Nghệ thuật kiến trúc, xây dựng tại các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo thời Mạc

Ngày 11/5/2021, chúng tôi đã có cuộc trao đổi tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc, xây dựng tại các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo thời Mạc. Phật giáo có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, du nhập vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Trải qua hơn 2000 năm gắn bó với dân tộc, tuy có nhiều bước thăng trầm ở các giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng Phật giáo đã trở thành một cơ cấu xã hội ở nước ta, có bước phát triển lớn mạnh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp dựng nước, bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo dưới thời nhà Mạc đã kế thừa các thời đại trước, tiếp tục phát triển, thấm sâu vào cộng đồng xã hội, có những nét đặc trưng riêng. Đây là thời kỳ có sự tham gia hưng công đóng góp của tầng lớp quan lại, những người giàu có, quyền thế vào các công trình tín ngưỡng như chùa, quán đạo, đền, miếu, nên số lượng các kiến trúc này mọc lên nhiều và chất lượng công trình được nâng cao. Vừa qua theo thống kê đã có 195 công trình kiến trúc được xây dựng mới, trùng tu, trong đó có 142 ngôi chùa, 12 ngôi đình, 7 quán đạo, 8 đền, miếu, các văn bia. Các di tích này phân bố ở hầu khắp các tỉnh thành Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Hà, Thanh Hóa và Thái Bình. Trong các vật liệu xây dựng thời Mạc phải kể đến tiêu biểu là các loại gạch rất tốt được sử dụng phổ biến và xây, ốp ở mọi vị trí kiến trúc như xây thềm, ốp bệ thờ, tiền đường, hậu đường, nóc mái, tường, với nhiều loại hình khác nhau trong kiến trúc. Do có sự tham gia hưng công đóng góp của tầng lớp quý tộc quan lại, các công trình kiến trúc Phật giáo có chất lượng tốt. Nhà Mạc giúp dân trùng tu hay xây dựng nhiều đình miếu, chùa quán, làm giàu cho văn hóa dân gian Đại Việt. Đình làng, với tư cách là một trung tâm hành chính và nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng làng, xã đã phát triển mạnh dưới thời nhà Mạc. Trong giai đoạn thịnh trị, ngoài kinh đô Thăng Long, Mạc Đăng Dung còn xây dựng Dương Kinh trên quê hương mình với hệ thống cung điện, lầu các đồ sộ như Các Dương Tự, điện Tường Quang, Phúc Huy, phủ Hưng Quốc, đồn binh, kho lương và cả một trường Quốc học song song với Quốc Tử Giám tại Thăng Long. Khác với cung điện Tức Mặc, thời Trần; hay Lam Kinh, thời Lê sơ chỉ là nơi nghỉ ngơi, thờ tự của vua chúa, Dương Kinh là trung tâm kinh tế, chính trị và là kinh đô cảng sầm uất. Dương Kinh vừa có cả cung điện, lăng tẩm, chùa chiền, vừa mang tính chất một đô thị ven biển xứ Đông đầu tiên ở Việt Nam. Ở Dương Kinh, nhà Mạc cho xây một số thương cảng làm nơi giao lưu hàng hóa trong và ngoài nước như phố Lỗ, Minh Thị, An Quý, Do Nha, đồng thời tôn tạo nhiều di tích đền chùa ở Cổ Trai và các vùng lân cận. Kiến trúc dân gian thời Mạc trong các công trình Phật giáo được trang trí nhiều hoa văn ở nhiều vị trí khác trong kiến trúc như thềm, nền, bệ thờ, xây tường, bờ nóc mái. Thời kỳ này các công trình chùa thờ Phật được xây rất nhiều. Hình ảnh bông hoa sen trang trí trong những ngôi chùa thời Mạc tuy có cách điệu nhưng vẫn mang dáng dấp của ngôi chùa Phật giáo thời Trần- Hồ. Sự phát triển của kiến trúc xây dựng thời Mạc trùng hợp với sự phát triển của kiến trúc dân gian trong thế kỷ 16. Xã hội thời Mạc là một xã hội có nội chiến phe phái Nam Bắc triều, phía Bắc là nhà Mạc, phía Nam là nhà Lê Trung Hưng với sự phò tá của chúa Trịnh. Do mải lo tập trung trí lực và vật lực vào các cuộc nội chiến nên việc quy định đẳng cấp rõ ràng được nới lỏng, Phật giáo có xu hướng phát triển trở lại. Đó chính là điều kiện thuận lợi để kiến trúc dân gian ở các công trình tín ngưỡng Phật giáo ở làng quê phát triển mạnh mẽ.
MT

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học