(Bài tham luận hội thảo “Tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hải Phòng”)
Tượng Tam tòa Thánh Mẫu (ngồi giữa là Đệ nhất Thượng thiên, bên phải: Đệ nhị Thượng ngàn, bên trái: Đệ tam Thoải phủ)
Trong hoạt động tâm linh của người Hải Phòng, cũng như các vùng khác ở đồng bằng Bắc Bộ, từ xa xưa đã tồn tại song song việc thờ gia tiên tiền tổ với thờ Phật, thờ Tam tòa Thánh Mẫu và cả những nhân thần có công với nước, với dân trong Tứ phủ.
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nói đến mối quan hệ tương hỗ giữa việc thờ Phật và thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) trong tín ngưỡng dân gian người Hải Phòng.
Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện từ rất sớm, nó có trước tôn giáo. Khi Phật giáo truyền đến Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành trước đó với việc tôn thờ mẫu Mẹ Âu Cơ và những Mẹ Trời (mẫu Thượng Thiên) Mẹ đất (Mẫu Địa), Mẹ nước (Mẫu Thủy) mà trong niềm tin sơ khai của người Việt là những thế lực có quyền năng sáng tạo, sinh thành, bảo trợ và che chở cho họ.
Thủa mông muội, con người không hiểu những hiện tượng thiên nhiên như mưa, gió, sấm, chớp là từ đâu. Vậy nên mới có tục thờ Tứ Pháp. Khi đạo Phật truyền vào Việt Nam (khoảng 2000 năm nay) tín ngưỡng thờ Mẫu còn được thể hiện qua huyền tích Phật Mẫu Man Nương ở huyện Siêu Loại, hương Mãn Xá (Bắc Ninh nay).
Tại vùng này hiện nay có 5 ngôi chùa cổ: Chùa Dâu thờ Pháp Vân (nữ thần mây), chùa Đậu thờ Pháp Vũ (nữ thần mưa), chùa Tướng thờ Pháp Lôi (nữ thần sấm), chùa Dàn thờ Pháp Điện (nữ thần chớp) và chùa Tổ thờ bà Man Nương là mẹ của Tứ pháp (dân gian tôn là Phật Mẫu Man Nương).
Trong cuộc sống xưa, con người ta có biết bao hiểm nguy rình rập, bao nỗi lo sợ tai ương, như vào rừng thì sợ gặp thú dữ, cây đổ, đá đè. Xuống nước thì sợ vực sâu, nước cuốn, sóng gió lật thuyền..v..v. Vậy nên họ mới tưởng tượng ra những thần linh có phép thuật nhiệm màu như Mẫu Nhạc (Mẹ rừng), Mẫu Thoải (Mẹ nước) để tôn thờ, mong những thánh Mẫu tối cao này che chở họ khỏi tai ương. Trong suy nghĩ của con người ta thì người mẹ thường có tình mẫu tử thiêng liêng với những đứa con mình rứt ruột đẻ ra nên tất nhiên phải thương yêu, bảo vệ, ban phát ân huệ choÂÂ con mình. Đó là lý do xuất hiện tục thờ thần Mẹ hay tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thủy, Mẫu Địa) và sau này là Tam Phủ Thánh mẫu (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ) của người Việt.
Với quá trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu đã có ảnh hưởng tương giao với các tôn giáo và tín ngưỡng khác như đạo Phật, đạo Lão nên mới có hiện tượng tôn giáo đồng nguyên (cùng được phối thờ). Có thể coi đây là sự hỗn dung tôn giáo-tín ngưỡng.
Tại các chùa, đền, phủ hiện nay, ngoài việc thờ Phật, người ta còn thờ cả thánh, thần theo kiểu tiền Phật, hậu Thánh. Ở những nơi này, bên cạnh ban thờ Phật với hệ thống tượng pháp và đồ thờ bao giờ cũng có ban thờ Mẫu Tam phủÂÂ và Tứ phủ với ban thờ Tam tòa Thánh mẫu hoặc hệ thống tượng Tứ phủ công đồng.
Tín ngưỡng thờ Tam phủ – Tứ phủ tuy có những quan điểm khác nhau nhưng lại không hề mâu thuẫn bởi vì chung quy lại đó đều là tôn thờ Thánh Mẫu, tôn thờ toàn vũ trụ với quan niệm dân gian:
– Đệ nhất thượng thiên
– Đệ nhị thượng ngàn
– Đệ tam thoải phủ
– Đệ tứ khâm sai (Đệ tứ địa phủ).
Đa phần các chùa tại thành phố Hải Phòng hiện nay, ngoài thờ Phật là chính đều phối thờ cả Tam tòa Thánh Mẫu với ban thờ riêng, thậm chí có chùa còn lập một gian riêng như điện thờ Tam phủ trong đó (như chùa Dư Hàng, chùa Lạc Viên). Tuy nhiên cũng có chùa chỉ thờ Phật, không thờ Mẫu như chùa Nam Hải (trụ sở Hội Phật giáo Hải Phòng) và Phổ Chiếu.
Lại có nơi trong đình (vốn thờ thần Thành hoàng làng) người ta lại thờ cả Tam tòa thánh Mẫu (như đình Hàng Kênh). Điều này có cái gì đó không hợp lý bởi thần Thành hoàng theo xếp bậc trong thần điện Việt Nam chỉ là Hạ thần hay Trung thần, trong khi đó ba vị nữ thần của Tam phủ được coi là bậc Thượng đẳng thần. Người ta chỉ có thể phối thờ vị thần bậc thấp trong đền thờ vị thần bậc cao chứ không thể thờ thần bậc cao tại nơi thờ thần bậc thấp hơn. Nói về những bất cập trong tín ngưỡng dân gian hiện nay còn có nhiều chuyện phải bàn.
Với việc nhân dân tôn thờ bà Chúa Liễu Hạnh là Đệ nhất Thánh Mẫu trong Tam phủ Thánh Mẫu đủ thấy vị trí linh thiêng của Mẫu Liễu Hạnh như thế nào trong tâm thức dân gian. Từ việc thờ Tứ phủ Thánh Mẫu, có nơi, có lúc người ta đồng hóa Mẫu Liễu Hạnh với Mẫu Địa để chỉ còn tôn thờ Tam tòa Thánh Mẫu thì có thể nói Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh Mẫu tối cao trong Thần Đạo Việt Nam và bà cũng là người phụ nữ duy nhất mà dân gian suy tôn trong 4 vị thánh bất tử của người Việt.
Như nhiều nơi trên miền Bắc, ở thành phố Hải Phòng cũng có đền thờ mẫu Liễu Hạnh. Đó là Phủ Thượng Đoạn thuộc phường Đông Hải 1, quận Hải An. Nơi đây là nơi thờ chính của bà, gắn với truyền thuyết về một lần bà và thị nữ đi thuyền du ngoạn đến đây và giúp dân trừng phạt một tên cường hào hại dân rồi được dân dựng miếu tôn thờ. Theo truyền ngôn, phủ được tôn tạo khang trang vào thế kỷ 16. Tại đây lưu giữ 23 bản sắc phong có niên đại 1846 – 1924. Các vua nhà Nguyễn phong chúa Liễu Hạnh là Thượng đẳng thần và cho được phụng thờ tại xã Thượng Đoạn (xưa).
Hàng năm vào dịp đầu tháng 3 âm lịch, phủ Thượng Đoạn mở lễ hội theo lối cách nhật với các hoạt động tế, lễ của 3 phường. Đặc biệt trong lễ hội có nghi thức rước kinh sách từ chùa Vẽ về Phủ để phối thờ. Đây là một hoạt động của lễ hội nhằm nhắc lại sự tích của Thánh Mẫu: tương truyền trong một kiếp hoá thân, chúa Liễu đã quy theo Phật nên lễ hội của phủ có nghi thức rước kinh Phật.
Mẫu Liễu Hạnh được thờ ở một số đền, phủ, bản điện và phối thờ trong hầu hết các chùa ở Hải Phòng với vai trò là Giáo chủ của Tam phủ Thánh Mẫu.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, người dân Hải Phòng còn thờ những Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa, nữ tướng tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển thánh trong quan niệm người Việt để hộ quốc tì dân,phù hộ cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa. Có thể kể ra đây một số nhân thần tiêu biểu được ca ngợi công đức trong các giá hầu Thánh nữ như:
1. Chúa Bà Đệ tam Lâm Thao, còn gọi là chúa Ót (cách gọi chệch của “Út”), là vị Thánh cô thứ ba trong Tam vị Chúa Mường (thuộc Nhạc phủ). Tương truyền, bà là công chúa con gái Vua Hùng, từ bé đã bị hỏng một bên mắt nhưng hết lòng giúp vua cha lo quân lương trong các cuộc chiến trận. Ngoài ra bà còn là người có tài bốc thuốc nam chữa bệnh cứu giúp dân lành. Bà Chúa Đệ Tam Lâm Thao cũng là một người có lòng mộ đạo, thường xuyên ăn chay niệm Phật để cầu cho quốc thái dân an. Chúa Lâm Thao được thờ chính tại đền Lâm Thao ở Cao Mại, Việt Trì, Phú Thọ. Ở Hải Phòng, chúa Bà Đệ Tam Lâm Thao được thờ ở đền Nguyệt Cư phủ bên bờ sông Tam Bạc, dưới chân cầu mới do C.ty TNHH Sơn Trường xây dựng.
2. Bát Nàn Đông nhung Đại tướng quân (tên thật là Vũ Thị Thục), quê gốc ở Phượng Lâu, Việt Trì (Phú Thọ) – một trong số các tướng tài ba nhất của Hai Bà Trưng có công cứu nước, cứu dân từ buổi đầu kháng chiến chống quân Đông Hán xâm lược.
3. Đệ nhị Vương cô nhà Trần (tên thật là Trần Thị Tĩnh – con gái thứ hai của Hưng Đạo Đại Vương). Bà là vợ tướng quân Phạm Ngũ Lão, đã có công giúp Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và chồng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược.
4. Bà chúa Thác Bờ (tên thật là Đinh Thị Vân), con gái một gia đình tộc trưởng người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình) đã có công giúp vua Lê Thái Tổ vận chuyển quân qua sông, dẹp loạn ở đèo Cát Hãn (Mường Lễ-Sơn La) .v.v…
5. Ở Hải Phòng, nữ tướng Lê Chân – người có công lập lên trang An Biên (tiền thân của thành phố Hải Phòng) và giúp Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán, trấn thủ Hải Tần, được Vua Trưng phong chức Trưởng quản binh quyền, tước vị Thánh Chân Công chúa cũng được dân gian địa phương tôn làm Thánh Mẫu với đền thờ chính là Đền Nghè, chùa Vẻn (phối thờ), đình An Biên. Tại núi Voi, huyện An Lão Công trình tu bổ, tôn tạo đền thờ Nữ tướng Lê Chân (vốn trước đó Bà được phối thờ trong chùa Hang dưới chân núi) được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013 trở thành một Di tích lịch sử của Thành phố nhằm tưởng niệm nữ tướng Lê Chân. Nơi đây được xem là căn cứ hậu cần, tích trữ lương thảo và rèn luyệnÂÂ nghĩa quân xưa của Nữ Tướng.
Với việc trấn thủ vùng ven biển Đông Bắc, chú trọng chăm lo đời sống nhân dân, khuyến khích nghề nông, khai mở trang ấp, đoàn kết quân – dân Hải Tần để bảo vệ vùng ven biển nên nữ tướng Lê Chân được người Hải Phòng tôn thờ như Thành Hoàng bản thổ.
Tại Hải Phòng trong 3 dịp lễ trọng: Ngày 8-2 (âm lịch) ngày sinh của bà; ngày 15-8 (âm lịch) ngày thắng trận; ngày 25-12 (âm lịch) ngày mất của bà, nhân dân đều tổ chức cúng tế long trọng. Đặc biệt Lễ hội Nữ tướng Lê Chân vào tháng 2 âm lịch hàng năm bây giờ đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia của thành phố.
Nữ tướng Lê Chân được nhiều vùng trên miền Bắc tôn thờ. Tại căn cứ Lạt Sơn xưa (thuộc Hà Nam) – nơi bà tổ chức chiến đấu đến cùng chống quân Mã Viện và tử tiết, có ngôi đền thờ vị nữ tướng anh hùng quanh năm khói hương. Nơi đây trên vách đá thung Bể còn lưu lại ba tấm bia niên đại năm 1671 – 1672 triều vua Lê Gia Tông thời Hậu Lê suy tôn nữ tướng với những danh hiệu cao quý. Bia nói đến việc xây chùa Thánh Chân (khởi nguồn là Tiên động Thánh Chân), một bia có khắc hình con hổ, gợi liên tưởng đến sự dũng mãnh của nữ tướng Lê Chân, điệp thêm sự tôn kính, nâng Bà lên hàng Thánh Mẫu, Phật Mẫu.
6. Còn một nhân vật lịch sử khác là Vũ Quyến Hoa đã giúp Ngô Vương Quyền lo quân lương, hậu cần, góp phần vào chiến thắng Bạch Đằng năm 938, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của nước ta. Bà được Ngô Vương phong Vũ Quận Chúa Quyến Hoa và được nhân dân tôn làm Vũ Quyến Hoa công chúa, coi là Chúa Ngũ phương cai quản 5 phương trời đất trong tín ngưỡng dân gian. Nếu chúng ta biết rằng bà Bùi Thị Từ Nhiên, người đã giúp Hưng Đạo Đại Vương lo quân lương trong trận Bạch Đằng năm 1288 chống quân Nguyên Mông thắng lợi và được ông phong Nữ tướng cũng không được dân gian tôn xưng như vậy thì đủ thấy Chúa bà Vũ Quyến Hoa có vị trí thế nào trong tâm thức dân gian.
Bà Vũ Quyến Hoa sinh ra trong một gia đình họ Vũ tại làng Gia Viên (xưa có tên là làng Cấm), nay thuộc quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Nhờ tài đảm lược, bà được Ngô Vương Quyền trao quyền cai quản toàn bộ quân nhu tại căn cứ Gia Viên quê bà trong trận thủy chiến chống quân Nam Hán xâm lược. Ngày thác của Chúa là ngày 16 tháng 6 (ÂL) khoảng năm 939 – 944.
Năm 1924, vua Khải Định sắc phong cho bà là “Vũ quận Quyến hoa Công chúa Tôn Thần”
Theo thần tích, bà là một vị tiên nữ trên Thiên Đình, được giáng trần để giúp nước, che chở cho dân. Khi mất, bà hồi tiên và được Thiên tiên Thánh Mẫu giao quyền cai quản năm phương trời đất, bản cảnh bản xứ ngũ phương vậy nên được dân gian tôn xưng là Bà Chúa Quận Năm Phương (hay còn có tên khác là Vũ Quận Bạch Hoa Công Chúa). Người ta thờ Chúa Bà Ngũ phương ở nhiều nơi trên đất Hải Phòng như chùa Cấm tên chữ là Cấm Giang Bản Cảnh Linh Từ hay Nguyệt Quang Tự. Nơi đây ngoài thờ Phật, trong hậu cung bản tự có tượng Chúa Bà rất đẹp, uy nghiêm trong trang phục màu trắng; Đền Tiên Nga ở phố Lê Lợi hay đền Chúa Bà Năm Phương ở Đồ Sơn tại ngõ 155 phố Suối Rồng, khu 1 quận Đồ Sơn; Đền Bảo Phúc tại 12 – phố Trần Phú. Đây là một ngôi đền nhỏ hiện nằm trong khuôn viên của khách sạn Habeview. Ngôi đền này mới được xây dựng trên cơ sở một ngôi miếu thờ Chúa Năm Phương; Ngôi đền tại số 1 – phố Lê Hồng Phong: Trước đây chỉ là một miếu thờ nhỏ thờ Chúa Năm Phương, sau thành ngôi đền đẹp do một công ty xây dựng phát tâm công đức khi được cấp mảnh đất xây dựng trung tâm thương mại tại đây. Ngoài ra, ngôi miếu nhỏ dưới tán cây đa 13 gốc thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, nơi tương truyền bà về ngự khi đền thờ bà ở ngã 3 vườn hoa Chéo bị phá bỏ cũng quanh năm có khói hương thờ cúng.
Ngày 16/6 âm lịch là ngày thánh hóa của bà Vũ Quận Quyến Hoa. Vào ngày này, các đềnthờ Chúa Bà Năm Phương đều tổ chức tế lễ. Cần nói thêm, tại những nơi thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền, nhân dân đều phối thờ cả Vũ Quận chúa Quyến Hoa.
Vũ Quận Quyến Hoa được xếp vào hàng thánh cô trong Tứ Phủ Chầu Bà. Trong các giá hầu tại Hải Phòng và một số vùng lân cận, người ta thường thỉnh bà trước giá Chầu Năm suối Lân (một Thánh Cô thuộc Sơn trang Thượng ngàn). Y phục của Chúa Bà Ngũ phương trong giá hầu đều có mầu trắng (kể cả cỗ xe tay mà bà ngự theo giai thoại). Có lẽ vì vậy dân gian còn gọi Bà là Bạch Hoa Công chúa.
Có một người phụ nữ thời nhà Mạc cũng được người dân Hải Phòng và vùng phụ cận thời đó coi như Mẫu nghi thiên hạ, Phật sống ở trần gian, đó là Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn – chính thất của vua Mạc Đăng Dung. Tên tuổi của Bà đã xuyên suốt cả 3 đời vua đầu khi nhà Mạc thịnh trị. Bà là người làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng nay – một người có lòng nhân ái, mộ đạo Phật.
Theo cứ liệu lịch sử: Năm 1541 vua Mạc Đăng Dung qua đời, Thái Hoàng Thái Hậu quy theo đạo Phật. Nhiều nguồn sử liệu đều thống nhất ca tụng Thái Hoàng Theo cứ liệu lịch sử: Năm 1541 vua Mạc Đăng Dung qua đời, Thái Hoàng Thái Hậu quy theo đạo Phật. Nhiều nguồn sử liệu đều thống nhất ca tụng Thái Hoàng Thái Hậu “là bậc thánh mẫu của thánh triều, chính vị Đông trào, hóa thành Nam quốc, sánh đức thánh thiện Đồ Sơn – nhà Hạ” như văn bia thời Mạc ghi việc trùng tu chùa Bảo Lâm, xã Trâu Bộ, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. (Bia ÂÂ tạo tháng Giêng năm Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Bảo thứ 5 (1559), triều vua Mạc Phúc Nguyên.
Vào năm 1562, khi vương triều Mạc còn thịnh, Thái Hoàng Thái Hậu đã kêu gọi các hoàng thân quốc thích trong Hoàng tộc khác cùng đóng góp, dựng nên ngôi chùa Thiên Phúc ở làng Hòa Liễu và mấy chục chùa khác ở các nơi. Bà cũng là người có công lập ra ấp Lan Niểu, nay là làng Hòa Liễu xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy và lập ra hội Minh Thệ (thề trong sáng, ngay thẳng) mà hiện nay người dân địa phương vẫn kế thừa được. Đây được coi là lễ hội chống tham nhũng độc đáo duy nhất ở nước ta và là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Riêng tại Hòa Liễu, bà xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào ruộng cúng Tam bảo. Nhiều vị trong hoàng tộc hưởng ứng, số tiền quyên góp dư ra để mua 47 mẫu 3 sào. Từ số ruộng đó, làng cho nhà chùa 4 mẫu để cày cấy, còn lại làm ruộng công để dùng cho người có nhu cầu “đấu thầu” để canh tác. Những người nhận ruộng công sẽ phải trả lại một phần hoa màu để làm một “quỹ” dự trữ dùng vào việc cứu đói, giúp người nghèo, người cô đơn, quả phụ. Việc làm này có ý nghĩa nhân văn rất lớn, được nhân dân ghi nhớ, biết ơn.
Ngày 15/6 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của bà. Để tưởng nhớ công đức của Thái Hoàng Thái Hậu, dân làng Hòa Liễu và chính quyền địa phương hiện nay đều tổ chức cúng tế long trọng. Người dân Hòa Liễu tôn thờ bà cùng Long Vân Thiên quan Đại vương như hai vị Thành Hoàng bản thổ.
Bà Vũ Thị Ngọc Toàn là người có nhiều công lao nhất trong các thành viên hoàng tộc nhà Mạc khi hưng công, xây dựng chùa chiền và hoằng dương Phật pháp. Bà được xem là người cung tiến nhiều nhất hoàng tộc. Tổng cộng, Bà đã cúng 30 mẫu ruộng và 6000 lá vàng cùng tiền bạc cho trên chục ngôi chùa ở Hải Phòng và các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh…
Bà quả là một người đã dốc toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo dưới triều Mạc.Với những công lao nói trên, bà được dân gian tôn xưng là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Phật sống giữa trần gian”. Bà còn được nhân dân, tín đồ Phật tử nhiều làng xã tạc tượng chân thân để tôn thờ trong các chùa chiền, đền, miếu với nhiều tư cách khác nhau, như hậu Phật, sư Tổ, hậu Thần, thành hoàng, thánh Mẫu…
Trong tâm thức người dân Kiến Thụy, Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn dường như được đồng hóa với hình tượng Phật bà Quan Âm. Đến nay, một số chùa ở Hải Phòng và một số nơi còn lưu giữ được nhưng pho tượng Hậu Phật bằng đá (tương truyền là chân thân của Bà). Đó là hình tượng một người phụ nữ nông thôn ngồi bình thân, mình đậm đà, đầu đội mũ vành cao, trang trí hoa dây, khuôn mặt sáng láng toát lên vẻ phúc hậu. Đây là tượng Hậu Phật được tôn lên hàng Quan Âm.
Dù được dân chúng Hải Phòng nói riêng và xứ Đông nói chung tôn sùng như vậy nhưng bà Vũ Thị Ngọc Toàn lại không được triều Nguyễn phong sắc, có lẽ vì triều Mạc bị các sử gia phong kiến coi là ngụy triều (cướp ngôi nhà Lê) chăng?.
Những nhân thần hiển Thánh trong quan niệm dân gian này thường được người ta thỉnh trong các giá hầu thánh tại các đình, đền, phủ có thờ Tam phủ, Tứ phủ hoặc bản điện tư gia.
Tín ngưỡng thờ Mẫu đóng vai trò quan trọng trong việc dung nạp các tín ngưỡng thờ thần nữ ở nước ta và góp phần hòa đồng các tín ngưỡng, tôn giáo như Thánh, Thần, Phật…với mục đích phù hộ độ trì cho con người. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng bản địa (do người Việt sáng tạo nên) còn có sự ảnh hưởng ngược lại đối với tôn giáo ngoại nhập như Phật giáo, Công giáo…Tuy nhiên phải nhận thấy rằng, chỉ có tôn giáo nào gần gũi với quan điểm sống và nhận thức người Việt Nam như đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho mới được dung nạp đồng nguyên trong việc thờ phụng. Trong chùa, ngoài việc thờ Phật người ta còn thờ cả Tam tòa Thánh Mẫu và tòa Sơn Trang và ngược lại, tại đình, đền, phủ, ngoài việc thờ thần người ta cũng thờ cả Phật và đôi khi cả Thánh đạo Nho, Lão như Khổng Tử, Lão Tử. Tuyệt nhiên không thấy đâu trong những nơi này lại thờ cả Chúa Ki Tô hay Thánh A-La đạo Hồi. Đó chính là bản sắc riêng độc đáo của văn hóa tín ngưỡng người Việt.
Phạm Văn Thi, Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.