Thần đồng Đào Dĩnh Đạt (Đào Công Chính).

Bàn thờ danh nhân Đào Công Chính tại từ đường họ Đào Công ở thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo.

Đào Dĩnh Đạt sinh năm 1639, người làng Cõi Am (nay là Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).

Mới lên năm tuổi Đào Dĩnh Đạt đã được đi học và học rất chăm chỉ. Học hết chữ thầy trong làng, nghe tin làng Đông Cát (nay là Đông Am, xã Tam Cường), có thầy Kỳ Đồng là người văn hay chữ tốt, bố mẹ Đào Dĩnh Đạt sang gặp thầy và xin cho được theo học. Ngoài thời gian học tập Đào Dĩnh Đạt còn mò cua, bắt cá giúp đỡ cha mẹ. Thấy trò học giỏi, có trí nhớ, thầy Kỳ Đồng nghi hoặc, rồi bày cách thử trò Đào Dĩnh Đạt. Một hôm thầy đưa tiền bảo Đào Dĩnh Đạt đi mua giúp thầy cuốn Lịch hội. Đào Dĩnh Đạt nhận tiền rồi ra về. Sau đó đem số tiền đó chia làm bốn phần: một mua quà sáng, một cho người già, một mua giấy, một đem trả thầy.

Trước khi trả tiền thầy, Đào Dĩnh Đạt nói: “Thưa thầy Lịch hội năm nay in xấu quá, con đọc và đã mua giấy và ghi lại, con xin nộp lại thầy” (cuốn Lịch hội xưa ghi nhiều sự kiện, trong đó có dự báo thời tiết, ngày, tháng tốt xấu của 60 năm đâu phải là mỏng, nhưng Đào Dĩnh Đạt đã ghi lại đầy đủ qua trí nhớ). Thầy Kỳ Đồng xem rồi đối chiếu không sai một chữ. Bởi trong tay thầy đã có cuốn Lịch hội mua trước đó.

Tại làng Cõi (làng Cõi Am) lưu truyền một giai thoại: Thuở xa xưa có một thầy địa lý tài hoa bên Trung Quốc nghe nói là môn đệ của ông Tả Ao, đến làng Cõi dùng thuật phong thủy tìm long mạch chọn hướng đình. Dân làng Cõi rất tin, lập đàn để thầy yểm đảo, dận mạch. Lễ xong thầy nói: “Nhất định làng Cõi sẽ phát” rồi trồng một khóm trúc để làm cảnh, thầy nói: Sau này linh nghiệm như lời, xin được chẻ trúc xâu tiền công, tiền thưởng của làng.

Thời gian qua đi, dân làng Cõi ngày một an cư lạc nghiệp. Một hôm có người đến làng Cõi tự xưng là hậu duệ của thầy địa lý chọn hướng đình thuở trước. Ông này đi xem xét lại cảnh vật, chủ tâm là tìm khóm trúc xưa. Thấy không có mảy may dấu tích, thầy địa lý nọ bèn xin làng đặt lễ để dận mạch tiếp làm cho dân làng thịnh vượng hơn (thực chất là muốn phá long mạch vì biết rằng không còn dấu tích gì để thu được khoản tiền lớn hơn khi Di trúc tổ tiên để lại). Sau khi đặt lễ thầy liền khấn: “Kính thỉnh thần Long Mạch/Lời nguyền trấn địa trạch/Dân làng Cõi từ đây/Trai lọc nước lấy cái/ Gái lá phải lá trái”

Đào Dĩnh Đạt đang cùng mấy bạn nô đùa, thấy thề liền nấp vào bên khóm tre gần đó nghe ngóng. Thấy thầy địa lý vừa khấn xong, rồi đi ra phía ngoài. Đào Dĩnh Đạt lại tiến lại gần và đặt hai bàn chân nhỏ bé đúng lốt chân thầy địa lý, rồi xoay hướng trở lại như cũ. Đào Dĩnh Đạt quì xuống khấn: “Kính xin Long thần soi xét lại/ Địa linh nhân kiệt đời đời…”

Từ đó làng Cõi có nghề ươm cá giống và  nghề dệt vải. Biết được việc làm của Đào Dĩnh Đạt, dân làng ai cũng khen ngợi. Năm mười ba tuổi Đào Dĩnh Đạt đổi tên là Đào Công Chính, đi thi Hương đỗ Hương cống. Thời gian này dân gian có câu “Ông Cõi mười ba, Thanh Hà mưới bốn” ý nói cùng khoa thi, ở làng Cõi có ông đỗ Hương cống ở tuổi mười ba, ở Thanh Hóa có ông đỗ Hương cống ở tuổi mười bốn.

Sau đó Đào Công Chính lại miệt mài kinh sử. Năm 1661 đi thi Hội rồi thi Đình đỗ Bảng nhãn khi mới hai mươi ba tuổi, thuộc lớp người trẻ tuổi đỗ đạt cao trong Bảng nhãn nước nhà.

       (Nguồn: Thần đồng Đào Dĩnh Đạt/Quang Đạo//Tạp chí Cửa Biển. – số 137, tháng 8 năm 2013, tr.47- 48). PV. Thi giới thiệu, minh họa ảnh.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học