
Phó GS – TSKH – Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hải Kế.
PGS -TSKH Nguyễn Hải Kế sinh ngày 10 tháng 3 năm 1954 tại thôn Cao Hải, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng trong một gia đình nhà giáo có truyền thống yêu nước và cách mạng. Sau khi kết thúc chương trình học phổ thông tại trường Cấp 3 Ngô Quyền – Hải Phòng năm 1970, Nguyễn Hải Kế thi đỗ đại học và trở thành sinh viên của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH và NV- ĐHQG Hà Nội). Do có thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp đại học năm 1975, ông được Nhà trường và Khoa Lịch sử phân công ở lại làm giảng viên tại Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ Trung đại. Và cũng từ đây, bên cạnh công tác chuyên môn, Ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và đoàn thể. Trong nhiều năm, từ cuối thập kỷ 70 đến đầu thập kỷ 80 (thế kỷ XX), Nguyễn Hải Kế là người đứng đầu Liên chi Đoàn Khoa Lịch sử, rồi làm Bí thư Đoàn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tham gia Ban Chấp hành Thành Đoàn Hà Nội và là Đảng ủy viên trẻ nhất trong Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1987, Ông được Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cử sang Liên Xô học nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, và đi bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ rồi Tiến sĩ Khoa học lịch sử. Trở về sau 9 năm du học Liên Xô, hai năm sau (1998) ông cùng lãnh đạo Khoa Lịch sử và Giáo sư Trần Quốc Vượng lao mình vào xây dựng Bộ môn Lịch sử văn hoá Việt Nam (nay đổi là Văn hoá học và Lịch sử văn hoá Việt Nam) – chuyên ngành đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Từ đấy, trên nền tảng kiến thức vững chắc về lịch sử Việt Nam, nhất là về thời kì cổ đại và trung đại, ông say mê tìm hiểu, khám phá những khía cạnh của đời sống văn hoá dân tộc, từ truyền thống để thức nhận cái hiện tại hay giải mã cái hiện tại từ biện chứng của truyền thống. Trong lĩnh vực này, TSKH Nguyễn Hải Kế luôn có những tìm tòi phát hiện mới. Từ di sản lịch sử – văn hóa truyền thống, những biến đổi trong thời cận – hiện đại, những thách thức đặt ra hiện nay trên con đường xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ông luôn trăn trở nghĩ suy về việc kế thừa và phát huy những giá trị cội nguồn của văn hóa dân tộc.
15 năm nỗ lực hết mình cho việc xây dựng và phát triển Bộ môn Lịch sử văn hoá Việt Nam, ông cùng các đồng nghiệp, học trò đã làm nên một chuyên ngành đào tạo chững chạc, có uy tín và thu hút đông đảo sinh viên ngành Lịch sử theo học, được xã hội thừa thừa nhận, chấp nhận và đánh giá cao. 15 năm đào tạo, với hơn 10 lứa sinh viên ra trường, học trò ông cũng ngót 200 người.
Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy lịch sử văn hóa dân tộc, nhà giáo – nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Kế luôn có những phát hiện mới, thể hiện sâu đậm dấu ấn cá nhân. Trong các bài giảng trên giảng đường đại học, các công trình khảo cứu hay trên các phương tiện thông tin đại chúng, Nguyễn Hải Kế luôn trăn trở với những những giá trị cội nguồn của văn hóa dân tộc, với những tiếp biến và giao lưu văn hóa, với nguyên lý Mẹ và cả những sắc thái đa dạng giữa các lớp văn hóa, giữa các vùng và không gian văn hóa của một nền văn hóa Việt Nam giàu giá trị nhân văn và thống nhất. Những công trình như: “Một làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ”, “Hải Phòng – Vùng đất bị lãng quên thời Lê sơ”, “Tiếp cận bản sắc Việt Nam từ một chỉ dẫn của Hồ Chí Minh”, “Nét Việt Nam Bộ trong văn hóa Việt Nam thế kỷ XIX” hay những công trình viết chung, chủ biên về các vùng quê Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Thăng Long – Hà Nội… ông đã để lại những dấu ấn đậm nét và làm nên tên tuổi của một trong những chuyên gia đầu ngành về Lịch sử văn hóa Việt Nam.
Khi cần, Nguyễn Hải Kế sẵn sàng bỏ mọi công việc khác cùng học trò đi khảo sát điền dã, dù xa xôi, vất vả, khó khăn. Ông sẵn sàng chia sẻ với học trò tất cả những gì mình có, từ tri thức, kinh nghiệm đến tiền bạc, tâm tình.
Người ta nói, học ông vừa dễ lại vừa khó. Ông không có thói quen độc thoại, chỉ đọc cho sinh viên chép hoặc nói cho nghe, mà phải động não, nghĩ suy, trình bày ý kiến, quan điểm. Thế nên, quãng cuối những năm chín mươi, khi ông mới ở Nga về, có người nói Nguyễn Hải Kế khi giảng bài lại đọc thơ, tự hát hoặc bắt sinh viên hát, rất không nghiêm túc, nhưng thực ra thì ông đang giảng về văn hoá dân gian, về dân ca. Cái mà nay giáo dục đại học nêu cao là cần phát huy tính chủ động của người học thì ông đã áp dụng từ rất lâu rồi. Ông dạy học trò bằng tri thức, sự uyên bác, bằng phương pháp tư duy.
Với cương vị là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đại học XH&NV (Đại học Quốc gia) từ năm 2004, ông vững lái con thuyền Khoa Lịch sử ở vào thời điểm nhiều khó khăn khi lớp các thầy cô uyên thâm lần lượt nghỉ hưu hay nhiều anh em bạn bè trang lứa chuyển sang đơn vị công tác khác.
Là một cán bộ quản lý đồng thời là một nhà giáo, thầy Nguyễn Hải Kế đã để lại ấn tượng và tình cảm sâu sắc trong các lớp học trò và bạn bè đồng nghiệp về một phong cách sống bình dị, chan hòa, luôn chân tình, gần gũi và hết mực yêu thương các em sinh viên.
Với trên 100 công trình khoa học đã công bố trong và ngoài nước, trong đó có gần một chục cuốn sách là tác giả hoặc chủ biên, PGS – TSKH. Nguyễn Hải Kế đã để lại dấu ấn đậm nét trong nghiên cứu Cổ sử và Lịch sử Văn hóa Việt Nam. Dấu ấn đó là sự khảo cứu các công trình về giống cây trồng trong “Vân đài loại ngữ” của Lê Quí Đôn hay một “Một làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ”. Dấu ấn đó là khi ông tổng kết Lịch sử Giáo dục Thăng Long – Hà Nội, để từ đó đề xuất các giải pháp khả thi nhằm khắc phục những yếu kém, khiếm khuyết hiện nay và nâng cao chất lượng của nền giáo dục nước nhà.
Trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, PGS – TS. Nguyễn Hải Kế đã có 10 bài nghiên cứu được công bố, trong số đó, có thể kể tới như: “đê Hồng Đức và công cuộc khai hoang lập làng ở ven biển nam sông Hồng” (Tạp chí nghiên cứu lịch sử (NCLS), số 5- 1985); “Hải Phòng, vùng đất “bị quên lãng” thời Lê sơ”, (NCLS, số 1- 2005); “Sự kiện Mỹ Động và cuộc tiến công vây hãm Thành Đông Quan ngày 4 tháng 4 năm 1427”, (NCLS số 12- 2005); “Quốc dân độc bản của Đông Kinh Nghĩa Thục- Gương chiếu hậu nền Khoa cử Nho học Việt Nam”, (NCLS, số 9- 2007); “Câu hỏi của Lê Lợi năm 1428 và triều đình Lê sơ giai đoạn 1428-1459” (Bài học thời hậu chiến), (NCLS, số 7-2008); “Về những đấng phi thuờng của Triều đình Hoa Lư năm 979-980”, (NCLS, số 1- 2009); “Về gốc/nguồn Lý Công Uẩn” (Qua danh hiệu”Hiển Khánh vương”và”Gốc người Mân”), (NCLS, số 12- 2009); “Khúc bi tráng của trí thức Nho học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX”, (NCLS, số 6- 2011); “Từ Quí hương Tức Mặc đến Hành cung Thiên Trường- Quá trình lịch sử, tự nhiên và tâm thế của vương triều Trần- Đại Việt thế kỷ XIII”, (NCLS, số 1- 2012)…
Trong suốt 9 năm làm Chủ nhiệm Khoa lịch sử, đồng thời kiêm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, ở bất cứ cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Là một nhà giáo tâm huyết, một nhà khoa học, một người ham mê hoạt động xã hội, PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế đã để lại những tình cảm đặc biệt sâu sắc trong các thế hệ sinh viên và bạn bè đồng nghiệp về một phong cách sống bình dị, chan hòa, luôn chân tình, gần gũi và hết mực yêu thương học trò. Nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được thầy Kế hướng dẫn khoa học nay đã trưởng thành; có người đã trở thành nhà nghiên cứu, giáo viên, cán bộ quản lý giỏi trong các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và các địa phương.
Với 37 năm cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, do có nhiều cống hiến nổi bật, PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế đã nhiều lần được trao tặng các phần thưởng cao quí của Đại học quốc gia Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Giáo dục- Đào tạo. Đặc biệt vào các năm 2007 và 2008, Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Uu tú, Huân chương Lao động hạng Ba và Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Trong lúc công việc và cuộc đời còn bộn bề, dang dở, nhiều dự định và những đề tài khoa học vẫn còn chưa tới bờ tới bến, PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế đã đột ngột lâm bệnh, mặc dù đã được các bác sĩ, chuyên gia y tế hết lòng cứu chữa, được gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các học trò tận tình chăm sóc, nhưng do bệnh hiểm nghèo, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 19h56 phút ngày 19 tháng 3 năm 2013, tức ngày 8 tháng 2 năm Quý Tỵ, hưởng thọ 60 tuổi.
Bàn tang lễ với di ảnh và quan tài cố GS-TSKH Nguyễn Hải Kế.
Thi Văn biên soạn theo:
– Vĩnh biệt PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế/ Thông tin //tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. – Tr. 73-74).
– Phó GS. Tiến sĩ KH. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hải Kế một đời vì sự nghệp đào tạo, nghiên cứu lịch sử và lịch sử văn hóa dân tộc //lichsu.tnus.edu.vn