
Bàn thờ danh y Đào Công Chính tại từ đường dòng họ Đào Công làng Hội Am.
Đào Công Chính là danh sĩ ở thế kỷ 17 thời Lê Trung Hưng. Sự nghiệp của ông được nhắc đến trong nhiều tài liệu viết về các danh y trong lịch sử y học cổ truyền Việt Nam. Bên cạnh đó ông cũng là một tác gia, một nhà ngoại giao kiệt xuất. Để đánh giá toàn diện về nhân vật lịch sử này, ngày 06/12/2004 tại Vĩnh Bảo đã diễn ra “Hội thảo về thân thế sự nghiệp Danh y Đào Công Chính”. Tham dự có các Giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ, nhà khoa học, sử học, y học đầu ngành tham dự. Cũng tại hội thảo này, Đào Công Chính được nhất trí suy tôn là một trong ba Đại danh y của Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam, tạo thế kiềng ba chân vững chắc cho nền đông y học gồm:
Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác.
Dược học đối với Tuệ Tĩnh.
Dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính.
Đào Công Chính sinh năm 1639 (năm mất không rõ), người làng Hội Am (tên Nôm là làng Cõi), huyện Vĩnh Lại, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng).
Trong số tác phẩm y lý của ông, nổi tiếng nhất là cuốn Bảo sinh diên thọ toản yếu gồm 5 quyển được coi là cuốn sách về y lý sớm nhất nước ta. Cuốn Bảo sinh diên thọ toản yếu được Đào Công Chính biên soạn năm Bính Thìn (1676) theo sắc chỉ của vua Lê Hy Tông và chúa Nam Định Vương Trịnh Căn.
Nội dung cuốn sách y học này sưu tầm, phân tích, tổng hợp nhiều kiến giải của các tác phẩm y học, trị liệu xưa như Tuân sinh, Đạt sinh, Bản thảo cương mục… và kinh nghiệm rèn luyện cơ thể của những người theo đạo Lão như Đào Hoằng Cảnh, Lã Đồng Tân, Trần Đoàn… Với mục đích dạy cho nhân dân và quân lính cách thức, phương pháp gìn giữ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, tăng tuổi thọ nên Bảo sinh diên thọ toản yếu chú trọng vào các cách giữ vệ sinh, điều dưỡng, rèn luyện tâm thần, trị bệnh bằng thư giãn, hô hấp, hít thở, xoa bóp, cách dưỡng sinh, trị liệu … và cách điều trị một số bệnh như tim, phổi, mật, thận, dạ dày…
Sau khi hoàn thành, cuốn sách được vua Lê và chúa Trịnh Căn đọc rất khen ngợi, cho in số lượng lớn rồi phổ biến rộng. Sau đó sách được in đi, in lại nhiều lần, một vài nơi còn giữ được bộ sách quý này.
Trong quyển thứ nhất của Bảo sinh diên thọ toản yếu, Đào Công Chính dành một phần viết về cách trừ bệnh, kéo dài tuổi thọ gọi là “Sáu chữ khử bệnh kéo dài tuổi thọ” như sau:
“- Phép điều trị tâm khí: Ngồi ngay ngắn, nắm hai tay, dùng sức đấm ra hai bên đầu sáu lần, xong lồng hai tay với nhau, dùng chân đạp vào tay đều năm sáu lần, có thể khử các loại bệnh phong tà của tim, sau đó nhè nhẹ hà hơi ra, cứ làm như thế thì sự phiền táo, lở miệng đều khỏi.
– Phép điều trị can khí: Ngồi ngay ngắn, nâng hau tay lồng vào nhau, lật đi lật lại vào ngực dăm ba lần, có thể khử các loại phong tà tích tụ ở gan, sau đó mới nhè nhẹ thở, làm thế đau mắt đỏ, ra nước mắt tự khỏi.
– Phép điều trị đảm khí: Ngồi ngay ngắn, sao cho hai bàn chân ngửa lên, lắc dăm ba lần. Hai tay chống đất dùng sức nâng toàn thân lên hai ba lần, có thể khử được mọi phong độc và tà khí, sau đó mới thở. Làm như thế thì khí đảm trong lành, bệnh tự tiêu.
– Phép điều trị tỳ khí: Ngồi ngay ngắn, co một chân, duỗi một chân, dùng hai tay kéo ngược về đằng sau đều dăm ba lần, có thể khử được phong tà, thương thực của tỳ tạng, sau đó mới hít thở. Làm như vậy tránh được các bệnh khạc đờm, tả lỵ.
– Phép điều trị phế khí: Ngồi ngay ngắn, dùng hai tay chống đất, co người cong sống lưng, dướn lên trên ba lần, có thể khử mọi phong tà tích trệ của phổi, sau mới thở nhẹ. Làm như thế có thể trừ được các bệnh của thượng tiêu (bao gồm tim, phổi, thực quản, có công năng hô hấp và tuần hoàn).
– Phép điều trị thận khí: Ngồi ngay ngắn, dùng ngón tay miết từ hai bên tai xuống đến sườn dăm ba lần, rồi đứng lên nhảy ra trước, ra sau đều mươi lần, có thể khử được phong tà của eo, thận, bàng quang, sau đó mới thở nhẹ. Làm như thế thì trừ được các bệnh liệt dương, mắt hoa, tai ù”.
Ngoài ra còn nhiều phương pháp khác, có những phương pháp rất dễ làm mà hiệu quả, như phương pháp “Gõ răng không bệnh tật”. Theo Đào Công Chính: “Bệnh của răng là do hỏa của tỳ vị bốc lên. Mỗi sáng thức dậy, hãy gõ răng ba mươi sáu lần, dùng lưỡi đưa đẩy vào chân răng (không kể lần), khi nào nước miếng đầy miệng mới nuốt xuống, mỗi bận làm ba lần mới thôi, mãi mãi răng không bị đau”; sau đó ông còn viết bài thơ 4 câu:
Phong hỏa bốc lên răng chẳng lành,
Gõ răng sáng sớm ngọc tuyền sinh.
Nếu như vận dụng mà không cách,
Có thể về già chắc tựa đinh.
Trong lịch sử khoa bảng Nho học nước ta, có rất nhiều vị đại khoa tài giỏi văn chương thơ phú, lại biết cả võ nghệ binh pháp hoặc kỹ nghệ, nhưng người như Đào Công Chính thực là hiếm thấy. Tài năng của ông chỉ thể hiện không trên lĩnh vực sử học, ngoại giao mà còn cả trong lĩnh vực y dược. Trong Hải Dương phong vật khúc khảo thích cũng có câu ca ngợi về ông như sau:
Hội Am có thần đồng đĩnh ngộ,
Tuổi mười ba đã đỗ thu vi.
Bảng xuân sớm dự long trì,
Ra ngoài sứ tiết vào thì giảng duyên.
Với những đóng góp to lớn cho đất nước và quê hương, Đào Công Chính cùng Phạm Đức Khản, Nguyễn Cối được dân làng Hội Am thờ làm Thành hoàng làng. Đó là 3 vị tiến sĩ đã làm vẻ vang cho làng Cõi quê hương.
Bài vị thờ 3 Tiến sỹ Phạm Đức Khản, Đào Công Chính và Nguyễn Cối từ thời phong kiến tại đình làng Hội Am.
(P.V Thi biên soạn, minh họa ảnh, có tham khảo: “Bí kíp kéo dài tuổi thọ của Thánh thuốc Nam trứ danh nước Việt”/Lê Thái Dũng//Tạp chí Kienthuc.net.vn và Wikipedia).