Vào năm 1226, theo qui luật thịnh – suy, triều đình nhà Lý dời khỏi vũ đài chính trị Đại Việt để nhường chỗ cho một triều đại mới – Vương triều Trần (1226-1400). Dưới triều đại Trần chế độ trung ương tập quyền dần được khôi phục và cuộc nội chiến giữa các phe phái phong kiến từng bước chấm dứt. Tiếp tục lấy tinh thần “độc lập – tự chủ” được hình thành, củng cố từ thời nhà Lý làm nền tảng tư tưởng, triều đại nhà Trần đã đẩy mạnh sự nghiệp dựng nước, bảo vệ lãnh thổ quốc gia, tăng cường tiềm lực quốc phòng và tập trung phát triển kinh tế để lo đối phó với nạn ngoại xâm, dẹp bỏ mọi xu thế cát cứ bằng hàng loạt các chính sách tiến bộ như:”ngụ binh ư nông”,”ban cấp thái ấp, điền trang, khai hoang lập làng xã mới…
Kỳ I: Mở mang cõi bờ bằng chính sách kinh tế tiến bộ
Có thể nói, một chính sách kinh tế tiến bộ thời bấy giờ của vương triều nhà Trần là tiến hành phong cấp thái ấp, điền trang cho những vương hầu quí tộc cũng như những người có công với làng xóm, quê hương, đất nước để làm phên dậu bảo vệ chính quyền quân chủ chuyên chế tập quyền. Miền đất “quan yếu” Hải Phòng đương thời được triều đình nhà Trần hết sức chú trọng, cử những thân vương, quí tộc, quan lại có uy tín trông nom: Hưng Ninh Vương Trần Tung (đạo hiệu là Tuệ Trung thượng sĩ) là anh trai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, được phong thái ấp Vạn Niên ở vùng Dưỡng Chân – Nam Giang Triệu (nay thuộc xã Chính Mỹ – huyện Thủy Nguyên); thượng tướng Trần Quốc Thành, được phong thái ấp ở đất Bàng Hà (nay thuộc huyện Tiên Lãng); hoàng tôn Trần Quốc Bảo (cháu vua Trần) được ban thái ấp vùng Tràng Kênh – Dưỡng Động (Thủy Nguyên); công chúa Thiên Thụy (tức Quỳnh Trân công chúa – con gái trưởng của Trần Thánh Tông) có thái ấp ô vùng May- Mô (Kiến Thụy- An Lão ngày nay).
Tương tự, em gái Quỳnh Trân là công chúa Chiêu Trinh được ban cấp thái ấp ở vùng Kha Lâm – Tây Sơn (Kiến An); võ tướng thuộc dòng dõi quí tộc là Trần Quốc Thi được phong thái ấp ở vùng Lạng Côn – Đại Trà (Kiến Thụy)…Toàn thư ghi rằng: “Chế độ nhà Trần, các vương hầu đều có phù đệ ở hương của mình, khi chầu hầu thì mới đến kinh sư, xong việc lại trở về như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương…Các vương hầu cũng đem người nhà và hương binh, thổ hào làm quân giúp vua”. Căn cứ Toàn thư, truyền thuyết dân gian và dấu tích lịch sử thì thái ấp của các thân vương, quí tộc nhà Trần ở Hải Phòng vừa mang tư cách là một tổ chức chính trị- quân sự, vừa hoạt động theo hướng là một đơn vị kinh tế – xã hội độc lập. Triều đình nhà Trần không những thi hành chính sách ban cấp thái ấp, điền trang cho các thân vương, quí tộc, tướng lĩnh và những người có công, mà còn đẩy mạnh chủ trương khuyến khích các chủ điền trang thái ấp chiêu tập dân phiêu tán, những người không sản nghiệp để làm nô tỳ đi khẩn hoang lấn biển, lập các trại ấp mới ở vùng biên viễn…
Nghiên cứu về quá trình hình thành làng xã ở Thủy Nguyên, các tác giả Nguyễn Văn Chính và Nguyễn Quang Ngọc (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng: Ngoài một số làng có cả tên Nôm lẫn tên chữ (chẳng hạn như làng Dãng, tên chữ là Dưỡng Động; làng Nóm, tên chữ là Niêm Sơn; làng Vẹt, tên chữ là Việt Khê…) thường quần tụ ở ven sườn đồi hay chân núi đều có nguồn gốc từ rất xa xưa, ít nhất cũng hình thành từ trước thời Bắc thuộc, thì phần nhiều các làng ở Thủy Nguyên không có tên Nôm, chỉ có tên chữ, mà trong các tài liệu văn tự của làng xã thường được chép là “ trang”; ví dụ: Đường Sơn trang, Thủy Đường trang, Chung Mỹ trang…ra đời gắn với thời đại Lý – Trần.
Đặc biệt từ sau đại thắng giặc Nguyên lần thứ 3 (1288), triều đình nhà Trần càng nhận thức sâu sắc vị trí chiến lược quan trọng của miền bể Đông Bắc (Hải Phòng- Quảng Ninh ngày nay) trong chiến lược phòng thủ đất nước nên rất lưu tâm đến việc củng cố làng xã nơi đây. Vua Trần ban thưởng tước phẩm, cử tôi trung trực tiếp quản lý tới tận các làng xã. Trần Hưng Đạo nhiều lần trở về thăm lại chiến trường xưa và cử con trai thứ 5 về triệu tập dân lưu tán, lập ra làng xã mới. Nhiều thân vương, quí tộc, tướng lĩnh thuộc dòng dõi tôn thất, con rể vua và các tướng soái tâm phúc của Trần Quốc Tuấn về sống giữa lòng dân, dốc lòng thực thi chiến lược “sâu rễ bền gốc”. Sử cũ chép rằng “Xã Chung Mỹ thờ thần là Hưng Trí vương, theo Vương dẹp giặc Nguyên ở sông Bạch Đằng, về đến xã ấy triệu tập lưu dân, sau khi chết xã lập đến thờ”. Sách Đồng Khánh Dư địa chí lược cho biết thêm: “ Xã Thụ Khê có đền thờ Trần Hưng Đạo Vương dẹp Ô Mã Nhi, đi qua Thụ Khê, sau khi phá giặc, để lại một thanh kiếm”, hoặc “Đền Trần Hoàng Tôn phụng thờ con trai Trần Anh Tông, tên là Quốc Bảo, dẹp giặc Bá Linh ở sông Bạch Đằng”. Bản ngọc phả làng Thường Sơn chép rằng vua Trần gả con gái thứ 2 cho chàng trai họ Lại để phụng dưỡng mẹ già cho chàng yên tâm đánh giặc…Theo thần tích và truyền ngôn dân gian, sau khi giúp vua đuổi giặc, các tướng người Hải Phòng như: Nguyễn Chính, Hoa Duy Thành, Lương Toàn, Lại Văn Thanh, Nguyễn Danh Uy, Phạm Hữu Điều, Nguyễn Hoàng..đều xin trở về quê hương bản quán, khai khẩn đất hoang, mở rộng thái ấp điền trang, làng xóm. Với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập và xây dựng quần thể chùa tháp, tăng viện Yên Tử (Đông Triều – Quảng Ninh), lúc này chùa chiền ở Hải Phòng cũng đua nhau mọc lên. Hầu như làng xã nào cũng có chùa thờ Phật, trong đó nổi tiếng hơn cả là tịnh thất của Hưng Ninh vương Trần Tung (tức Tuệ Trung thượng sĩ, là thầy dạy giáo lý nhà Phật cho vua Trần Nhân Tông) dựng ở làng Dưỡng Chân (Chính Mỹ – Thủy Nguyên). Chùa làng Bùi (Điều Yêu – An Dương) do bà Bùi Thị Thực là chị gái hai tiến sĩ Bùi Xuân Hổ và Bùi Xuân Hùng, người làng này xây dựng. Công chúa Chiêu Trinh xây chùa Kha Lâm và công chúa Chiêu Hoa xây chùa Quy Tức…Cuối đời Trần, Hải Phòng là địa bàn hoằng dương Phật pháp của Thiền sư nổi tiếng là Thánh Tổ Non Đông. Thánh Tổ Non Đông thế danh là Vương Huệ là người sáng lập nên Tổ đình Quang Khánh (xã Dưỡng Mông – Hải Dương), tục gọi là Tổ Muống hay Tổ Cáy. Ngài là bậc danh tăng đức cao đạo trọng, độ được nhiều đệ tử, được vua Trần Minh Tông ban đạo hiệu Từ Giác Quốc sư. Tương truyền, chỉ trong một đêm, Thánh Tổ Non Đông dựng cả thảy 72 ngôi chùa ở lộ Hải Đông (Hải Dương- Hải Phòng và một phần Quảng Ninh); trong đó có một số cổ tự nổi tiếng trên địa bàn Hải Phòng ngày nay như: Phục Lễ, Phương Mỹ, Nhân Lý, chùa Cao trên núi Vân Ô (thị trấn núi Đèo), chùa Đông Tạ (Vĩnh Bảo), chùa Dư Hàng, Đông Khê (nội thành), chùa Du Lễ, chùa Mõ (Kiến Thụy)…
Kỳ II: Vang mãi võ công “ đằng giang tự cổ huyết do hồng”
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 (1285), ở vùng đất Hải Phòng ngày nay đã xuất hiện nhiều tấm gương sẵn sàng xả thân vì nước. Đó là hai anh em Trần Nhội và Trần Phương người trang Văn Đẩu (Kiến An) đứng ra tuyển mộ quân sĩ theo Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chống giặc. Trần Nhội từng thi đậu Thái học sinh, được bổ nhiệm vào Viện hàn lâm. Trần Phương đỗ võ cử, được sung làm quản vệ. Khi cuộc kháng chiến lần thứ hai nổ ra, Trần Nhội được phong chức Hữu quản binh trong đạo quân của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Ông là người tiến cử các em vợ là Nguyễn Thiên Lộc, Nguyễn Thiên Mẫn và Nguyễn Bình với Chiêu Văn Vương và đều được tin dùng. Các tướng sĩ thuộc đội quân do Trần Nhội, Trần Phương chỉ huy đều là người vùng Kiến An – An Lão bây giờ đã xả thân lập công lớn trong các trận Đại Mang, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng….lừng danh sử sách.
Lúc bấy giờ “Hịch tướng sĩ” dội về vùng đất Vĩnh Bảo, lập tức Vũ Đăng Dũng, người trang Đan Điền (xã Dũng Tiến) đứng ra chiêu mộ hương binh, lập đồn Cự Lai, phối hợp cùng quân triều đình đánh giặc giữ nước. Ông được cữ giữ chức Đô đốc Chỉ huy sứ, từng lập công lớn trong đại phá quân Nguyên ở Vạn Kiếp và trận Bạch Đằng 1288. Ở ấp Thiềng (Từ Lâm – Đồng Minh) có Hoa Duy Thành là người văn võ song toàn, được dân chúng quanh vùng suy tôn là thần đồng, tự đứng ra tập hợp các hào kiệt tham gia giúp nước. Đội quân tinh nhuệ của Hoa Duy Thành nhanh chóng được Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thu nạp, sai tập kích trại giặc ở Vạn Kiếp, truy đuổi đoàn quân của Thoát Hoan đang hoảng hốt rút chạy theo ngả Lạng Sơn. Bấy giờ ở Nam Triệu (tức Thủy Nguyên ngày nay), tại trang Thủy Đường có Lại Văn Thanh, mồ côi cha từ sớm, được mẹ động viên đã tình nguyện lên đường đánh giặc, được vua Trần tin dùng, lập công to trong trận Bạch Đằng năm 1288 được phong chức Đô úy Thượng phẩm Đại liêu.
Theo phần tích miếu Du Lễ (Kiến Thụy), danh tướng Vũ Hải, người bản trang được phong tới chức Phó đô Trung lang tướng, cầm quân dưới trướng Thượng tướng – Thái sư Trần Quang Khải. Đội quân bản bộ của Vũ Hải trực tiếp tham gia chặn đường tiến quân của Toa Đô từ Chăm Pa đánh vào Nghệ An. Sau lại theo Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đánh tan quân Nguyên ở sông Nhị Hà. Đặc biệt, trong trận Tây Kết, dưới sự chỉ huy của vua Trần, Vũ Hải đã cùng các tướng sĩ giết và bắt sống nhiều giặc, chém được đầu Toa Đô. Tương truyền trong trận thủy chiến ở cửa biển Đại Bàng (nằm ở khoảng giữa cửa Văn Úc và cửa Họng) diễn ra ngày 8 tháng 1 năm 1288, quân ta bắt được 300 thuyền, giặc Nguyên bị chết đuối rất nhiều, Vũ Hải đã anh dũng hy sinh trên sông nước quê nhà.
Lại nói, ngày ấy ở trang Quỳnh Hoàng (Nam Sơn) thuộc huyện An Dương có Nguyễn Danh Uy đứng ra tuyển mộ 30 tráng viên giỏi võ nghệ lập thành đội quân thần tử kéo tới quân doanh yết kiến Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn xin được ra chiến trường đánh giặc. Nguyễn Danh Uy được Trần Quóc Tuấn tin dùng, phối hợp cùng với các tướng Hưng Nhượng vương, Hưng Trí vương, Hưng Vũ vương..đốc thúc 20 vạn quân mở cuộc đại phản công tiêu diệt giặc Nguyên trong cuộc kháng chiến lần thứ hai. Khi nổ ra cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên lần thứ 3, Nguyễn Danh Uy tiến cử bạn tâm giao, có tài thao lược là Nguyễn Lãng, người Hưng Hóa cùng tham gia trận phục kích chiến lược trên sông Bạch Đằng năm 1288. Ở huyện An Dương còn có Hoàng Công Thản, quê ở Điều Yêu( xã Hồng Thái), vốn là người thông minh, ham học. Thời gian học tập ở kinh đô, Hoàng Công Thản kết giao với bạn bè với Trần Khánh Dư, Lê Mục, Lê Quân…và là người đầu tiên giữ chức “Quản ca công sự vụ” – đứng đầu ngạch quản ca đời Trần. Nhưng khi quân Nguyên xâm lược, ông một mực đòi tham dự trận Tây Kết và trở thành tấm gương cổ vũ tinh thần xung trận của ba quân tướng sĩ…
Sách Toàn thư chép: “Ngày 26 (tháng 12 năm Giáp Thân 1284) vua (Trần Nhân Tông) ngự thuyền nhẹ ra Hải Đông, chiều tối rồi mà chưa ăn cơm sáng, có người lính là Trần Lai dâng cơm gạo xấu, vua khen là trung, ban cho chức thượng phẩm, kiêm chức tiểu tư xã xã Hữu Triều Môn ở Bạch Đằng”. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư thì làng Thủy Chú (Thủy Nguyên) là nơi đưa tiễn hai vua Trần vào Thanh Hóa chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược quét sạch quân Nguyên ra khỏi cõi bờ.
Sông Bạch Đằng lại một lần nữa được Trần Quốc Tuấn lựa chọn lập trận địa mai phục chôn vùi mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông. Sử cũ và truyền thuyết dân gian phản ánh khá đậm nét về những đóng góp của quân và dân Hải Phòng cho trận đại thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288. Ở Phả Lễ (Thủy Nguyên) có Mai Đình Nghiễm tổ chức dân địa phương lên rừng đẵn gỗ để xây dựng trận địa cọc ở cửa sông Chanh. Trần Quốc Tuấn cử Mai Đình Nghiễm chỉ huy một đội quân cảm tử chuyên đi dò xét tình hình địch, nhiều lần lặn xuống sông đục chìm thuyền giặc, khiến chúng hết sức hoảng sợ. Ông đã hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ. Hai anh em Trần Hộ, Trần Độ chỉ huy dân làng Phục Lễ, Phả Lễ lập thành các đội dân binh tuần tra trên sông, đảm bảo việc giữ gìn bí mật cho trận địa cọc. Lý Hồng tổ chức cho dân làng Do Lễ (Tam Hưng- Thủy Nguyên) rèn giáo mác theo Trần Quốc Tuấn đánh giặc. Ở Do Lễ còn có Vũ Nguyên, nhà rất nghèo, phải đi làm thuê nuôi mẹ vẫn động viên dân làng tham gia chiến đấu. Vũ Đại ở Dưỡng Động (Minh Tân- Thủy Nguyên) dẫn một đạo dân binh mai phục ở bến sông Bạch Đằng sẵn sàng diệt địch. Ông Lủi, bà Lủi là người dân kiếm củi làng Tràng Kênh tự nguyện làm liên lạc cho giao thông quân đội. Bà hàng nước ở bến đò Rừng bằng tất cả kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình đã tận tình mách bảo cho Trần Quốc Tuấn về tình hình nước thủy triều lên xuống và địa hình địa vật vùng thượng lưu sông Bạch Đằng. Vũ Chí Thắng người làng Hàng Kênh, huyện An Dương được làm việc bên cạnh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, nhận sự ủy thác của triều đình về miền Hải Đông bí mật bố trí đồn trại. Khi vây căn cứ Vạn Kiếp, có lần ông cho quân mặc giả quân Nguyên, ban đêm vào trại giặc rồi đốt lửa làm hiệu để trong đánh ra, ngoài đánh vào tiêu diệt địch. Với tài tiên đoán tài tình về tình hình di chuyển của quân địch, ông đã hiến kế chặn giặc trên sông Giá để buộc Ô Mã Nhi phải theo sông Đá Bạc vào bẫy của ta ở sông Bạch Đằng. Lương Toàn, người trang Quý Xuyên (nay thuộc xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo), tự bỏ tiền mua sắm vũ khí, tuyển 15 người tài giỏi trong trang xung quân dự trận Bạch Đằng.
Để giúp cho quân đội nhà Trần giành thắng lợi chóng vánh trong trận đại thủy chiến sông Bạch Đằng 1288, bà Bùi Thị Từ Nhiên ở trang Phú Lương (nay là thôn Phú Xá, quận Hải An) đã tự mình vận động dân làng đóng góp lương thực nuôi quân. Bà Mai Thị Tuyến ở làng Sưa (An Lư – Thủy Nguyên) thấy sông Hà Tê chảy qua quê mình gây cản trở cho việc hành quân, bà đã xuất tiền của, thóc gạo vận động dân làng bắc một cây cầu qua sông để giúp việc quân. Quận Đa phu nhân ở trang Câu Tử (Hợp Thành – Thủy Nguyên) đã động viên hai người con trai theo vua Trần đánh giặc trong trận Bạch Đằng năm 1288 và cả hai đã anh dũng hy sinh. Nhân dân các làng xã thuộc sông Giá, sông Bạch Đằng đã quyên góp lương thực, ủng hộ phương tiện chiến đấu và đảm bảo hậu cần cho quân đội. Nhân dân nhiều làng còn tổ chức kết bè, mảng chất củi khô, dầu trám phục vụ trận hỏa công Trúc Động ngăn không cho đoàn chiến thuyền của địch đi vào sông Giá, buộc phải xuôi theo dòng Đá Bạc, lọt vào thế trận mai phục của ta ở sông Bạch Đằng.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là chiến công vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm vô cùng oanh liệt của dân tộc ta, như Trần Hưng Đạo tổng kết, là chiến công của “ cả nước góp sức”, nhưng sức đóng góp to lớn nhất, trực tiếp nhất và đa dạng nhất chính là sức đóng góp của các làng xã trên mảnh đất Hải Phòng ngày nay.
(Nguồn: Kể sách mở mang” điền trang thái ấp” với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử”/Trần Phương//Khoa học và Kinh tế. – Số 130, tháng 4 năm 2013. – tr. 44 – 47)