Nguồn gốc lễ hội đền Nghè ở Đồ Sơn- Hải Phòng.

       Đền Nghè ngày nay thuộc địa phận phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Ngôi đền thờ vị thần chủ của người Đồ Sơn – Điểm Tước thần vương, vị thần mà bao nhiêu niềm khát khao, ước vọng… của người dân bản địa gửi gắm. Truyền thuyết về vị thần này cho đến nay đã có nhiều thuyết đề cập với những nguồn sử liệu khác nhau. Lễ hội hàng năm ở đây được tổ chức với tục chọi trâu nổi tiếng khắp toàn quốc nên được gọi Hội chọi trâu Đồ Sơn. Sau đây, chúng tôi thử nhìn nhận lễ hội đền Nghè dưới góc độ nguồn gốc xuất phát của nó, mong giải đáp phần nào về tục thờ vị thủy thần này ở Đồ Sơn, góp phần làm phong phú thêm những phát hiện về giá trị văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng trong dân gian của vùng đất cận duyên này của Hải Phòng.
       Tổng Đồ Sơn xưa có ba xã và năm ngôi đình thờ thần Điểm Tước, trong đó xã Đồ Hải có đình Đồ Hải, xã Ngọc Xuyên có đình Ngọc Xuyên, xã Đồ Sơn có ba đình là: đình Nam, đình Đoài và đình Đông. Nhưng vì trong tâm thức người dân nơi đây, hình ảnh lục vị Tiên Công đã in đậm trong tâm trí họ và được họ luôn luôn tôn thờ, vì thế, ngoài việc thờ chung thần Thành hoàng Điểm Tước, các làng xưa kia còn phân công nhau phối thờ các vị Tiên Công này như sau:
       Đình Đồ Hải: phối thờ Đại Hùng Thần Vương (Hoàng Đại Hùng)
       Đình Ngọc Xuyên: phối thờ hai vị là Cao Sơn Thần Vương (Phạm Cao Sơn) và Chàng Ngọ Thần Vương (Đinh Chàng Ngọ)
       Đình Nam: phối thờ Thanh Sam Thần Vương( Nguyễn Thanh Sam)
       Đình Đoài: phối thờ Hải Bộ Thần Vương (Lê Hải Bộ)
       Đình Đông: phối thờ Nuôi Nường Kiểm hạt Bản lộ Đại tướng quân (Lương Nuôi Nường).
       Ngày nay, ở Đồ Sơn chỉ còn ba ngôi đình thuộc địa phận ba phường là: đình Ngọc Xuyên (phường Ngọc Xuyên), đình Đồ Hải (phường Ngọc Hải) và đình Nam (phường Vạn Sơn). Các đình Đoài và đình Đông do điều kiện lịch sử, chiến tranh nay đã bị phá hủy hoàn toàn. Các đình ngày nay ngoài việc thờ Thành hoàng Điểm Tước đại vương thì đều phối thờ cả lục vị Tiên Công.
       Vị thần chủ được thờ trong đền Nghè là thủy thần có tên Điểm Tước. Truyền thuyết về vị thủy thần này đến nay đã thấy có từ nhiều nguồn tư liệu với nhiều nội dung có phần khác nhau, nhưng tựu trung thì có thể miêu tả những nét chính như sau:
       Theo truyền thuyết thì người dân bản địa chủ yếu sống bằng nghề chài lưới trên biển, trong công cuộc làm ăn mưu sinh trên sông nước, họ hay gặp phải những nguy hiểm từ biển cả rình rập vây quanh. Một ngày kia, bỗng có một con thủy quái đến phá hoại đời sống của người dân các xóm vạn chài, bắt cư dân mỗi tháng phải cúng cho nó một “ thiện nam” tại Vụng Mát. Trước sự hoành hành tai ác của thủy quái, nỗi đau mất mát ngày càng đè nặng lên đời sống của các ngư dân vạn chài, từ đó, họ luôn cầu thần khấn Phật ra tay cứu giúp. Thế rồi vào một đêm hè, giông bão nổi lên dữ dội, sau đó, người ta thấy thủy quái bị giết, xác dạt vào bãi biển nơi mỏm Nghè, chân núi Ngọc. Trên đầu và cổ thủy quái thấy xuất hiện nhiều vết cào xước như vết chân của loài chim lớn và từ những vết cào đó, máu tươi của thủy quái vẫn đang tuôn chảy đỏ cả một vùng biển. Từ đấy trở đi, người dân chài được bình yên nơi biển cả, xóm vạn chài trở nên yên vui, thanh bình. Để biết ơn công lao to lớn của thần linh đã ra tay cứu giúp, nhân dân Đồ Sơn đã dựng đền thờ. Nhân dân cũng muốn được biết đích xác vị thần nào đã ra tay cứu giúp, vì vậy họ đã tiến hành lễ cầu duệ hiệu (tên gọi của thần) bằng những đồ tế tự truyền thống và kèm theo một mâm bột gạo. Sáng hôm sau, người ta thấy trên mâm bột gạo có một nốt chân chim giống với những nốt chân chim đã xuất hiện trên mình con thủy quái kia. Người dân cho rằng thần đã ngầm báo thần hiệu của ngài cho họ, từ đó họ suy ra tên thần là Điểm Tước (Điểm Tước có nghĩa là vết chân chim). Như vậy, Điểm Tước đại vương trở thành tên gọi của vị Thành hoàng của cả tổng Đồ Sơn và được nhân dân trong vùng tôn thờ làm vị Thần chủ bản thổ.
       Cũng theo truyền thuyết kể lại, sau khi đền được xây dựng xong, người dân làm lễ tế thần thì ngay trong buổi đầu tiên, khi một cụ già là người đầu tiên tới đền đã thấy hình ảnh một vị thần tiên, râu tóc bạc phơ ngồi xếp bằng trong đền xem một đôi trâu trắng đang chọi nhau trên nền những ngọn sóng biển dập dờn phía trước mặt đền. Dân địa phương cho rằng thần muốn xem chọi trâu và vì vậy trong lễ hội được tổ chức hằng năm người ta đã cho diễn trò chọi trâu nhằm làm đẹp lòng thần. Về sau tục chọi trâu trong lễ hội đền Nghè trở thành một ngày hội lớn của cả vùng.
       Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (thời tự Đức) cũng có ghi về đền thờ thủy thần ở Đồ Sơn, với tục chọi trâu hằng năm vì tương truyền có người bản thổ đêm đi qua dưới đền, thấy hai con trâu chọi nhau, nên hằng năm đến ngày 10 tháng 8 có tục chọi trâu để tế thần. Triều đình phong cho thần là Điểm Tước đại vương. Nói về phong tục này của người địa phương, Đại Nam nhất thống chí cho rằng tục chọi trâu ở đây là theo tục Đãn Hộ – một chủng tộc Nam man, phần nhiều ở thuyền, chuyên làm nghề chài lưới. Như vậy, thời bấy giờ, qua phản ánh của sách đã cho ta thấy tín ngưỡng thờ thủy thần ở Đồ Sơn là tín ngưỡng phổ quát của người dân vạn chài nơi đây. Người dân bản xứ nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới trên biển và là chủ nhân của tín ngưỡng thờ thủy thần với tục chọi trâu hằng năm được duy trì cho tới ngày nay.

Tem Việt Nam năm 1999 có vẽ cảnh đấu ngưu trong lễ hội chọi trâu.

       Sách Đồng Khánh địa dư chí, trong mục đền miếu của huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương có ghi về thần tích của thần Hùng trấn Điểm tước được thờ ở đền thờ thủy thần bên chân núi Tháp như sau: “Xưa dân làng định lập đền thờ, có người chiêm bao thấy thần bảo hãy dựng đền ở trên núi Tháp. Theo lời trong mộng, ngày hôm sau người ấy lên núi Tháp, thấy một bầy chim công bay lượn quần tụ trên đỉnh núi trong chốc lát rồi bay đi. Người kia lên tận đỉnh núi, thấy một vết chân chim công, cho là ứng với điềm trong mộng, bèn trở về nói lại với dân làng lập đền thờ nơi ấy để thờ vị thần Vết chân chim công (Tước điểm chi thần). Đời bản triều, vị thần ở đền ấy được phong là thần Hùng trấn”.
       Lại tương truyền: xưa có người trong làng đi qua đền, thấy hai con trâu đang húc nhau. Về sau dân làng cứ đến ngày 10 tháng tám hằng năm mở hội tế thì tổ chức chọi trâu để làm vui cho thần. Ngày hôm ấy thế nào cũng mưa to giớ lớn, theo lời truyền thì đó là do thần làm ra. (theo dã sử).
       Về màn múa cờ trong ngày hội chọi trâu ở Đồ Sơn, có thuyết lại gắn với sử truyện về anh hùng nông dân Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) phất cờ khởi nghĩa chống lại chính quyền chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đã lấy Đồ Sơn làm căn cứ của nghĩa quân. Theo truyền ngôn, khi Nguyễn Hữu Cầu mang quân về đây, dân trong vùng mang ba con trâu ra khao quân, khi định làm thịt thì bất ngờ chúng xông vào húc nhau. Quân sĩ của ông và nhân dân tới xem rất đông. Từ đó, hằng năm, nhân dân vùng Đồ Sơn thường mở hội chọi trâu để tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cầu đã phất cờ tập hợp nhân dân chống lại chính quyền vua Lê-chúa Trịnh thối nát bây giờ.
       Theo tư liệu điền dã của chúng tôi thì ngày nay, người dân Đồ Sơn không nhắc tới tục chọi trâu có tình tiết liên quan tới việc thờ Bà Đế (như đã từng có giai thoại) và Quận He Nguyễn Hữu Cầu. Các đình, đền mà chúng tôi đến khảo cứu thì người dân đều cho biết tục chọi trâu là gắn với việc thờ thủy thần Điểm Tước đại vương. Hằng năm vào tháng tám, cả quận tổ chức lễ hội chọi trâu thì các nghi lễ của lễ hội này đều gắn với các đình có thờ thần Điểm Tước, trong đó Đền nghè được cho là trung tâm – nơi thờ chính của Ngài, và ngày hôm trước khi diễn ra lễ hội (ngày 7 tháng tám) là ngày dành cho các đình tổ chức lễ rước nước từ đền Nghè về đình mỗi làng để cúng tế, xin phép thần cho xuất quân (rước trâu ra sới chọi) và thờ cúng suốt thời gian diễn ra lễ hội.
       Về tục chọi trâu gắn với lễ hội cúng tế thủy thần ở Đồ Sơn, chúng ta cần xem xét, phân tích để có thể thấy được những lớp văn hóa tín ngưỡng trầm tích xuất hiện sớm hơn trong trò chơi này của lễ hội.
       Đồ Sơn là vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, thường thì khi sống ở vùng đồng bằng rộng lớn phì nhiêu mà ở đó điều kiện sống tương đối đầy đủ, người nông dân sống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, sâu trong lục địa gần như không cần tới cả rừng lẫn biển (xa dừng nhạt biển), đặc biệt hơn nữa, biển cả lại luôn chứa đựng quá nhiều hiểm nguy đối với con người thời đó nếu muốn làm nghề trên biển. Do vậy, sẽ rất dễ hiểu là tại sao người nông dân chỉ chú ý đến nghề nông nghiệp trồng lúa, mà không chú ý đến các nghề khai thác biển mặc dù một bộ phận trong họ sống cận kề với biển cả. Họ thường có tâm thức quay lưng lại với biển. GS. Ngô Đức Thịnh thì cho rằng Việt Nam chỉ có truyền thống “văn hóa biển cận duyên” chứ không có “văn hóa biển đại dương”
       Trong quan niệm của những cư dân nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ thì con trâu là đầu cơ nghiệp. Hình ảnh con trâu khá thân thiết với đời sống của người nông dân, nó có mặt ở mọi nơi, mọi chỗ, ngay cả trong những vần thơ, những câu ca dao và những lời ru của họ. Người nông dân yêu quí con trâu vì nó là phương tiện chính, chứa đựng yếu tố quyết định quan trọng trong công việc đồng áng và sản lượng nông nghiệp hằng năm của mỗi gia đình, vì vậy đối với nông dân nói chung và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng thì hầu như chúng ta thường không thấy có tục hiến sinh trâu cho các thần linh trong các lễ hội làng hoặc trong các nghi lễ thực hành tín ngưỡng bản địa. Tục chọi trâu ở Đồ Sơn gắn với việc hiến sinh phải chăng là có nguồn gốc của ngư dân ngoài nông nghiệp? Điều này rất có thể xuất phát từ những nguyên nhân còn tiềm ẩn trong nó mà ngày nay chúng ta chưa nghiên cứu lý giải một cách thỏa đáng chăng? Căn cứ vào một số thông tin, tư liệu tra cứu từ những nguồn sử liệu để lại, sau đây chúng tôi thử lí giải hiện tượng này như sau:
       Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi rằng tục chọi trâu ở Đồ Sơn theo tục Đãn Hộ – một chủng tộc Nam man, phần nhiều ở thuyền, chuyên làm nghề chài lưới. Phải chăng chủng tộc Nam man ở đây là tộc người gốc Nam Đảo mà nghề nghiệp chính là đánh bắt cá tôm trên biển. Họ có thể từ các quốc gia như Malaysia, Indonexia, Philipine đến hoặc một bộ phận người Chăm làm nghề chài lưới trên biển từ miền Trung ra?
       Trong sách Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh thời Hậu Lê cũng có nói tới tộc người Đản/ Đãn nhưng nội dung thì nhuốm màu huyền thoại về xuất xứ gốc gác của tộc người này. Sách có kể về thời Hùng Vương thứ hai có một giống cá Công sống lâu thành tinh, mình dài mười tám trượng, móng trắng, vây biếc, vẩy vàng, thường hóa thành người, lại nói sõi tiếng người. Dần dần giống cá này sinh sản ra con trai, con gái và bỏ được thói hung ác làm hại người trước đây, sau này trở nên lương thiện. “Giống đó có tên là Đản Nhân, ở miền duyên hải, trong hốc đá, sống về nghề cá, có biết ít nhiều lễ nghĩa, cùng với các dân mán mường giao dịch buôn bán đổi lấy gạo vải lụa”. Sách có ghi chú rằng: Đản Nhân (Đản nghĩa đen là trứng chim), Đản Nhân là tộc người có gốc tích Ma Lai cổ, xưa sống rải rác ở hải đảo và ven biển Đông, nay đã đồng hóa theo dân địa phương từng vùng.
       Trong cuốn Địa chí thị xã Đồ Sơn dẫn theo GS.Trần Quốc Vượng thì nguồn gốc của cư dân làm nghề đánh cá ở nước ta là người Đãn Hộ – một tộc người Mã Lai Đa Đảo cổ làm nghề đánh cá, du cư trên biển rồi định cư ở những ngư trường họ mới đến, và như vậy Đồ Sơn rất có thể là một trong các địa điểm đến của họ trong quá khứ. GS. Ngô Đức Thịnh thì cho rằng: “xét về mặt cộng đồng thì người Việt không có nguồn gốc biển mà cơ bản họ là cư dân sống ở vùng trước núi tràn xuống khai thác đồng bằng lầy trũng, rồi lấn biển và khai thác biển. Có cái gì tạm gọi là truyền thốngbiển” ở người Việt là do, hoặc là giao tiếp, tiếp thu từ các tộc láng giềng (cư dân Nam Đảo) hay hình thành nên trong quá trình họ lấn biển và khai thác biển sau này”.
       Nếu như vậy, phải chăng từ xa xưa ở Đồ Sơn đã có mặt người làm nghề chài lưới trên biển đến từ những vùng đất xa xôi khác, mà cụ thể ở đây là những ngư dân gốc Nam Đảo, họ có thể là chủ nhân vùng đất mới này còn trước cả những người nông dân bản lục địa chỉ biết làm nghề nông, cấy hái và sống ở những vùng đất xa với biển hơn như với Đồ Sơn, và chí ít những ngư dân gốc Nam Đảo này đã từng cư ngụ ở vùng đất này trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, đủ để họ gieo mầm nên một tín ngưỡng thờ thần biển với hình thức hiến sinh truyền thống trong văn hóa tín ngưỡng của họ. Ở đây chúng ta lại bắt gặp một sự trùng lặp của ý nghĩa về tên gọi nhóm người định cư ở miền duyên hải, sống về nghề đánh bắt trên biển mà sách Lĩnh Nam chích quái có nói tới (giống Đản Nhân): Đản nghĩa đen là trứng chim và như vậy nghĩa đen của Đản Nhân có nghĩa là giống người có nguồn gốc họ hàng từ loài chim, và rất có thể tín ngưỡng thờ thần vết chân chim – Điểm tước thần vương (mà thực ra là thần chim) của cư dân cổ Đồ Sơn ngày nay có nguồn gốc Nam Đảo là thờ vị thần tổ dòng giống của mình chăng?
       Về tục hiến sinh trâu trong lễ hội thờ thành Hoàng ở Đồ Sơn, chúng ta cũng có thể thấy mối dây liên hệ qua tục hiến sinh trâu để tế thần linh của các tộc người Tây Nguyên có nguồn gốc Nam Đảo. Ở những tộc người Tây Nguyên như: Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai ho tới gần đây vẫn còn thực hành lễ hội đâm trâu (ăn trâu) hằng năm trong cộng đồng, đây chính là tục lệ hiến sinh trâu cúng tế thần linh của họ. Hình ảnh con trâu trong văn hóa cộng đồng các tộc người Tây Nguyên gốc Nam Đảo không những được thể hiện trong các tục hiến sinh mà hơn nữa, chúng còn thể hiện khá đậm nét trong dấu ấn sinh hoạt cộng đồng của họ. GS.Ngô Đức Thịnh cho rằng: “ở các tộc người nói ngôn ngữ Nam Đảo ở Tây Nguyên nước ta cũng còn giữ nhiều phong tục độc đáo gắn với con trâu, như trang trí hình đầu, sừng trâu, quan tài hình đầu trâu, nghi lễ hiến sinh trâu…có thể nói chính cư dân Việt ở Đồ Sơn còn may mắn lưu giữ được hình tượng con trâu thần trong lễ hội chọi trâu, mà vốn đó là một di vết văn hóa rất cổ của Đông Nam Á thời tiền sử”. Chỉ có khác rằng hiến sinh trâu của các đồng bào ở Tây Nguyên là hiến tế thần rừng, thần núi, thần sông, thần suối do đặc trưng môi trường sống của họ là miền rừng núi, còn hiến sinh trâu ở Đồ Sơn là hiến tế thần biển của cư dân vạn chài làm nghề đánh bắt cá, tôm trên biển. Tuy nhiên, qua quá trình tiếp nhận, hội nhập và phát triển, yếu tố văn hóa biển của cư dân làm nghề đánh cá biển gốc Nam Đảo và yếu tố văn hóa nông nghiệp của nông dân sinh sống ở vùng châu thổ lục địa trong quá trình tiến ra biển đã hòa nhập với nhau, và hình ảnh văn hóa về con trâu và tục chọi trâu ở Đồ Sơn cũng mang tính lưỡng nguyên của văn hóa biển và văn hóa nông nghiệp.
       Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ngày nay đã trở thành một lễ hội mang tính quốc gia với những nghi lễ cầu kì từ khâu chọn trâu, nuôi trâu, huấn luyện và thi đấu. Vì là một lễ hội nổi tiếng mang tính quốc gia, cho đến nay đã có khá nhiều bài viết nghiên cứu, khảo tả về trò chọi trâu này trong lễ hội. Vì điều kiện có hạn của một bài viết, chúng tôi xin được phép không trình bày cụ thể các nghi thức về tục chọi trâu ở đây, hi vọng sẽ có dịp được trình bày ở một chuyên khảo khác.

       (Nguồn: Nguồn gốc lễ hội đền Nghè Đồ Sơn – Hải phòng/ Trần Quốc Tuấn// Tạp chí Văn hóa di sản; số 3. – tr. 39 43); PV. Thi giới thiệu, minh họa ảnh.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học