Thành phố Hoa Phượng Đỏ vào mùa xuân mới (tùy bút).

       Năm Tân Sửu 2021 sắp đi qua, năm Nhâm Dần 2022 sắp tới với những hy vọng và lo lắng song hành.
       Năm 2021 là một năm dịch covid hoành hành với những hậu quả nặng nề trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tê-xã hội thế giới. Thành phố Hải Phòng được coi là địa phương có số ca lây nhiễm covid thấp nhất cả nước. Trong đại dịch, Hải Phòng là địa phương duy nhất trong cả nước không phải thực hiện giãn cách xã hội. Đây là thành tích từng được Chính phủ biểu dương.
       Từ đầu năm đến nay, thành phố Hải Phòng đã tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ “kép” là phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội. Nhưng lo lắng phát sinh bởi dự báo dịch bệnh covid tiếp tục có diễn biến phức tạp với tốc độ lây lan nhanh trong lần bùng phát thứ 5 vào tháng cuối cùng của năm Tân Sửu. Giờ đây, Hải Phòng bắt đầu có số người nhiễm vi rút corona tăng nhiều dần với những ổ dịch tiềm ẩn nguy cơ cao trên địa bàn. Những thành quả phòng chống dịch covid của cả hệ thống chính trị Thành phố từ trước tới nay liệu có duy trì được không trong hoàn cảnh xã hội thích ứng linh hoạt, an toàn mới (sống chung với dịch)?; Liệu tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số (cao nhất cả nước – hơn 10%) của thành phố ta có duy trì được không khi dịch bệnh tiếp tục có những diến biến khó lường, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tê-xã hội thành phố?
       Tôi cứ lẩn thẩn với niềm tin tâm linh rằng Thành hoàng Hải Phòng – thánh Mẫu Lê Chân cùng các vị nhân thần linh thiêng đang trấn giữ nơi cửa biển, nơi đầu sóng ngọn gió sẽ tiếp tục giúp xua đi những bão tố, tai ương, giảm thiểu tai họa do dịch bệnh, mưa lũ để bảo vệ những con dân của mảnh đất này như trong thời gian vừa qua. Vẫn biết rằng họa – phúc khó lường, trời cao định đoạt những biến cố thiên nhiên. Nhưng như lời Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Du từng nói “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, con người có thể thắng được trời nếu có quyết tâm và bản lĩnh cao cường. Hy vọng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt với các biện pháp phù hợp của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, dịch bệnh sẽ dần được đẩy lùi, cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường, giải tỏa những lo lắng, ưu phiền của chúng ta. Hoạt động kinh tế – xã hội Hải Phòng hy vọng sẽ tiếp tục có bước tăng trưởng mới nhất là khi Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố (thực hiện trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 01/01/2022). Hy vọng đây sẽ là công cụ pháp luật quan trọng để thành phố chúng ta phát triển bứt phá, để con tàu quê hương tiến ra biển lớn, hòa nhập cùng thế giới.
       Để Hải Phòng xứng đáng là thành Thành phố đô thị Loại I Trung tâm cấp quốc gia, cực tăng trưởng trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và trở thành động lực trong phát triển kinh tế khu vực Bắc bộ thì Bộ Chính trị BCH TW Đảng đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề gồm Nghị quyết 32 năm 2015 và Nghị quyết 45 năm 2019. Cả 2 nghị quyết đều định hướng cho Hải Phòng nghiên cứu thực hiện một số cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù nhưng phải đến Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa rồi (bế mạc ngày 13/11/2021) định hướng trên mới được hiện thực hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội thông qua là Nghị quyết số 42/2021/QH15, trong đó có một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, tạo ưu đãi, thuận lợi cho các địa phương xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.
       Những con dân Hải Phòng đang hết sức vui mừng, phấn khởi khi Quốc hội đánh giá cao tầm quan trọng của sự phát triển thành phố đối với khu vực Bắc bộ và cả nước mà dành cho Hải Phòng cơ chế đặc thù nói trên.
       Nhìn lại thời gian qua, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội thành phố mà Hải Phòng vẫn có bước phát triển đáng mừng:
       Về tăng trưởng kinh tế, thành phố dẫn đầu các địa phương trong cả nước:
       Tổng sản phẩm trên địa bàn 9 tháng năm 2021 ước tăng 12,28% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 11,39% của 9 tháng năm 2020 và thấp hơn mức tăng 16,42% của năm 2019), gấp 8,65 lần cả nước (1,42%).
       Hoạt động tài chính, ngân hàng:
       Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 9 tháng năm 2021 ước đạt 67.019,3 tỷ đồng (bằng 120,6% so với cùng kỳ năm trước); Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2021 ước đạt đạt 16.174,6 tỷ đồng (bằng 111,7% so với cùng kỳ năm trước); Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2021 ước đạt 16.174,6 tỷ đồng (bằng 111,7% so với cùng kỳ năm trước).
       Hoạt động đầu tư: Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 9 tháng năm 2021 ước đạt 118.824,8 tỷ đồng (tăng so với cùng kỳ 1,38%), trong đó: khu vực nhà nước ước đạt 10.144,7 tỷ đồng (tăng 0,89% so với cùng kỳ); khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 65.150,3 tỷ đồng (giảm 12,29% so với cùng kỳ); khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 43.529,8 tỷ đồng (tăng 32,44%) so với cùng kỳ.
       9 tháng đầu năm 2021, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố vẫn đạt 2.849,47 triệu USD, gấp 3,25 lần so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 113,97% kế hoạch) và cao nhất cả nước.
       Sản xuất công nghiệp: Tính chung 9 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 19,68% so với cùng kỳ năm trước.
       Thương mại, dịch vụ: Tuy khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế thành phố vẫn đạt mức cao so với bình quân chung cả nước.Cộng dồn 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 112.070,7 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cùng kỳ năm trước, bằng 69,78% kế hoạch (kế hoạch năm 2021 đạt 160.608 tỷ đồng); Sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố uớc tính 9 tháng đầu năm 2021 đạt 106.318 nghìn tấn (tăng 8,03% so với cùng kỳ năm 2020).
       Kim ngạch xuất khẩu: Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18.537,6 triệu USD (tăng 25,52% so với cùng kỳ), trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 15.987,8 triệu USD (tăng 22,54% so với cùng kỳ).
       Kim ngạch nhập khẩu: Tính chung 9 tháng đầu năm năm 2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18.236,1 triệu USD (tăng 26,61% so với cùng kỳ), trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 14.737,2 triệu USD (tăng 24,92% so với cùng kỳ).
       Từ con số trên có thể thấy trong hoạt động xuất-nhập khẩu các doanh nghiệp nước ngoài có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Hải Phòng. Trong thời kỳ dịch bệnh covid hoành hành, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu mà Hải Phòng vẫn là địa phương mà các doanh nghiệp FDI đạt mức độ xuất – nhập khẩu tăng 22-24% so với cùng kỳ năm 2020 thì quả là đáng ngạc nhiên.
       Những năm gần đây, Hải Phòng đều đứng trong tốp đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung tăng cường đầu tư, đã khởi công nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, công tác an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
       Vẫn biết Hải Phòng được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặt nhiều hy vọng vào vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nói riêng, cả nước nói chung, nhưng để thực hiện mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và đứng vào hàng các thành phố văn minh, hiện đại của châu Á vào năm 2045 thì thách thức đặt ra đối với Đảng bộ, quân và dân thành phố là không hề nhỏ.
       Bên cạnh cơ hội, thuận lợi, vị trí và tiềm năng, Hải Phòng còn một số khó khăn, thách thức trong việc thực hiện tổ chức thành công Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị: việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để duy trì nhịp độ tăng trưởng cao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đạt khoảng 118.000 tỷ đồng, mới đạt 58,25% kế hoạch năm (204.000 tỷ đồng). Đây là thách thức rất lớn để thành phố Hải Phòng đạt mục tiêu hơn 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trong giai đoạn 5 năm tới.
       Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã xác định rõ tầm quan trọng, giải pháp để xây dựng thành phố là tập trung cao cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố đạt kết quả tốt, đã có 48 cây cầu được hoàn thành đưa vào sử dụng, qua đó tạo động lực phát triển, mở rộng không gian đô thị, vì vậy đã thu hút được nhiều đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ có 60 cây cầu được hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm nâng cao năng lực giao thông, mở rộng kết nối vùng để phát triển kinh tế-xã hội thành phố nói riêng và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ nói chung.
       Nhiệm kỳ 2020 – 2025, thành phố sẽ tiếp tục tập trung cao cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cải tạo – chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
       Cuối năm 2021, thành phố sẽ khởi công tuyến đường vành đai 2, khi đó không gian đô thị thành phố sẽ được mở rộng, tạo quỹ đất lớn và sẽ cố gắng thông qua chủ trương đầu tư vành đai 3, từ Lập Lễ về Lưu Kiếm huyện Thủy Nguyên (hoàn thành trong nhiệm kỳ 2020 – 2025). Đồng thời, trên cơ sở ưu tiên tập trung vành đai 2, vành đai 3 thì triển khai đồng loạt các cầu kết nối giữa thành phố Hải Phòng với các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình. Các cây cầu kết nối quận huyện với quận huyện sẽ được lập kế hoạch, để phân tích thứ tự xây dựng cầu nào trước, cầu nào sau. Đối với các cây cầu kết nối xã – thôn với nhau thì thành phố phân cấp cho các quận huyện chủ trương đầu tư. Theo quan điểm của lãnh đạo thành phố, đầu tư cho đường vành đai 2 là quyết định, do đó phải tập trung cao; tất cả các công trình khởi công trong năm 2020 thì trong năm 2021 phải hoàn thành và tiếp tục khởi công các công trình tiếp theo. Đó là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố và lãnh đạo địa phương.
       Năm 2021, TP Hải Phòng lấy chủ đề “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị – xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Một trong những nhiệm vụ của chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị là xây dựng hệ thống công viên, cây xanh, cải tạo lại vỉa hè tại các phố chính. Đến nay 6 tuyến đường: Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng, Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Hưng Đạo, Quang Trung đã và đang được khẩn trương chỉnh trang, cải tạo (dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2021). Vỉa hè các tuyến phố trong dự án cải tạo lần này có sự thay đổi lớn, đó là hạ ngầm hầu hết công trình điện và điện chiếu sáng. Các tuyến đường sẽ hạ ngầm toàn bộ từ các trạm biến áp đến các tủ phân phối hạ thế lắp đặt công-tơ. Trên tuyến phố Hoàng Văn Thụ sẽ lắp mới các tủ điện phân phối chứa công-tơ cấp nguồn cho các hộ phụ tải; tháo chuyển toàn bộ hòm công-tơ chuyển sang lưới điện 0,4kV, xây dựng mới và đấu nối lại dây ra công-tơ cấp điện cho từng hộ dân. Phần chiếu sáng cách 30 – 35m có 1 cột lắp đèn Led 100 – 200W. Các tuyến đường còn lại, bên cạnh hệ thống trạm biến áp có đường dây được hạ ngầm từ trước, đợt này, đường dây trung thế và hạ thế cũng được hạ ngầm.
       Như vậy, sau khi hoàn thành dự án cải tạo, các tuyến phố sẽ có vỉa hè đẹp như phố Tam Bạc, không còn các công trình nổi, cảnh quan khu vực đẹp hơn trước, người dân sẽ đi lại thuận lợi hơn. Đặc biệt, hệ thống thoát nước từ các nhà dân ra hệ thống thoát nước chung của Thành phố tốt hơn.
       Phong trào vận động xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp ở nhiều xã nông thôn (có nơi đã về đích) và đang triển khai tiếp ở các địa phương làm tốt đã và đang tạo nên một diện mạo mới ở nhiều làng quê thanh bình. Đường làng, ngõ xóm lầy lội, bẩn thỉu xưa đã thay bằng đường bê tông phong quang, sạch sẽ, đèn chiếu sáng trưng. Hệ thống giao thông nội đồng bằng bê tông ra tận ruộng giờ đây thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển và máy móc canh tác. Mương máng cũng được bê tông hóa giúp cho mùa màng bội thu hơn. Có lẽ trong phong trào bê tông hóa đường làng, ngõ xóm ở nông thôn và thành phố không tỉnh nào bằng Hải Phòng khi thành phố hỗ trợ xi măng toàn diện cho dân. Mạng lưới truyền tải điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, trạm điện đã góp phần quan trọng làm thay đổi lớn cuộc sống của những người dân nông thôn vất vả, nghèo đói xưa. Nông nghiệp và nông thôn nhờ vậy có bước phát triển tươi sáng hơn.
       Trong Thông báo số 316/TB-VPCP ngày 22/11/2021, kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu thành phố Hải Phòng cần bám sát và tổ chức triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
       Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà Thành phố phải thực hiện là:
       Về công nghiệp, thành phố Hải Phòng cần tập trung mở rộng các khu, cụm công nghiệp, tăng cường quản lý khu công nghiệp, khắc phục các vi phạm trật tự xây dựng. Các khu công nghiệp đạt tiêu chí văn minh, hiện đại, thu hút công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao.
       Về du lịch, Hải Phòng phải trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, khu vực và quốc tế, trong đó, xây dựng phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế; đầu tư nâng cấp dự án Kinh doanh du lịch quốc tế Hải Phòng (gắn với việc kinh doanh Casino) tại khu 3 quận Đồ Sơn với quy mô trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm 5 sao; chú trọng phát triển du lịch sinh thái.
       Về cảng biển, cần đẩy mạnh rà soát quy hoạch, thực hiện di dời, sắp xếp lại các bến cảng cũ, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực để đẩy nhanh đầu tư mới các khu, cụm cảng, bến cảng, đặc biệt là cảng tổng hợp quốc tế Nam Đồ Sơn theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.
       Về phát triển hạ tầng giao thông và mở rộng không gian đô thị, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng đang triển khai như cầu Bến Rừng, cầu Nguyễn Trãi, cầu Lại Xuân, mở rộng Quốc lộ 10, Quốc lộ 37, đường vành đai 2 Thành phố. Nghiên cứu triển khai tuyến đường cao tốc Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định-Ninh Bình (đoạn qua thành phố Hải Phòng); khẩn trương khởi công Nhà ga hành khách số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi….
       Phó Thủ tướng Lê Văn Thành được Chính phủ phân phụ trách: Công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn; thương mại-xuất nhập khẩu; xây dựng; giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường; các công trình trọng điểm quốc gia; các dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo phân cấp của pháp luật; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất…
       Là người con Hải Phòng, trưởng thành từ ngành sản xuất công nghiệp, từng nhiều năm lãnh đạo thành phố, nắm vững tình hình Hải Phòng hy vọng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sẽ có sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo chính xác nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương và với thẩm quyền phụ trách lĩnh vực được phân công cũng sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Hải Phòng cất cánh bay cao.
       Chúng ta cũng tin rằng, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Trung ương và địa phương, với cơ chế chính sách đặc thù mà Hải Phòng được hưởng, cộng với nỗ lực và quyết tâm, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ thực hiện được mục tiêu phấn đấu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
       Một mùa xuân mới lại sắp đến trên thành phố Cảng thân yêu, tôi thầm mong dịch covid sẽ bị đẩy lùi vào giữa năm 2022 như lời tiên tri của thần đồng Ấn Độ Abhigya Anand để nhân dân Hải Phòng sẽ có những tháng ngày bình yên, hạnh phúc.
       Hẳn mọi người cũng đồng ý với tôi là: với truyền thống Trung dũng, Quyết thắng vốn có, luôn đi đầu trong đổi mới – phát triển, thành phố Hoa Phượng Đỏ sẽ thực hiện được kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và Đảng bộ Thành phố đặt ra, nhân dân Hải Phòng sẽ được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp trong xây dựng và phát triển thành phố quê hương.

       (Nguồn: Thành phố Hoa Phượng Đỏ vào mùa xuân mới/ Thi Văn/Bản tin Khoa học & Kinh tế HP xuân Nhâm Dần. – Số 06, tháng 1/2022; Tr. 33-36).

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học