
Nghệ thuật ca trù đã thành môn nghệ thuật như nhiều sách báo nói “nó mang tính hàn lâm và tính bác học”. Với nội dung thể hiện bằng thơ, nhạc, múa, hát, ca ngợi lối sống khoan dung, dũng quyết, thanh khiết, thủy chung, hết mình vì Tổ quốc, vì độc lập tự do, vì hòa hợp cộng đồng, vì truyền thống dân tộc, thể hiện khao khát nhân, trung, hiếu, nghĩa. Với hình ảnh cảnh vật không phân biệt mình với đám mây, với cây cỏ, với nắng lẻ, mưa ngàn, với hòn sỏi, hòn đá, con thỏ, con gà, con chim, con cá, thể hiện trong mỗi lời thơ, mỗi âm thanh nhạc khí, mỗi giai điệu tiết tấu giàu trí tuệ, đầy chất thơ và chất nhạc, mỗi bài hát đều có tác giả hay đồng tác giả cụ thể nào đó, hiếm có bài khuyết danh mà chỉ có đôi người hát hoặc người nghe, quên tên tác giả.
Đã có ngàn năm, những nghệ nhân hát hay múa giỏi, đàn phách tài hoa, qua tuyển chọn vào cung Vua, phủ Chúa, có người đã được mang hàm Vương hầu, Phò mã, có người được phong Vương phi, Thứ phi, hay danh hiệu Thủ khoa, Á nguyên hoặc Quản ca, Quản giáp. Có cá biệt được phong là Quốc mẫu.
Ở đây, từ tổ chức có hệ thống của Ty giáo phường Bắc thành xưa, khu vực Hải Phòng đã sớm hình thành Giáo phường thuộc phủ Kim Môn. Nhờ có ngồn gốc từ tiền nhân xa xưa truyền lại, vẫn bền bỉ thai nghén qua bao thế hệ, lần nữa lại nảy mầm từ dòng họ Phạm ở Đông Môn, huyện Thủy Đường này, một hậu duệ của đại tướng quân Phạm Cương Dũng, tước Tín mỹ hầu (thủy tổ họ Phạm ở đây). Đó là bà Phạm Thị Sang, một Đào nương hát hay múa giỏi. Thời Trịnh Giang đầu thế kỷ 18, bà đã trúng tuyển vào vào Cung “Lai kinh chúc hỗ” được phong thứ phi, được cấp 10 mẫu ruộng lộc điền. Và theo luật lệ xưa “ai người có chức danh của ngành nghề, được Nhà nước công nhận mới được Ty giáo phường cho làm Trùm trưởng, đồng thời mới được phép lập bàn thờ Tổ nghề”, thêm họ Tô từ khi về tụ hội ở đây thông gia cùng họ Phạm, có nghệ nhân Tô Tiến, qua kỳ thi tuyển đạt điểm cao về nghệ thuật Ca trù, được giữ chức vụ ấy về đây lập bàn thờ Tổ nghề, với nhiệm vụ đào tạo Ca công kỹ nữ cho Nhà nước ở khu vực này. Cũng từ đó hình thành đền thờ Tổ Ca công, gọi là “Phủ từ” Đông Môn. Lúc đầu dạy cho con cháu ở 2 dòng họ Phạm và Tô, nối tiếp các thế hệ sau thông gia thêm với các dòng họ Nguyễn, Trần, Lưu ở đây và các huyện phụ cận, như họ Ngô ở Đoạn Xá, huyện Nghi Dương (Kiến Thụy) và nhiều dòng họ ở nơi xa khác nữa. Nên Ca trù từ đây được phát triển rộng khắp ra cả vùng Sơn Nam Hạ và Yên Bang Đông Đạo này. Cùng ở đây, lại mỗi gia đình sinh sôi ra trên khu đất làng này, ngày càng thêm đông đúc, chen chúc, chật chội. Gặp khi thành thị phát triển mở rộng, có điều kiện hành nghề, người thì mở Ca quán, người thì đeo túi nhạc cụ đi hát lưu động các nơi. Riêng khu vực quanh Hải Phòng, hình thành hàng chục ca quán như Cánh gà trong (Hàng Kênh), Cánh gà ngoài (Lạch Tray), Cam Lộ (Thượng Lý) Qui Tức (Kiến An) và các huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Đến cả Ninh Giang, Kim Thành, rồi Quảng Yên, Thái Bình, đâu đâu cũng có đào – kép hành nghề Ca trù.
Trước bối cảnh cảng biển mở rộng, qua giao lưu hòa nhập, nhiều dòng văn hóa của nhiều khu vực trong nước và nước ngoài xuất hiện, có sự đổi thay của chính trị- kinh tế và từ đời sống sản xuất tự cung, đến đời sống thương mại hóa, nghệ thuật Ca trù vì vậy cũng có nhiều biến đổi.
Thơ ca trù xưa kia, với nội dung hầu hết là nói: “cái Ta”, cái chung cộng đồng, với triết lý nhân sinh, khích lệ tình yêu non sông đất nước, bằng ca ngợi danh lam thắng cảnh, ca ngợi những anh hùng, liệt nữ, ca ngợi Vua sáng tôi hiền, khuyến dụ sống tình, sống nghĩa. Đã thay bằng nội dung nói nhiều về “cái Tôi”, với những tâm tư trăn trở, với tình cảm vui buồn, hờn nén, sôi nổi, thầm kín của mỗi con người cá thể, miêu tả cảnh ngộ bức xúc riêng tư này, đã có từ Lê Thái Tổ, như lời tựa “Bộ tuyển tập Việt Nam thi tập”của Phan Phu Tiên đã nói tới, nhưng chỉ phổ biến nhất là từ thời Lê Mạt trở về đây. Và từ thể thơ “Thất ngôn, ngũ ngôn, bát cú, tứ tuyệt, phú vịnh, hay song thất – lục bát, lục bát”, đã ngày ít đi mà phổ biến thịnh hành là thể thơ “hát nói mới”, còn gọi là “thơ tự do”, đượm chất trữ tình, lãng mạn yêu đương, câu chữ không hạn định, âm từ không gò bó, ý tứ phóng túng, sâu sắc hơn. Và còn phát triển thêm cả nội dung trào phúng, hài hước, châm biếm, nhạo báng những thói hư tật xấu của xã hội, đả kích bọn tham ô, quan lại làm tay sai cho ngoại bang, buôn dân bán nước. Và nội dung ca ngợi sự linh thiêng huyền bí, hầu nịnh bóng cậu, đồng cô.
Ca và nhạc cũng khuôn khổ định sẵn được học luyện từ nhà cha mẹ truyền cho, trước bối cảnh thương mại hóa, công nghiệp hóa, muốn tồn tại phải tranh tài tranh khách, đã tìm tòi biến cải nâng cao, bằng lối “Hát hàng hoa”, tiếng đàn tiếng phách cũng ve vẩy, luyến láy, buông, nhả, bay bướm, phóng túng, tùy hứng hơn. Tiếng trống chầu tom, chat cũng biến hóa tài tử hơn.
Cũng do thể thơ mới và phổ biến là “hát nói mới” này, mà nay có nhiều người đã lầm tưởng rằng thơ Ca trù, chỉ là thể thơ hát nói, với tối thiểu 11 câu một bài, của hình thức lối hát Ả đào ở ca quán và nhà riêng, như những bài thơ viết cho Ca trù của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Tản Đà .v.v…từ đầu thế kỷ 19.
Nhưng những biến cải trên, ở các phường hát nông thôn, với những nghệ nhân bán chuyên nghiệp chỉ hành nghề vào những mùa lễ hội làng và những tư gia có khao vọng, cũng khác với hát ở Ca quán nơi nội thành, nội thị, hành nghề có tính chuyên nghiệp như:
Phường hát ở nông thôn diễn xướng Ca trù thính phòng cũng như hình thức hát Ả đào nói chung vẫn như xưa, lề lối và nội dung không có gì thay đổi đáng kể. Riêng “hát cửa đình”, thì hát tế thần tuy vẫn như cũ, nhưng hát “ Thờ” Thần, đa phần đã chuyển sang đáp ứng nhu cầu quần chúng đông đảo, bằng “Hát vãn” với nội dung ca tụng như Ca trù nhưng thiên sang ca ngợi sự linh thiêng huyền bí và nịnh đồng, nịnh bóng.
Các Ca quán ở thành thị thì nghề “Hát cửa đình” đã ít đi, chỉ có phổ biến thịnh hành là “Hát ả đào” thính phòng, phục vụ khi có khách tới yêu cầu, với nội dung thơ trữ tình lãng mạn, diễn tả tâm trạng thầm kín riêng tư, với lối hát “hát hàng hoa”, bằng những bài mang tính chất huê tình lãng mạn, như gửi thư, như 36 giọng còn gọi là hát tạp..v.v…
Qua đó được thấy Ca trù ở Hải Phòng đã hình thành, phát triển, đạt đến đỉnh cao, cả về chất thơ, và chất nhạc, thể hiện luôn luôn biến cải cả nội dung văn thơ và hình thức nghệ thuật đã ngày một nâng cao, bớt đi lối hát cung đình, phát triển lối trình diễn dân gian, “Hát cửa đình” tuy vẫn như nội dung mục đích yêu cầu của Ca trù cửa đình là góp phần làm cho Thần và người cùng vui, đã càng được vui hơn. Hình thức ca nhạc cũng đơn giản, bớt cồng kềnh, từ chỗ đoàn diễn viên múa hát đông người xuống còn vài người, từ dàn nhạc lớn đủ loại nhạc khí dân tộc có cả trống to, chiêng lớn, đã chỉ còn một người hát và 3 nhạc khí (đàn đáy, phách, trống con) với âm sắc càng độc đáo và lời thơ càng sâu lắng, giàu tính nghệ thuật hơn.
Một độc đáo hiếm thấy có nơi nào, với môn nghệ thuật nào, được phát triển rầm rộ phổ biến rộng khắp, liên tục nhiều thế hệ chuyên nghiệp nối tiếp nhau, qua nhiều triều đại đến trước năm 1945, như nghệ thuật Ca trù ở khu vực này. Có một “Phủ tử” thờ tổ nghề ở Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, do những người hành nghề ba phủ, tám huyện, tự đóng góp xây dựng, xưa kia đã có những đồ tế khí đẹp vào loại nhất huyện, với hai pho tượng cổ, 2 phù điêu đứng hầu đặt trong một cỗ khám lớn, không kể còn các đạo cụ múa hát khác, và thường được Nhà nước phong kiến ban sắc phong tặng. Cùng một giáo phường có tổ chức và qui ước rất chặt chẽ từ huấn luyện, đào tạo, thi tuyển và sát hạch đến kết nạp cho hành nghề. Là một môn nghệ thuật, lại luôn được cải biến, nâng cao, bằng năng động sáng tạo, đảm bảo phục vụ nhiều đối tượng thưởng thức ngày một đông đảo mà không mất đi cái cốt cách, cái khuôn mẫu, những giai điệu tiết tấu Ca trù từ xưa truyền lại, đã góp phần làm giàu thêm chất thơ và chất nhạc. Cũng thật đáng tự hào như lời dẫn của tác giả Nguyễn Xuân Diện, đăng ở báo Nhân dân số 35 (291) ngày 28- 8-1994 nói: “ông Viện trưởng Viện âm nhạc Pháp đã từng nhận định rằng: Ca trù là đỉnh cao của âm nhạc nhân loại”.
Nhưng đáng tiếc từ sau cách mạng tháng 8 – 1945, lại liên tục bị thực dân Pháp, xâm lược Mỹ, mang khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào tàn phá đất nuớc. mưu đồ biến Tổ quốc ta trở về kỷ nguyên đồ đá. Về chủ quan, lại ảnh hưởng một triết lý nhận thức ấu trĩ và mặc cảm ngây ngô, cho hát Ả đào là hình thức “dâm tục” của tầng lớp ăn chơi vô tích sự, nên những di tích Ca công đã bị phá bỏ và những nghệ nhân cũng mặc cảm “tự ti”, giấu biệt tăm, cả tên tuổi và nơi ở. Kể cả con cháu họ cũng đã không còn ai biết hình dáng nó như thế nào.
Năm 1985 mới được đồng chí Đoàn Duy Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy Hải Phòng nhắc tới, và cho rằng: “Đây là một nghệ thuật quí của thành phố, cần sưu tầm nghiên cứu”, sau đó được tác giả Ngô Đăng Lợi viết bài “ Hát Ca trù và đền Ca công huyện Thủy Nguyên”, trên tập san Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng số 3/1985 (Nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành). Nhưng cũng chỉ như hạt gạo đáp xuống lòng sông Cấm, chẳng ai biết đến. Ca trù ở Hải Phòng vẫn yên ngủ với quá khứ xa xưa, nằm chìm trong bãi sạn thô thiển, những người xấp xỉ tuổi năm mươi ở đây, hiếm ai biết được hình thù thế nào. Đến 1989 mới lại được một, hai người cao tuổi, lưu luyến, say sưa văn hóa văn nghệ thuật truyền thống, với ý thức tự tôn dân tộc ngàn năm văn hiến, trăn trở trước bối cảnh văn hóa ngoại lai ùa vào qua cảng biển, có nhiều cái hay, cái đẹp, cái mới thì cũng đầy rẫy cái xấu xa, phi văn hóa, cũng tràn theo vào mọi ngõ ngách, đang tàn phá những gì là tinh hoa của đất nước, là thanh khiết của tổ tiên. Vài người già ấy, là hội viên Câu lạc bộ thơ, ở Trung tâm văn hóa thành phố, bỏ công sức, đã âm thầm đi tìm kiếm nghệ nhân cũ, sưu tầm và mua sắm nhạc cụ, phương tiện, tích góp tư liệu, dù dồn hết tài lực quên ngủ, quên ăn, cũng phải sau mấy năm, mới tìm gặp được nghệ nhân Ngô Duy Thẩn (Trà Phương, huyện Kiến Thụy) trao cho cây đàn đáy, và hội tụ được hai lão nghệ nhân Đào Thị Bảo 75 tuổi, Đào Thị Thẩm 72 tuổi cùng 2,3 học viên mới, qua nhiều ngày vừa ôn, vừa dạy, vừa học ở một điểm kín đáo theo yêu cầu của hai Đào nương già, không muốn cho con cháu họ biết là mình biết nghệ. Đã có một buổi công diễn đầu tiên ở nhà văn hóa thành phố năm 1992, và được đánh thức dậy nhân ngày giỗ tổ nghề ở Đông Môn, Thủy Nguyên 24-3 âm lịch cũng năm ấy. Dù chưa hoàn chỉnh là nghệ thuật Ca trù, nhưng cái tên gọi “Ca trù” đã nhiều người biết đến. Khốn nỗi những người tham gia phục hồi nói trên, đều nghèo khó đến cùng kiệt, không đeo nuôi nổi ca với nhạc, đã lại phải xưa nó ở đâu trả về đó, chỉ còn là làm thơ, rồi tự hát với nhau nghe, không đàn, không phách, không trống.
Lần nữa, lại đến năm 1996 được Giám đốc Sở Văn hóa TT thành phố Vũ Thiệu Loan và Chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam ở Hải Phòng hô hào, dù chỉ bằng lời kêu gọi, đã lại âm thầm lóp ngóp bò dậy, hình thành câu lạc bộ Ca trù ở thành phố với 8 hội viên và tổ Ca trù ở thôn Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên. Sau nhiều ngày đêm khổ công ôn luyện và đào tạo lẫn cho nhau, cũng đã trình diễn được 2 buổi mừng xuân 1997- 1998 qua đài truyền hình và đôi buổi Hội diễn ca múa nhạc dân tộc từ huyện đến thành phố. Nhưng nó không phải là thứ cây cỏ dân dã dễ ươm, dễ mọc, cũng không phải là loài vật đẻ đàn, trái lại, đàn chỉ đẻ một rồi lại một, ngay từ khi thai nghén, ít nhất cũng luôn ở bên cả cha cả mẹ. Chứ không thể chửa hoang mà sinh nở được. Nó còn thai nghén hay ươm hạt ít nhất cũng phải 2-3 năm, như nghề ở Lỗ Khê, Đông Anh nói thì phải 5 năm, và nếu đẻ ra rồi mà nuôi thiếu dinh dưỡng cũng sớm chết chột….
Thực hiện Nghị quyết 5 (Hội nghị lần thứ 8) của Trung ương Đảng, được một số người (cả cán bộ hưu trí và học sinh, sinh viên đại học), biết tranh thủ tìm gặp các thầy Trần Trọng Quế 79 tuổi, Nguyễn Thị Chính 80 tuổi, Đào Thị Thẩm 80 tuổi, Nguyễn Thị Chín 75 tuổi, Tô Thị Chè 68 tuổi, xin được học hát, học phách, học đàn, học đánh trống chầu, với tâm trạng chỉ lo chậm chân, các thầy đây sớm về nơi yên nghỉ, không còn ai nữa ở Hải Phòng truyền cho.
Nguồn: Nghệ thuật ca trù, một nét văn hóa của Hải Phòng, xưa đáng tự hào- nay ra sao?/ Giang Thu// Văn hóa dân gian Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng. – Tr. 37-45)