Lung linh truyền thuyết

Theo sử sách và truyền thuyết ghi lại, vua Hùng Vương thứ 18 (tức Hùng Duệ Vương) có một cung phi thứ 2 tên là Khánh phu nhân. Bà là tiên nữ giáng trần, một lòng hướng thiện, sớm chiều hương hoa phụng thờ Thượng Đế. Ngày 20 tháng 3 năm Giáp Tý, bà sinh ra một bọc có 3 người con trai khôi ngô, tuấn tú, diện mạo khác thường. Mọi người ai cũng vui mừng và truyền nhau câu thơ:
Nhất bào đản giáng tam huynh đệ
Vạn cổ quần cao nhất thánh thần”.
Ba anh em được đặt tên là Nghiêm, Hiến và Linh, thường tìm nơi tĩnh mịch ôn kinh, luyện sử, tinh thông âm luật. Khi Thục Vương xâm lược nước ta, vua Hùng Duệ Vương cử ba người con trai là Nghiêm, Hiến, Linh đem 3 vạn quân đi đánh phía đông, cử con rể là Tản Viên đem hơn 2 vạn quân đi đánh phía tây. Với những kế sách, chiến lược, chiến thuật tinh thông, 4 ông chia đường giao tranh với quân Thục. Cuối cùng chúa Thục xin hoà và rút quân về nước. Vua Hùng Vương triệu 3 ông về quận Hạ Hồng đóng đồn coi việc an sinh đất nước. Ngày 15 tháng 9  năm Canh Thân, 3 ông đều nằm mộng thấy Thượng Đế gọi về chầu, rồi không có bệnh gì mà tự thác hoá. Ngày 15 tháng 2 năm Quý Hợi, vua Duệ Vương sắc phong thần hiệu, cấp tiền dựng Miếu ở quận Hạ Hồng để nhân dân phụng thờ 3 ông, gọi là 3 vị dương thần. Tại ngôi Miếu ở Hạ Hồng còn thờ 2 vị âm thần là Quốc Khánh phu nhân và Hoa Triển phu nhân. Theo truyền thuyết, khi 3 ông đem quân đi giao chiến cùng quân Thục qua chùa Hương Tích lập đàn cầu Trời, Đất, Thần, Phật, bỗng nhiên xuất hiện một tiên nữ nói là Nữ Hoa Triển phu nhân được Thượng Đế sai xuống trần giúp Nghiêm Vương toàn quân thắng trận, bà trở thành phu nhân của Nghiêm Vương. Ngôi Miếu thờ 3 vị dương thần và 2 vị âm thần được dựng tại quận Hạ Hồng, thuộc Sở Tây Tạ, tổng Bắc Tạ, trấn Hải Dương từ thuở đó, nay là thôn Hạ Đồng xã An Hòa (huyện Vĩnh Bảo).
Vào thời nhà Lê, những năm đầu niên hiệu Vĩnh Hựu, thuở ấy ở Sở Tây Tạ, thôn Thượng Đồng dân cư sinh sống trong khu đất lầy trũng gọi là làng Trại, do loạn ly nên làng Trại chỉ còn khoảng mươi người. Lúc đó có vị tiên công họ Phạm, tên là Thiện, tự là Tế chúng, quê ở thôn Ra Khê xã Hoàng Kênh, tổng Kê Sơn huyện Vĩnh Bảo thấy thương những người dân nghèo khổ đã tình nguyện đem tiền mua của thôn Trung Tạ một khoảng đất rộng lập ấp, di dời những người dân làng Trại và chiêu tập những người dân lưu lạc đến sinh cơ lập nghiệp, sau thành làng ấp. Cấp trên thấy vậy tặng thưởng phẩm hàm, sắc văn niên hiệu năm Nhâm Tuất. Sau khi ông mất người dân đã phụng thờ ông tại đình làng.
Chung tay bảo tồn di tích
Vào thời vua Khải Định 1928, ngôi miếu nhỏ thờ các vị thần được nhân dân xây dựng lại thành ngôi đền gồm 3 gian tiền đường, 1 gian hậu cung bằng gỗ lim theo hình chữ Đinh. Lúc này đền Hạ Đồng ngoài phụng thờ 5 vị thần còn thờ phụng đức thành hoàng làng Phạm Thiện. Đền nhỏ, nằm sát bờ sông Hóa, bên kia là tỉnh Thái Bình, lại gần với tuyến đường 10 và chốt cầu Nghìn, nên trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đền Hạ Đồng là nơi đóng chốt của lực lượng cách mạng chỉ huy nhiều trận phá tan âm mưu, kế hoạch của địch. Giặc điên cuồng từ ngoài sông bắn vào tới tấp khiến cho đền bị hư hỏng nặng. Thời kỳ thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đền chỉ còn lại một gian hậu cung. Mãi đến năm 1992 nhân dân mới góp công, góp của xây dựng lại ngôi đền nhưng thấp và nhỏ hơn trước kia. Hiện đền còn lưu giữ được 1 ngai thờ, 1 đôi ống hương, 6 đài sen, và 1 số hiện vật, cổ vật có giá trị khác. Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây đền có 3 sắc phong, nhưng do chiến tranh nên bị thất lạc, nay chỉ còn lưu lại được 1 đạo sắc phong từ thời Vua Khải Định. Để tưởng nhớ công ơn các vị đã có công với dân, với nước, giáo dục các thế hệ cháu, con, khôi phục bản sắc văn hoá của quê hương, từ năm 2006 đến năm 2008 dân làng và khách thập phương phát tâm công đức dựng xây lại đền với 3 gian tiền đường, một gian hậu cung khang trang hơn. Tuy nhiên hiện nay, nhiều hạng mục công trình của đền như sân, lầu hoá vàng, công trình vệ sinh… đều chưa được hoàn thiện. Các cụ trong ban khánh tiết cũng như dân làng rất mong những người con xa quê, nhà hảo tâm công đức để các hạng mục công trình của đền sớm được hoàn thiện.
Được biết, lãnh đạo xã An Hoà và dân làng Hạ Đồng đang sưu tầm, làm hồ sơ đề nghị cấp trên xét duyệt công nhận đền Hạ Đồng là di tích lịch sử văn hoá, đồng thời, sưu tầm khôi phục lại phần lễ hội của đình từ xa xưa. Đây là một việc làm nhằm gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo những giá trị lịch sử, tài sản quý giá mà các bậc tiền nhân đã truyền lại cho hậu thế. Mỗi sớm, mỗi chiều, nhất là mồng một, ngày rằm, nhân dân trong làng lại dâng những nén nhang thơm tưởng nhớ công đức của các vị thần hoàng đã có công với dân, với nước. Trong khói hương, giữa chốn quê hương thanh bình, tất cả họ đều nguyện cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, làng quê yên bình, nhà nhà hạnh phúc. Tại đây, mỗi người đều thấy lòng mình thanh thản, thêm yêu quê hương, hướng lòng về những điều thiện, xây cuộc đời no ấm, văn minh.

Nguồn: Lung linh truyền thuyết/Minh Duyên//www.baohaiphong.com.vn)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học