
Một kiểu bàn thờ gia tiên.
Mang đặc tính của cư dân nông nghiệp cả tin, dễ chấp nhận mọi tín ngưỡng phù hợp với suy nghĩ giản đơn của mình để nương tựa về mặt tinh thần nhằm giải quyết những trắc trở, khó khăn trong cuộc sống nên người Việt theo đa thần giáo, trong gia đình người ta thường thờ phụng nhiều vị thần. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” người ta cũng thờ tổ tiên, cụ kỵ, ông – bà, cha- mẹ (gọi tắt là tổ tiên). Bên cạnh việc thờ tổ tiên, thờ Phật, thờ Mẫu người ta còn thờ bà Cô, ông Mãnh là những người thân thích chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng.
Ở một số gia đình, vị trí bàn thờ được sắp xếp theo quy định, ví dụ thờ thần Tài ở góc nhà, thờ Tiền chủ ở bàn thờ đặt ngoài sân, thờ bà Cô, ông Mãnh ở cạnh, thấp hơn bàn thờ tổ tiên…. Các vị thần được thờ tại gia đều có ban thờ riêng, bàn thờ tổ tiên (bàn thờ gian tiên) không được sắp xếp ngang hàng với họ. Thông thường ban thờ được đặt cao ở vị trí trang trọng nhất, gian chính giữa của nhà trên. Việc bài trí bàn thờ gia tiên thường không giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhìn chung bàn thờ gia tiên nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu sau: bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, mâm đựng hoa quả….
Các gia đình bình dân, đồ thờ thường được làm bằng gỗ hoặc sành sứ, còn các gia đình giàu có thế nào cũng có đồ thờ tự bằng đồng, bằng bạc. Bàn thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng phức tạp hơn chi thứ, gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ cũng đơn giản hơn con trưởng.
Xưa kia, với trách nhiệm thờ phụng nhiều đời: cao, tằng, tổ, khảo, bàn thờ các gia đình chi trưởng, ngành trưởng có đặt các tấm thần chủ được làm bằng gỗ táo (với ý nghĩa cây táo sống nghìn năm) ghi rõ tên tuổi các vị tổ. Trên bàn thờ ở các từ đường dòng họ còn có bài vị Thủy tổ của họ, bài vị có sự chuyển dịch. Khi thờ cúng đến đời thứ năm thì thần chủ của đời này được đem chôn, vì thế mới có câu “Ngũ đại mai thần chủ”. Các thần chủ đời sau được chuyển lên bậc trên, và tấm thần chủ của ông mới nhất được thay vào vị trí “khảo”. Ở các gia đình chi thứ, ngành thứ, các vị tổ đời thứ tư, thứ ba chỉ được thờ vọng, mà chủ yếu thờ hai đời gần nhất (ông bà, cha mẹ).
Trong phong tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam người ta cúng bái người đã khuất vào ngày mất (tính theo Âm lịch) hoặc trong những dịp sóc vọng (ngày rằm, mùng Một), giỗ, Tết, Nguyên tiêu, Hàn thực, Trung thu…và không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Đây không phải là tôn giáo mà là do lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng rất quan trọng, không thể thiếu trong phong tục Việt Nam và là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử…, người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ niềm tin người sống và người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.
Trong việc thờ cúng nói chung (cả tôn giáo và tín ngưỡng dân gian) của người Việt thì văn tự khấn vái hay nghi lễ đều chịu nhiều ảnh hưởng của nền nho học.
Thời Mạc ngày càng có nhiều nho sĩ trí thức trở về sống ở làng xã. Các nho sĩ đã tham gia vào mọi hoạt động của địa phương như công đức xây dựng, tu bổ các công trình tôn giáo, cũng như các hoạt động tín ngưỡng và văn hóa mà văn bia đã phản ánh khá cụ thể. Ngoài ra, họ còn trực tiếp tham gia vào việc quản lí làng xã, bởi họ là những “quan viên” trong hội đồng kì mục của làng xã. Các vị này thường được ghi trong văn bia từ thế kỉ XV-XVI về sau là “Quan viên, hương lão, xã thôn trưởng cự tiểu đẳng…”. Cùng với tầng lớp Nho học khác như người nghỉ hưu, người chưa đỗ đạt, hoặc những ông đồ, thầy lang, thầy cúng…, họ góp phần tạo dựng lên một tầng lớp trí thức ở địa phương, kéo theo các lễ nghi, tập tục sinh hoạt theo điển lệ Nho gia.
Như vậy, trong thời kì nhà Mạc, phần lớn các hoạt động của Nho sĩ gắn với hoạt động làng xã, gắn với sinh hoạt dân gian hơn là ở đô thị. Mỗi làng xã có một hội đồng chức sắc và hội đồng kì mục điều hành, quản lí mọi công việc, từ thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước đến việc duy trì các tập tục, kỉ cương đạo đức. Chức trách những người này được quy định theo luật lệ thời Lê Mạc “là những gân guốc của xóm làng, nhờ đó mà chính được phong tục. Vậy phải lấy lễ, nghĩa, liêm sỉ để dạy dân…”(Hồng Đức thiện chính, tr.53). Thực tế mọi tập tục của làng xã đều được duy trì và chấn chỉnh, song chấn chỉnh theo điển lệ của Nho gia. Đó là sự chấn chỉnh mọi phép tắc, lễ nghi từ dòng họ tới làng xã và cả việc thờ phụng chung của làng xã.
Các dòng họ, các gia đình, nhất là những tộc họ lớn, thường lập gia phả, xây nhà từ đường, định điều lệ thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt là những phép tắc nhằm giáo dục, răn dạy mọi thành viên trong gia đình, nhất là con cháu. Các phép tắc này được soạn thành những câu ca, nên gọi là Gia huấn ca. Hiện nay chúng ta biết tới sách Bảo kính cảnh giới mà tác giả được cho là Nguyễn Trãi (1380-1442), có thể coi là bản gia huấn có niên đại sớm nhất, cùng một số bản Gia huấn khác như Ngô công huấn tử văn của Ngô Duy Viên (1527-?) biên soạn dưới thời Mạc, cùng Đạt gia huấn của Hồ Phi Tích (1675-1744) và Hành tham quan gia huấn của Bùi Huy Bích (1744-1826). Những bản gia huấn nhằm dăn dạy con cháu phải biết giữ gìn gia phong của tộc họ, tuân thủ lễ nghĩa, đạo đức và quan hệ trên dưới, “trong họ ngoài làng”.
Mặt khác để giữ gìn gia phong, các gia đình đều có phép tắc riêng, bắt nguồn từ “Gia lễ”, tác phẩm kinh điển của Nho gia, mà soạn thành các sách gia lễ mà cuốn Hồ Thượng thư gia lễ của họ Hồ (do Hồ Sĩ Dương biên soạn vào thế kỉ XVII) là tiêu biểu nhất. Gia lễ quy định lễ nghi, ứng xử trong gia đình dựa trên khuôn phép đạo đức của Nho gia, nhất là đạo “tứ đức, tam tòng”.
Từ trong gia đình mọi nề nếp gia phong, điều lệ được các Nho gia châm chước điển lệ Nho giáo mà cụ thể hóa và gọt giũa nhằm răn dạy, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong làng xóm, các Nho gia cũng là người văn bản hóa các tập tục, quy ước để định hình thành lệ làng, đồng thời còn tham gia văn bản hóa lai lịch sự tích Thần làng (Thành Hoàng làng). Những hoạt động này được phổ biến rộng rãi hơn cả là từ thế kỉ XV, XVI. Vì vậy nho sĩ có vai trò rất lớn trong các hoạt động tín ngưỡng và văn hóa xã hội làng xã thời kì này.
Chính vì thế mà từ trong gia đình tới làng xã đều ảnh hưởng sâu sắc khuôn phép Nho gia về tư tưởng trưởng quyền, tộc quyền, phụ quyền và nam quyền. Ngay cả những làng được vua ban biển “Mĩ tục khả phong”(có phong tục đẹp) như làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, Kiến Thụy) cũng là theo tiêu chí mĩ tục của Nho gia.
Thực tế cho thấy, những làng xã có nhiều dòng họ lớn, có nhiều người đỗ đạt như làng Mộ Trạch chẳng hạn, thì làng đó có nhiều tập tục tốt đẹp, nhiều truyền thống quý giá trong các hoạt động văn hóa, cũng như tín ngưỡng. Có được những hoạt động văn hóa truyền thống đó là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của các nho sĩ ở địa phương. Trái lại chính ở đây họ trở thành lớp người có địa vị xã hội và có thế lực cả về kinh tế lẫn chính trị, chi phối các hoạt động nơi làng xã cả mặt tích cực lẫn hạn chế bảo thủ.
Từ thế kỉ XVI, xã trở thành đơn vị hành chính cơ sở, khiến cho làng xã ngày càng được tăng cường quyền lực, đồng thời ngày càng được phát triển và mang sắc thái riêng của mình. Đặc biệt là từ thế kỉ XVI, với sự chấn hưng Phật giáo thì ngoài ngôi chùa Phật ở làng quê còn xuất hiện ngôi đình làng, cũng như sự mở rộng tín ngưỡng Thành hoàng, khiến cho các hoạt động văn hóa xã hội nơi làng xã ngày càng trở nên khép kín với các “lệ làng” có nhiều khác biệt, thậm chí cả đối lập với “phép nước” (phép vua thua lệ làng). Một loại thiết chế tín ngưỡng mới xuất hiện trong thời kỳ nhà Mạc là đình. Đình là nơi diễn ra”việc cúng lễ để cầu dân an, vật thịnh” cho làng vào dịp đầu năm. Việc cúng lễ này tương tự như lễ tế trời đất hàng năm của vua, nhưng trong phạm vi địa phương. Tế ở đình khác với đàn tế trời của vua ở nghi thức rước bài vị thần, một loại tín ngưỡng dân gian phổ biến ở Việt Nam. Khi chưa có đình, bài vị thần được thờ ở miếu, từ khi đình xuất hiện, thần được chuyển từ miếu vào đình để thờ. Nhờ đó, đình trở thành nơi hội tụ sức mạnh tâm linh, tinh thần của làng.
Hiện tượng thoáng mở, khoan dung là một nét nổi bật trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng thời nhà Mạc. Ngoài việc 3 tôn giáo Nho – Phật – Đạo chung sống hoà bình và hoà nhập cùng nhau (Tam giáo đồng nguyên), các tín ngưỡng dân gian truyền thống như thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, thờ Tứ phủ cũng có điều kiện phát triển.
Có thể coi thời Mạc là thời kỳ hưng thịnh nhất của Đạo giáo Việt Nam khi nhiều đạo quán được xây dựng dưới thời này và nhiều quý tộc nhà Mạc cũng tham gia tu Đạo. Trong thời kì này chúng ta hiện biết đến cả thảy 8 ngôi quán Đạo. Đó là quán Thụy Ứng (Hưng Yên) năm 1562, Chân Thánh (Hưng Yên) năm 1566, quán Linh Tiên (Hà Nội) năm 1584, Tiên Phúc (Hải Dương) năm 1589, Viên Dương (Hà Nội) năm 1589, Hội Linh (Hà Nội) năm 1590, Đế Thích (Hưng Yên) năm 1590 và quán Hưng Thánh (Hà Nội) cuối thế kỉ XVI. Phần lớn số quán này được biết đến nhờ vào tư liệu văn bia.
Nhân vật chủ soái phát ngôn cho thuyết Tam giáo đồng nguyên thời Mạc là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1578, ông có bài minh khắc vào bia đặt ở tượng Tam giáo chùa Cao Dương (Thái Bình) thể hiện tư tưởng triết học của mình. Trong thời Mạc, ở vùng Thăng Long còn có một ngôi chùa Tam giáo khác ở huyện Đan Phượng (thờ cả Phật, Nho, Lão) trùng tu năm 1590 là chùa Đại Phùng. Hiện nay, trong chùa không chỉ có các tượng Phật mà còn có tượng thờ Khổng Tử và Lão Tử. Tên chữ của chùa từ xưa đến nay là Tam Giáo tự – chùa Tam Giáo. Tên gọi Tam Giáo tự được ghi nhận trên văn bia thời Mạc (niên đại Hồng Ninh nguyên niên – 1591). Ngoài ra còn có chùa Sổ (huyện Thanh Oai, Hà Nội) thờ Phật nhưng đồng thời cũng biến thành quán Hội Linh thờ Ngọc hoàng Thượng đế. Bằng chứng về Tam giáo đồng nguyên, cùng dung hợp với tín ngưỡng bản địa thể hiện khá rõ ở điện thần trong các chùa – quán dưới thời nhà Mạc. Điển hình cho sự đồng nguyên Tam giáo trên điện thần còn lại cho đến hôm nay là Linh Tiên quán. Linh Tiên quán nằm trên địa phận làng Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Theo tư liệu lưu giữ thì công trình này được công chúa Mạc Kim Dung và phò mã Mạc Ngọc Liễn tu sửa vào năm Giáp Thìn (1544). Và lần tu sửa này đã để lại cho chúng ta một công trình văn hóa quy mô và bề thế bằng gỗ như ngày nay. Theo báo điện tử Đại biểu Nhân dân; “Đến thế kỷ XVI, nhiều người trong Vương tộc nhà Mạc hay đến Quán để thụ giáo, tu luyện. Và họ đã đóng góp tiền của tu tạo thượng điện, tiền đường, tam quan… của quán Linh Tiên”.
Sự xuất hiện của Tiên chúa Liễu Hạnh và sự phát triển của tín ngưỡng bản địa thờ Mẫu cùng với Nội đạo tràng là hiện tượng đặc biệt ở Việt Nam. Theo tác giả Nguyễn Duy Hinh, đạo giáo thế kỷ XVI không tồn tại độc lập mà “chui vào Nho giáo và Phật giáo” thành hai nhánh: Đạo giáo sĩ tộc với đại diện là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đạo giáo dân gian với Liễu Hạnh và Nội Đạo Tràng (của Trần Toàn)
Nội Đạo tràng là hiện tượng Đạo giáo trộn lẫn Phật giáo, Nho giáo. Giáo chủ của tôn giáo này – Trần Toàn xuất thân từ gia đình Nho giáo, thi cử đỗ đạt rồi theo Phật giáo. Nội Đạo Tràng tôn thờ Dược Sư Phật, Tứ kim cương, niệm A Di Đà (Phật giáo), dùng pháp thuật để chữa bệnh (phép Đạo giáo). Có thể coi Nội Đạo Tràng là Đạo giáo thuộc phái Phù – Trú, thứ tín ngưỡng rất được dân gian ưa thích trong hoàn cảnh nội chiến triền miên, đời sống bấp bênh thời Lê-Trịnh và Mạc phân tranh.
Nhờ chính sách khoan dung tôn giáo của triều Mạc, đạo Phật đã từng bị hạn chế dưới triều Lê sơ, lại có điều kiện để phục hưng, phát triển cả trong tầng lớp quý tộc lẫn trong quần chúng bình dân làng xã.
Một số không ít trong giới quý tộc hoàng gia triều Mạc đã đi theo đạo Phật, có những người sùng tín. Đa số những người này thuộc giới nữ, như các thái hậu, hoàng hậu, trưởng công chúa… Họ đã cống hiến ruộng đất, tiền bạc vào các chùa chiền làm của Tam bảo, nhưng cũng có nhiều nam giới như quận công, tướng lĩnh làm việc công đức này. Đặc biệt, tuy phần lớn chùa được xây bởi tiền bạc của các thành viên trong hoàng tộc và các quan trong triều nhưng chùa vẫn thuộc về làng và do làng quản lý. Điều này cho thấy việc phát tâm xây dựng chùa nhằm tích đức, làm phúc hơn là thể hiện quyền lực của Hoàng gia ở địa phương như thời Lý, Trần. Chùa gắn với làng là nơi sinh hoạt tôn giáo của làng, trong đó việc bài trí điện thờ cũng như phép tắc tu hành mang đậm tính địa phương. Đây chính là sự mở đầu của quá trình dân gian hóa Phật giáo.
Tính chất dân gian của đạo Phật thể hiện rõ nét trên điện Phật (Tam Bảo). Điện Phật trong chùa thời nhà Mạc có nhiều thay đổi so với các thời kỳ trước đó. từ thời Lý, Trần, đến Lê sơ, trên điện Phật mới chỉ có bộ Di Đà tam tôn (A Di Đà), Đại Thế chí, Quán Thế Âm) (loại điện Phật thuần túy chưa pha trộn các tín ngưỡng tôn giáo khác). Thời Mạc xuất hiện thêm nhiều tượng mới trên Phật điện như: Thích Ca sơ sinh, Hộ Pháp, Bồ Tát, La Hán, Kim Cương là những tượng thuộc Phật giáo; Tam thanh, Ngọc Hoàng, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Nam Tào, Bắc Đẩu, Pháp Lôi Sư tướng là tượng thần đạo giáo (cùng được phối thờ). Ngoài ra trong chùa còn có các tượng thần khác như: Tam Giáo, Diệu Thiên, Sư Tổ, Hậu Long thần, Thổ địa thuộc tín ngưỡng dân gian. Như vậy, điện Phật trong chùa dưới thời Mạc đã có sự thay đổi căn bản: không còn thuần Phật.
Nếu như trước đây trong chùa chỉ có Phật điện thì ở thời kỳ này nhiều tượng Thánh đã được đưa vào. Việc đưa tượng thần của tôn giáo tín ngưỡng khác vào chùa cho thấy tính tự do, phóng khoáng trong đời sống tôn giáo thời kỳ này. Đây là cơ sở khẳng định đạo Phật ngày càng mang tính dân gian dưới triều Mạc và thực sự dân gian như hiện nay.
Tượng Tam Thánh trong chùa.
Nho, Phật, Đạo vốn là ba tôn “giáo” riêng, có chỗ thờ tự chuyên biệt. Tuy nhiên dưới thời Mạc xuất hiện cả chùa thờ Phật, Đạo, Nho. Theo tư liệu hiện còn, dạng chùa Tam giáo vốn ít gặp, dưới Triều Mạc dường như chỉ có chùa Tam Giáo ở Đại Phùng và chùa thờ Tam giáo ở xã Cao Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (tên là Cao Dương tự). Bia chùa Tam Giáo tại Đại Phùng cho biết sự kiện tu sửa chùa vào năm thứ 9 niên hiệu Sùng Khang (1574) cho thấy ngôi chùa này vốn đã có trước năm 1574. Văn bia thời Mạc tại chùa Tam Giáo ở Đại Phùng còn ghi việc một số quý tộc nhà Mạc phát tâm tín thí cho nhà chùa như Mạc Nhân Túc, Công chúa Mạc Ngọc Lâm, đặc biệt là Mạc Ngọc Liễn. Bản thân Mạc Ngọc Liễn là người có công đức cho việc tu sửa quán Linh Tiên và chùa Ngô Sơn (tức chùa Ngô, Phúc Thọ).
Bia chùa thờ Tam giáo ở Cao Dương do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn năm đầu niên hiệu Diên Thành (1578) thời vua Mạc Mậu Hợp (1562 -1592), nguyên bia tên là Tam giáo tượng bi minh (Bài văn bia ghi việc tạc tượng Tam giáo) và Bia chùa Tam Giáo tại Đại Phùng là 2 văn bia quan trọng ghi nhận sự xuất hiện của chùa thờ Tam giáo dưới triều Mạc hiện vẫn còn đến bây giờ.
Trên đây là những ghi nhận về đời sống tinh thần, tâm linh người Việt dưới thời nhà Mạc, một triều đại tuy tồn tại không dài nhưng để lại những dấu ấn đặc biệt trong sự phát triển tôn giáo, tín ngưỡng nước ta.
Phạm Văn Thi, Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng sưu tầm.