Những người con Hải Phòng góp công trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 981.

Tượng Ngô Vương Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo trên quảng trường Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Bạch Đằng giang ở Tràng Kênh.

          Dòng sông Bạch Đằng lịch sử đã từng ghi dấu chiến công 3 cuộc thủy chiến chống quân xâm lược phương Bắc của dân tộc ta. Đó là trận Bạch Đằng năm 938 do Ngô Vương Quyền lãnh đạo đánh quân Nam Hán; Trận Bạch Đằng năm 981 do vua Lê Đại Hành chỉ huy đánh quân Tống và trận Bạch Đằng năm 1288 do Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh tan binh thuyền quân Nguyên Mông.
          Góp phần tạo nên chiến thắng của ba lần đánh tan quân xâm lược trên dòng sông lịch sử này có công lao đóng góp và sự hy sinh to lớn của nhiều người con Hải Phòng thủa đó. Xin giới thiệu về những nhân vật tiêu biểu đã tham gia vào những trận thủy chiến Bạch Đằng giang này.
          Trận Bạch Đằng lần thứ nhất (năm 938) .

Tượng Ngô Vương Quyền trên quảng trường từ Lương Xâm – Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

          Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố: Đó hai chàng trai làng Da Viên (có tên Nôm là làng Cấm, nay thuộc phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) theo lời kêu gọi của Ngô Vương Quyền đã đầu quân dưới trướng, tham gia trận Bạch Đằng. Với sức khỏe và tài bơi lội, lại giỏi võ, Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố được Ngô Quyền giao việc cùng trai tráng vào rừng đẵn gỗ, cắm cọc xuống lòng sông Bạch Đằng. Đào Nhuận còn cùng tướng quân Ngô Xương Ngập và Dương Tam Kha được giao chỉ huy quân mai phục hai bên bờ sông tiêu diệt quân Nam Hán khi chúng sa vào trận địa cọc. Còn Nguyễn Tất Tố được giao chỉ huy 20 thuyền nhẹ ra cửa sông đánh và giả thua, bỏ chạy để nhử quân giặc vào trận địa cọc đã bố trí sẵn rồi cùng đại quân của Ngô Quyền đánh hỏa công tiêu diệt giặc. Nguyễn Tất Tố sau còn phục vụ 2 triều vua Đinh và Tiền Lê, trở thành tướng chỉ huy thủy quân của vua Lê Đại Hành.
          Bốn anh em họ Phạm ở Thủy Đường (Thủy Nguyên nay): Phạm Quang, Phạm Nghiêm, Phạm Huấn và Phạm Thị Cúc Nương:
          Phạm Quang, Phạm Nghiêm, Phạm Huấn và Phạm Thị Cúc Nương có công giúp vua Lê Đại Hành trong trận Bạch Đằng năm 981. Phạm Quang và Phạm Nghiêm là hai anh em sinh đôi. Phạm Huấn và Phạm Thị Cúc Nương cũng là hai anh em sinh đôi. Khi Quang và Nghiêm 18 tuổi, Huấn và Cúc Nương 15 tuổi thì cả cha lẫn mẹ đều mất. Khi quân đội nhà vua đến thôn Thủy Đường, được dân làng đón tiếp và tiến cử bốn anh em họ Phạm là những người hiếu dễ, giỏi võ nghệ. Nhà vua cả mừng, gọi bốn anh em đến ban chức tước và sai cùng đi đánh giặc.
          Sau chiến thắng, bốn anh em họ Phạm đều được Vua ban thưởng. Rồi họ xin vua cho về thăm phần mộ cha mẹ, tổ tiên và khao thưởng quân dân. Anh em họ Phạm mời các phụ lão dự tiệc, tặng ba trăm quan tiền để tỏ nghĩa ân tình.
          Sau khi bốn anh em họ Phạm mất, dân làng đều lập miếu thờ.
          Ba anh em họ Lý: Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả.
          Xưa ở trang Hạ Bì, huyện Gia Phúc (Sau đổi là Gia Lộc tỉnh Hải Dương ngày nay) có một gia đình họ Lý tên là Ngũ Hòe, vợ là Phạm Thị Mai. Cả hai vợ chồng có lòng lành, ham làm việc thiện, sinh được ba con trai. Con cả là Lý Minh; con thứ là Lý Bảo; con út là Lý Khả. Cả ba anh em đều được học hành, tài kiêm văn võ. Khi Ngô Quyền đem quân ra đánh Hoằng Thao ở sông Bạch Đằng, cả ba anh em đều đem theo gia nhân đến giúp. Các ông đưọc Ngô Quyền ủy cho đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, nhử thuyền giặc vào trận địa mai phục của ta. Sau khi chiến thắng giặc, Ngô Quyền lên làm vua, ban thưởng chức tước, thực ấp cho 25 công thần lập công lớn. Cả ba anh em Lý Minh đều đều được dự phong. Thấy anh em họ Lý có tài thủy chiến, Ngô vương giao cho trấn thủ miền ven biển và cửa sông xứ Đông. Ba ông đi thị sát địa hình, đặt bản doanh ở trang Hoàng Bì (sau đổi là Hoàng Pha) huyện Thủy Đường (nay là Thủy Nguyên). Các ông đã giúp dân Hoàng Bì tiền bạc để mua ruộng công của trang. Nhờ vậy, dân trong trang được nhờ vả nhiều, đời sống ngày một yên vui. Từ già đến trẻ đều cảm phục và xin làm tôi tớ. Nhân gặp năm cả cha và mẹ đều lần lượt qua đời, ba anh em xin về Hạ bì cư tang. Khi vừa mãn tang cha mẹ thị được tin Dương Tam Kha cướp ngôi, các ông đem 52 gia nhân cùng quân lính chống lại. Việc không thành, cả ba anh em đều tự tận. Sau cả ba đều được phong là phúc thần. Ngoài Hoàn Pha còn có 31 nơi khác thuộc Hải Đông đều thờ.
          Trận Bạch Đằng lần thứ thứ hai (năm 981).

Tượng vua Lê Đại Hành trong đền thờ ông ở Khu Di tích lịch sử Quốc gia Tràng Kênh.  

          Ba anh em họ Đào ở Thủy Đường: Đào Tế, Đào Lại và Đào Độ:
          Ở trang Trinh Hưởng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, lộ Hải Dương (nay là.thôn Trinh Hưởng, huyện Thủy Nguyên) có ba anh em họ Đào cùng sinh một ngày. Đó là Đào Tế, Đào Lại và Đào Độ. Thuở nhỏ, khi đi học, ba anh em đều chăm chỉ nên võ nghệ tinh thông, văn chương hiểu thấu, kinh sử am tường.
          Khi anh em họ Đào 21 tuổi thì người cha qua đời. Lúc đoạn tang cũng là lúc quân Tống chuẩn bị lực lượng xâm lược nước ta.
          Theo lời kêu gọi của nhà vua, ba anh em xin phép mẹ lên kinh ứng thí. Sau khi đạt kết quả, ba anh em đều được yết kiến vua và được nhà vua phong làm tướng, sai cầm quân đi dẹp giặc.
          Giặc thua rút về nước. Nhà vua mở tiệc mừng công, khao quân, ban chức tước cho người có công. Sau đó, ba ông xin vua cho về quê quán làm lễ tổ tiên, mở tiệc mời bà con dân xóm cùng đến dự.
          Khi ba ông mất, nhân dân địa phương lập đền thờ để tưởng nhớ công lao.

          Phạm Quảng ở Thủy Đường: Phạm Quảng sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Hoa Chương, huyện Thủy Đường (nay thuộc thôn Phương Mỹ, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên)
          Thủa nhỏ, Phạm Quảng chăm chỉ học và thông minh. Người đương thời và bạn bè đều yêu mến, thán phục, gọi Quảng là thần đồng.
          Phạm Quảng là người rất chịu thương, chịu khó làm việc giúp đỡ cha mẹ.
          Khi trưởng thành, Phạm Quảng ra làm quan. Khi quân Tống sang xâm lăng, ông được Lê Hoàn sai đem quân chống giặc trên sông Bạch Đằng.
          Sau khi phá tan quân xâm lược  Tống trên sông Bạch Đằng năm 981, ông xin vua cho về thăm quê hương. Tại đây, ông khuyến khích dân làng tăng gia, cày cấy. Ít lâu sau, ông mất tại quê nhà. Nhân dân địa phương đã lập miếu thờ để tưởng nhớ công lao.

          Năm anh em họ Đặng ở Đốc Kính: Đặng Công Xuân, Đặng Công Trung, Đặng Công Thọ, Đặng Công Tuấn, Đặng Công Nghiêm.
          Xưa ở trang Đốc Kính (đời Tự Đức đổi thành Đốc Hậu) nay thuộc xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng có gia đình nông dân nghèo, chồng là Đặng Công Thành, vợ là Lý Thị Ngọc sinh được 5 người con trai là: Đặng Công Xuân, Đặng Công Trung, Đặng Công Thọ, Đặng Công Tuấn, Đặng Công Nghiêm.
          Tuy gia cảnh khó khăn,nhưng cha mẹ cũng cố cho các con học hành và theo đòi võ nghệ.
          Đáp lại lòng mong muốn của cha mẹ, 5 anh em họ Đặng đều gắng sức học hành, tu dưỡng. Vào năm người con út là Đặng Công Nghiêm lên 6 tuổi thì người cha bị bệnh qua đời. Bà Lý Thị Ngọc ra sức tần tảo nuôi con. Những người con lớn cũng lao động cần cù đỡ đần giúp mẹ, giúp đỡ các em. Tuy gia cảnh khó khăn, bần bách thua kém nhiều nhà trong trang, nhưng 5 anh em đều không thoái chí, ngã lòng.
          Nhà Tống nhân khi Đinh Tiên Hoàng mất, con nhỏ nối ngôi, đem quân thủy bộ sang đánh nước ta. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được suy tôn lên làm vua. Ngài ban hịch kêu gọi nhân tài khắp nước ra giúp nước. Tin về đến trang Đốc Kính, 5 anh em họ Đặng vô cùng mừng rỡ, cùng thưa với mẹ đi đầu quân. Được mẹ ưng thuận, 5 anh em đến kinh đô Hoa Lư ra mắt nhà vua. Vua thấy anh em họ Đặng tướng mạo oai nghiêm, văn võ song toàn, rất khen ngợi, ban cho chức tước. Năm anh em làm lễ tuyên thệ rồi sung vào đội thủy quân của triều đình, theo hướng Bạch Đằng tiến phát. Năm anh em đã tham gia chiến đấu nhiều trận, lần nào cũng hăng hái xông pha, lập nhiều chiến công xuất sắc, nhất là trận Bàng Châu.
          Sau khi quân Tống bị đuổi khỏi bờ cõi, vua Lê Đại Hành định công, thưởng tước. Cả 5 anh em họ Đặng đều được ban thưởng hậu. Sau đó 5 anh em xin về quê cũ, đem bổng lộc vua ban giúp dân đắp đê, mở mang đồng ruộng, cấp đỡ người nghèo. Sau 5 anh em cùng mất một ngày trong trận thủy tai lớn. Thi hài trôi về biển. Triều đình được tin sai dân sở tại lập 5 ngôi miếu để thờ 5 anh em, những người có công với nước, với dân.
          Trên đây chỉ là một số nhân vật tiêu biểu đã có công trong hai chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 981. Chắc chắn còn nhiều người vô danh khác mà chúng ta chưa biết đã tham gia, đóng góp vào cuộc thủy chiến trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử thời cha ông ta chống giặc ngoại xâm phương Bắc.

          Phạm Văn Thi, Hội KHLS Hải Phòng biên soạn theo sách Nhân vật lịch sử Hải Phòng, tập 1; Nxb. Hải Phòng, năm 2000)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học