Nhân ngày sách Thế giới 21/4 nghĩ về một nhà giáo, nhà sử học

Tôi trước đây chỉ biết thầy trên phương tiện thông tin đại chúng. Tác giả các bài báo, phóng sự, tin tức đều tôn vinh thầy là Nhà sử học Ngô Đăng Lợi.
Vốn không chuyên học khoa học xã hội nhân văn, nhưng dường như tôi vẫn có một chút yêu thích nhất định với môn lịch sử. Có lẽ từ ngày còn học phổ thông, tôi đã may mắn được làm học trò của một cô giáo có tình yêu với môn sử nhiều lắm. Mỗi tiết cô giảng đều làm chúng tôi hào hứng như được nghe bà ngoại hoặc mẹ kể truyện cổ tích hồi thơ bé trước khi đi ngủ.
Ngày được chuyển công tác, tôi có duyên thường xuyên được gặp gỡ, tiếp xúc với thầy. Thầy cho biết, trước đây thầy là một người dạy môn lịch sử, sau thầy về Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố công tác. Thầy có dáng vẻ rất thu hút từ cái nhìn đầu tiên. Nhiều người nói thầy sao mà giống cụ Đỗ Mười, cố Tổng Bí thư của Đảng thế không biết. Tôi cũng thấy vậy! Mỗi khi thầy cao hứng và tếu táo diễn một đoạn phát biểu của cố Tổng Bí thư, tôi càng thấy thầy sao giống cụ thế, nhất là cái “bỉu” hai bên mép mỗi khi Tổng Bí thư phát biểu.
Qua những lần được trò truyện với thầy, tôi tự nhiên thấy mỗi ngày thêm yêu mến thầy. Thầy dễ gần và vui tính. Sau những lần được tiếp truyện cùng thầy, tôi nhận ra thầy như một kho sách bách khoa. Khi muốn tìm hiểu cái gì đó có tính học thuật về Hải Phòng, tôi đều được thầy giảng rất chi tiết, tỉ mỷ. Đặc biệt là cách thầy giảng làm cho tôi rất hứng thú. Biết tôi có vẻ thích bộ môn thư pháp Hán – Việt và đang mày mò tự học, thầy thường xuyên khuyến khích tôi gắng học – môn mà nhiều người cho là ai thiếu kiên trì sẽ phải bỏ, vì học chữ Hán – Việt rất khó nhớ chữ. Lúc thì thầy cho tôi xem tư liệu chữ Hán, lúc thì thầy lại cho xem tư liệu thơ, văn chữ Hán. Thỉ thoảng thầy cũng nhờ tôi đánh máy cho thầy bản thảo…
Tình cảm thầy trò tự nhiên hình thành. Tôi đã vài lần được đến nơi ở của thầy. Đó là một căn gác trên tầng 2. Căn gác có hai phòng, phòng ngoài thầy tiếp khách và đọc sách, bên trong là nơi thầy cùng người bạn đời cũng đã ngoài 70 tuổi sinh hoạt. Các con của thầy đều công tác xa hoặc ở bên nhà chồng, chỉ hàng tuần có cô con gái về chăm sóc.
Ấn tượng nhất trong căn gác của thầy đó là tủ sách. Tôi thấy rất nhiều sách, chủ yếu là sách về lịch sử. Đếm đầu sách, tôi ngỡ ngàng với những công trình nghiên cứu về sử học, về thành phố Hải Phòng của thầy. Thầy chủ biên và đồng tác giả 18 cuốn sách nghiên cứu về mảnh đất, con người Hải Phòng. Thầy tâm sự: “Trong 18 công trình đó thì thầy thấy giá trị nhất là cuốn “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng” do thầy cùng Hội sử học Hải Phòng nghiên cứu, Nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành năm 1987. Sách đã được Đại học Berdy, Hoa Kỳ xếp hạng là một trong 5 cuốn sách tiêu biểu Châu Á. Thầy có 6 công trình nghiên cứu riêng. Cuốn sách “Thơ – Văn Nguyễn Bỉnh Khiêm” của thầy được Nhà xuất bản Hải Phòng phát hành năm 2012”. Tôi lại trộm nghĩ, chắc có một Ngô Đăng Lợi nhà thơ trong thầy chăng. Bởi lẽ mỗi lần cùng thầy đi đâu đó, tôi thấy thầy cũng ngâm nga đôi vần khi tức cảnh. Thầy đưa cho tôi xem cuốn “Hải Phòng – Thành Hoàng và lễ phẩm” (NXB Dân Trí, 2012). Dù chưa đọc quyển này nhưng tôi đoán sách có chiều sâu văn hóa về con người Hải Phòng lắm. Nhiều người quan niệm cái ăn nó ẩn chứa tâm thức của con người. Cuốn sách rất có thể cho ta hiểu thêm một góc tâm hồn của người Hải Phòng lắm chứ? Chắc là tôi sẽ phải giành thời gian cho việc đọc cuốn này.
Cũng trong những lần trò truyện cùng thầy. Có lần tôi hỏi thầy về những phát hiện lịch sử khác về Hải Phòng. Thầy kể có nhiều phát hiện khá lý thú, nhưng có 4 phát hiện mà thầy tâm đắc. Đó là địa danh Đê cổ Chân Kim. Thầy chậm rãi nói: “Đại việt Sử ký toàn thư chép: Tháng 8 năm Bính Tuất (1526) vua truyền lệnh cho các phủ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Kim Môn, Nam Sách đắp đê Chân Kim ở Hải Dương. Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (Quyển 4) ghi: Không rõ đê Chân Kim ở đâu? Thầy là người gần Làng Quý Kim, làng này nằm trên tỉnh lộ Hải Phòng. Nghiên cứu địa danh này, thầy phát hiện khi vua Thành Thái lên ngôi năm 1889 đã cho đổi Chân Kim thành Quý Kim để kiêng vua cha Dục Đức, tên húy là Ưng Chân ”.
Phát hiện về địa danh cửa bể Đại Bàng cũng là do thầy thấy nhiều sách có nhận định khác nhau về địa danh này. Thầy giảng: “Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: Vào ngày 1 tháng 3 năm Giáp Tuất, hai vua Trần lấy thuyền qua giang Nam Triệu (tức huyện Thủy Đường), qua cửa Đại Bàng vào Thanh Hóa. Nhà sử học Hà Văn Tấn cho rằng cửa Đại Bàng là cửa Văn Úc (Kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ 13, Hà Văn Tấn – Nguyễn Thị Tâm, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1968; tái bản: 1970, 1972, 1975). Còn Đặng Hùng lại cho rằng cửa Đại Bàng là cửa Lưu Đồn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Sách Long Hưng đất Phác nghiệp nhà Trần, Đặng Hùng, NXB Văn hóa Thông tin 2014). Do những nhận định trái ngược đó, thầy đã xem lại địa danh này và phát hiện cửa Đại Bàng thuộc phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.
Câu truyện thầy tìm ra Sứ giả Việt – Thường thị sang nhà Chu dâng chim Trĩ trắng là Nguyễn Hưng và Nguyễn Hiền vào năm Tân Mão (1110 TCN) cũng làm tôi thích thú. Thầy cho biết, một lần điền dã, nghiên cứu một ngôi Đình tại thôn Nông Xá, tên cũ là Nguyễn Xá, huyện An Dương, Hải Phòng, thầy dịch thần tích của Đình thì biết hai ông là người làng này. Tôi hiểu, thì ra quan hệ ngoại giao với Bắc Quốc của ta cũng có từ rất xưa rồi.
Còn một phát hiện của thầy về Hải Phòng mà tôi cho là đặc biệt quý giá. Đó là tìm ra con đường du nhập Phật giáo vào nước ta. Trước đây nhiều nhà sử học đều khẳng định Phật giáo du nhập vào nước ta từ Trung Quốc. Nghiên cứu sử liệu của Trung Quốc, của ta và thế giới, thầy phát hiện Phật giáo du nhập vào nước ta trước, đầu tiên là tại Nê Lê (tên cổ của quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng), rồi sau mới truyền lên Luy Lâu (chùa Dâu, Bắc Ninh) rồi truyền sang Bành Thành và tỉnh Lạc Dương, Trung Quốc. Phát hiện này của thầy đã thuyết phục nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đương thời tại một hội thảo khoa học.
Tôi nghĩ, mình là người lười đọc. Nhưng thấy thầy có số lượng công trình được xuất bản nhiều như vậy chắc phải so sánh với khả năng làm việc của một Giáo sư đấy chứ ? Tôi thật sự bị thuyết phục là những vấn đề thầy chọn để nghiên cứu, và cái cách thầy nghiên cứu. Nhìn tên những cuốn sách, không cuốn nào là không gắn với Hải Phòng. Nếu có danh hiệu ‘Nhà Hải Phòng học’, chắc thầy là người xứng đáng nhất – tôi trộm nghĩ. ‘Biết về Hải Phòng chắc không ai bằng cụ Lợi ’- có lần tôi tếu gọi thầy như vậy, thầy chỉ cười nhẹ nhàng. Nhưng thật sự tôi có điều khoăn, sao cho đến nay thành phố chưa có lần nào đề cử giải thưởng cấp nhà nước nào cho các công trình nghiên cứu của thầy ?
Thành phố ta đang có nhiều vận hội mới, thời cơ mới để cùng cả nước vươn tới giấc mơ hùng cường. Dám nghĩ, muốn phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt thời cơ phát triển, thành phố phải có cơ chế hiệu quả thu hút, khuyến khích được nhân tài. Nhưng trước tiên, tôi nghĩ phải biết trân trọng, tôn vinh một cách thật xứng đáng những cống hiến của lớp trí thức thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những năm quằn mình tìm con đường ‘Đổi mới’, vươn ra biển lớn.
Tê Chử, 4/2021

Nguyễn Văn Nam

(Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học