Lưu giữ và phát huy dấu ấn thành phố sông nước (tiếp theo)

khu vực nhà máy xi măng HP thời Pháp
Khu phố Hải Phòng – nơi di sản kiến trúc đô thị soi bóng bên sông và biển

          Những năm 1874- 1888 là thời kì hình thành khu phố Pháp- cũng có thể coi là thời kỳ đặt nền móng cho thành phố Hải Phòng, nhưng giai đoạn 1897- 1914 mới là thời kì xây dựng Hải Phòng thành phố cảng biển và công nghiệp quan trọng của miền Bắc. Cũng giống như ở Hà Nội, người Pháp tiến chiếm Hải Phòng từ phía sông bằng tàu chiến, đòi hỏi khu nhượng địa ven sông Cấm- ban đầu rộng 2ha, đến năm 1875 mở rộng lên 7ha. Từ cơ sở quân sự – hậu cần này, người Pháp tiến hành xâm lấn sâu hơn để giành quyền kiểm soát thêm đất đai, mở mang phố xá, xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa của mình. Đến nay còn thống kê được 45 công trình công cộng và 32 biệt thự thời Pháp thuộc có giá trị còn lưu giữ được trong khu phố Pháp Hải Phòng.


Một biệt thự kiểu Pháp ở Tp. Hải Phòng

          Khu trung tâm Hải Phòng mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, tuy tương đối giống với Hà Nội về tổng thể, nhưng khiêm tốn hơn về qui mô và số lượng các công trình và tính thẩm mỹ. Các tòa nhà kiểu Pháp được xây dựng tuy không cầu kỳ, hoa mỹ như Sài Gòn, Huế, song có cái nét thô mộc, giản dị riêng của một đô thị công nghiệp- cảng biển. Bàn tay của những người thợ Hải Phòng có thể không tỉ mẩn, điêu luyện song mang đầy hơi thở thô ráp, trong sáng của người dân miền biển. Đặc điểm thú vị này góp phần nhận diện quỹ kiến trúc thời Pháp thuộc của Hải Phòng với những nét rất riêng so với các khu phố Pháp khác ở Việt Nam. Kiến trúc trong khu phố Pháp Hải Phòng là sự pha trộn hài hòa giữa hai nền văn hóa Á – Âu, tạo một nét đẹp riêng- vừa thanh nhã, vừa sang trọng nhưng đậm chất “ tỉnh lẻ” miền Bắc và đầy hấp dẫn.
          Khu phố Pháp Hải Phòng không có những không gian quảng trường, nút giao, vườn hoa theo kiểu phương Tây khi trước các công trình quan trọng như tòa Thị chính, Nhà thờ Lớn, nhà hát, bưu điện thường có…Các không gian công cộng, cảnh quan đô thị đặc trưng của khu phố Pháp Hải Phòng được hình thành từ những tình huống phát triển đô thị trong lịch sử ( như dải vườn hoa trung tâm hình thành sau khi lấp kênh vành đai, vườn hoa Lạc Long được hình thành khi cần khoảng trống để tổ chức giao thông từ cầu xuống, quảng trường nhà hát thành phố được mở rộng khi hình thành dải vườn hoa, hồ Tam Bạc được hình thành từ việc giữ lại một đoạn kênh vành đai…). Những không gian cảnh quan “ không chủ động từ qui hoạch” này lại rất ăn nhập hữu cơ với cảnh quan đô thị xung quanh. Đây là đặc điểm thể hiện sự uyển chuyển trong phát triển đô thị của người Pháp Hải Phòng.
          Đặc trưng đô thị – kiến trúc của khu phố Pháp Hải Phòng không phải là những đại lộ thẳng tắp, không có trục xương sống được hoạch định dài hạn. Khu phố Pháp trong tâm trí những ai yêu mến đó là những con đường xanh mướt phượng vĩ, bằng lăng..những ngôi nhà thấp tầng duyên dáng lấp ló sau tán cây, là dải vườn hoa cong cong uốn mình như làm duyên, là sự phản chiếu hình ảnh đô thị lên những dòng sông. Một khu phố Tam Bạc lam lũ ngày nào giờ đây vẫn còn vẹn nguyên sự xô bồ của nó với hoạt động ngày đêm của phố chợ ven sông. Những khoảnh khắc tĩnh lặng hiếm hoi trên bến Bính được phản chiếu lên dòng sông Cấm.Những làn gió mang hơi thở của biển len lỏi qua những ngôi nhà cũ và thổi vào khu phố Pháp  một không khí rất riêng chỉ có thể cảm nhận được khi ở giữa khu phố này. Có thể nói, khu phố Pháp ở Hải Phòng là nơi đô thị in dấu những di sản trong mình lên bóng nước những dòng sông kề cận biển.
          Đô thị  Hải Phòng hòa trộn làng cổ – phố việt – khu phố Pháp cùng những dòng sông
          Trong sự tương đồng về lịch sử phát triển đô thị thời cận đại với Hà Nội, khu phố Pháp Hải Phòng có qui mô gọn gàng hơn. Sự phát triển mở rộng khu phố của người Pháp ở phía Bắc đã không tạo ra sự xung đột, đối trọi với khu phố bản xứ ở phía Nam. Ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, khu phố Pháp và khu phố cổ, thành lũy, khu phố bản xứ có khoảng cách nhất định, được giãn cách bởi sông, hồ..nhưng ở Hải Phòng thì các khu phố này lại hướng vào nhau- tưởng là sẽ tạo ra xung đột nhưng thực tế lại giao thoa phát triển khá êm ả. Ranh giới ở nước của khu phố Pháp vốn được tạo bởi sông Cấm, sông Tam Bạc và kênh vành đai dường như đã trỏ thành chất xúc tác, là đường biên không dễ vượt qua để hai khu phố này tự thân hướng về phía nhau một cách hài hòa.
          Sự pha trộn của các cộng đồng dân cư với truyền thống văn hóa riêng đã đa dạng hóa các hoạt động sống trong khu phố Pháp Hải Phòng.Các tuyến hoạt động của người Pháp xây dựng và hoạch định tương đối rạch ròi ( tuyến Điện Biên Phủ tập trung các hoạt động thương mại- dịch vụ; tuyến Hoàng Văn Thụ tập trung các hoạt động  tôn giáo- văn hóa- tinh thần; tuyến Nguyễn Tri Phương tập trung nhiều cơ sở hành chính; dải vườn hoa Trung tâm dành cho nghỉ ngơi giải trí….) kết nối với hoạt động thương mại tại các khu chợ của người Hoa và Việt cùng các không gian hoạt động của người Việt vốn “ trên bến dưới thuyền” Sự giao thoa Á và Âu có lúc rạch ròi ở từng địa điểm cụ thể có lúc lại hòa trộn cùng tạo nên đặc trưng tổng thể cho khu phố Pháp Hải Phòng, vì vậy bên cạnh các khu phố của người Việt lại có tên phố Tây ( khu vực các phố Điện Biên Phủ, Minh Khai, Trần Phú, Lương Khánh Thiện…) và phố Tàu ( khu vực các phố Lý Thường Kiệt, Tam Bạc, Kỳ Đồng, Đinh Tiên Hoàng…). Các hoạt động đô thị lan tỏa, đan cài giữa các cộng đồng gắn với cảng biển và tính giao lưu quốc tế dã làm cho khu phố Pháp có những đặc điểm đô thị rất riêng, có thể coi là một giá trị đặc sắc về kinh nghiệm phát triển đô thị thời Pháp thuộc ở Việt Nam.
          Giá trị cảnh quan với hoạt động sông nước chính là một đặc thù cần bảo tồn của khu phố Pháp Hải Phòng.
          Để phát huy giá trị cảnh quan và hoạt động của hệ thống sông, hồ khu trung tâm đô thị Hải Phòng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị khu phố Pháp, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp chính gồm có :
          Nhóm  giải pháp về Quy hoạch đô thị : Tiếp tục kéo dài đường ven sông Tam Bạc để nối với đường bến Bính, tạo thành tuyến phố ven sông liên hoàn từ chợ Sắt tới khu vực cảng Hải Phòng; Trong cải tạo, tái thiết khu cảng cũ cần chú ý tạo không gian trống dọc sông  Cấm , tổ chức dải vườn hoa- công viên ven sông, kết hợp bố trí các hoạt động văn hóa, giải trí, du lịch ven sông Cấm; Kéo dài dải vườn hoa trung tâm ra tới sông Cấm để kết nối đô thị khu phố Pháp trực tiếp với mạch sông chính của Hải Phòng; Kéo dài các tuyến phố chính theo hướng Bắc- Nam ra tới sông Cấm, tổ chức hợp lý các đoạn phố đi bộ kết hợp với dải vườn hoa- công viên ven sông; Phát triển hợp lý và hài hòa khu đô thị Bắc sông Cấm, tạo sự kết nối hợp lý về thị giác, phong cách kiến trúc và hình thái đô thị với bờ Nam( khu phố Pháp).
          Nhóm giải pháp về Chỉnh trang cảnh quan đô thị, kiến trúc các tuyến phố dọc sông : Cải tạo, chỉnh trang một số không gian đô thị đặc thù ven sông: bến Bính, vườn hoa Lạc Long; Chỉnh trang kiến trúc; cây xanh các tuyến phố Trần Phú, Trần Hưng Đạo dọc theo trục cảnh quan trung tâm, chú ý đoạn hồ Tam Bạc; Tổ chức lại khu vực bến tàu khách du lịch trên đường Bến Bính, có giải pháp di chuyển sang khu vực bến tàu mới sau khi di dời cảng Hải Phòng, trả lại sự thông thóang cho bờ sông.


         Phố đi bộ (mới) bên bờ sông Tam Bạc 

          Nhóm giải pháp về phát triển kinh tế – du lịch: Tổ chức các tuyến du lịch  trên sông, kết nối các điểm du lịch lịch sử và giải trí dọc theo các tuyến sông( du lịch ban ngày); Xây dựng đội tàu du lịch kết hợp ẩm thực và văn nghệ giải trí đi dọc sông Cấm ( du lịch buổi tối); Tái hiện hoạt động thương mại đường sông, chợ trên bến dưới thuyền trên sông vào các dịp lễ hội, tiến tới tổ chức chợ đêm định kỳ hàng tuần; Tổ chức thêm các hoạt động vui chơi giải trí trên hồ Tam Bạc, có thể nghiên cứu tổ chức chợ đêm cuối tuần trên các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Trần Phú đoạn hai bên hồ Tam Bạc; Dành quỹ đất và có sự đầu tư hợp lý để phát triển du lịch đường thủy như: xây dựng bến tàu khách, cảng đón tàu du lịch quốc tế, câu lạc bộ thuyền buồm, các dịch vụ ẩm thực, ngắm cảnh, du lịch nghỉ dưỡng bên sông.
          Nhóm quản lý về Quản lý và điều tiết: Điều tiết xây dựng và kiểm soát phảt triển tổng thể khu phố Pháp, trong đó có việc bảo vệ các dòng sông, hồ trong khu vực; Quản lý tốt môi sinh, thủy văn, ranh giới và các yếu tố liên quan; Quản lý tốt các hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách  trên các tuyến sông Cấm, sông Tam Bạc; Trong việc qui hoạch bảo tồn tổng thể khu phố Pháp, cần xác định nội dung bảo vệ, giữ gìn các đặc trưng  sông nước như một thành phố quan trọng trong tạo dựng bản sắc đô thị Hải Phòng; Xây dựng chính sách lâu dài để phát huy giá trị của sông nước trong phát triển đô thị Hải Phòng.

   Khu đô thị Vinhomes (mới) bên bờ sông Tam Bạc

          Kết luận:
          Trong quá trình phát triển của mình, Hải Phòng luôn gắn liền với quá trình cải tạo, chỉnh trang và tìm cách đưa các con sông bao bọc thành phố vào trong cấu trúc đô thị của mình. Nhiều người đã cho rằng các con sông ở Hải Phòng chính là nguồn gốc của thành phố. Từ sự xâm nhập và xây dựng đô thị của người Pháp cách đây hơn 100 năm, yếu tố cảnh quan, sông nước đã luôn đóng vai trò trung tâm trong sự hình thành và phát triển của thành phố Hải Phòng. Với giá trị cao về cảnh quan đô thị lịch sử, các dòng sông và khu phố Pháp là những di sản đô thị và kiến trúc đặc thù quý giá cần được bảo tồn, gìn giữ trước những ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa hiện nay- vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mai một cả cấu trúc và công trình.
          Qua năm tháng và những biến chuyển lịch sử, từ một khu phố ban đầu bên sông Cấm và sông Tam Bạc, Hải Phòng ngày nay đã mở rộng ra tới sân Lạch Tray teo mô hình đô thị đa trung tâm dạng năm cánh hoa với hạt nhân trung tâm là khu phố Pháp.Với tương lai là một đô thị lớn được bao phủ bởi ba con sông và biển Đông, yếu tố sông nước đã, đang và sẽ tiếp tục gắn bó, chi phối công cuộc phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng như lịch sử đã chứng minh.

         (Nguồn : Lưu giữ và phát huy dấu ấn thành phố sông nước/ Ths.KTS Nguyễn Quốc Tuân// Kiến trúc Việt Nam .- số 09. – 2013.- tr. 12- 15). PV Thi sưu tầm

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học