
Ảnh đầu phố Cát Cụt (đoạn giao với phố Tô Hiệu)
Phố Cát Cụt là con phố ngắn từ bờ hồ Tam Bạc ở phố Nguyễn Đức Cảnh đến phố Tô Hiệu đầu chợ Cột Đèn, dài 495m, rộng 7,5m, cắt phố Cát Dài. Vỉa hè đoạn Nguyễn Đức Cảnh – Cát Dài: bên trái dài 255m, rộng 3,5m; bên phải: dài 250m, rộng 3,5m; đoạn Cát Dài – Tô Hiệu: bên trái dài 205m, rộng 3,5m; bên phải dài 200m, rộng 4m. Hệ thống thoát nước toàn tuyến dài 505m, đặt cống Ø500mm dưới lòng đường. Phố thuộc đất xã An Biên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Đường Cát. Nay phố Cát Cụt thuộc phường An Biên.
Trụ sở Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND phường An Biên (nguồn: Cổng Thông tin ĐT thành phố).
Theo bản đồ làng An Biên năm 1872, có một con đường nhỏ đắp đất phủ cát, chạy từ ven làng An Biên đến thẳng lạch Liêm Khê (nay là hồ Tam Bạc) thì chấm dứt (cụt). Có lẽ vì vậy mà người dân gọi phố là Cát Cụt. Tên Cát Cụt được giữ nguyên từ đó đến giờ và luôn được nhân dân dùng để gọi tên phố, cho dù phố đã từng được đặt bằng nhiều tên khác nhau.
Lúc mới mở người Pháp đặt tên phố là Xtrátbua (Rue Strabourg). Sau cách mạng tháng Tám, đổi gọi là phố Đoàn Thị Điểm. Năm 1954 phố được gọi là Hàm Nghi.
Sau chỉ dụ ngày 1-10-1888 của vua Đồng Khánh nhà Nguyễn (cắt một số vùng của đất nước nhường cho thực dân Pháp), cùng với khu nhượng địa Hải Phòng, phố Cát Cụt được người Pháp lập nên. Phố phần lớn là nhà một tầng lợp ngói mũi hài Trung Hoa, cá biệt có nhà hai tầng lợp tôn, sàn trên bằng gỗ.
Thời Pháp thuộc, phố có một số cơ sở hộ sinh tư nhân, có rạp hát cải lương Đại Chúng xây dựng từ năm 1924. Bến đò Nhật Bản ở đầu phố qua sông Lấp nay không còn.
Trong thời kì cách mạng Dân tộc dân chủ, cơ sở cách mạng của Đảng dưới hình thức đại lí sách báo đặt tại số nhà 101. Số nhà 75 là trụ sở của cơ quan Tỉnh bộ thời kì 1928-1930, cơ quan Thành ủy Hải Phòng năm 1945.
Hơn 20 năm trở về trước, ngoài những cửa hàng, đại lý sơn lớn, trụ sở buôn bán sầm uất, Cát Cụt còn được biết đến như một phố sách cũ của Hải Phòng. Theo lời kể lại của những người bán hàng ở phố này cho biết, ngày ấy cả phố có đến hơn chục cửa hàng (sạp) bán sách cũ. Còn giờ đây, phố đã có nhiều thay đổi. Khi phương tiện giải trí và thông tin đại chúng nhiều, hiện đại hơn thì nhu cầu về sách, báo cũ không còn nữa. Người ta cũng không mua, bán sách, báo nhiều như xưa nên các sạp kinh doanh thứ này cũng ít đi, chỉ còn một số cửa hàng bán sách, báo lớn. Giờ đây con phố này mọc lên nhiều các quán ăn, quán giải khát, cửa hàng rượu-bia, quần áo thời trang, kính mắt…
Ảnh một cửa hàng bán sách trên phố Cát Cụt.
Những cửa hàng quần áo thời trang trên phố Cát Cụt nay.
Cùng với sự phát triển của thành phố, đời sống người dân được nâng lên đã khiến mặt tiền hai bên phố trở lên hào nhoáng, sầm uất với nhiều nhà cửa, hàng, quán kinh doanh nhộn nhịp. Có điều, con đường Cát Cụt thì vẫn như xưa, chẳng mở rộng được là mấy, cộng với phương tiện xe máy, ô tô ngày một nhiều khiến cho con phố càng trở lên đông đúc, chật chội, nhất là vào giờ cao điểm.
Ảnh một cửa hàng ăn uống trên phố Cát Cụt.
P.V Thi biên soạn, minh họa ảnh (có tham khảo sách “Lược khảo tên đường phố và địa danh Hải Phòng” của tác giả Ngô Đăng Lợi và báo An ninh Hải Phòng).