Từ những năm 60 trở về trước, hát xẩm thông dụng ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…. Sau đó vì những nguyên nhân khác nhau về môi trường xã hội, đặc biệt là những quan niệm sai lầm của chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa, các phường xẩm dần tan rã. Những Xẩm nhân được quy tụ lại trong những hợp tác xã vót tăm tre, đan lát hay bện chổi rơm. Các nghệ nhân xẩm tài danh thì mất dần, mang theo những tinh hoa của nghệ thuật xẩm mà không truyền lại được cho thế hệ kế tiếp.
Những năm 80 của thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ tâm huyết đã gắng khôi phục lại nghề hát Xẩm nhưng không thành công. Đến năm 2008, một số nghệ sĩ, nhạc sĩ thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã từng bước đưa được loại hình nghệ thuật này trở lại với công chúng ở Hà Nội. Những nghệ sĩ tâm huyết với Xẩm và những người yêu xẩm ở các nơi cũng dần dần tìm cách khôi phục, bảo tồn nghệ thuật này. Hải Dương, Hà Nội, Hà Tây, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, … đều hình thành các câu lạc bộ xẩm (chiếu Xẩm).
Có thể nói ở Hải Phòng, người góp nhiều công sức nhất cho việc bảo tồn, quảng bá nghệ thuật xẩm là nghệ nhân Dân gian Việt Nam Đào Bạch Linh (hiện công tác tại Sở Ngoại vụ Hải Phòng). Anh được phong danh hiệu cao quý này năm 2016 vì những cống hiến hết mình cho sự nghiệp gìn giữ, phát triển vốn văn nghệ dân gian Việt Nam.
Đào Bạch Linh chính là người đưa xẩm về Hải Phòng vào đầu năm 2010 với việc tập hợp những người yêu thích nghệ thuật này lại để phổ biến, học hỏi lẫn nhau. Sau đó, tháng 3 năm 2013 nhóm xẩm của anh tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa quận Lê Chân với tên gọi câu lạc bộ (CLB) Hải Thành. Từ một chàng thanh niên xuất thân không phải trong một gia đình nghệ thuật, chỉ bằng lòng đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng thứ văn nghệ dân gian này mà Đào Bạch Linh đã tự học thành tài để có thể vừa miệng hát, tay kéo nhị, chân đạp phách.
Từ khi còn là sinh viên tại Hà Nội, cứ cuối tuần anh lại lặn lội về thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình học đàn, hát xẩm từ Nghệ nhân Dân gian Hà Thị Cầu. Thạo nghề, Đào Bạch Linh không ngừng truyền dạy nghệ thuật này cho những học viên yêu thích xẩm. CLB Hải Thành của Linh hiện có khoảng hơn 20 hội viên mà người ít tuổi nhất là 7 tuổi và cao tuổi nhất là 76. Năm 2015 chiếu xẩm Hải Thành trở thành một chi hội của Hội Văn nghệ Dân gian thành phố trực thuộc Hội LHVHNT Hải Phòng). Hiện nay, chiếu xẩm Hải Thành sinh hoạt 4 buổi/tuần tại nhà riêng của nghệ nhân Đào Bạch Linh, trong đó 2 buổi dành cho việc học hát và 2 buổi học đàn. Không chỉ sinh hoạt và dạy Xẩm tại gia mà nhóm của anh còn xuống trường khiếm thị Hải Phòng dạy nghề miễn phí cho các em nhỏ tàn tật, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa thành phố như lễ hội truyền thống, liên hoan nghệ thuật quần chúng, giao lưu văn nghệ dân gian giữa các địa phương. Những năm gần đây, mỗi năm hai lần (vào ngày 22 tháng 2 và 22 tháng 8 âm lịch hằng năm) CLB (nay là giáo phường) xẩm Hải Thành đều tổ chức giỗ tổ nghề hát xẩm tại đình Niệm Nghĩa hoặc đình Hào Khê có mời một số nhóm, CLB Dân gian các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh tham gia giao lưu văn nghệ, học hỏi lẫn nhau. Giáo phường Hải Thành cũng tham gia nhiều hoạt động giao lưu với CLB Đình làng Việt ở Hà Nội, biểu diễn tại các đình làng ở Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên trong các dịp hội hè… và đang đóng góp tích cực cho sự nghiệp giữ gìn, phát triển và quảng bá nghệ thuật Xẩm tại một số nơi (cả ở Tp. Hồ Chí Minh) như giúp đỡ thành lập nhóm xẩm, hướng dẫn chuyên môn và cách duy trì sinh hoạt chiếu xẩm.
Về hình thức, hát Xẩm có hai dòng là Xẩm sáng và Xẩm mù với 8 làn điệu chính. Về thể loại có Xẩm Chợ (hát tại nơi công cộng như chợ búa, bến tàu, bến xe); Xẩm Nhà trò hay nhà tơ (hát tại hàng quán, tại tư gia), Xẩm Huê tình (hát giao duyên), Xẩm Thập ân (kể công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy)…
Trong mỗi thể loại, địa phương nào cũng có làn điệu cơ bản giống nhau nhưng phong cách thể hiện khác nhau, môi trường diễn xướng cũng đa dạng không giống nhau.
Bên cạnh các loại xẩm chính như xẩm chợ, xẩm xoan (Phú Thọ), xẩm thập ân… nghệ nhân xẩm đã kết hợp thêm các loại hình khác như sa mạc, trống quân, cò lả, hát ví… Việc kết hợp như vậy vừa làm phong phú hơn, mượt mà hơn cho các câu hát xẩm, lại vừa phổ biến được các loại hình khác rộng rãi trong dân gian. Những làn điệu đó đều được “xẩm hóa” cho đúng với phong cách dân dã của các nghệ sĩ. Như điệu hát trống quân chẳng hạn, vốn là một điệu hát đối đáp trai gái trữ tình đã được xẩm chuyên dùng để chuyển tải những nội dung châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội, như bài Dâu lười hay Rể lười…
Về nhạc cụ của xẩm, theo truyền thuyết, đàn bầu được coi là nhạc cụ đặc trưng của xẩm lúc ban đầu. Song, phần vì âm lượng hạn chế, phần vì khó học, khó chơi hơn đàn nhị nên không phải nhóm xẩm nào cũng sử dụng đàn bầu. Hiện nay, cơ bản một nhóm xẩm thường có đàn nhị, sênh, phách và cặp trống mảnh (trống da một mặt). Nhưng với hoàn cảnh lang thang kiếm sống nay đây mai đó, người nghệ sĩ đơn giản chỉ cần một đàn nhị và cỗ phách hay cặp sênh cùng giọng ca lôi cuốn là đã có thể thu hút được khán giả.
Xẩm chợ (còn gọi là Xẩm dân gian) hiện nay hầu như không còn nữa. Giờ đây, xẩm đã được biểu diễn trên sân khấu, sân đình, tại tư gia như kiểu thính phòng hay phục vụ khách du lịch. Và người biểu diển xẩm không chỉ là người khiếm thị mà còn là các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghệ nhân được Nhà nước phong danh hiệu.
Xẩm được xếp vào thành phần âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng Xẩm là một thể loại chứa đựng hầu hết những đặc tố cơ bản của âm nhạc dân gian. Vậy nên có thể khẳng định hát xẩm là loại hình ca nhạc dân gian mang tính chuyên nghiệp.
Xẩm ngày xưa là xẩm của những người khiếm thị than thân trách phận, kể vể sự kém may mắn của bản thân, còn xẩm ngày nay là những người sáng mắt hát về những điều chướng tai gai mắt trong xã hội, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của con người hoặc những lời ca về vẻ đẹp quê hương, đất nước, ca ngợi tình yêu đôi lứa, gây cười…
Không chỉ phục vụ quảng đại quần chúng, người nghệ sĩ xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu cá nhân trong những dịp như ma chay, giỗ kỵ, khao lão…
Theo thời gian, số người yêu thích môn nghệ thuật Xẩm ngày một đông với đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội nên cũng giống như một số dự án thí điểm đưa nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát quan họ, cải lương, hát xoan… hay gần đây là ca trù vào các trường phổ thông, Đào Bạch Linh – chủ nhiệm giáo phường xẩm Hải Thành mong muốn nghệ thuật Xẩm cũng được truyền dạy rộng rãi cho các em học sinh nhằm bảo tồn một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc trước nguy cơ mai một.
Phạm Văn Thi