
Lăng mộ Ninh Vương Mạc Phúc Tư ở Hợp Thành – Thủy Nguyên.
Ở thôn Câu Tử Nội, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên có một chi họ Mạc dòng dõi Thái Tổ Mạc Đăng Dung (người khai sáng vương triều Mạc) mà Ninh vương Mạc Phúc Tư được coi là thủy tổ của chi họ Mạc Phúc ở đây và nhiều vùng khác trên đất nước ta. Cần nói thêm về ông trước khi nói đến người con dâu nổi tiếng của Vương – người phụ nữ nhân hậu đã một lòng thủ tiết với chồng, hy sinh hạnh phúc cá nhân để bảo vệ dòng dõi nhà chồng, góp phần giữ cho chi họ Mạc Phúc không bị tập đoàn vua Lê- chúa Trịnh tận diệt.
Ninh Vương Mạc Phúc Tư là con trai thứ hai của vua Thái tông Mạc Đăng Doanh triều Mạc. Ông từng được vua anh Mạc Phúc Hải thăng chức Thái tể, Phụ chính Đại thần, đứng đầu hai ban văn, võ và cận kề giúp dập vua Mạc Phúc Hải. Sau này, khi nhận thấy người em – Khiêm vương mạc Kính Điển tài kiêm văn, võ ông bèn nhường chức cho em để xin ra trấn nhậm, phòng thủ lộ Hải Đông. Đây là một vùng rộng lớn ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng – một trọng địa của nhà Mạc, có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực Dương Kinh (Kiến Thụy) – kinh đô dự phòng của nhà Mạc.
Trong thời gian phòng thủ lộ Hải Đông, ông ra sức vỗ về dân chúng, tướng sĩ, giữ nghiêm quân kỷ, đoàn kết quân-dân. Với quan điểm “thực túc binh cường”, Vương đốc thúc đắp đê từ làng Định Vũ qua Đạo Tú đến hồ Quy, đào sông, khai ngòi, khai khẩn đất hoang, phát triển nông nghiệp trồng cây gây rừng, khuyến khích nghề đánh bắt thủy, hải sản. Những đê, bãi, rừng nhà Mạc ở trong hạt do Ninh vương gây dựng ngày nay vẫn còn tên và dấu tích ở Kiến Thụy, Yên Hưng, Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên. Chỉ riêng huyện Thủy Nguyên cũng đã có rất nhiều những di tích mà dân gian gọi với các tên: Thành Nhà Mạc, Đường Nhà Mạc, Đê Nhà Mạc, Rừng Nhà Mạc, Mả Ba Vua nhà Mạc.
Một loạt thành, lũy ở Động Linh, Khoái Lạc (Yên Hưng), Xích Thổ (Hoành Bồ), đồn Thư Cung (Cẩm Phả), Vạn Ninh (Móng Cái), Vân Đồn ở bờ sông Chanh, thành trên đảo Ngọc Vừng (Quảng Ninh) và Xuân Đám (Cát Hải) được xây dựng. Vương cũng chính là người cho đắp thành Dền, Đấu Đong (nơi điểm quân) ở xã Liên Khê, Thủy Nguyên – một căn cứ quan trọng trấn giữ ngã 3 sông nơi sông Giá và sông Đá Bạc hợp lưu để chảy ra sông Bạch Đằng.
Cùng các thân vương khác như con trai Mạc Thuần Trực, tôn thất Mạc Huệ Khánh… Ninh Vương chú trọng luyện tập quân thủy, bộ trên các sông, rạch, trong các thành lũy để tăng cường năng lực phòng thủ.
Trong 46 năm (1546-1592) trấn nhậm lộ Hải Đông, Ninh vương Mạc Phúc Tư đã biến vùng đất này thành hậu cứ vững chắc của nhà Mạc, khiến quân đội Lê-Trịnh không thể xâm phạm. Suốt mấy chục năm từ giữa thế kỷ 16 đến năm 1592, quân Lê – Trịnh nhiều lần từ Thanh Hóa ra tấn công, đánh phá Sơn Nam, Ninh Bình, Sơn Tây, Thăng Long, riêng lộ Hải Đông do Ninh Vương cai quản, họ không thể xâm nhập.
Cuối thế kỷ 16, do nhiều nguyên nhân, triều Mạc ngày một suy yếu và thế lực Lê –Trịnh ngày một mạnh lên. Đầu năm Quý Tỵ (1593), sau khi bắt giết được vua Mạc Mậu Hợp, đánh chiếm được Thăng Long và nhiều nơi khác, quân Lê-Trịnh chia đường tiến đánh Hải Đông. Ninh vương cùng hai thân vương khác chỉ huy một cánh quân rút về căn cứ ở Thủy Đường (Thủy Nguyên). Địch truy đuổi, ba Vương cùng tướng sĩ liều mình quyết chiến, đến làng Thiểm Khê (xã Liên Khê-Thủy Nguyên) thì đều bị trọng thương. Lúc này Ninh vương đã 69 tuổi, đau buồn trước cơ đồ nhà Mạc không còn hy vọng cứu vãn, ông đã cùng hai thân vương ra cánh đồng ven sông tự sát, đó là ngày 22/2 Quý Tị (1593). Dân trong vùng an táng các ông, gọi phần mộ là Mả Ba Vua, lập miếu thờ và lưu truyền câu “Cửa nghè đồng dưới Mả ba vua Mạc”. Cái chết lẫm liệt của Ninh vương đã thể hiện tấm lòng trung trinh của một công thần nhà Mạc, thà chết để bảo toàn khí tiết chứ không đầu hàng giặc.
Con cả Vương là Mạc Thuần Trực cùng tôn thất Mạc Huệ Khánh cố thủ thành Dền được 5 tháng, sau hết lương thực phải mở đường máu rút chạy, Mạc Thuần Trực hy sinh tại trận. Mạc Huệ Khánh cùng con cháu thoát được về vùng Giáp Sơn, dấu họ đổi tên lập ra làng Mai Sơn, nay thuộc thôn Trại Sơn, xã An Sơn huyện Thủy Nguyên.
Sau năm 1593, quân Lê-Trịnh tiến hành trả thù khốc liệt, đào mồ, cuốc mả, tìm diệt con cháu nhà Mạc. Phu nhân của Vương là bà Đoàn Thị Từ Linh cùng con cháu đã bí mật chuyển hài cốt của Vương và của con trai Thuần Trực ở thành Dền về an táng ở Đống Án, trang Hùng Khê, nay là thôn Câu Tử Nội, xã Hợp Thành, Thủy Nguyên, đồng thời đặt tên thụy Mạc Phúc Tư là Mạc Phúc Triệu để giấu tung tích.
Hậu duệ của Ninh Vương Mạc Phúc Tư may mắn thoát được sự tầm nã của triều đình Lê – Trịnh do thay tên, đổi họ để sinh sống khắp nơi và cũng do một nguyên nhân quan trọng khác là họ được sự bảo hộ của người con dâu của Ninh Vương và là con gái chúa Trịnh Tùng – bà Trịnh Thị Nhâm (Nhân). Ngày nay cháu chắt Mạc Phúc Tư truyền đời thờ cúng Vương và hướng về cội nguồn, bỏ nhiều công sức tra tìm tung tích mộ phần Ninh vương cùng các thành viên khác thuộc chi họ.
Với những công lao to lớn đóng góp cho đất nước và quê hương, tên Ninh Vương đã được Hội Đồng NDTP Hải Phòng ra Nghị quyết số 07/2012/NQ-HĐND ngày 20/7/2012 đặt tên cho một con phố ở quận Dương Kinh là phố Mạc Phúc Tư thuộc phường Tân Thành với điểm đầu từ đường Phạm Văn Đồng đến đê biển I. Phố dài 1.680m, rộng 5,5m.
Năm 1993 phần mộ Ninh vương tại thôn Câu Tử Nội, xã Hợp Thành, Thủy Nguyên đã được chi họ Mạc ở thôn Câu Tử xây dựng lăng mộ to đẹp hơn và năm 2008 di tích này đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa.
Bây giờ sẽ nói về người con dâu nổi tiếng của Ninh Vương Mạc Phúc Tư – quận chúa Trịnh Thị Nhâm – người mà nhờ vào uy thế của cha là Trịnh Tùng đã bảo vệ được phần mộ của Ninh vương cùng các con, cháu ông không bị quân Lê-Trịnh truy tìm, hủy hoại.
Nguyên là, thời gian đồn trú ở trang Hùng Khê (Câu Tử Nội), Ninh vương Mạc Phúc Tư lấy bà Đoàn Thị Từ Linh, sinh được ba con trai là Mạc Thuần Trực, Mạc Đạo Trai, Mạc Tảo An. Năm 1573 Đạo Trai theo chú là Khiêm vương Mạc Kính Điển vào Thanh Hoa đánh nhà Lê, không may bị bắt ở lũy Phúc Bồi do trúng kế Trịnh Tùng. Thấy Mạc Đạo Trai tướng mạo oai phong, văn võ song toàn, Trịnh Tùng mến tài, nên dụ hàng với ý đồ sử dụng ông chống lại nhà Mạc. Thời kỳ này chúa Trịnh thường sử dụng các đại thần và tướng lĩnh nhà Mạc theo hàng để đối địch với nhà Mạc và ngược lại triều Mạc cũng lôi kéo các hàng tướng Trịnh-Lê về theo mình.
Quận chúa Trịnh Thị Nhâm là con gái của Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng (1570-1623) – vị chúa chính thức đầu tiên của họ Trịnh và là nhà chính trị – quân sự kiệt xuất, quyền thần tiêu biểu của nhà Hậu Lê, có công trung hưng triều Lê. Trong số 12 đời chúa Trịnh với 249 năm cầm quyền, có thể nói ông là người nổi trội nhất. Nhờ tài năng quân sự, tài dùng tướng và vỗ về ba quân, khoan dung dân chúng, ông góp phần quan trọng nhất trong việc đánh bại triều Mạc, tái lập triều Lê.
Bắt được Mạc Đạo Trai, thống soái Trịnh Tùng nói: “Ta bắt được nhà ngươi là do mệnh trời” sắp đặt “nhà ngươi nên tuân theo ý chỉ của ta…”. Sa cơ lỡ bước bị bắt, Mạc Đạo Trai nghĩ kế hoãn binh, bèn đồng ý theo hàng, định bụng khi có thời cơ thuận lợi sẽ trở về với triều Mạc. Trịnh Thị Nhâm rất mến mộ Mạc Đạo Trai, Quận chúa tâu cha xin tha cho Đạo Trai và xin cho mình được lấy làm chồng. Trịnh Tùng yêu thương con gái nhất mực bèn ưng thuận cho. Hai người lấy nhau 10 năm nhưng không có con.
Năm 1583, khi Mạc Đạo Trai thấy tập đoàn Lê – Trịnh định dùng mình chống lại triều Mạc nên ông đã tự sát chứ không chịu để trở thành quân bài trong tay người khác.
Trước cảnh tượng đó, Quận chúa Trịnh Thị Nhâm vô cùng đau xót, buồn tủi vì mình không có con nối dõi. Trong độ tuổi của người phụ nữ trưởng thành, biết suy nghĩ cho tương lai mình, bà có quyền mưu cầu hạnh phúc riêng. Là cành vàng lá ngọc của vị Chúa có quyến thế át cả vua, Trịnh Thị Nhâm không thiếu bậc công hầu khanh tướng cầu thân để thành gia thất. Cuối cùng quận chúa quyết không đi bước nữa, thủ tiết thờ chồng. Bà cầu xin Triết vương Trịnh Tùng, nhờ cha viết cho một phong thư gửi Ninh Vương Mạc Phúc Tư, cha của người chồng xấu số xin được nhận con trai của anh chồng – Mạc Thuần Trực làm con nuôi để thờ chồng, giữ cho hậu duệ nhà chồng không bị đứt, tuân theo đạo Tam tòng, Tứ đức phong kiến.
Đây quả thực là một quyết định táo bạo và bất ngờ của một người phụ nữ đứng giữa hai dòng nước bởi vì hai gia tộc Trịnh – Mạc lúc này đang ở thế “không đội trời chung”, hai thế lực đối lập nhau quyết liệt. Lúc này nhà Mạc vẫn làm chủ vùng đất từ Ninh Bình trở ra Bắc và triều Lê-Trịnh làm chủ từ Thanh Hoa tới sông Gianh (Hà Tĩnh).
Trịnh Thị Nhâm tới Bắc Hà ra mắt Ninh Vương – Quốc Công Mạc Phúc Tư và Mạc Thuần Trực vị tướng võ – con trưởng của Ninh Vương (Một người là cha chồng chưa hề biết mặt, người kia là anh chồng chưa rõ danh tính) để nhận thân phận dâu con và trình thư của chúa Trịnh Tùng. Có lẽ cảm động trước nguyện vọng chính đáng của người phụ nữ góa bụa mà Ninh Vương Mạc Phúc Tư và con trai Thuần Trực đã đồng ý chấp nhận thân phận con dâu của quận chúa Trịnh Thị Nhâm và thuận cho Mạc Hữu Đạo – con trai duy nhất của Mạc Thuần Trực làm con nuôi của quận chúa.
Trở về Thanh Hoa cùng con nuôi Mạc Hữu Đạo, quận chúa Trịnh Thị Nhâm dồn hết tình thương yêu và chăm sóc ân cần cho con nuôi, tìm thày giỏi dạy bảo cho con đến khi khôn lớn. Khi nhà Lê trung hưng, trở về kinh đô Thăng Long, Mạc Hữu Đạo học hành thành đạt, thi đỗ làm quan được bổ nhiệm chức Thượng Xá Hầu trong triều đình Lê – Trịnh. Ngày 20 tháng 6 năm (Quý Hợi) 1623 Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng qua đời (thọ 54 tuổi), Mạc Hữu Đạo xin từ quan, đưa mẹ nuôi Trịnh Thị Nhân về trang Hùng Khê ở Thủy Đường (Thủy Nguyên nay) để phụng dưỡng và chăm sóc phần mộ ông, cha.
Một thời gian sau Mạc Hữu Đạo kết duyên cùng bà Cao Thị Tập người cùng quê, sinh ra duy nhất một người con trai là Mạc Phúc Lương. Phúc Lương trưởng thành, lấy vợ, sinh được ba trai nối dõi. Cho tới nay gia tộc Mạc Phúc có tới 4 cành, phân ra 34 chi họ với tổng số nhân khẩu gần 2 ngàn xuất đinh ở nhiều vùng trên miền Bắc.
Như vậy, nguyên nhân khiến gia tộc Mạc Phúc không bị triều đình Lê-Trịnh truy tìm, tận diệt như các chi họ khác của dòng họ Mạc mà vẫn tồn tại ở Thủy Nguyên không phải thay tên, đổi họ lẩn tránh là nhờ uy quyền các đời chúa Trịnh trong triều đình nhà Lê Trung hưng mà khởi đầu là Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng và quận chúa Trịnh Thị Nhâm.
Cũng xin nói tới việc con cháu dòng tộc Mạc công phu tìm kiếm phần mộ tổ tiên hiện nay.
Cuối năm 2021, được Tổ tiên họ Mạc mách bảo và phù hộ, lần theo “Mạc phả tộc”, được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng Mạc Tộc Tp. Hải Phòng cùng sự giúp đỡ tận tình của nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm, (gốc Mạc), đồng thời có sự nhất tâm của con cháu Ninh vương; Hội đồng Mạc Phúc Tộc đã tổ chức tìm kiếm và đã khai lộ được phần mộ của Thủy tổ tỷ Đoàn Thị Từ Linh (phu nhân Ninh vương Mạc Phúc Tư), Cao cao tổ tỷ Trịnh Thị Nhâm (phu nhân Mạc Đạo Trai) và 14 ngôi mộ của con cháu các cụ có niên đại gần 400 năm tại Gò Cao – Đồng Quà (cách lăng mộ Ninh vương gần 800 mét) trên diện tích 256 m2 thuộc cánh đồng Thôn 10, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.
Cụ thể, từ ngày 19/6/2021 (ngày 10/5 năm Tân Sửu) tới ngày 18/12/2021 (15/11 năm Tân Sửu) Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng cùng chi tộc Mạc Phúc ở thôn Câu Tử, xã Hợp Thành (Thủy Nguyên) đã 6 lần nhờ nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm thuộc Trung tâm Nghiên cứu – ứng dụng tiềm năng con người cùng chồng bà tiến hành tìm kiếm bằng tâm linh (áp vong) các ngôi mộ cho là của chi tộc Mạc Phúc tại đây.
Kết quả, qua 6 tháng tìm kiếm đã khai lộ được 16 ngôi mộ (trong đó 15 ngôi mộ của 5 đời họ Mạc) có danh tính rõ ràng. Riêng ngôi mộ thứ 16 là rể họ Mạc. Đặc biệt ngôi mộ của Quận chúa Trịnh Thị Nhâm (phu nhân của Mạc Đạo Trai) được táng trong một chiếc chum có mẫu men và hoa văn khác lạ với các quan quách khác.
Qua tìm kiếm, dịch nghĩa Hán-Nôm 4 văn bia thời Mạc còn lại, con cháu dòng tộc cũng hiểu thêm nhiều điều về tổ tiên.
Tới nay, trải qua hơn 400 năm với nhiều giai đoạn lịch sử và sự phán xét của hậu thế, được trả lại sự công bằng, con cháu hậu duệ tộc Mạc Phúc luôn đoàn kết, gắn bó vấn tổ, tìm tông, lấy ngày mất của Ninh Vương Mạc Phúc Tư – 22 tháng 2 năm Quý Tị (1593) làm ngày giỗ họ hàng năm, dịp tìm về sum họp, tưởng nhớ công ơn tổ tiên đối với dòng tộc, đất nước và quê hương. Con cháu hậu duệ họ Mạc Phúc cũng lấy ngày húy kị của quận chúa Trịnh Thị Nhâm tổ chức giỗ thường niên để tri ân công đức của bà đối với dòng tộc và cũng để giáo dục đạo lý đối với các thế hệ con gái, con dâu Mạc Phúc tộc.
Phạm Văn Thi, Hội KHLS Hải Phòng biên soạn theo Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Thân thế và sự nghiệp của Ninh vương Mạc Phúc Tư”do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng, Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng và Hội đồng Mạc tộc Thủy Nguyên tổ chức ngày 24/3/2022 tại Hợp Thành-Thủy Nguyên.