Nhìều lần đi xa về, đến bến ô tô tôi lại phải “cãi nhau” với dân xe ôm.Tôi bảo đưa tôi về phố Lê Chân, họ “cãi” chỉ có quận Lê Chân chứ không có phố Lê Chân! Ngay cả khi tôi nói mình ở phố ấy và viện dẫn rạp Lê Văn Tám, đền Nghè, nhiều người vẫn ngờ ngợ; có anh còn lý sự cùn đến mức chở tôi về đến đầu phố, ngẩng cổ nhìn tấm biển tên phổ mà vẫn còn bảo: “Thà cứ nói là ngõ Nghè thì tôi còn biết”
Ở phố nhỏ, dù giữa trung tâm đô thị, khổ thế! Đã vậy, số hộ, số người ở phố Lê Chân lại ngày một vơi đi.Nhà trên phố hầu hết xây theo lối tầng trên tầng dưới cách biẹt nhau, cầu thang lên tầng trên đặt bên cạnh và lối lên ở ngay mặt đường, tiện cho tầng dưới một hộ, tầng trên một hộ, không chung đụng nhau.Khoảng chục năm gần đây người cũ đi theo người mới đến, chủ mới hầu hết đều mua cả hai tầng và không ít người phá nhà cũ, xây mới.Phố từ gần 200 hộ giờ chỉ còn hơn 70, ít người ở tất yếu ít cả người biết tới nên dân xe ôm cãi không có phố Lê Chân cũng chả phải vô lý!.
Nhưng tôi tự hào với phố nhỏ của tôi: Nơi có đền thờ bà Lê Chân, vị nữ tướng đã khai sinh ra vùng đất An Biên, cái nôi của nội thành Hải Phòng ngày nay; có trường Nữ học( trường Minh Khai)- nơi vào ngày 20/10/1946 từng được đón Bác Hồ tới nghỉ sau chặng đường dài trên biển từ Pháp trở về Tổ quốc; có ông già Tuyết- bạn của Bác mà chính ngày 20/10 ấy đã trịnh trọng khoác áo pađơxuy, thắt nơ từ nhà trong ngõ Sơn Lâm sang gặp Bác; nơi nhà thơ Thế Lữ từng ở, nơi Nguyên Hồng thuở mới cầm bút từng đến gặp “Ông vua Thơ mới”, xúc động như được đứng trước Kim Tự Tháp sừng sững!…
Cái tên ngõ Nghè chắc chắn là tên gọi sớm nhất của phố vì đầu phố có tên đền Nghè.Cũng như phố Trần Nhật Duật bên kia ngã tư từng được gọi là ngõ Cố Đạo vì mới đầu chỉ có mấy nhà phía Bắc do nhà thờ xây cho Giáo dân ở.Cả hai sau khi mử rộng và trở thành phố xá đã được người Pháp đặt tên chính thức: Ngõ Nghè gọi là phố Nam Sinh, trên bản đồ ghi là Rue Nam Sinh dit Le Van Thuoc( phố Nam Sinh tức Lê Văn Thược), ngõ Cố Đạo gọi là Rue Chavicgnon; mặc dù vậy, cái tên ngõ Nghè và Cố Đạo sau 100 năm vẫn không hề mất, cũng như ngõ Quảng Lạc, ngã tư Trại Cau, ngõ Đồng Lùn, ngõ Phiêu lạc, ngõ Cô Ba Chìa..thỉnh thoảng vẫn được người Hải Phòng nhắc đến trong câu chuyện thường ngày bên bàn trà, điếu thuốc.
Trong Bước đường viết văn, Nguyên Hồng có hẳn chương Nhà thơ ở ngõ Nghè. Nhà thơ được nhắc đến là Thế Lữ: “Hoa xoan tây vẫn đỏ ối. Đặc biệt thành phố Hải Phòng lại nhiều cây này hơn, và hình như cũng dày hơn, rực hơn. Ngõ Nghè của Thế Lữ cũng nhiều xoan tây. Trước nhà Thế Lữ là một gốc cây hoa bồng bồng như chồng, như đắp.
Người Pháp phân loại đường phố như sau: Boulevard( đại lộ), Avennue( phố lớn), Rue( phố nhỏ),Route( đường- con phố dẫn ra ngoại ô).Rue Nam Sinh dit Le Van Thuoc là phố nhỏ, chỉ dài hơn 200m, đường và vỉa hè đẹp, cái thời trước nhà Thế Lữ có cây xoan tây đã qua lâu rồi vì từ khi biết đến nay tôi thấy phố dường như không có cây cối, sau xuất hiện một vài cây trứng cá do các nhà tự đem về trồng trước cửa.
Ở phố Lê Chân chẵn 50 năm( 1960- 2010) nên từ lâu tôi khao khát muốn biết về Nam Sinh Lê Văn Thược. Hỏi dân phố, chả ai biết về ông! Ngay những người cao tuổi sống đã lâu ở đấy cũng chỉ biết lơ mơ rằng ông Nam Sinh có xây nhà ở phố nên tên ông được đặt cho phố.May sao gặp được nhà sử học Lê Thế Loan, anh mach tôi về xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy! Tới Hòa Nghĩa lại hỏi, có lúc gần như nản chí nhưng cuối cùng tôi cũng đến được ngôi nhà của chính Lê Văn Thược ở thôn Hải Phong và nói chuyện với người thân của ông, như ông Lê Văn Chi, bà Lê Thị Vinh đều gọi Lê Văn Thược là chú; nhầt là được gặp cụ Nguyễn Văn Chắt người chưởng bạ, coi giữ sổ sách, giấy tờ cho Nam Sinh ngày trước.Bao nhiêu năm trôi qua mà con cháu cụ vẫn giữ cách gọi xưa: Bạ Chắt.
Chuyện cách đây đã lâu, vào cuối năm 2004, nhưng còn nhớ mãi.Khi ấy những người cháu của Lê Văn Thược đều đã “ thất thập” còn Bạ Chắt thì đã 88, giờ sau 9 năm không hiểu ai còn ai mất! Chuyến đi ấy sẽ không thật mỹ mãn nếu không có Vũ Thị Huệ.Cô là cháu Bạ Chắt, nhân viên Ngân hàng Công thương, nhà ở phố Đình Đông, chủ nhật về thăm quê gia đình.Huệ không biết nhiều về Lê Văn Thược nhưng nhiệt tình dẫn tôi đi khắp nơi, tới hết nhà nọ nhà kia, mời người nọ gọi người kia đến tiếp chuyện; quay ngược xe về gần Cầu Rào rồi lại trở về Hòa Nghĩa! Xong việc chúng tôi “ mã hồi” tới ngã tư Quán Bà Mau thì thành phố đã lên đèn.
Hóa ra chuyện về Nam Sinh Lê Văn Thược lại là chuyện rất đáng nói, mang dấu ấn của số phận, ở ông có chút bóng dáng Bạch Thái Bưởi( 1874- 1932), của Nguyễn Sơn Hà, của Trần Công Lai( thân sinh nhà thơ Trần Công Hữu)….những con người bình thường, thậm chí có người còn xuất thân nghèo hèn đã biết cách vươn lên và làm giàu và thành đạt.
Nhưng nói về Lê Văn Thược lại phải bắt đầu từ vợ ông.
Cuối thế kỷ XIX ở làng Ông Đình, nay thuộc xã Ông Đình, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, có một gia đình nông dân nghèo sinh được ba người con gái. Vì không thể nuôi nổi các con, họ phải đem một đứa ra Hà Nội bán. Đó là Lê Thị Tâm. Nhớ nhà, sợ hãi trước cuộc sống xa lạ và bạc bẽo, sau vài hôm Tâm chốn khỏi nhà chủ. Cô bé không biết đường về làng nhưng biết quê mình thường có người đem con ra Hà Nội, vạ vật ở vườn hoa mong có người đến mua hoặc thuê làm con sen, đứa ở.Chính mẹ cô đã đưa cô đến một vườn hoa. Cô ra đấy hy vọng gặp được người làng để theo họ về nhà. Hải Phòng hồi ấy có “Vườn hoa đưa người” thì Hà Nội cũng có loại vườn hoa như thế, nơi thường xuyên lảng vảng bên gốc cây, rệ cỏ những ả gái điếm, những gã trộm cắp mượn làm chỗ nghỉ ngơi những người nhà quê chầu chực làm thuê làm muớn hoặc đem con đi bán; những mụ Tú Bà, mẹ mìn mắt la mày lém; còn bên lề đường thì vất vưởng đám phu xe tay, phu ba gác mệt mỏi và rỗi việc…
Hãy hình dung nỗi thất vọng và sợ hãi của Tâm khi không thấy người nào quen, xung quanh lại toàn bộ mặt thiểu não và ma quái, trời thì dần ngả về chiều. Muốn quay lại nhà chủ cũng không biết đường! Đang lúc ấy, một bà đi tới, và trời cũng rủ lòng thương cho Tâm linh cảm rằng đó là một người tốt bụng. Cô tới gần định ngỏ ý xin theo bà về nhà nhưng chưa nói nên lời đã òa khóc. Người đàn bà thấy lạ, cúi xuống lau nước mắt cho cô và chợt hiểu, trước mắt bà là đứa bé tội nghiệp.
Lê Thị Tâm thành con sen cho gia đình người đàn bà tốt bụng. Không được đi học nhưng được bà nó dạy bảo, cô không những đọc thông viết thạo Quốc ngữ mà còn biết ít nhiều chữ Nho.Tâm càng lớn lên càng xinh đẹp và được nhiều người để ý, rồi cô thành vợ chủ hãng Nam Sinh ở Hải Phòng.Ông này là người Pháp, làm nghề thầu khoán, đại diện cho một hãng thầu ở Pháp. Lê Thị Tâm được gọi là bà Nam Sinh từ đó.
Cuốn “Lược khảo đường phố Hải Phòng” có đoạn nói về chợ Sắt: “Một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Pháp có xin đất phía trước chợ bây giờ, dựng lại một lán 14 gian, mái lợp lá, để thuyền bè từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên tới bán gạo và tre nứa, nón lá..mỗi tháng có sáu phiên và các ngày 4,9, 14, 24, 29 âm lịch.Hằng năm cứ đến mùa mưa bão là quán đổ.Thấy thế, vào khoảng năm 1888 Balô (Balaurd) mới xin một khoảng đất hoang gần chợ và thuê sở Carông (Caron) dựng chợ mới toàn bằng sắt, xây xung quanh, có ba gian, bốn cổng. Cổng chính có nhà và gác cho gia đình Balô ở. Thấy chợ mới sạch sẽ dân chúng vào đấy họp, chợ cũ bỏ từ đó.Tên chợ là Chợ Lớn (Grande Marche), tuy nhiên nhân dân thường gọi là chợ Sắt”.
Các cháu ông Lê Văn Thược nói người phụ nữ lấy chồng Pháp dựng lán chợ chính là bà Nam Sinh.
Có một người đàn ông thầm yêu trộm nhớ bà Nam Sinh, đó là…anh bồi của vợ chồng bà. Anh quê ở làng Mọc, tỉnh Hà Đông, nay là vùng cống Mọc, gần Ngã Tư Sở, Hà Nội.Chắc chắn anh bồi sẽ mãi mãi chỉ thầm yêu trộm nhớ nếu như vận may không đến với anh: Ông chủ về Pháp. Ông này hết thời gian làm việc ở Đông Dương và có lẽ đã có vợ con bên Pháp nên không thể đem Tâm về theo. Lê Thị Tâm bày tỏ nguyện vọng nếu không thể cùng sang Pháp thì cho mình lấy anh bồi. Có thể anh bồi xui cô nói vậy mà cũng có thể cô biết anh bồi yêu mình…!Ông chồng Pháp chẳng những bằng lòng mà còn giao luôn hãng Nam Sinh cho hai người. Anh bồi đó là Lê Văn Thược. Bà Nam Sinh thành vợ ông Lê Văn Thược, từ đó ông Thược cũng được gọi là ông Nam Sinh.
Thầu khoán là một nghề kiếm chác được.Cùng thời, Bạch Thái Bưởi cũng từng là thầu khoán trước khi trở thành “Chúa sông Bắc Kỳ” và giàu thứ tư trong những người Việt Nam lúc đó.Năm 1925 một đoạn Kênh vành đai (Canal Ceinture- thường gọi là kênh Bonal) được lấp, sau này trở thành dải vườn hoa trung tâm. Từ đó đô thị Hải Phòng phát triển mạnh về phía Nam và phía Đông. Được chính quyền thành phố khuyến khích tham gia vào việc xây dựng, ông bà Nam Sinh liền vay tiền Địa ốc Ngân hàng để xây nhà trên con đường vừa được mở rộng trên cơ sở của ngõ Nghè cũ, nối đại lộ Paul Doumer (nay là phố Cầu Đất) với phố Metz (phố Mê Linh), sau đó đường được chính quyền chính thức gọi là phố Nam Sinh, lèo thêm “ dit Le Van Thuoc”, có lẽ để phân biệt với ông chủ hãng Nam Sinh cũ nay đã về Pháp.
Nhà trên phố phần lớn xây để bán cho Hoa kiều hoặc cho họ thuê nên kiểu cách giống nhiều nhà ở khu phố Hoa kiểu cạnh sông Tam Bạc.Tầng trên, tầng dưới cách biệt nhau. Đầu thế kỷ XX xi măng còn hiếm, sắt thép lại càng hiếm nên nhà không có lấy một tấc sắt! Xà và sàn nhà tầng trên bằng gỗ lim, trên lát gạch Bát Tràng, trải qua 70, 80 năm do đi lại, quét tước, các viên gạch hầu hết đã lõm xuống nhưng phần gỗ vẫn vững chắc! Cầu thang gỗ cũng vậy.
Ông Lê Văn Thược còn thầu xây ở phố trường Nữ học, thường gọi là “ trường con gái” theo thiết kế và đầu tư của chính quyền thành phố. Ông còn xây một trường nữa, bằng tiền của mình và cho chính quyền thành phố thuê, đặt tên là trường Nam Sinh. Mảnh đất không được vuông nên dân chúng gọi là “ trường Chéo”; đấy là trường Nguyễn Thượng Hiền ở phố Lê Lợi ngày nay.
Thời trước những nhà quyền quý, giàu có thường lập ấp ở thôn quê, như một lãnh địa riêng của mình. Hoàng Cao Khải có ấp Thái Hà ở Hà Nội, gia đình Mai Lĩnh có ấp ở Xuân Mai, tỉnh Phúc Yên và ở Trại Cau, Hải Phòng. Nơi gắn bó nhất, lãnh địa của ông bà Nam Sinh cũng là ấp: ấp Nam Sinh ở làng Hòa Nghĩa, tổng Tư Thủy, huyện Kiến Thụy.
Nơi Bạ Chắt và con cháu ở chính là nhà ông bà Nam Sinh thuở trước. Cơ ngơi để lại không còn rộng như thuở nào nhưng vẫn còn nguyên ngôi nhà gạch ngày ấy, trông cũng biết được xây chắc chắn, chỉ có một tầng nhưng lại có tầng hầm cao ráo, nhiều năm mưa bão lụt lội nhưng nhờ nhà cao, thóc lúa chạy trên nhà nên không thiệt hại gì.
(Cô cháu gái Vũ Thị Huệ hơi “ nghi” về xuất thân của cụ Vũ Văn Chất. Cô nghi rằng Bạ Chất nếu không là con đẻ thì cũng là con nuôi của ông Nam Sinh. Chứ mới ngoài 20 tuổi mà đã được Nam Sinh giao cho chức chưởng bạ, coi giữ sổ sách, giấy tờ ruộng đất thì vô lý, đã vậy sau này còn được thừa kế cơ ngơi của ông bà).
Tôi nói chuyện với Bạ Chắt, con cháu cụ và các cháu Lê Văn Thược quây quần ÂÂÂ xung quanh sôi nổi góp chuyện. Người Hòa Nghĩa ai cũng mang ơn ông bà Nam Sinh. Họ bảo bà Nam Sinh còn khắt khe chặt chẽ chứ ông thì phúc hậu, độ lượng, không tiếc của cứu trợ người nghèo. Ông là người khá uy tín trong xã hội nên từng được bầu là nghị viện Viện Dân biểu Bắc Kỳ.
Nhân dân Hòa Nghĩa nhiều người giờ đây vẫn nhớ Bài thơ lập ấp tương truyền ra đời đã bảy, tám chục năm, tác giả là ông giáo Móm. Bạ Chắt đọc cho tôi nghe bài thơ ấy nhưng ở tuổi 88 cụ chỉ còn nhớ câu được câu chăng, rồi cụ nghĩ ra và chỉ cho tôi và Vũ Thị Huệ tìm tới ông Đặng Văn Hoạch ở xã Hải Thành.Thế nên chúng tôi quay xe về hướng Cầu Rào. Ông Hoạch không những thuộc mà còn đánh vi tính sẵn đến hàng chục bản Bài thơ lập ấp, ai hỏi cũng cho. Mấy câu đầu bài thơ như sau: “ Tỉnh Kiến An có làng Hòa Nghĩa/ Nhác trông xem phong cảnh hữu tình/ Hỏi ra từ ông Nam Sinh/ Xuất tài xuất lực lập thành xã dân…”Cứ như bài thơ thì đầu thế kỷ XX vùng Hòa Nghĩa còn khá vắng vẻ. Ban đầu ấp Nam Sinh chỉ có 37gia đình tá điền, khai hoang được 500 mẫu đất để trồng lúa.Rồi dựng đình, đền, miếu, làm nhà kho, nhà xe, chuồng trâu chuồn ngựa, đào ao thả cá, vật đất làm đường. “ Một tay gây dựng cơ đồ/ Kể phần công của biết cơ muôn nào…Nhớ câu uống nước nhớ nguồn/Bể dâu thay đổi, vẫn còn lưu danh”.
Năm 1932 ông Nam Sinh Lê Văn Thược mất, thọ khoảng 60 tuổi. Từ đó gia đình trở nên sa sút, bà Nam Sinh phải bán đi 100 mẫu ruộng cho một người Pháp, thường gọi là Ba Chín Sầu, chủ công ty Vệ sinh Hải Phòng; năm 1933, 1934 bà phải đòi lại trường Chéo để bán lấy tiền trả nợ Địa ốc Ngân hàng; vẫn không hết nợ, nhà ở phố Nam Sinh đang cho thuê bị chính quyền trưng thu.
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bà Nam Sinh cho chính quyền cách mạng dỡ một phần nhà ở Hòa Nghĩa để làm chiến lũy ngăn quân Pháp từ Đồ Sơn tiến về Hải Phòng.
Năm 1954 bà Nam Sinh, khi đó đã 80 tuổi, di cư vào Nam và mất tại đây, thọ tới 107 tuổi. Con các ông bà Nam Sinh sang Úc sinh sống. Năm 2004 người cháu đích tôn của ông bà cùng người vợ Úc đã về Việt Nam viếng mộ ông Nam Sinh.
Nhận Bài thơ lập ấp từ ông Hoạch, tôi và Huệ lại quay về Hòa Nghĩa vì ông Hoạch cho biết mộ Lê Văn Thược hiện ở nghĩa trang làng và do chính ông xây lại, khắc bia. Bức ảnh người cháu đích tôn ông Nam Sinh và người vợ Úc cũng do ông Hoạch cho xem chúng tôi mới biết.
Chúng tôi đứng trước mộ, Trời về chiều, khói hương nghi ngút. Đời bể dâu quá nhiều bí ẩn. Bí ẩn về cuộc đời chìm nổi của Lê Thị Tâm và anh bồi Lê Văn Thược thuở nào, về nguồn gốc Bạ Chắt, và cả về ông Đặng Văn Hoạch- không phải họ hàng, không phải con cháu mà ông lại bỏ tiền ra tôn tạo mộ cho Lê Văn Thược! Vũ Thị Huệ bảo: Vì nghĩa cử đẹp của ông Hoạch nên cụ Nam Sinh đã phù hộ cho gia đình ông ấy làm ăn khấm khá; anh viết bài về cụ Nam Sinh có khi cũng được hai cụ phù hộ. Tôi lặng im, Giàu nghèo, êm ấm là do cái số, mà cũng do được độ trì phù hộ; chỉ biết viết được về ông Nam Sinh tôi như cất được gánh nặng trong người, nhất là giờ đây tôi không còn ở phố Lê Chân, không còn ở Rue Nam Sinh dit Le Van Thuoc và ngõ Nghè nữa- cái phố đã gắn bó với tôi những năm 50 năm trời đằng đẵng.
(Nguồn: Từ chuyện Rue Nam Sinh dit Le Van Thuoc/ Lưu Văn Khuê//Cửa biển. – số 136, tháng 7 năm 2013. – tr 66- 70)