Phố Nguyễn Khoa Dục

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, dòng họ Nguyễn Khoa- Nguyễn Đình với những nhân vật lịch sử như Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng, Nguyễn Khoa Thuyên, Nguyễn Khoa Minh, Nguyễn Khoa Dục, Nguyễn Khoa Luận… đã có nhiều đóng góp to lớn đối với công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

alt

Theo gương sáng của các bậc tiền nhân, con cháu của dòng họ Nguyễn Khoa- Nguyễn Đình đều gìn giữ gia phong, quý trọng học thức, văn hóa, có nhiều đóng góp cho gia đình và xã hội. Nhiều người có tên tuổi trong phong trào chấn hưng Phật giáo, có vị là Tế tửu Quốc Tử giám, là nhà thơ tài danh trong các thi xã, họa sĩ vẽ tranh sơn dầu đầu tiên của hội họa hiện đại Việt Nam, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà văn, nhà giáo, thầy thuốc, nhà quân sự, nhà báo, chính khách…Nhiều tên tuổi của dòng họ được đặt làm tên đường phố như Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Đạm Phương, Hải Triều… Gia phả dòng họ Nguyễn Khoa- Nguyễn Đình ghi rõ: ngôi mộ tổ của dòng họ mà dân làng Trạm Bạc, xã Lê Lợi, huyện An Dương; quen gọi là mộ ông Nghè- chính là thân sinh của cụ Nguyễn Đình Thân, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Khoa- Nguyễn Đình ngày nay. Khuôn viên ngôi mộ tổ của dòng họ Nguyễn Khoa- Nguyễn Đình có tổng diện tích khoảng 1200m2 với niên đại khoảng gần 500 năm. Đây là ngôi mộ thiên táng, chỉ đắp bồi đất thêm, không cải táng. Ông Nghè- Ngài tị tổ của dòng họ Nguyễn Khoa- Nguyễn Đình là con dân của làng Trạm Bạc. Ngài thuộc những thế hệ có công khai khẩn, lập nên làng Trạm Bạc ngày nay, cùng dân làng trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử dưới thời Lê- Mạc.

Đến năm 1852, ông Nguyễn Khoa Dục, người cháu đời thứ 9 trở về làng Trạm Bạc tổ chức xây cất, đặt bia trang trọng để mộ Ngài tị tổ được lưu giữ đến ngày nay. Trong thời gian này, ông Nguyễn Khoa Dục giúp làng Trạm Bạc xây đình làng và quy tụ người dân trở về quê hương. Hằng năm, theo tục lệ, người dân làng Trạm Bạc đều mang kiệu, hương án, cờ lọng ra tận mộ thắp hương, rước Ngài tị tổ vào đình chủ trì tế lễ. Như vậy, ngoài việc ông Nguyễn Khoa Dục được người dân Trạm Bạc thờ làm thành hoàng làng thì Ngài tị tổ cũng được tôn vinh là phúc thần của làng. Mộ Ngài tị tổ không chỉ là công trình tâm linh gắn với 2 chi họ là Nguyễn Khoa ở Huế và Nguyễn Đình ở Hải Phòng mà sự tồn tại của ngôi mộ qua gần 5 thế kỷ được xếp vào loại di tích mộ phần hiếm có ở nước ta… Tuy nhiên, vì sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng, thành phố nói chung, thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Khoa- Nguyễn Đình nhất trí di chuyển ngôi mộ tổ nằm trong vị trí dây chuyền sản xuất của Tập đoàn LG thuộc Khu công nghiệp Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương về vị trí mới, tạo điện kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án. Nơi yên nghỉ mới của Ngài tị tổ được tọa lạc trong quần thể đình Trạm Bạc giữa cánh đồng làng, được bao bọc bởi một bên là xóm làng trù phú, ấm áp, một bên là dãy núi Voi xanh ngát, hùng vĩ. Tại Hải Phòng, mới đây, HĐND thành phố thống nhất đặt tên một đường phố thuộc quận Hải An là Nguyễn Khoa Dục.

CB (Tổng hợp)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học