
Chân dung quan đại thần Phạm Phú Thứ.
Phạm Phú Thứ sinh năm Tân Tỵ (1821) tại làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông tên thật là Phạm Hào, tự là Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu là Giá Viên, Trúc Ân.
Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho, tổ năm đời của ông vốn họ Đoàn, gốc Bắc thành. Cha ông là Phạm Phú Sung, mẹ ông là Phạm Thị Cẩm (người làng Trừng Giang, và là con gái một ông đồ).
Nhà nghèo, mẹ mất sớm, nhưng nhờ thông minh, chăm chỉ, và từng được Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm) – con trai thứ 10 của vua Minh Mạng, một nhà thơ lớn dưới triều Nguyễn dạy dỗ, nên ông Thứ sớm có tiếng là người học giỏi.
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Phạm Phú Thứ dự thi Hương, đỗ Giải nguyên khi mới 21 tuổi. Năm sau (Quý Mão, 1843) dự thi Hội, ông cũng đỗ đầu (Hội nguyên). Khi vào thi Đình, ông đỗ luôn Tiến sĩ cập đệ (gồm ba thí sinh đỗ cao nhất).
Ban đầu (1844), ông được bổ làm Biên tu. Năm sau (1845), thăng làm Tri phủ Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Giang), rồi thăng làm Thị độc. Một thời gian sau, vì có tang cha, ông xin nghỉ chức.
Năm Tự Đức thứ 2 (1849), ông được chuyển qua Viện Tập hiền làm chức Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua), rồi sang tòa Kinh diên (phòng giảng sách cho vua).
Thấy vua thích đi săn, ham mê vui chơi, xa xỉ, lơ là việc triều chính, ông dâng sớ công khai chỉ trích nhà vua với lời lẽ thiết tha, thẳng thắn, và ông đã phải trả giá đắt là bị cách chức, đày khổ sai ở Trạm bưu chính Thừa Nông (phía Nam Huế) vì tội “phạm thượng”. Ông vẫn thản nhiên chấp hành lệnh nhà vua ra đi, lúc rỗi việc thì câu cá, làm thơ vịnh cảnh. Chuyện đến tai Thái hậu Từ Dũ và bà đã khuyên vua ân xá cho Phạm Phú Thứ, triệu ông về kinh, giao chức vụ mới. Năm sau, ông được phái đi công cán ở Quảng Đông để đới công chuộc tội.
Năm 1852, ông được khôi phục hàm Biên tu, năm 1854 cử đi làm Tri phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Tại đây, ông tổ chức và vận động dân chúng lập được hơn 50 kho nghĩa thương để phòng khi chẩn tế cho dân. Năm 1855 ông được đề bạt Viên ngoại bộ Lễ. Năm 1855 ông được điều sang công cán quân sự để giải quyết cuộc bạo động của người Thượng ở Đá Vách (thuộc tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi dẹp yên, ông được thăng chức Án sát Sứ ở hai tỉnh là Thanh Hóa và Hà Nội. Năm 1858, ông được chuyển về làm việc ở Nội các tại Huế.
Năm 1860, ông được thăng Thị lang bộ Lại, rồi sau đó là Thự tả Tham tri bộ này.
Đầu năm 1863, sau khi vua Tự Đức xét trong mấy điều khoản trong Hòa ước Nhâm Tuất còn có chỗ chưa thỏa, liền sung Phạm Phú Thứ làm Khâm sai vào ngay Gia Định, hội với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp để đàm phán với quan soái Pháp và quan đại thần nước Y Pha Nho (Tây Ban Nha.Không hoàn thành nhiệm vụ, ông bị giáng một cấp. Tháng 5 (âm lịch) năm này, ông được cử làm Phó sứ, cùng với Chánh sứ Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản, sang Pháp và Tây Ban Nha với nhiệm vụ xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ nhưng việc không thành.
Tháng 2 (âm lịch) năm 1864, sứ bộ về đến Huế. Ông dâng lên vua Tự Đức bản tường trình cùng nhiều tài liệu ghi chép những điều đã quan sát được, đặc biệt những phát minh về khoa học kỹ thuật cùng những cảm nghĩ, nhận định về văn minh phương Tây và mạnh dạn đề xuất một phương án canh tân đất nước. Điều đáng tiếc là hầu hết những kiến nghị xác đáng, đầy tâm huyết của ông không được Tự Đức và cả triều đình chấp nhận.
Đặc biệt, 2 tác phẩm Tây hành nhật ký và Tây Phù thi thảo ông làm trong chuyến đi khiến Vua xem cảm động, có làm một bài thơ để ghi lại việc này. Được tin cậy, nhà vua thăng ông làm Tham tri bộ Lại.
Năm 1865, ông được thăng Thự thượng thư bộ Hộ, sung chức Cơ mật viện đại thần.
Năm 1874, triều đình cho mở nhà thương chính ở Bắc Kỳ. Nhà vua cho ông “là người am hiểu, và có tài cán lão luyện” nên tháng 10 (âm lịch) năm đó, đổi ông làm Thự Tổng đốc Hải Yên (còn gọi là Hải An), gồm Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Yên (Quảng Ninh), kiêm Tổng lý thương chánh Đại thần. Về nhiệm sở, gặp lúc đê huyện Văn Giang (nay thuộc Hưng Yên) vỡ, nước lũ tràn cả hai phủ là Bình Giang và Ninh Giang thuộc Hải Dương, thấy dân đói khổ, ông lập tức xin trích năm vạn phương gạo ở kho Hưng Yên để phát chẩn. Đồng thời, lại phái thuộc hạ đem những người dân còn khỏe mạnh đến Đông Triều, Nam Sách… khẩn hoang, cày cấy kiếm sống.
Khi làm Thự tổng đốc Hải Yên ông đã có nhiều biện pháp khắc phục nạn đói, nạn cướp bóc của bọn thổ phỉ Tàu Ô, tổ chức khai hoang ở hai huyện Đông Triều và Nam Sách, đặt nha Thương chính ở bến Ninh Hải (cảng Hải Phòng nay), mở cảng ngoại thương ở Hải Phòng.
Năm 1876, Vua chuẩn cho Phạm Phú Thứ được thực thụ chức Tổng đốc Hải An. Để yên dân, ông xin đặt trường mua gạo ở chợ An Biên (thuộc huyện An Dương, Hải Phòng) và Đồ Sơn (thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), đồng phái Thương biện là Lương Văn Tiến (anh em họ ngoại với Phú Thứ) đi hiểu dụ lưu dân, tạo công ăn việc làm cho họ để họ thôi “càn rỡ, ngang ngược’. Ngoài ra, ông còn cho khai rộng sông ở phủ Bình Giang, mở Nha Thương chánh và trường học chữ Pháp ở Hải Dương vào năm 1878 (đây là trường học ngoại ngữ đầu tiên ở nước ta do chính quyền mở) ..v.v..
Năm 1878, ông được thăng làm Thự Hiệp biện Đại học sĩ, song vẫn lĩnh chức vụ cũ. Cũng trong năm này, Khâm phái Ngự sử là Dương Hoàn tâu lên rằng: “Lương Văn Tiến (em họ ông), lúc này đang làm Giám đốc việc tuần phòng ngoài biển cậy thế chở gạo ra ngoại quốc”… Vì vậy, Phạm Phú Thứ phải về Huế, để chữa bệnh và đợi án. Năm 1880, khi bản án dâng lên, ông bị giáng làm Quang lộc tự khanh, lĩnh chức Tham tri bộ Binh. Nhân có bệnh, ông xin về quê.
Năm Tự Đức thứ 35 (Nhâm Ngọ 1882, Phạm Phú Thứ mất tại quê nhà giữa những ngày u ám nhất của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, thọ 61 tuổi.
Nghe tỉnh thần tâu lên, vua Tự Đức thương tiếc ban dụ, trong đó có đoạn: “Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi Đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo. Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, thứ tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần”
Phạm Phú Thứ là một đại thần, một quan cai trị giỏi, một nhà thương thuyết, một doanh điền sứ, một nhà hoạch định chính sách, một người thích tìm hiểu và áp dụng khoa học… Do tính tình bộc trực, thẳng thắn, không ngại can gián, đường quan lộ của ông gập ghềnh. So với những người cùng thời, ông là người chính trực và có phần vượt trội ở tư tưởng canh tân đất nước. Với ước vọng thay đổi xã hội, chấn hưng đất nước, những người như ông và Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện…đã có nhiều kiến nghị với Tự Đức và triều đình. Rất tiếc, tầm nhìn đi trước thời đại của các ông đã không được triều đình nhà Nguyễn với tư tưởng bảo thủ chấp nhận, những đề xuất cải cách của ông đã không được thực thi, khiến cho đất nước chìm mãi trong lạc hậu, yếu hèn, để thực dân dân Pháp đô hộ đến tận năm 1945.
Đối với thành phố Hải Phòng, Phạm Phú Thứ có thể được coi là người có công thiết lập nha thương chính ở bến Ninh Hải để quản lý việc buôn bán, cùng Pháp mở cảng ngoại thương ở Hải Phòng cho thuyền buôn nước ngoài vào ra trao đổi hàng hóa, buôn bán, tạo tiền đề cho sự phát triển của cảng Hải Phòng sau này. Ngoài ra ông còn có nhiều chính sách kinh tế tiến bộ, thúc đẩy giao thương phát triển ở Hải Phòng.
Do những đóng góp của ông đối với đất nước, tên nhân vật lịch sử Phạm Phú Thứ đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học ở Quảng Nam quê ông, ở Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh. Tại Hải Phòng, tên ông cũng được đặt cho một trục đường nhỏ ở gần trung tâm phường Hạ Lý.
PV. Thi – Hội KHLS Hải Phòng.