Nhớ mãi lời dạy của giáo sư sử học – Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm cảng HP.

          Trong các môn học ở bất cứ nước nào, môn lịch sử chiếm hàng đầu trong việc hình thành nhân cách, tài năng con người. Trải qua nhiều ngàn năm dựng nước, giữ nước của tổ tiên ta, trí thức, đặc biệt các sử giả nước ta đã đúc kết:
          Phế hưng đổi mấy cuộc cờ,
          Thị phi chép để đến giờ làm gương
          (Đại Nam quốc sử diễn ca)
          Sử gia đương đại cho rằng, viết sử phải tổng kết, rút được bài học kinh nghiệm thành bại và cao hơn là tìm ra qui luật phát triển của đất nước, phát triển của đất nước, phát triển xã hội. Quả vậy, khoa học lịch sử bao quát toàn bộ tiến trình phát triển một quốc gia, một dân tộc, sự dựng đặt, diên cách, chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, điển tịch, luật pháp, binh bị, chiến tranh chống ngoại xâm, bạo lực biến động xã hội, ngoại giao…Tất cả các nội dung trên cần được ghi chép cụ thể, rõ ràng, chứng cứ minh bạch.
          Bác Hồ cũng dạy:
          Dân ta phải biết sử ta,
          Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
          Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh Võ Nguyên Giáp lừng danh thế giới xuất thân là thầy giáo lịch sử. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam từ Đại hội lần thứ II đã suy tôn 2 nhà cách mạng lão thành đồng thời cũng là 2 vị giáo sư lịch sử uyên bác: Trần Văn Giầu, Võ Nguyên Giáp.
          Tôi được học thầy giáo Võ Nguyên Giáp tại trường Đại học Nhân dân khóa I. Thầy phụ trách môn Đường lối chiến tranh nhân dân. Buổi đầu tiên lên lớp, với ánh hào quang rực rỡ của vị tướng vừa chỉ huy đánh thắng chiến dịch lịch sử Điện Biên chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ở Giơnevơ chấm dứt chiến tranh Đông Dương khiến toàn thể sinh viên, cán bộ công nhân nhà trường háo hức đợi chờ. Khi Đại tướng bước lên bục giảng, tiếng hoan hô vỗ tay vang dội. Đại tướng tươi cười khoát tay đề nghị ngừng để thuyết trình bài giảng. Với giọng ấm áp, khúc triết của nhà giáo lão thành, lại chầm chậm để sinh viên, nhất là số sinh viên là thanh niên xung phong, bộ đội chuyển ngành kịp ghi. Ngay từ tiết học đầu tiên ấy, đôi mắt tinh tường của Thầy đã phát hiện ra trình độ sinh viên không đồng đều. Giờ giải lao, tất cả sinh viên cảm động vây quanh Đại tướng chúc mừng, hỏi han. Sợ Đại tướng mệt, thầy Khoa Minh yêu cầu mọi người để Thầy nghỉ giải lao. Đại tướng cười nói: Đề nghị thầy Trưởng phòng giáo vụ cho đồng đội chúng tôi trò chuyện một chút chứ, mấy khi chúng tôi có dịp gặp nhau. Nhưng rồi các sinh viên lính cụ Hồ hiểu ra, đồng thanh mời Đại tướng nghỉ ngơi một chút.
          Ngày ấy, tôi là một tổ trưởng tổ học tập, thường dự các buổi giao ban phản ánh tình hình tư tưởng cùng thắc mắc của sinh viên.Tôi nhớ có một sinh viên quê miền Nam thắc mắc: Sau đại thắng Điện Biên, tại sao không thừa thắng đánh thẳng xuống đồng bằng, lại cứ trùng trình bàn về vấn đề tù binh.
          Buổi giảng sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ôn tồn giải đáp: Thừa thế thắng ruổi dài đuổi giặc, tổ tiên ta đã từng thực hiện. Nhưng thời thế khác nhau. Ta tuy thắng lớn, nhưng về tương quan lực lượng, địch còn tiềm năng, tình hình thế giới cũng chưa thuận, đặc biệt can thiệp Mỹ rất cay cú, không chịu mất mặt. Đối phương sẵn sàng dùng thủ đoạn không được ăn thì đạp đổ. Chúng không ngần ngại xóa sổ mấy sư đoàn chủ lực tinh nhuệ của ta mà Đảng, quân đội nhân dân chắt chiu xây dựng. Vì vậy, ta phải rút quân song hành với đoàn tù binh đối phương để chúng không thể dội bom xuống quân ta. Việc trùng trình không thừa thế tiến xuống giải phóng đồng bằng để Đảng ủy, Bộ tư lệnh mặt trận tranh thủ thời gian bàn kế hoạch bảo toàn lực lượng. Cả hội trường ồ lên thỏa mãn.
          Một lần, gia đình Đại tướng xuống nghỉ ở Đồ Sơn, tôi cùng mấy đồng chí Hội Sử học Hải Phòng ra thăm và xin ý kiến về mấy việc Hội đang làm. Tôi có hỏi Đại tướng lý do Đại tướng trả lời tức thì khi tướng Pháp Lơ- Clec đứng cạnh tướng Hà Ứng Khâm, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Hoa Dân quốc trên lễ đài hỏi một câu soi mói, mỉa mai: “Thưa Đại tướng, Ngài tốt nghiệp học viện quân sự cao cấp nào?”. Võ Đại tướng tươi cười trả lời: “Thưa tướng quân, tôi tốt nghiệp trường kháng Nhật”. Đại tướng cho biết, trả lời đích đáng, kịp thời cũng là học các cụ sứ thần nước ta sang sứ Tầu như Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đời Trần đã ứng câu: “Cầm sắt tỳ bà bát đại vương” để đối lại câu vua Tầu ra: “ Ly mỵ vọng sát tứ tiểu quy”. Hay Thám hoa Giang Văn Minh đời Lê Trung Hưng đã dùng câu: “Đằng Giang tự cổ huyệt do hồng” đối lại câu “ Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” của vua Tầu khích bác.
          Năm Đại tá Võ An Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sử học Hải Phòng để xuất việc tổ chức xuất bản bộ sách “Đường 5 Anh dũng quật khởi”. Ban biên tập chúng tôi lên báo cáo và tặng Đại tướng mấy tập đầu. Đại tướng đọc nhanh mục lục, tên tác giả rồi bảo tác giả đều là người thực việc thực thế này rất tốt, phải tìm đủ thành phần bộ đội chính quy, bộ đội địa phương, dân quân du kích, làng kháng chiến, gia đình cơ sở kháng chiến để làm rõ đường lối chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn dân, toàn diện dựa vào sức mình là chính. Chúng tôi báo cáo ở xã Lê Thiện, huyện An Dương thời Pháp tạm chiếm có một địa đạo phục vụ chiến đấu khá tốt. Đại tướng dặn phải bảo vệ di tích kháng chiến quý hiếm của Bắc Bộ.
          Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm quân dân ta chiến thắng đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển Hải Phòng là cảng biển duy nhất lúc đó của cả miền Bắc, Hội Sử học Hải Phòng, Quân khu III, Viện lịch sử Quân sự, Cục đường biển…đã tổ chức Hội thảo khoa học: Chống Mỹ phong tỏa sông biển vùng Hải Phòng.
          Sau Hội thảo, Ban tổ chức biên tập và xuất bản tập Kỷ yếu, phân công bác Lê Đức Thịnh, nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBHC thành phố, nguyên Ủy viên Ban chống phong tỏa Đường biển của Chính phủ lên gặp Đại tướng xin Lời giới thiệu. Mấy ngày sau, bác Lê Đức Thịnh gửi Lời giới thiệu viết tay của Đại tướng về với nội dung như sau:
          “Chiến công đánh bại cuộc phong tỏa đường biển, đường sông của đế quốc Mỹ tại Cảng Hải Phòng và vùng phụ cận biểu thị quyết tâm lớn và đầy mưu trí sáng tạo của quân và dân ta, là một cống hiến vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, lại có ý nghĩa làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự của ta trên chiến trường sông biển.
          Ý nghĩa ấy càng có tầm quan trọng khi quân và dân ta đang đứng trước nhiệm vụ chiến lược bảo vệ chủ quyền đất nước trên hàng nghìn cây số bờ biển và trên vùng biển cả bao la, trong đó có hàng nghìn đảo và quần đảo, có quần đảo Vạn lí Trường Sa…”
          Toàn ban Biên tập vô cùng phấn khởi vì Lời giới thiệu ngắn gọn, súc tích, vừa mang tính tổng kết khái quát cao, vừa gắn với nhiệm vụ chính trị trước mắt. Nhưng bác Lê Đức Thịnh có thư riêng cho tôi băn khoăn tại sao Đại tướng lại dùng tên Vạn lí Trường Sa mà bác chưa nghe bao giờ, cũng không tiện hỏi trực tiếp.
          Tôi biên thư báo cáo bác Thịnh, Đại tướng của chúng ta vốn là một sử gia tài danh, từ Vạn lí Trường Sa chỉ quần đảo Trường Sa, “Trường Sa” Đại tướng dùng có xuất xứ từ nhiều sách cổ, bản đồ cổ của triều Lê Trung Hưng, triều Nguyễn…
          Thư của bác Lê Đức Thịnh và thư trả lời, tôi hiện còn giữ được.
          Tuy tham gia Ban Chấp hành Hội sử học Việt Nam liên tục từ khóa II đến nay, nhưng cũng ít được trực tiếp nghe giáo huấn của Cố vấn khoa học-Giáo sư sử học Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng các vị Thường trực T.W Hội cho biết, Thầy luôn luôn giúp đỡ, định hướng đúng đắn cho hoạt động của Hội. Thành tựu của Hội, uy tín của Hội có sự đóng góp to lớn của bậc danh sư đáng kính mang tên Võ Nguyên Giáp.
          (Nguồn: Nhớ mãi lời dạy của giáo sư sử học –Đại tướng Võ Nguyên Giáp/ Ngô Đăng Lợi// Khoa học và Kinh tế, số 135. – năm 2013.- tr. 42- 43). PV Thi giới thiệu.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học