết định số: 920/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư là 179 tỷ, 700 triệu đồng. UBND thành phố Hải phòng đã giao UBND quận Đồ Sơn làm chủ đầu tư công trình. Với quy mô của dự án, đây sẽ là một công trình kiến trúc phật giáo lớn nhất vùng Duyên hải Bắc bộ nằm trong tuyến du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn – Cát Bà – Vịnh Hạ Long. Công trình này không những góp phần tích cực vào việc bảo vệ, lưu giữ những giá trị lịch sử văn hoá dân tộc mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển Hải Phòng nói riêng và đất nước nói chung.

Theo Đề án thiết kế, tòa tháp được xây mới theo dạng phỏng dựng cao 36,09 m, gồm 13 tầng, bên cạnh nền móng tháp cũ. Chân tháp hình vuông có kích thước 25,86 m x 25,86 m, được tổ chức 4 lối lên xuống đăng đối nhau, bên trong là tượng A-Di-Đà ngồi trên tòa sen bằng đá, vốn đầu tư 17,4 tỷ đồng.

Tòa tháp này chỉ được phỏng dựng thay vì phục dựng bởi những dấu tích tháp cũ còn sót lại rất ít, chủ yếu là nền móng trong khi không có tài liệu nào ghi chép về kiến trúc của tháp này.

Cùng với việc phỏng dựng lại tháp Tường Long, Dự án còn bao gồm các hạng mục như xây dựng nhà che hố khảo cổ- nơi tìm thấy dấu tích tháp Tường Long; nhà che bia và tôn tạo chùa Tháp. Tổng vốn đầu tư của dự án là 179,7 tỷ đồng, trong đó riêng vốn để tôn tạo chùa Tháp (80 tỷ đồng) hoàn toàn được huy động từ xã hội hóa. Công trình này đã và đang được tiến hành. Dự kiến dự án án này sẽ hoàn thành vào năm 2015 và khu di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia này sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

(1) “NêLê” theo tiếng Phạn của Ấn Độ cổ nghĩa là “bùn đen”.

(2) Đô thị Luy Lâu nằm giữa khu vực giao nhau giữa Sông Dâu và Sông Đuống thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Luy Lâu thời Bắc thuộc là trung tâm chính trị – kinh tế – thương mại, trung tâm văn hóa – tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam.

Phạm Văn Thi

(CLB Hải Phòng học)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học