
Ngày 12/5/2021, chúng tôi đã có cuộc trao đổi tìm hiểu về nghệ thuật chạm khắc, tạc tượng tại các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo thời Mạc. Nghệ thuật chạm khắc, tạc tượng tại các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo thời Mạc phong phú với các hình linh thú và hoa lá cách điệu mang đậm phong cách thời Mạc. Điêu khắc đá thời Mạc tại Dương Kinh có nhiều đề tài chưa từng thấy ở nơi khác như tượng nghê đồng, Quan Âm tọa sơn, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt và bộ tượng Tam Thế. Đề tài linh thú gồm hình rồng, chim phượng, cá hóa rồng, hổ, nghê, lân, ngựa, voi, hươu, chim. Đề tài hoa lá gồm hoa mai, hoa sen, hoa lá cách điệu với nhiều biến thể khác nhau. Hình rồng trang trí thời Mạc được thể hiện nổi khối dàn trải đều. Đầu rồng ngẩng cao hướng về phía trước, đầu rõ sừng, mũi to, mồm há to ngậm ngọc, chân rõ bốn móng choãi ngang, thân uốn khúc doãng hơn hình gần chữ U với các đường chỉ nổi. Hình rồng kết hợp hình chim phượng. Hình cá hóa rồng đang bơi đuổi há mồm bắt quả bóng. Sự kết hợp giữa con vật và hoa lá cho thấy sự đa dạng trong nghệ thuật trang trí thời Mạc. Mỹ thuật thời Mạc vẫn tiếp nối các đề tài trang trí thời Lê sơ, vẫn là các đề tài quen thuộc như hình rồng, hoa cúc, hoa mai, tượng nghê, nhưng thời đại mới với những yếu tố mới đã tác động lên thẩm mỹ của thời đại. Sản phẩm gốm sứ thời Mạc khá nổi tiếng, được giao thương với một số nước trên thế giới và có mặt ở 30 bảo tàng châu Âu. Đặc biệt cần nhắc tới một nghệ nhân là Đặng Huyền Thông đã để lại những tác phẩm gốm quý, gồm những chân đèn với các thớt vẽ men màu lam, rồng đắp nổi, trang trí rậm, được coi là điển hình cho quan điểm thẩm mĩ thời Mạc, đậm chất dân gian; cùng những bát hương lớn cùng một thể loại, hiện vẫn còn lưu truyền tại nhiều đền, chùa Bắc Bộ. Toàn bộ các tác phầm của ông đều được phủ một loại men trong, dày và có màu xanh sẫm, đôi khi lẫn màu ghi xám hay ngả vàng. Sử dụng loại men màu lam xám, ông đã kết hợp với các chi tiết được chạm thủng chạm nổi, dán ghép kết hợp với khắc chìm để thể hiện nhiều đề tài phong phú khác nhau. Sự phát triển khá mạnh của Phật giáo cùng với sự biến động của lịch sử đã tác động mạnh mẽ đến mỹ thuật thời Mạc. Nét đặc trưng của mỹ thuật thời Mạc là sự xuất hiện thêm nhiều hoa văn mới như linh vật gần gũi với con người như hươu, voi, hổ, chuột. Các hình tượng trong trang trí được diễn tả hiện thực hơn, hình khối trở lại sự khỏe khoắn, đơn giản. Bố cục trang trí thời Mạc thể hiện tự do thoải mái, ít bị gò bó theo khuôn mẫu. Trang trí hình chim phượng được tạo bằng các đường nét tỉ mỉ và các thủ pháp kỹ thuật như các đường cong nhẹ thể hiện lớp cánh, các đường chạm khắc vát lõm, tỉa nhỏ, tất cả thể hiện rất sinh động và giàu tính hiện thực. Nghệ thuật điêu khắc tượng ở thời Trần- Lê sơ, tượng tròn hầu như tập trung ở làng mộ, thì sang thời Mạc tượng tròn gặp ở nhiều chùa và rất nhiều loại, từ tượng Phật, tượng Quan Âm đến tượng Vua, tượng Hoàng Hậu và các tượng thông thường, chất liệu ở đây là gỗ và đá. Các chùa cổ còn đến nay không thể thiếu được tượng Tam Thế tượng trưng cho 3000 vị Phật. Ngày nay tượng Tam Thế thời Mạc còn gặp ở nhiều ngôi Chùa. Tượng lớn xấp xỉ với người thực, tạo theo những quý tượng của Phật, tóc xoăn, đỉnh đầu nhô nhục kháo, tai dài, ngồi tĩnh toạ trên toà sen, khuôn mặt hơi cúi xuống chúng sinh, mình đẩy đà các mảng khối căng tròn. Đây có thể xem là tượng mẫu cho các thời sau. Mỹ thuật thời Mạc phản ánh sự hòa quyện giữa cung đình và dân gian. Trong đó yếu tố dân gian có xu hướng lấn át yếu tố cung đình và gần gũi hơn với cuộc sống. Các loại hoa văn mang đậm chất dân gian như hình linh thú chuột, voi, hươu, hổ là những con vật gần gũi với con người phổ biến trang trí trong những ngôi chùa làng. Hình rồng và chim phượng vốn là hoa văn trang trí trong cung đình, dưới thời Mạc hoa văn này trở lên thoải mái trang trí cùng với các hoa văn khác và hình linh thú trong các cơ sở tín ngưỡng Phật giáo.
MT