Ảnh đóng tàu cá vỏ gỗ ở Cát Hải
- Các làng ven biển nước ta phong phú nghề thủ công truyền thống:
– Nghề đóng thuyền tồn tại ở nhiều làng như Trà Cổ, Phương Cần, Nhượng Bạn, Cảnh Dương… Mỗi làng có những dòng họ lưu giữ bí quyết nghề nghiệp, đời này truyền cho đời khác về nghề thủ công truyền thống quý báu này.
Ở Hải Phòng, nghề đóng thuyền cũng phát triển ở Cát Hải, Đồ Sơn là 2 địa phương có ngành ngư nghiệp phát triển mạnh. Ngoài ra Đoàn Xá (Kiến Thụy), Lập Lễ (Thủy Nguyên) cũng là 2 xã có nhiều người đi biển nên nghề đóng thuyền tương đối phát triển.
– Các nghề khác như đan lưới với các loại: lưới giã, lưới rút, lưới rê, lưới ruốc, lưới chồng, lưới rùng; Nghề làm câu vặt, câu đăng, câu rà; Nghề làm bóng cá sủ, bóng mực, bóng rạn… cũng khá phát triển.
– Nghề chế biến hải sản: Làm khô cá, khô mực, tôm nõn, làm mắm tôm, mắm tép, mắm cá, mắm ruốc mắm cáy, còng; ngâm sứa làm nộm.. với kĩ thuật truyền thống lâu đời đã tạo nên những đặc sản nổi tiếng riêng của mỗi làng, mỗi vùng.
– Nghề đóng ghe, thuyền Nam Bộ: Nam Bộ có rất nhiều loại ghe, thuyền, tùy theo địa phương với tính chất, chức năng sử dụng mà có những loại ghe khác nhau như: ghe cửa, ghe Hòn, ghe Vàm Láng, ghe Cần Đước,…
– Nghề làm nước mắm:
Ở Miền Bắc, nước mắm Cát Hải (Hải Phòng) từng nổi tiếng trong câu ca dao “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét”. Thời Pháp thuộc, nước mắm của ông chủ hãng Vạn Vân (Cát Hải) Đoàn Đức Ban từng được người tiêu dùng phía Bắc đánh giá cao. Giờ đây nước mắm Cát Hải vẫn là một trong những thương hiệu nổi tiếng trên thị trường nước ta.
Nhiều làng chài ven biển Nam Bộ có nghề làm nước mắm, nhưng nước mắm nổi tiếng nhất ở Nam Bộ là nước mắm Phú Quốc và nước mắm cù lao Hòn (đảo Hòn Tre, thuộc thị trấn Hòn Tre, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang)
– Nghề sấy mực, sấy tôm khô:
Nghề này phát triển ở nhiều tỉnh như Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Đặc biệt tại Kiên Giang có nhiều cơ sở chuyên sấy mực và tôm khô bằng tay với sản lượng khá cao.
– Nghề kết bóng mực:
Dụng cụ kết bóng mực là những chiếc lồng. Ở Kiên Giang nghề này đã thiết lập được mạng lưới nghề nghiệp.
– Nghề may lưới:
Mỗi loại tôm, cá đều sử dụng một loại lưới khác nhau. Nghề may lưới khá phát triển vì thị trường ngư nghiệp có nhu cầu về lưới rất cao. Tôi nhớ, trong những năm 70 -80 , quê tôi, thôn Khúc Giản (tên nôm làng Khuốc) có nghề đan – làm lưới vét nổi tiếng Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Dân đánh cá địa phương và các nơi Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương… thường tìm đến mua lưới vét làng Khuốc.
– Nghề làm muối: Nghề làm muối phát triển mạnh ở Bạc Liêu, Hà Tiên. Đồ Sơn, Cát Hải (Hải Phòng) cũng từng có những cánh đồng muối tấp nập ven biển. Nay nghề này ngày một sa sút vì nhiều nguyên nhân.
– Nghề chế tác hàng mỹ nghệ (đồi mồi, xâu vỏ ốc, ngọc trai) cũng phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Nguồn vỏ ốc biển ở Nha Trang rất phong phú, đa chủng loại, mỗi loại hợp với việc chế tác các món đồ trang sức và mỹ nghệ khác nhau. Chúng được dùng làm vòng đeo tay, vòng cổ, nhẫn, kẹp tóc, thậm chí giỏ xách….với phong phú về màu sắc và vẻ đẹp. Ngoài ra, vảy đồi mồi, san hô các màu trắng, hồng, vỏ tôm hùm, vỏ ốc xà cừ cũng là nguyên liệu để những người thợ thủ công làm nên những mặt hàng trang trí đẹp, đắt tiền.
Các loại sập gụ, tủ chè có cẩn xà cừ óng ánh trên các họa tiết cây, chim, cá, rồng, phượng từng là mặt hàng nổi tiếng có giá trị trên thị trường nước ta.
Vùng Núi Thành, Tam Kỳ, Quảng Nam có nghề chế tác vỏ ốc thành đồ mỹ nghệ cũng khá nổi tiếng.
– Nghề nuôi cấy và chế tác ngọc trai: Nhiều vùng biển nước ta có nghề nuôi trai lấy ngọc như ở Quảng Ninh, Cát Bà, Đà Nẵng, Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc…Từ những viên ngọc trai tự nhiên người ta còn gia công chế biến thành những sản phẩm trang sức đẹp, quý. Không những vậy, những người sáng tạo còn áp dụng thêm kỹ thuật nuôi cấy trai, tạo thành những sản phẩm độc đáo, giá trị.
Nghề nuôi trai lấy ngọc xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1967 ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Đến năm 1980 doanh nghiệp nuôi trai này giải thể. Năm 1988 ngành thủy sản Việt Nam bắt đầu nghiên cứu nhiều đề tài liên quan đến sản xuất con giống, sản xuất nhân cấy, phương pháp cấy nhân và các công nghệ sau thu hoạch. Hiện nay cả nước có khoảng 10 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và làm đồ trang sức từ ngọc trai. Hai đơn vị có quy mô lớn nhất là Ngọc trai Hoàng Gia và Công ty cổ phần Ngọc trai Việt Nam, còn lại chỉ nuôi cấy nhỏ lẻ nhằm phục vụ du lịch.
– Sản phẩm thủ công, mỹ nghệ từ cây cói: Cây cói (hay cây lác) là một loại cỏ dại, thường mọc ở trên vùng đất ướt, vùng sình lầy, vùng đất phù sa bồi ven biển. Cây cói, do thân có ba cạnh, nên thường được cắt, phơi khô, và làm thành sợi, đan thành chiếu, thảm, giỏ, dép và các đồ dùng khác trong đời sống, từng là đồ dùng thông dụng trong nhân dân. Nhiều vùng ven biển nước ta có những làng nghề thủ công làm mặt hàng này khá nổi tiếng. Trong đó có 8 làng dệt chiếu truyền thống nổi tiếng Việt nam là:
* Làng dệt chiếu Hới (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà- Thái Bình). Ngày nay nghề dệt chiếu của làng Hới đã phát triển vượt ra khỏi làng với loại chiếu Đậu nổi tiếng. Chiếu đậu được dệt ở thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đó là loại chiếu được dệt kép 2 lần đay, cói nhỏ dày, tuổi thọ tới 10 năm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
* Làng nghề dệt chiếu Chương Hòa – Hoài Nhơn, Bình Định.
* Làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch – Quảng Nam.
* Làng nghề dệt chiếu Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
* Làng nghề dệt chiếu Cà Hom – Bến Bạ:
Làng nghề này thuộc xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh được hình thành từ cuối thế kỷ XIX và ngày càng trở nên nổi tiếng. Ngoài những loại cây dùng để dệt chiếu phổ biến như cói, đay thì ở ở làng nghề Cà Hom – Bến Bạ còn sử dụng một loại cây khác đó là cây tra. Đây là một loại cây chủ yếu sống dưới nước, ven các con sông, kênh rạch, người ta tách lấy vỏ cây sau đó đem về ngâm nước, phơi khô rồi xé thành từng sợi. Mỗi sợi dài khoảng 1 mét, người thợ sẽ se và nối các sợi lại với nhau. Màu dùng để nhuộm chiếu đều lấy từ tự nhiên như: cây giang, cây nghệ, cây mít… Các loại chiếu ở Cà Hom – Bến Bạ gồm hai loại chính là chiếu trắng và chiếu màu, chiếu màu có ba màu chính là màu trắng của lác, đỏ của giang và màu vàng của nghệ.
* Làng chiếu Cẩm Nê
Làng chiếu Cẩm Nê thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 14km về phía Tây Nam, đặc biệt nổi tiếng với các loại chiếu hoa. Dưới thời nhà Nguyễn, chiếu hoa Cẩm Nê đã từng được sử dụng trong cung điện như một món đồ đắt giá và sang trọng, những nghệ nhân dệt chiếu thì được sắc phong khen thưởng.
* Làng chiếu Bình An nay thuộc quận 8 Tp. Hồ Chí Minh, nay đã mai một. nay chỉ còn một số hộ hành nghề.
* Làng chiếu Tà Niên thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Làng chiếu Tà Niên nổi tiếng khắp vùng và được công nhận là loại chiếu bền, đẹp được người dân nơi đây ưa chuộng.
Ngoài ra Hải Phòng cũng có làng dệt chiếu cói khá nổi tiếng. Ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, ngoài Lật Dương còn có Lật Khê, Chính Nghị và Lêu vốn có nghề dệt chiếu cói. Nhưng bây giờ thì chỉ còn Lật Dương duy trì nghề truyền thống này. Làng nghề Lật Dương, xã Quang Phục có từ thế kỷ XVII với sản phẩm chiếu cói được trong và ngoài thành phố biết đến. Nhưng giờ đây nghề này mai một nhiều vì sự cạnh tranh mạnh của các thương hiệu như chiếu Đậu Thái Bình.
2. Văn hóa ẩm thực vùng biển
Bánh đa cua Hải Phòng.
Với bờ biển dài suốt từ bắc vào Nam, ở các vùng khí hậu, thủy văn khác nhau tạo nên các sản vật biển đa dạng, cư dân Duyên hải nước ta có một nền văn hóa ẩm thực phong phú với nhiều món ăn đặc sắc mang hương vị từng vùng. Khó có thể nói hết những món ăn, đồ uống đa dạng của người dân vùng biển Việt Nam trong phạm vi bài này. Cư dân vùng biển đã hình thành hệ thống ẩm thực đặc trưng bằng nguồn hải sản thu hoạch được tại chỗ với những nguồn thủy hải sản phong phú.
Là một thành phố duyên hải với nhiều sông ngòi, cửa biển, Hải Phòng có nhiều món ăn đặc sắc, mang hương vị riêng. Có những món, với tài năng chế biến đã trở thành món truyền thống được tôn vinh trong nền ẩm thực Việt Nam như bánh đa cua. Nó là một trong 15 món ăn ngon Việt Nam nhận đề cử của Châu Á.
Nếu như Hà Nội nổi tiếng với các loại phở, bún ốc, bún thang, bún mọc; Huế là bún bò huế, các loại bánh; Quảng Nam là Mỳ Quảng, thì đến với Hải Phòng, du khách không thể bỏ qua việc thưởng thức món bánh mỳ cay, bún tôm, bún cá, lẩu cua đồng… hay những món được chế biến từ hải sản tươi sống. Dù là món ăn cầu kỳ được chế biến tại các nhà hàng hay đơn giản là những món ăn quê hay trên hè phố, thì ẩm thực Hải Phòng cũng có những nét văn hóa riêng, khó quên. Là một đô thị cửa biển, vì thế mà khi nhắc tới ẩm thực Hải Phòng, đầu tiên là phải nhắc đến những món hải sản. Các món hải sản Hải Phòng có cách chế biến tinh tế của Hà Nội nhưng nguyên liệu lại tươi ngon hơn do không phải vận chuyển quãng đường xa, nên có một phong vị khác biệt. Đấy là chưa kể người miền biển phóng khoáng, cách gia giảm gia vị vì thế cũng mạnh dạn hơn, tạo ra những đặc trưng cho món ăn của người Hải Phòng.
P.V Thi – Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng sưu tầm, biên tập.