Việc tìm ra 2 bia đá cổ được cho là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Tiên Lãng – Hải Phòng đang làm xôn xao dư luận và được Phó Thủ tướng Võ Đức Đam chỉ đạo làm sáng tỏ, có công rất lớn của Nhóm Nghiên cứu Khoa học Xã hội độc lập do TS. Nguyễn Văn Vịnh dẫn đầu. 2 tấm bia được tìm thấy không phải một cách tình cờ mà do tâm huyết và lao động khoa học miệt mài nhiều năm của nhóm trên.
Xin đăng tải toàn bộ bài phát biểu của TS. Nguyễn Văn Vịnh – Chủ nhiệm khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, kiêm Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại cuộc tọa đàm khoa học về 2 tấm bia tìm thấy được tổ chức ở Đồ Sơn ngày 28 tháng 5 năm 2020. Cuộc tọa đàm do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hải Phòng tổ chức.
Một vài ý kiến về 2 bia đá và các nghiên cứu liên quan
(TS. Nguyễn Văn Vịnh, đại diện nhóm nghiên cứu KH Xã hội độc lập).
1. Tóm tắt quá trình và kết quả nghiên cứu.
Nhóm Nghiên cứu Khoa học Xã hội độc lập đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu các tư liệu, tài liệu, sử sách, các côngÂÂ trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, học giả đã được công bố về thân thế, sự nghiệp của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như các di sản: Thơ ca, văn bia, đặc biệt quan tâm là các bản Sấm, các truyền ngôn lưu truyền trong dân gian của Cụ để lại cho hậu thế. Chúng tôi nhận thấy đối với Cụ Trạng còn rất nhiều điều bí ẩn cho đến nay các nhà khoa học chưa lý giải được. Mặt khác cho đến hiện nay, mộ phần của Cụ Trạng Trình vẫn chưa được xác định chính xác, mặc dù đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu đưa ra các phỏng đoán hoặc đã kết luận, nhưng chưa đưa ra được các bằng chứng khoa học thuyết phục. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu nghiên cứu của nhóm chúng tôi.
Quá trình nghiên cứu: Bằng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, kết hợp điền dã. Nhóm đã bắt đầu từ nghiên cứu lý thuyết: Các bản chính văn, sấm truyền và những câu đồng dao, thơ ca lưu truyền trong dân gian, các tư liệu ghi chép trong sử sách, kết hợp với các kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở cả TW và địa phương. Kết hợp với rất nhiều lần đi nghiên cứu thực địa tại hai huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng với các địa danh như: Ba Đa, Ba Đồng, chùa Đót, Thanh Trì, thôn Hà Dương, chùa Hoa Am…Chúng tôi đã có những kết quả nhất định:
Thứ nhất, về mặt lý thuyết: Chúng tôi đã chọn ra trong các bản chính văn, truyền ngôn, văn khắc những bài có tính dự ngôn tiết lộ về vị trí an táng các mộ phần của chính Cụ Trạng Trình và các tiên vương nhà Mạc tại hai khu vực thuộc Tiên Lãng và Vĩnh Bảo – Hải Phòng. Các bản chính văn được nhóm nghiên cứu cho là các “Dự ngôn” liên quan, được chọn ra từ toàn bộ di cảo của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Bài Cự ngao đới sơn, sớm nhất, sau trung thu năm Giáp tý 1564, khi vừa xong hiếu sự cho triều đình và cũng là bài sớm nhất trong 7 bài chính văn do chúng tôi lựa chọn được; Bài Ngụ hứng (cận thủy); Bài “Ngụ hứng thập nhị phong”, cuối thu, sau tuần lễ tế thứ hai (tế dung) vì có chi tiết “hoa rụng lộ vẻ thu”; Bài Quy lão ký Lại bộ Thượng thư Kế Khê bá (tức Trạng nguyên Giáp Hải); Khoảng đầu mùa đông năm ấy; Bài Trừ tịch tức sự, Bài này được Cụ viết vào đêm trừ tịch, ngày cuối cùng của năm Giáp tý (1564), sau Giao thừa bước sang năm Ất sửu 1565; Bài Xuân đán cảm tác, vào tiết Thanh minh tháng 3 âm lịch năm Ất sửu (1565). Các bài thơ này trích trong “Bạch Vân Am thi tập” – Bản lưu tại kho sách của Viên Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2256, thơ chữ Hán, 260 trang, sách in. Theo các nhà nghiên cứu, đây là bản in đầu triều Nguyễn; Bài Lô hương ký là bài sau cùng. Cụ cho khắc vào 02 chiếc lư gốm, cung tiến từ đường nội, ngoại hai bên. Bài Lô hương ký được chép trong cuốn “Hoạch trạch nhữ tộc phả” (phả của tộc họ Nhữ làng Hoạch Trạch (huyện Bình Giang – Hải Dương – nơi phát tích của họ Nhữ). Các truyền ngôn trong dân gian được ghi chép lại trong các bài viết của nhiều tác giả nghiên cứu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Kinh Lương chùa Đót…Bao giờ Tiên Lãng chia đôi… Ba Đa, Ba Đồng…
Ngoài ra chúng tôi tham khảo thêm các nghiên cứu đã có của các nhà nghiên cứu về sự nghiệp và di cảo của Cụ Trạng Trình.
Thứ hai, về thực địa: Qua bản đồ định vị vệ tinh và phương pháp của “Địa lý phong thủy cổ” sử dụng cho việc “tầm long tróc mạch” – tìm ra các khu đất có địa khí tốt, kết huyệt dùng cho an táng mộ phần. Chúng tôi nhận thấy, nếu nối các địa danh được nói đến tại Tiên Lãng (Ba Đa, Ba Đồng, Kinh Lương, chùa Đót) với nhau theo trục kinh và vĩ tuyến sẽ thấy các địa điểm trên cắt nhau tại một điểm, điểm này là khu Cống Cá thôn Thanh Trì. Từ điểm này đến các địa danh liên quan trên có khoảng cách gần bằng nhau (khoảng gần 3,5 km). Vị trí này cách Trung Am qua sông Thái Bình 01 lý (gần 2 km) về phía bờ sông quê ngoại cụ Trạng Trình. Lấy điểm này làm tâm quay một vòng tròn qua các địa danh trên cho chúng ta thấy đây chính là tâm của một hình tròn có dạng hình Thái cực. Hình thái cực này được hình thành do sự phân chia uốn dòng tự nhiên của sông Thái Bình (sông Hàn – Tuyết Giang). Theo quan niệm của thuật phong thủy: Cuộc đất có dạng thái cực đồ là cuộc đất rất quý.
Bằng phương pháp nghiên cứu thu dần vào tâm hình thái cực dựa theo mạch đất, dòng chảy, chúng tôi phát hiện tại tâm của hình, có gò đất nổi, rộng gần 2 sào (700 m2)ÂÂ – xem sơ đồ dưới:
(Sơ đồ xác định vị trí tìm thấy 2 bia đá tại xã Kiến Thiết – Tiên Lãng)
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, địa phương đã giao cho gia đình ông bà Sĩ, Thư thuê để làm ruộng nuôi rươi, gia đình đã san, gạt phẳng gò đất này. Hiện một phần của gò đất còn lại là bờ của ruộng rươi. Dựa theo kết quả giải mã từ các tư liệu trong di cảo, thời điểm khảo sát thực địa được chỉ báo sẽ là tháng Bính thìn của năm Mậu tuất (tham khảo Lô hương ký, các truyền ngôn trong dân gian), đây là lý do vì sao đầu tháng 5 năm 2018 nhóm chúng tôi quyết địa khảo sát thực địa và phát hiện 2 tấm bia đá. Ở đây có một sự trùng hợp kép, đó là: Giờ bắt đầu khảo sát là giờ Bính thìn, ngày Mậu tuất của tháng Bính thìn năm Mậu tuất. Sau hơn 2 giờ chúng tôi đã tìm được 2 bia đá, hôm sau nộp lại cho địa phương.
Ngoài ra nhóm đã nhiều lần khảo sát thực địa tại thôn Hà Dương – xã Cộng Hiền – Vĩnh Bảo (quê vợ cụ Trạng Trình). Tại đây chúng tôi đã thu được một số kết quả, liên quan đến việc chuyển và xây chùa Hoa Am và mộ phần cụ Dương Đức Nhan (bố vợ Cụ Trạng Trình). Ông là học trò của Thám hoa Lương Nhữ Học. Ông đỗ Tiến sĩ năm Quý mùi (1463) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Hình, tước Dương Xuyên Hầu. Chúng tôi đã thu thập được bằng chứng “nghi vấn” liên quan đến mộ phần các tiên Vương nhà Mạc.
Qua 7 bản chính văn, 3 nhóm câu đồng giao, Cụ Trạng Trình đã ”mật báo” lý do Cụ cáo lão về hưu và thời gian thực hiện các công việc di chuyển phần mộcác Tiên vương nhà Mạc. Theo các nghiên cứu có được, chúng tôi nhận thấy: Sau 7 năm làm quan tại triều đình, Cụ cáo lão về hưu là để lo việc hậu sự cho nhà Mạc chứ không phải các lý do như từ trước đến nay các nhà nghiên cứu vẫn quan niệm.
Ông mất năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 95 tuổi. Lễ tang ông có quan Phụ chính triều đình Ứng vương Mạc Đôn Nhượng dẫn đầu các quan đại thần về viếng. Việc vua Mạc cử người được vua coi như cha về dự lễ tang nói lên sự trân trọng rất lớn của nhà Mạc với Trạng Trình. Một điều hết sức đặc biệt chưa từng có trong lịch sử quan trường Việt Nam là trường hợp của Trạng Trình.: Sau 2 năm về trí sĩ, tới năm Giáp thìn (1544), vua Mạc lại cho người về phong tước Trình Tuyền Hầu cho ông, rồi sau lại thăng ông lên chức Thượng thư Bộ Lại, Thái phó, cuối cùng là Trình Quốc Công. Đây là minh chứng cho những lập luận của chúng tôi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Cụ Trạng đã kín đáo truyền lại cho hậu thế vị trí các khu mộ cải táng thông qua các địa danh, tiết lộ thời điểm phát lộ các bằng chứng liên quan đến việc tìm kiếm các khu mộ. Đây là những chỉ dẫn quan trọng cho các nghiên cứu cần tiếp tục để làm sáng tỏ nhữngÂÂ “Bí ẩn và tồn nghi” về một thời kỳ lịch sử phức tạp.”
2. Phương pháp nghiên cứu.
Đề tài của chúng tôi sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, phương pháp khảo sát điền dã thực địa. Kết hợp các phương pháp ngiên cứu truyền thống Á Đông (Dịch học, phong thủy, chiêm bốc).
Đặc biệt đây là lĩnh vực liên quan đến Âm phần, vì vậy chúng tôi sử dụng phương pháp “Tầm long tróc mạch” của thuật địa lý cổ để tìm ra huyệt kết của long mạch. Đây là một bí thuật của thuật địa lý cổ.
Đối với các bản chính văn, các truyền ngôn và nội dung trên văn bia, chúng tôi sử dụng chủ yếu các phương pháp “Giả tá” – Đồng âm thông giả – Dùng những chữ đồng âm, khác nghĩa thay cho nhau, bất kể mặt chữ viết khác nhau để suy ra nghĩa khác hợp với văn cảnh; “Chuyển chú” – thay chữ này bằng chữ khác đồng nghĩa. Phương pháp này có trong các văn chỉ, văn bia, sách cổ khá nhiều. Đây là các phương pháp của Lục thư – Sáu phép cấu thành của chữ Hán: Tượng hình, chỉ sự, hình thanh, hội ý, giả tá, chuyển chú.
3. Kết luận sơ bộ về văn khắc trên 2 bia đá.
Đến thời điểm này, qua việc luận giải, rồi thức ngộ di ngôn Cụ Trạng để lại trên 2 tấm văn bia, tổng hợp lại chúng tôi thấy Cụ đã tiên báo các nội dung chính sau:
– Tiên báo sẽ có hậu nhân, di huệ đến đúng thời điểm thì tìm thấy bia đá tại “Ao Dương”, là nơi đặt mộ bí mật của Cụ cùng một vị vua Mạc (Vua Mạc Phúc Nguyên, thụy hiệu là Duệ Hoàng đế và một số Hoàng thân, quốc thích nhà Mạc).
– Tiên báo về việc gò đất/đảo trên sông, gọi là “Ao Dương” đến thời phát lộ bia thì đã trở thành thửa ruộng bên tả sông Hàn.
– Báo về việc Cụ đã làm phép trấn yểm/trấn trạch và đặt bia đá để an định khu mộ, đồng thời nắn chuyển một đoạn sông Hàn để phù sa tích tụ, bồi lắng mở rộng vùng đất, trở thành làng xóm phía nam xã Kiến Thiết được như ngày nay.
– Báo cho hậu nhân biết về cội nguồn khí lực của Việt tộc là thánh Tản Viên và linh khí sông Đà, bao trùm toàn khu vực núi Ba Vì (tổ long), rồi tỏa xuống lãnh thổ nước Việt (các chi long). Khẳng định thân phận rất cao của thánh Tản là “Nam thiên thánh Tổ”, “Đệ nhất Thượng đẳng thần” của Việt tộc để hộ quốc an dân. Thánh đã nhập thân và sai phái các bậc chân quân /minh chúa thay thế các hôn quân/triều đại hủ bại.
– Báo về sự hiện thân, trở về (lai sinh/lai duyên) của mình sau 400 năm theo thuyết luân hồi của nhà Phật; Báo về sự tồn tại trên thực tế của Sấm ký, việc trở về của Cụ là để tiếp nối việc thức ngộ và thuận theo lời sấm (Thiên ý), làm cho “Thiên cơ tất đạt” và “Phục hưng Việt tộc”.
– Tiên báo về tình thế hiện thời của nước Việt, sẽ chuyển họa thành phúc khi có chanh chấp quốc tế, biến loạn, chiến tranh (giữa trung Quốc và các nước phương Tây) ở Biển Đông (việc đối ngoại của Việt Nam). Tiên báo về vị tân quân/thánh minh sắp xuất lộ và tương lai vẻ vang sau này của nước Việt (việc đối nội).
– Tiên báo về tương lai xa, nước Việt đến thời “Sáng thế” còn làm bá trong các nước Bách Việt (có lẽ là về văn hiến/văn hóa/chính trị…).
– Báo cho hậu nhân biết về vị trí khu vực mộ thứ 2, nơi chôn giấu 3 vị vua tiền triều.
– Thông báo người soạn văn bia chính là Cụ Trạng (Trí sĩ Trung Am hương Nguyễn lão soạn), người khắc văn bia (học trò/đồ đệ bí mật tự san khắc), thời gian bắt đầu san khắc bia (tháng 6 năm 1585) – Diên thành bát niên đại thử tiết đồ mật san.
4. Kiến nghị
– Thứ nhất, đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao và UBND thành phố Hải Phòng cùng các cơ quan chức năng khoa học tại địa phương và Trung ương tiến hành các bước triển khai tổ chức nghiên cứu, đánh giá hiện vật đã giao nộp của nhóm nghiên cứu. Trên cơ sở đó có các bước tiếp theo đúng với trình tựÂÂ khoa học đối với những vấn đề có liên quan đối với Di tích quốc gia cấp đặc biệt và Danh nhân Văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
– Thứ hai, chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ, hợp tác của Mạc tộc Việt Nam và di huệ của Trạng Trình trong quá trình nghiên cứu tiếp theo, ngõ hầu làm sáng tỏ một số vấn đề cho đến nay vẫn đang là “Bí ẩn” liên quan đến mộ phần các tiên vương nhà Mạc và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
– Những thông tin trên 2 bia đá cổ trên rất có giá trị về nhiều mặt: Lịch sử, văn hóa, rất có thể sẽ là chìa khóa để giới khoa học, học giả, sử học mở ra nhiều điều bí ẩn về Cụ Trạng, về một giai đoạn lịch sử của đất nước ta.
– Tuy nhiên, nhận thấy cách giải quyết của các bên chưa thỏa đáng nên chúng tôi đã có các kiến nghị cần thiết tới các cơ quan chức năng để vấn đề được giải quyết một cách khách quan và khoa học, mặt khác cũng là cơ hội để nhóm chúng tôi có điều kiện trình bày một cách đầy đủ về các kết quả nghiên cứu đã có được tại một hội thảo khoa học chuyên môn.                 ________________________________________