Lược sử dư địa chí huyện An Lão thành phố Hải Phòng và niềm tự hào cách mạng.

Bản đồ Tp. Hải Phòng và vị trí huyện An Lão hiện nay.

       “An Lão” (chữ nho: 安老) nghĩa là bình yên lâu dài. Từ một địa danh chỉ một vùng rộng lớn thời xa xưa, nay An Lão chỉ một huyện thuộc thành phố Hải Phòng và một huyện ở tỉnh Bình Định (trùng tên).
       An Lão nguyên là vùng đất cổ mà thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền 陽泉 (Thang Tuyền 湯泉 ?). Trong thời kỳ Bắc thuộc (北屬時代, 207 tCn-938) thì tùy triều đại cai trị mà đặt vùng này nội thuộc khác nhau: thời Tần thuộc quận Nam Hải 南海, Hán thuộc quận Giao Chỉ 交趾, sang nhà Đường đặt thuộc trấn Hải Môn 海門, sau gọi là châu Hồng 洪州.
       Buổi đầu độc lập, ba triều Đinh, Lê, Lý vẫn đặt là châu Hồng (洪州). Thời nhà Trần (1226-1400), An Lão thuộc châu Hồng Lộ, đến thời thuộc Minh, cho nhập vào Châu Đông Triều, phủ Tân Yên. Sang thời Lê trung hưng, An Lão lại thuộc phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Địa bàn huyện An lão ngày ấy gồm phần lớn đất đai huyện An Lão, Kiến Thụy, Đồ Sơn và Kiến An bây giờ.
       Trong thời củng cố nền độc lập, năm 1468 nhà Lê đặt thuộc Thừa tuyên Nam Sách và năm sau, Vua Lê Thánh Tông cắt một phần An Lão lập huyện Nghi Dương, về sau thuộc phủ Kiến Thụy (có 7 huyện: Nghi Dương, Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão, Kim Thanh, An Dương, Thuỷ Đường). Thời Nguyễn, An Lão và Nghi Dương thuộc phủ Kinh Môn (tính nhiếp 01 huyện là: Giáp Sơn, Thuỷ Đường và Đông Triều) của trấn Hải Dương 海陽[1]. Khi nhà Mạc (莫朝, 1527-1592) lập kinh đô thứ hai ở Nghi Dương gọi là Dương Kinh (nay thuộc huyện Kiến Thụy) lấy các vùng quanh đó: Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình đều cho lệ thuộc vào Dương Kinh 阳京. Thời ấy, do cách không xa cửa biển là mấy nên ven sông Văn Úc là bãi bồi, đầy vũng trũng, sú vẹt còn hoang thưa lắm, quan quân nhà Mạc đưa tre từ Thanh Hoá về, tập hợp dân đóng kè, quai đê lấn biển, nắn sông, lập nên làng ấp, trong đó có các làng vùng Cao Mật. Lâu dần, dân khai phá bồi đắp thành đồng lúa.
       Thời Lê trung hưng, các đơn vị hành chính đổi lại như cũ và vì Hải Dương đã được bình định[2] nên năm 1741, Chúa Trịnh chia Đàng Ngoài làm bốn đạo: Thượng Hồng, Hạ Hồng, An Lão, và Đông Triều. Mỗi đạo đặt một chức tuần thủ để chiếu theo địa phận mà vỗ về dân chúng. Tháng 9 nhuận năm Cảnh Hưng thứ 28 (Đinh Hợi, 1767), chúa Trịnh Sâm lấy cớ rằng trong nước điêu tàn hao hụt, nếu đặt nhiều quan chức chỉ phiền nhiễu cho dân, bèn hợp lại hoặc bỏ bớt các đơn vị hành chính gồm 4 phủ, 29 châu huyện. Những phủ và châu huyện này đều cho phủ huyện tiếp cận kiêm quản. Khi đó An Lão do Thuỷ Đường kiêm quản.
       Thời Nguyễn, An Lão trở thành một huyện của tỉnh Hải Dương (năm 1831) nằm trong phủ Kiến Thuỵ (建瑞府). Từ năm 1833 phủ Kiến Thụy gồm 4 huyện: Nghi Dương (宜陽), Kim Thành (金城), An Dương (安陽) và An Lão (安老) do huyện Kim Thành kiêm quản (từ 1851) rồi thuộc tỉnh Hải Phòng vào năm 1887 do phủ Kiến Thụy (建瑞府) kiêm quản. Thời vua Đồng Khánh (同慶, 1885-1889) An Lão có 10 tổng với 62 xã, thôn.
       Năm 1887 chính quyền thuộc địa Pháp lập nha rồi tỉnh Hải Dương, huyện An Lão trực thuộc tỉnh mới thành lập này.
       Thời thuộc Pháp, khi tỉnh Kiến An được thành lập (tháng 02/1906), An Lão thuộc tỉnh này. Tỉnh Kiến An lúc đó gồm các tổng: An Luận (安論 – 8 xã), Văn Đẩu (文斗 – 7 xã), Phù Lưu (芙畱) – 6 xã), Biều Đa (裒多 – 7 xã), Cao Mật (高密 – 8 xã), Du Viên (榆圜 – 5 xã), Đâu Kiên (兜堅 – 8 xã), Câu Thượng (枸上 – 7 xã), Quan Trang (觀莊 – 8 xã), Phương Chử (方渚 – 7 xã), Đại Hoàng (大黃 – 7 xã), Đại Phương Lang (大方榔 – 7 xã)[3].
       Trong Cách mạng tháng Tám, đêm 16 rạng ngày 17 tháng 8 năm 1945, tự vệ An Lão xuất phát từ căn cứ Câu Trung cùng đông đảo quần chúng nhân dân vũ trang đột nhập huyện lỵ buộc Tri huyện cùng toàn bộ lính tráng hạ súng đầu hàng, nộp ấn tín, tài liệu và vũ khí cho cách mạng. Chính quyền Cách mạng thành lập ngày 25/8. Đầu cuộc kháng chiến, tháng 3/1947 liên tỉnh uỷ Hải Kiến (gồm Hải Phòng-Kiến An) thành lập, Đảng bộ huyện An Lão lãnh đạo quân và dân xây dựng huyện, kháng chiến chống thực dân Pháp và củng cố hệ thống chính trị. Do vậy đã phá tan nhiều cuộc càn quét, tàn phá của địch, mà tiêu biểu là cuộc chiến đấu chống càn ngày 21 tháng 4 năm 1953 tại làng Đại Điền xã Tân Viên. Sau đó, 300 ngày cuối cùng của thực dân Pháp ở Hải Phòng nói chung, An Lão nói riêng (theo hiệp định Giơ Ne Vơ) là 300 trăm ngày giằng co quyết liệt giữa quân và dân ta với bọn thực dân – phong kiến, kết thúc 9 năm kháng chiến vô cùng gian khổ và anh dũng của dân tộc ta, chấm dứt sự thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp.
       Vì là vùng tập kết 300 ngày của quân Pháp nên nhân dân An Lão hưởng chế độ hòa bình muộn so với toàn miền Bắc. Ngày 8/5/1955 chính quyền huyện ra mắt nhân dân. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, ngày 27/10/1962, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II đã có Nghị quyết về việc hợp nhất Hải Phòng- Kiến An thành thành phố Hải Phòng và từ đó địa danh Kiến An không còn chỉ đơn vị hành chính cấp tỉnh, An Lão là thành viên của thành phố Cảng.
       Ngày 04/4/1969 An Lão nhập với Kiến Thuỵ thành An Thuỵ rồi 11 năm sau, 16 xã cũ của An Lão nhập vào thị xã Kiến An thành huyện Kiến An bởi Quyết định số 71/QĐ-CP ngày 05/3/1980 của HĐCP lập  huyện An Thuỵ,  Đồ Sơn và Kiến An.
       Trong thời kỳ đổi mới, ngày 8/8/1988 tái lập huyện An Lão theo Quyết định số 100/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ). Khi Kiến An, Đồ Sơn nâng thành Quận, lập quận mới Dương Kinh thì một số thôn, xã của An Lão được cắt về đó và địa giới An Lão thu hẹp lại.
       Ngày 05 tháng 4  năm 2007 Chính phủ ra Nghị định Số: 54/2007/NĐ-CP  “Thành lập thị trấn Trường Sơn thuộc huyện An Lão trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu dân số hiện có của xã Trường Sơn”. Sau khi thành lập thị trấn Trường Sơn, huyện An  Lão  có  17  đơn vị  hành  chính  trực  thuộc, gồm  các  xã:  Bát Trang, Trường Thọ, Trường Thành, An Tiến, An Thắng, Tân Dân, Thái Sơn, An  Thái,  An  Thọ, Mỹ  Đức,  Chiến  Thắng,  Tân  Viên,  Quốc  Tuấn,  Quang Trung, Quang Hưng và thị trấn An Lão, thị trấn Trường Sơn.
       Về ranh giới: Huyện An Lão phía Bắc giáp huyện An Dương, ranh giới là sông Lạch Tray; phía Nam giáp huyện Tiên Lãng, ranh giới là sông Văn Úc; phía Tây giáp tỉnh Hải Dương; phía Đông Nam giáp huyện Kiến Thụy; phía Đông giáp quận Kiến An.
       Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện An Lão là 114,58 km², dân số năm 2019 khoảng 146.712 người. Mật độ dân số đạt 1.280 người/km².

Bản đồ quy hoạch giao thông huyện An Lão bây giờ.

       Theo chiều dài lịch sử, An Lão đã nhiều lần thay đổi địa danh hành chính, khi tách, khi nhập, cho đến giờ mới tương đối ổn định. Có thể lấy núi Voi làm biểu tượng của huyện bởi đây là một Di tích lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng của huyện đã được Bộ Văn hóa xếp hạng từ năm 1962.
       Chú thích:
        [1] Mang nghĩa “ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về”
       [2] Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu bị Phạm Đình Trọng, Hoàng Ngũ Phúc dẹp tan.
       [3] Như thế, đại thể các xã ngày nay là các tổng xưa:  Chiến Thắng=Cao Mật, Mỹ Đức=Biều Đa, An Thọ=Đại Phương Lang…còn Phù Lưu và Văn Đẩu về Quận Kiến An

PV. Thi sưu tầm, tổng hợp.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học