
Đình Mỹ Phong (đình Cổ Đẳng xưa) tôn tạo lại năm 2020.
Từ phố huyện Vĩnh Bảo đi ngược lên về phía Hải Phòng qua khu công nghiệp Tân Liên có chiếc cầu đề tên cầu An Ninh, qua cầu An Ninh là địa phận của thôn An Ninh, Người An Ninh từ cụ già đến trẻ thơ ai cũng thuộc câu vè sau: “Vừa mưa vừa nắng Làng Giắng đánh nhau/Làng Lau sang chữa/Kiếm bữa cơm trưa”. Thuộc là vậy nhưng không còn ai nhớ xuất xứ của câu vè này, để tìm hiểu ngọn ngành, chúng tôi đành phải ngược dòng thời gian lịch sử hàng trăm năm trước của làng An Ninh, xem xét các sắc phong, bia đá cổ còn sót lại của đình chùa An Ninh và Cổ Đẳng mới làm được sáng tỏ.
Làng Cổ Đẳng 古等(còn gọi là làng Giắng theo âm Nôm), thời Lê sơ làng Cổ Đẳng thuộc xã An Lạc 安樂 tổng Viên Lang 園榔總 huyện Tứ Kỳ 四歧 phủ Hạ Hồng 下洪 trấn Hải Dương 海陽鎮 . tới năm 1813 thuộc phủ Ninh Giang 寧江, tới năm 1919 thuộc phủ Vĩnh Bảo 永保. Sau thời Đồng Khánh, huyện Vĩnh Lại 永賴 cắt nốt ba tổng cho huyện Vĩnh Bảo là Kê sơn 稽山, An Lạc 安樂, Hạ Am 下庵, tổng An Lạc 安樂 có xã An Lac nên xã An Lạc tổng Viên Lang phải đổi tên thành xã An Ninh 安寧 , xã An Ninh tồn tại đến năm 1945 đổi thành thôn An Ninh. Năm 1648 xã An lạc xây dựng một ngôi đình là đình An Lạc, Đình An Lạc thờ ba vị thành Hoàng là Cương Nghị Đại Vương 剛毅大王, Không Hoàng Đại Vương 空皇大王, Nam Lĩnh Đại Vương南嶺大王 . Tới năm Minh Mạng thứ 18 (1819) xã An Lạc có sáu thôn, là Cổ Đẳng古等, Quang Trung, 光中Lăng Đông 陵東,Lạc Hồng 樂洪cựu Đông 舊東, Cựu Tây 舊西(Cựu Tây nay không còn nữa), Lúc này hai thôn Cổ Đẳng, Lạc hồng (Lác) đã phát triển có đủ tiềm lực, bèn xin phép tổng, huyện xây dựng riêng cho thôn , mỗi thôn một ngôi đình là đình Cổ Đẳng, đình Lạc hồng. Đình Cổ Đẳng xin phép rước vị thần Không Hoàng đại Vương, đình Lạc Hồng xin phép rước vị thần Nam Lĩnh Đại Vương về thờ làm Thành Hoàng làng. Đình An Lạc từ đó được gọi là đình Cả, của bốn làng Quang Trung, Lăng Đông, Cựu Đông , Cựu Tây (tứ giáp) Năm Tự Đức 嗣德thứ 20 (1867) Đình Cổ Đẳng tu sửa lần thứ nhất cả làng cùng tham gia.
Năm 1870-1871 vào tiết trời cuối thu mưa rươi, chợt mưa, chợt nắng. Ttrong làng Cổ Đẳng xảy ra sự bất hòa giữa hai dòng họ có thế lực dẫn tới xô xát nghiêm trọng buộc chánh tổng Viên Lang phải đích thân xử kiện. Chánh tổng Viên Lang người làng Lau , xã Nghiêu Quang là người có thế lực trong huyện. Cụ Chánh dẫn theo đội tuần đinh của làng Lau tới làng Cổ Đẳng thuyết phục, hòa giải nhưng không thành, cuối cùng cụ phải đưa ra hạ sách : rạch đôi làng Cổ Đẳng làm hai nửa, nửa phía Bắc , Cổ đẳng thượng (Giắng Trên) thuộc xã An Lạc, nửa phía Nam chuyển về xã Nghiêu Quang cùng tổng Viên Lang. phía tây lấy miếu Cây đa (Đồng Miễu) làm mốc, phía Đông lấy Đường Găng làm mốc kéo qua làng, qua đường Găng tới đường cái quan đi từ xã Nghiêu Quang lên Cầu Thị (chợ Cầu cũ), điểm giao nhau gọi là ngã ba Cù 欋.Phía Bắc ranh giới thuộc Giắng trên, phía Nam thuộc Giắng dưới, phần cánh đồng phía đông đường cái quan là đồng Lác 同樂, Trung Lau中楼 vẫn thuộc Giắng trên. Đến đây hai bên mâu thuẫn mới tâm phục khẩu phục, cam kết từ nay không xảy ra chiến tranh nữa.
Sơ đồ 2 làng Giắng trên, Giắng dưới năm thứ 29 thời Tự Đức (1876)
Cuộc hòa giải kéo dài từ giờ thìn tới cuối giờ Ngọ, hai làng Giắng trên và giắng dưới ngoài nộp phạt còn phải làm bữa cơm khoản đãi thày tớ cụ Chánh. Sự việc đúng như bài vè đã truyền. Tuy nhiên việc chia cắt làng này chỉ mang tính nội bộ trong tổng, không ảnh hưởng tới huyện nên các văn bản hành chính như sắc phong, địa đồ, Giắng dưới vẫn thuộc An Lạc, sau là An Ninh. Vì vậy, tại bia đá đình Cổ Đẳng (Giắng dưới) năm thứ 29 thời Tự Đức (1876) có ghi thôn Cổ Đẳng, xã Nghiêu Quan . Số là , sau khi chia làng, người dân Giắng dưới không chịu kém Giắng trên đã tổ chức nhau xây ngôi đình của riêng làng, lập bia ghi lại (1876). Từ đó mỗi năm đến lễ kỳ phúc 15-11 âm lịch hàng năm, Dân làng Giắng dưới lại mang kiệu tới Miếu Cây đa (ranh giới cũ) chờ cho làng Giắng trên tế xong mới làm lễ rước Thành Hoàng từ Giắng trên về Giắng dưới làm lễ tế. Năm nào cũng vậy. Còn Giắng trên sáng ngày 15-11 làm lễ rước kiệu từ đình Thánh cả về làng để ghi nhớ Thành Hoàng vốn ban đầu ngự tai đình Thánh Cả, làng Lạc Hồng cũng vậy. Lằng Giắng trên sau 1945 đổi tên là làng Mỹ Phong (phong tục đẹp) do cụ lý trưởng Hoàng Đình Lâu đặt thay tên cũ là Giắng trên, Còn Giắng dưới vẫn giữ nguyên tên xưa là làng Cổ Đẳng.
Vào những năm 1970-1972 các đình làng Giắng trên, Giắng dưới, Lạc Hồng bị dỡ bỏ lấy gỗ làm các công trình khác, riêng đình Thánh Cả bị du kích Việt minh đốt cháy cuối năm Tân mão 1951 trong một trận diệt tề. Năm 1930 chùa Vân Khánh (Cổ Đẳng) tu sửa lại, năm 2007 Đình Cổ Đẳng (Giắng dưới) được tôn tạo lại, năm 2019 Chùa Mỹ Phong (Giắng trên) được dựng mới, năm 2020 Đình Mỹ Phong (Giắng dưới) được tôn tạo lại to đẹp và khang trang hơn cả đình cũ.
Đình Cổ Đẳng nay (Giắng dưới) mới tôn tạo năm 2007
(Bài viết nhân dịp lễ Kỳ phúc Nhâm Dần 2022 dựa theo bia ký của hai đình Giắng trên, Giắng dưới và sắc phong của đình làng).
Vũ Hoàng, nhà nghiên cứu Hán Nôm.