Nguyễn Sơn Hà- Danh nhân xứ Đông Dương

 Ts Phạm Hữu Thư

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Tp. Hải Phòng

Khi nói về các doanh nhân tiêu biểu trong lịch sử đất nước, người ta hay nhắc về Nguyễn Sơn Hà như là một trong những doanh nhân tiêu biểu nhất, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, rồi trở thành “Danh nhân xứ Đông Dương, “nhà tư sản dân tộc yêu nước”. Nhưng với ông, những điều còn mãi với thời gian không chỉ với tư cách là một danh nhân, nhà kỹ nghệ hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc, người khai sinh nghề sản xuất sơn dầu ở Việt Nam, mà còn là một người Việt Nam với trái tim đong đầy tình yêu nước như đúng cái tên của ông là SƠN HÀ.

TỪ NGƯỜI LÀM THUÊ TRỞ THÀNH NHÀ TƯ SẢN DÂN TỘC – DANH NHÂN XỨ ĐÔNG DƯƠNG

Đô thị Hải Phòng được hình thành từ cuối những năm 70 của thế kỷ XIX bởi sự xâm lược của thực dân Pháp rồi nhanh chóng trở thành trung tâm công nghiệp và thành phố cảng quan trọng của cả nước. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, bên cạnh những nhà máy, xí nghiệp do người Pháp xây dựng như: Nhà máy Điện, Nước, Nhà máy Xi măng, Nhà mát Tơ, Nhà máy Bát, Nhà máy Chai, In, Xay xát, ,… thì cũng xuất hiện nhiều nhà máy của các nhà tư sản dân tộc, mong muốn hình thành nền công thương nghiệp bản địa như: Xưởng đóng tàu và đội tàu của Bạch Thái Bưởi, nhà máy cơ khí Cảnh Hưng, Chấn Hưng, xưởng Dệt, In, v.v….Hải Phòng khi đó trở thành một trung tâm kỹ nghệ, thương mại, cửa khẩu giao lưu quốc tế, đầu mổi giao thông lớn trong và ngoài nước. Vào năm 1926, thành phố Hải Phòng đã có dân số hơn 100 ngàn người, tương đương với Hà Nội và Sài Gòn cùng thời kỳ. Trong bối cảnh đó, xuất hiện một doanh nhân mà tên tuổi gắn với sản phẩm sơn nổi tiếng, đó là Nguyễn Sơn Hà.

Từ thủa hàn vi, sau khi cha mất, ông đi làm thuê cho một chủ hãng sơn Testudo của Pháp, rồi sau một thời gian mày mò học hỏi kinh nghiệm, ông quyết tâm mở hãng sơn GEKCO, với sản phẩm sơn  RÉSISTANCO (có nghĩa là bền, chắc)  vào năm 1920, cạnh tranh với các chính hãng sơn mà ông từng là người làm thuê.

Mặc dù bị các đối thủ Pháp cùng ngành nghề coi thường nhưng nhờ sản phẩm sơn của ông nhanh khô, bền, bóng đẹp và giá cả cạnh tranh nên thị trường ngày càng mở rộng, các sản phẩm sơn của hãng đã có mặt ở các đại lý ở trong và ngoài nước như: Băng Cốc, Phnom Penh và cả ở Paris.

Tiếng vang thành công của ông như là một ông vua trong ngành sơn Việt Nam, đã được Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đánh giá rất cao và được cụ Phan tặng đôi câu đối:

Hóa học Bắc Âu trường, tô điểm sơn hà  tâm hữu tất

Công khoa tồn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi

( Lời dịch: “Lấy hóa học của người Âu, tô điểm cho sơn hà bởi tấm lòng son sẵn có. Dùng công nghệ của đất Việt đổi thay thời thế làm nên bởi tự tay mình”)[1].

Người viết tạm dịch lại là:

Hóa học từ Âu châu, tô điểm SƠN HÀ lòng son sắt

Công nghệ của nước VIỆT, đổi thay thời thế tự tay mình.

Tên tuổi của ông cũng đã được vinh danh trong cuốn sách “ SOUVERAINS ET NOTABLITÉS D’INDOCHINE” (Các vị vua và danh nhân xứ Đông Dương)[2] của Toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1943 cùng với những ngưởi đương thời nổi tiếng khi đó như Hoàng Xuân Hãn, Ngô Tử Hạ, Hồ Đắc Hàm,…

Hoạt động của Nguyễn Sơn Hà không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ sản xuất sơn và kinh doanh buôn bán giống như một số nhà tư sản khác, mà ông và gia đình còn rất quan tâm tới các hoạt động nhân đạo từ thiện, khai mở dân trí. Ông rất tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức Ánh sáng, Trí tri, Cứu tế, làm Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông đã được Nhật mời ra làm Phó Thị trưởng thành phố Hải Phòng cùng luật sư Vũ Trọng Khánh làm Thị trưởng. Ở cương vị này, ông đã tổ chức cứu đói khi phát xít Nhật gây nạn đói khủng khiếp năm 1945[3].

Cách mạng tháng Tám thành công, ông được mời tham gia Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, đại diện cho giới công thương cứu quốc. Trong thời điểm đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, gia đình ông đã tích cực ủng hộ “ Quỹ Độc lập” trong dịp “Tuần lễ vàng” 105 cây vàng và nhiều tài sản giá trị khác. Khi thành lập Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong Chính phủ lâm thời nhưng ông từ chối với lý do học ít, tài sơ, không dám nhận chức vụ to lớn quá, ngoài sức mình, sợ sau này ảnh hưởng đến những vấn đề quốc kế, dân sinh.

Cuối năm 1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, rồi tiến đánh Hà Nội. Người con trai cả của ông Nguyễn Sơn Lâm đã hy sinh trong một trận đánh của quân Pháp. Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu,  ông cùng gia đình bỏ lại toàn bộ sản nghiệp ở Hải Phòng, tản cư đến Đông Triều rồi đến Thái Nguyên, căn cứ địa cách mạng. Tại đây, vốn là người năng động, lại có óc sáng tạo, không chịu lùi bước trước hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn nơi rừng núi, ông đã sáng chế ra nhiều sản phẩm cho bộ đội như: Áo mưa, vải nhựa cách điện, giấy than, lương khô, thuốc ho, thuốc lá thơm…Ông còn hướng dẫn bà con người dân tộc phương thức canh tác của người Kinh trong trồng lúa, tăng năng suất cây trồng. Thấy người nông dân phải bán thóc để lấy tiền nộp thuế, ông đã kiến nghị Chính phủ thu thuế nông nghiệp bằng thóc thay vì thu thuế bằng tiền, để người nông dân không phải chịu cảnh bị ép bán giá thấp, nhà nước không phải thu mua thóc của tư thương với giá cao.

TẦM NHÌN XA VƯỢT THẾ KỶ

Trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam , thật hiếm có người nào được nhân dân yêu mến, tin tưởng như Nguyễn Sơn Hà. Ông đã liên tục được bầu làm đại biểu Quốc hội từ Khóa 1 đến Khóa 5. Tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Khóa 1, ông đã mạnh dạn bày tỏ chính kiến đối với bản Hiến pháp năm 1946, vì trong đó không cho người Việt được tự do kinh doanh, nhưng trong Bản Tạm ước ngày 6 tháng 3 lại cho người Pháp được tự do kinh doanh. Biết được việc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải giải thích “ Tuy trong Hiến pháp không ghi những điều khoản ấy nhưng Người Việt Nam mình chẳng những được tự do kinh doanh, mà còn được Chính phủ khuyến khích, bảo hộ”[4].

Tại Kỳ họp Quốc hội khóa III, ông đã mạnh mẽ ủng hộ Bản dự luật Cải cách ruộng đất, làm cho người nông dân có ruộng, nhờ vậy, giới công thương có điều kiện phát triển. Ông đã phân tích một cách sâu sắc và biện chứng về việc  người nông dân có ruộng là một sự đột biến vĩ đại của lịch sử, nó mở ra một kỷ nguyên mới trong sự nghiệp cải tạo và phát triển nền kinh tế nông nghiệp, góp phần rất lớn vào công nghiệp hóa nước nhà[5].

Và cũng từ rất sớm, năm 1964, ông đã phát biểu tại diễn đàn Quốc hội về sự bất cập của Cảng Hải Phòng do độ sâu luồng chỉ 4-5 thước nước, tầu trọng tải lớn không thể ra vào. Ông đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xây dựng một tiền cảng cho tàu lớn ở Bãi Cháy, Quảng Ninh; đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt chạy dọc theo quốc lộ 18 vào tới cảng. Đề nghị của ông đặt ra khi đó nhưng phải đến năm 1997, bến cảng nước sâu đầu tiên tại Cảng Cái Lân mới xây dựng xong và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, tuyến luồng vào Cảng Cái Lân mới chỉ đáp ứng cho tàu trọng tải tối đa 25.000 tấn, vì vậy hiệu quả khai thác còn hạn chế.

Và phải đến sang thế kỷ XXI, từ kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 32 ngày 5/8/2003 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng, trong đó đồng ý  nghiên cứu xây dựng một cảng nước sâu tại Cát Hải (nếu điều kiện kỹ thuật cho phép). Rồi phải mất đến 15 năm sau, năm 2018, hai bến cảng đầu tiên  của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện mới được khánh thành, đi vào hoạt động. Từ đây, bài toán mà ông đặt ra mới có lời giải rõ ràng cho tàu có tải trọng trên 100 ngàn tấn có thể ra vào thành phố Hải Phòng, cửa ngõ quan trọng của phía Bắc được thuận lợi, kết nối trực tiếp tới Châu Âu và Châu Mỹ. Như vậy, có thể nói khả năng phân tích và tầm nhìn xa của ông như là một nhà kinh tế cần đến hơn nửa thế kỷ mới bắt đầu được thực hiện tại nơi mà ông đã dành trọn cuộc đời gắn bó và cống hiến.

DANH DỰ CON NGƯỜI LÀ TRÊN HẾT

Mặc dù thuộc tầng lớp tư sản, có “nhà cao cửa rộng” nhưng với ông, làm sao cho xứng đáng với với quê hương đất nước, làm gì cho cách mạng, cho người dân còn đang vô cùng thiếu thốn, cuộc sống khó khăn – đó mới chính là phẩm giá, đạo đức và danh dự của một con người. Theo ông, danh dự con người là điều quan trọng nhất: “Ăn no, mặc lành là tốt. Nhưng quan trọng là danh dự con người. Ăn no mà không có danh dự, thì con người cũng như con gà, con vịt, chết đi cũng được”. Danh dự ấy phải biến thành hành động, giúp ích cho đời, như: “Con tằm ăn lá dâu phải nhả ra tơ, nếu ăn lá dâu mà không nhả ra tơ thì không phải là con tằm”. Đó cũng chính là bài học cuộc đời của mỗi con người mà cho đến hôm nay, vẫn mang giá trị giáo dục, tư tưởng nhân văn sâu sắc, nhất là trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã phải nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Đại hội đại biểu các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025,  tiến tới  Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ…”

CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN

Cuộc đời và sự nghiệp của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà trải dài suốt một giai đoạn lịch sử đầy đau thương và hào hùng của dân tộc ta, từ khi đất nước còn dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến đến khi giành độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông không chỉ là một doanh nhân, nhà kỹ nghệ hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc, tiên phong trong nghề sản xuất sơn dầu ở Việt Nam, một nhà tư sản với trái tim nồng nàn tình yêu quê hương, đất nước như đúng cái tên của ông là SƠN HÀ mà còn hơn thế nữa. Với những đóng góp của ông cho thấy ông còn là  người có tầm nhìn xa, trông rộng, một đại biểu Quốc hội hiếm có với tư duy thực tiễn, thẳng thắn nhưng đầy trách nhiệm với Tổ quốc, với thành phố Hải Phòng. Không những vậy, ông còn là người tiên phong cổ vũ cho ý trí tự lực, tự cường, vươn lên làm chủ khoa học – công nghệ, coi trọng phát triển kinh tế tư nhân. Những đóng góp quý giá của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đã và đang trở thành những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng trong việc đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển mạnh thành phần kinh tế tư nhân như là một trụ cột, động lực to lớn, góp phần xây dựng đất nước hùng cường.

Tri ân những đóng góp to lớn của ông, ở một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng đều có đường mang tên Nguyễn Sơn Hà. Năm 2006, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã vinh danh ông là Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam.  Tuy nhiên, có lẽ như vậy là chưa đủ. Cần có thêm những công trình, việc làm để tôn vinh những đóng góp hết sức có ý nghĩa và giá trị của ông đối với đất nước và thành phố Hải Phòng.

Và, không thể không nhắc đến nhà thơ Huy Cận nổi tiếng, người đã có những vần thơ sâu sắc, tự hào và đầy ý nghĩa khi viết về ông:

Trăm năm một tiếng Sơn Hà

Nghìn năm hai chữ Nước Nhà của chung

Đem sơn tô điểm Sơn Hà

Làm cho rạng rỡ nước nhà Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Tổ chức Hội thảo, Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà với doanh nhân Hải Phòng, NXB Hải Phòng, năm 2012.
  2. Nguyễn Sơn Hà, Tay trắng làm nên, NXB Thanh niên, năm 2000.
  3. Nhiều tác giả, Nguyễn Sơn Hà, Nhà doanh nghiệp yêu nước, NXB Lao động- Hà Nội, năm 1997.
  4. Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng, Nhân vật lịch sử Hải Phòng, NXB Hải Phòng, năm 2000.
  5. Thành ủy-HĐND-UBND Tp. Hải Phòng, Hải Phòng những chặng đường lịch sử, NXB Hải Phòng, năm 2010.

[1] Nguyễn Sơn Hà – Nhà doanh nghiệp yêu nước, NXB Lao động, 1997 (trang 7)

[2] Nguồn: Nhà giáo Phạm Tuệ sưu tầm

[3] Nhân vật lịch sử Hải Phòng, NXB Hải Phòng năm 2000, trang 199

[4] Nguyễn Sơn Hà, Tay trắng làm nên, NXB Thanh niên, năm 2000, trang 155.

[5] Nguyễn Sơn Hà, Tay trắng làm nên, NXB Thanh niên, năm 2000, trang 285.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học