Nghề đan tre truyền thống ở xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên

Đa dạng sản phẩm mây, tre đan ở xã Chính Mỹ – Thủy Nguyên.

       Trải qua hàng ngàn năm sinh cơ lập nghiệp, cư dân Chính Mỹ – Thủy Nguyên chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy vậy, do đất cày cấy hạn hẹp, đất đai ít màu mỡ, nên năng suất lúa không cao. Đời sống gặp nhiều khó khăn. Bù vào chỗ đó, người Chính Mỹ sớm biết tận dụng các thế mạnh trời cho ở địa phương để làm các nghề phụ. Phổ biến và xuất hiện sớm là nghề sơn tràng. Ngoài các vụ cày cấy, gặt hái, họ vào rừng lấy gỗ, củi, tre, nứa, cây thuốc, dây mây, rang rang…về đem bán ở các chợ.
       Có lẽ từ nguồn tre nứa khá dồi dào (tre ở rừng, ven đồi, làng xóm) mà xưa này nghề đan tre xã Chính Mỹ đã hình thành và phát triển. Nghề đan tre không biết có từ bao giờ, nhưng người dân Chính Mỹ coi đây là nghề phụ trợ giúp cho đời sống và tận dụng thời gian lúc nông nhàn, lao động phụ góp phần cho kinh tế thêm ổn định.
       Khi khoa học chưa phát triển, những dụng cụ gia đình làm bằng nhựa, nhôm, đuya ra…. còn rất ít hoặc chưa có thì những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày làm bằng tre, gỗ, đất nung vẫn giữ tầm quan trọng. Những vật dụng bằng đan tre vừa tiện lợi, không độc hại từ nguyên liệu có sẵn, không mất tiền mua càng trở nên có ý nghĩa. Đó cũng chính là hình thức tự sản, tự tiêu của người nông dân trong nền kinh tế tự cấp tự túc đã tồn tại bao đời nay.
       Nguyên liệu đan
       Nói đến nghề đan tre thì hai nguyên liệu chủ yếu là tre và mây, tre làm cạp và mây để nức (buộc cạp). Có thể thay mây bằng ràng ràng. Tre phải là thứ mọc ở sườn đồi, chân núi, trong làng (tre hóa). Tre hóa thân không to nhưng vừa có độ cứng lại dẻo. Không dùng tre bương, tre luồng, tre mai, nứa, trúc vì những giống này hoặc là thân to quá, dầy quá hoặc mỏng quá, giòn khó đan và nhất là không bền. Tre đan phải được chọn: tre tươi, cây có độ bánh tẻ. Nếu tre già quá thì giòn. Tre non thì mềm chưa đủ độ dẻo. Tre đan phải còn ngọn. Nếu là tre cộc (tre bị mất ngọn từ lúc còn non) thì thịt tre giòn, yếu. Tre không được sâu, kiến.
       Dây để nức (buộc) dụng cụ như nong, nia, dần, sàng, rổ rá…bà con thường dùng là mây. Cây mây to bằng ngón tay út, dài tới 5- 7m. Cắt mây về, bỏ bẹ lá rồi chẻ. Tùy theo cây to hay nhỏ mà chẻ 4 hoặc 6, 8. Chẻ xong vót bỏ ruột, chỉ lấy phần bì, dây mây rất dẻo và bền. Ngoài ra người ta dùng dây rang rang. Dây này nhỏ bằng nửa chiếc đũa. Bóc bỏ vỏ lấy ruột làm dây buộc. Ràng ràng chịu nước, rất dẻo. Bà con đã đúc kết thành tục ngữ “rổ rá nức rang, dần sàng nức mây”. Nghĩa là những đồ dùng hay phải tiếp xúc với nước thì dùng rang để nức. Đồ dùng khô thì nức bằng mây. Như vậy sẽ bền hơn.
       Dụng cụ đan tre
       Đan tre là một nghề thủ công sử dụng rất ít dụng cụ làm và dụng cụ thường đơn giản gồm: Dao dựa: dùng để chặt tre, pha tre (chẻ tre thành từng mảnh lớn), chẻ nan. Dao vót: Loại dao sắc, nhỏ hơn, lưỡi dày và sắc, nếu lưỡi mỏng vót dễ bị lẹm hỏng nan. Cưa: Loại cưa tay, nhỏ, lưỡi cưa mở rộng, vì tre có thớ dọc, nếu mở hẹp, mạch cưa hẹp, cưa bị giắt. Cưa tre phải có kỹ thuật nếu không cật tre bị bong, xước. Dọng: Vật làm bằng gỗ hoặc tre bằng ba ngón tay hoặc bé hơn, một đầu dầy, một đầu mỏng nhưng tù chứ không sắc. Khi đan xong một vài nan, dùng dọng đặt vào rồi gõ để dồn nan cho khít với nhau. Đòn kê: bằng gỗ chắc dùng để chặt tre. Đòn kê thường có 2 mặt: mặt bằng úp xuống đất, mặt lồi ở trên, khi chặt che không bị giập. Dân đan tre có câu “dao sắc không bằng chắc kê” là thế.
       – Dùi đục : dùng khi chẻ tre và khi dọng nan. Dùi: Dùi bằng sắt, được dùng để dùi lỗ luồn mây hoặc rang khi nức đồ đan. Bao lót tay bằng mo hoặc da quai dép luồn ngón tay vào lúc vót nan khỏi bị xước.
       Ngoài ra có người còn tận dụng cối đá để cạp rổ rá hoặc đào hố xuống đất để cạp thúng, cạp thuyền. Hoặc có người còn dùng lò nung các thành phẩm cho khỏi mọt và có màu đẹp. Việc vót nan ngày nay có người dùng chạc gỗ đóng xuống đất, làm bệ tì để vót, vừa nhanh hơn, vừa không sợ đứt tay.
       Làm nan
       Làm nan chiếm tới 50% kỹ thuật đan. Nan làm đúng kỹ thuật mới đan được. Tùy theo từng vật mà làm nan dài, ngắn, to nhỏ, dầy mỏng, thô hay nhẵn khác nhau. Song chung quy lại có mấy bước chính sau:
       – Pha tre: tre tươi chặt xuống, róc mấu xuôi chiều để khỏi bị xước cật. Xong rồi dùng dao dựa và dùi đục bổ tre từ gốc. Đường bổ phải chính giữa cho cây tách thành hai nửa bằng nhau. Nhưng đường bổ phải bén vào cạnh mấu chứ không chẻ đôi mấu. Bổ một đoạn thì dùng tay và chân để tách đôi cây tre. Chú ý chân giận lên một nửa. Hai tay kéo nửa kia.Vừa kéo vừa lái cho hai nửa bằng nhau. Sau đó dùng dao chẻ tách phần mắt tre riêng. Cây tre sẽ thành 4 mảnh, 2 mảnh nạc (không có mấu) to hơn và 2 mảnh xương (có mấu) nhỏ hơn. Rồi tùy theo vật cần đan dài ngắn mà cắt tre thành đoạn (cắt ở phần nạc).
       – Chẻ nan: Tre được pha, cắt xong, chẻ thành thanh to chừng hai ngón tay. Tùy theo nan to hay nhỏ mà dóc bỏ lòng tre. Nếu nan to thì dóc bỏ lòng ít. Nan nhỏ thì dóc bỏ lòng nhiều. Phần cật giữ lại, sau đó chẻ nghiêng để nan nào cũng có phần cật, phần lòng. Chẻ nan theo nguyên tắc tách đôi rồi lại tách đôi. Vì thế người thợ phải ước lượng cho tốt.Nếu một thanh tre tách 3 nan thì sẽ không đều và dễ bị lẹm (riêng đan thuyền thì chẻ kiểu khác).
       – Vót nan: Nan chẻ rồi phải vót lại với hai mục đích: tạo nan có độ dầy, mỏng đều nhau: Nan nhẵn mới dễ đan và thành phẩm mới đẹp. Nan được vót theo yêu cầu vật đan. Thí dụ vật đan cần dầy và kín thì nan vót kiểu
       Kỹ thuật đan và thành phẩm
       Căn cứ vào cách đan và thành phẩm, chúng tôi có thể xếp đồ đan ở Chính Mỹ thành nhóm; nhóm nan chính xếp hình rẻ quạt gồm có giành, rổ sề, giỏ…Nhóm nan chính xếp vuông góc như rổ, rá, dần, sàng, nong, nia, thúng…
       – Sề: có hai loại: loại nhỏ có đường kính miệng là 45- 48cm; đáy 22-25cm. Loại này dùng để xúc, đựng và vận chuyển đá dăm, đá nhỏ loại đã ghè có kich cỡ từ 1-2cm. Sề này có thành cao 20cm. Cách đan: Dùng 15 nan cái xếp trùng lên nhau ở điểm giữa. 2 đầu nan xòe tròn ra xung quanh hình hoa thị với khỏang cách đều nhau sẽ tạo ra 30 nan cốt nhưng chỉ giữ lại 29 nan (trong đó có 2 nan nhỏ sẽ bị dồn làm một). Nan cái phải cứng, có bản từ 1,5- 2cm và không cần vót. Xếp rồi chỉnh xong, dùng nan con bằng ¼ chiếc đũa đan xung quanh tâm điểm lấy 4 hàng với cách đan là cất 1, đè 3 và đan so le. Mục đích 4 hàng nan nhỏ này là để định vị các nan cốt cho khỏi xê dịch. Xong dùng nan to, bản 1cm đan tiếp hàng là được đáy sề có đường kính 20 cm. Từ đây vừa đan vừa uốn nan cốt lên cho thành sề có độ dãng cần thiết. Tổng số nan đan cả đáy lẫn thành sề là 20 nan. Cách đan là cách 1 đè 1. Khi thành sề cao chừng 14 cm thì dùng nan nhỏ bản hơn vừa đan vừa vặn léo vào nhau thành 3 đai nối ở phía ngoài để tạo ra độ cứng nhưng có sự đàn hồi khác với cạp rổ rá, mỗi đai vận bằng 5 nan. Như vậy 3 đai chiếm 1/3 độ cao thành sề. Hết đai thứ 3, các đầu nan cốt được vót nhọn rồi xoắn và cài xuống. Chiếc sề dày và thô vì đựng, vận chuyển đá nên không cần đẹp. Do làm nặng nên sề dùng rất chóng hỏng. Vì thế không cần xử lý chống mọt.
       Cũng có sề nhỏ hơn, nông hơn. Một người thợ cả chẻ nan và đan mỗi ngày được 4 hoặc 5 đôi. Ngoài loại sề nhỏ, ở Chính Mỹ còn đan cả sề đại (sề đựng đá hộc). Loại sề này kỹ thuật đan cũng không khác sề nhỏ. Song nan to hơn, cứng hơn.
       – Giành: Giành là loại dụng cụ khá phổ biến của nhà nông. Giành đan bằng tre, theo kỹ thuật đan sề nhưng nan giành được vót nhẵn và mềm hơn, nhỏ bản hơn. Đan giành bắt đầu đặt nan cái theo hình hoa thị và đan từ đáy trước.Chỉ khác là giành đan thành cao hơn( khỏang 40-50cm) và đứng thành chứ không dãng như sề. Phần miệng cũng cận đai nhưng nhỏ hơn, cúp vào rồi cài nan xuống. Nhiều người cẩn thận còn buộc mấy nút lạt hoặc mây ở miệng và buộc hai nẹp hình chữ thập ở đáy giành phía ngoài để giành chịu lực tốt hơn. Giành thường được bà con mua về để đựng khoai đựng lạc và ngâm mạ. Cũng có khi dùng giành thay thúng để đi chợ.
       – Thúng: Thúng Chính Mỹ thường chỉ có một loại thúng to. Vì thúng ở đây thường dùng để đội than, cát nên còn gọi là thúng đội (Vùng khác gọi là thúng cái). Tre: phải chọn tre cái, tre nạc(thân tre thẳng, óng, mắt nhỏ). Chẻ nan xong vót qua chứ không cần nhẵn, song nan phải mỏng đều. Người thợ rải khoảng vài chục nan gọi là “gầy” rồi ngồi lên, sau đó đan từ giữa nan đan ra với kỹ thuật “cất 3, đè 3”. Đan nan sau vẫn cất 3 đè 3 nhưng lệch đi: 3 nan cất trước thì nay cất 2 với 1 nan trước bị đè là 3. Cứ thế từ trái sang phải mà đan. Được một chiều rồi nhấc phên ngược lại đan chiều phía dưới. Sau đó xoay để đan hai bên. Cuối cùng, khi nan còn chừng 10cm thì lát. Nan lát nhỏ hơn. Lát cả 4 chiều là được. Nhưng thường trước khi lát người ta chặt mê thành 8 cạnh rồi mới lát. Quá trình đan, người thợ luôn dùng cái dọng và dùi đục để dồn nan cho khít. Xong xuôi mới cạp lại thúng. Cạp thúng cũng bằng tre gồm hai cạp. Cạp ngoài mỏng, chỉ lấy phần cật tre uốn tròn theo chiều lòng tre quay vào (chiều thuận). Bản của cạp rộng chừng 2m. Cạp trong dầy hơn, vót hình vỏ măng và uốn tròn ngược chiều (phần cật quay vào). Đào lỗ tròn dưới đất, để cạp ngoài trước, đặt mê trước lên ấn từ từ, đều tay cho mê và các nan xô nhau cho đều. Khi mê tụt gần hết thì nâng cạp ngoài lên, buộc gá cho khỏi tuột, đặt cạp trong, buộc gá. Mê thúng giờ đã định hình vì hai cạp tròn giữ chặt. Người ta chặt bò phần mê thừa cho sát cạp thúng, cân chỉnh thêm rồi dùng một số nan nhỏ phủ lên đầu nan giữa hai cạp và nức. Khi nức phải dùng dùi xuyên thủng mê thúng rồi luồn dây mây đã vót mỏng vào, vòng qua cạp thúng 2 lần, rồi rút chặt. Dây mây còn lại kéo sang nút sau. Cứ thế hết dây này lấy dây khác, nức tiếp. Thúng của Chính Mỹ nức thưa khoảng 8cm một nút. Ngày nay người ta dùng dây nilon thay dây mây để nức cho tiện. Yếu điểm của dây nilon là không bền dưới tác động của nhiệt bằng dây mây.
       Ngoài 3 sản phẩm chinh là sề, giành và thúng, ở Chính Mỹ, người thợ còn đan được nhiều loại đồ dùng phổ biến khác như nong, nia, mẹt, giần, sàng, rổ, rá, sáo, gầu giai, gầu sòng, đan bồ đựng thóc loại to, đít vuông…Mỗi bồ đựng được một tạ thóc. Và nhiều nhà còn biết đan thuyền.
       Nghề đan tre của Chính Mỹ là nghề có từ khoảng hơn một trăm năm nay. Mặt hàng khá đa dạng, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con trong vùng. Mặc dù giá thành hạ nhưng vừa tận dụng được nguyên liệu địa phương, vừa tận dụng được lao động phụ và thời gian nông nhàn, lại tự sản xuất phục vụ cho gia đình và xã hội. Vì vậy nghề đan tre ở đây không bị mai một mà ngày càng phát triển.
       Song từ truyền thống khéo tay và cần cù của bà con, Chính Mỹ có thể nghĩ đến việc đan những đồ có kỹ thuật tinh xảo với nhiều loại mặt hàng đa dạng hơn như làn đi chợ của phụ nữ, túi xách, đĩa bày hoa quả, đĩa đựng thức ăn trên bàn tiệc, các hình trang trí phòng khách…để xuất đi các nơi nhất là thành phố và các điểm du lịch. Mặt khác có thể kết hợp với mây, ràng ràng để làm những mặt hàng có giá trị kinh tế cao hơn, thỏa mãn với thực tế khả năng của nhiều đối tượng lao động ở làng xã, tạo ra nguồn thu nhập cho bà con. Đồng thời trong quá trình đan tre có thể sử dụng thêm máy móc thiết bị, làm cho đồ đan ở đây mang cả tính nghệ thuật thì chắc chắn nghề này còn phát triển nhanh hơn nữa. Chính Mỹ cũng cần có dự án về nghề đan để phục vụ cho vùng du lịch sinh thái sông Giá.

       (Nguồn: Nghề đan tre truyền thống ở xã Chính Mỹ/Lê Xuân Lựa, Hội VNDG Hải Phòng// Thông tin Khoa học xã hội & Nhân văn Hải Phòng.– tr- 37-40)

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học