
Ảnh núi Voi ở huyện An Lão.
Được sự quan tâm giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Sở Văn hoá Thông tin Thành phố Hải Phòng. Vào tháng 9 năm 2000, UBND huyện An Lão đã tổ chức điều tra tư liệu Hán Nôm ở 17 xã và thị trấn trên địa bàn huyện. Kết quả của cuộc điều tra đã tổng hợp những di tích văn hoá như chùa, đình, đền, miếu, nhà thờ… và đã thu thập được những tư liệu Hán Nôm như sách Hán Nôm, bia, chuông, khánh, biển gỗ, cuốn thư, hoành phi, câu đối… có giá trị về văn hoá, lịch sử, giáo dục của huyện An Lão. Theo những tư liệu quý báu trên, An Lão có thể tự hào là một miền đất cổ, là khu dân cư có lịch sử lâu đời, có vị trí quan trọng trên các lĩnh vực chính trị – kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh của Thành phố Hải Phòng.
Vùng đất An Lão từ xưa đã có nhiều danh nhân nổi tiếng tài giỏi trong sự nghiệp giáo dục, xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, thể hiện là vùng đất có truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước, xây dựng quê hương An Lão nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.
Là huyện ở vùng châu thổ, nhưng An Lão có nhiều đồi núi, tạo nên cảnh trí thiên nhiên kỳ thú, được nhiều nhà nghiên cứu địa lý xưa chú ý, tiêu biểu là khu di tích Núi Voi. Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi “Núi Voi ở cách huyện An Lão 8 dặm về phía Tây Bắc, hình thế như con voi nằm, núi có hang, trong có nhiều thạch nhũ; núi Yên Ngựa ở xã Xuân Áng, núi Vọ ở xã Đồng Tử, núi Đấu ở cách huyện An Lão 9 dặm về phía Đông Bắc, bốn mặt cao vót, ở giữa trũng xuống và bằng phẳng hình như cái đấu. Trước khi nhà Mạc lường quân ở đây”. Sách Hải Dương toàn hạt dư địa chí đã mô tả giếng đục và giếng trong, sâu không thấy đáy, múc nước không cạn ở hang Họng Voi.
Trên Núi Voi còn dấu tích thời nhà Mạc lưu lại như Bàn Cờ Tiên, Vàn Chúa Thượng, Vàn Chúa Hạ, Kênh Đào, Hồ Sen, Cây Đèn, Cây Đèn Rạng Lái… và đặc biệt còn dấu tích của chùa Long Hoa – đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Mạc nằm bên vách đá Núi Voi, đình Chi Lai xưa đã được các vua thời Hậu Lê và Nguyễn ban sắc phong thần. Những dấu tích trên chứng tỏ nhà Mạc xưa đã coi Núi Voi rất có giá trị trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và còn xây dựng những công trình để thưởng ngoạn phong cảnh… Cụm đình chùa thôn Chi Lai đã được Bộ Văn hoá xếp hạng từ năm 1962. Những cuộc điều tra khảo cổ ở núi Voi đã tìm thấy nhiều lưỡi rìu đồng, nhiều lưỡi dao găm đồng có sống nổi ở giữa, có chốt hãm ở phần chuôi tra cán. Đặc biệt còn phát hiện một chiếc qua đồng trên mặt khắc chìm hình con thú và hoa văn hình học trổ thành rãnh… ở di chỉ Tiên Hội cũng đã thấy răng trâu bò nhà, tượng đất hình trâu bò… Hiện vật khảo cổ trên cùng với truyền thuyết sưu tầm được ở đây chứng tỏ người cổ núi Voi sinh tụ vào cuối thời đại đồ đồng, đầu thời đại đồ sắt, cách đây trên dưới 2500 năm. Ngày nay đã xây dựng Bảo tàng Núi Voi tại đây để lưu giữ những di chỉ có giá trị văn hoá lịch sử.
Đi đôi với tính chất đặc điểm của địa bàn và cư dân ở vị thế thuận tiện trong mở rộng giao lưu kinh tế, xã hội, văn hoá… người dân An Lão còn có điều kiện trong sự nghiệp xây dựng và bảo về quê hương, đất nước, trong sự nghiệp kế thừa phát huy nền văn hoá dân tộc, vốn đã nổi bật vì tinh thần yêu nước, truyền thống ham học của thế hệ cha ông; Điều đó được thể hiện qua những tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ trong các khu di tích lịch sử, đình chùa, các nhà thờ trên địa bàn huyện và các tài liệu Hán Nôm còn lưu truyền trong nhân dân.
Từ khi cuộc khởi nghĩa chống đô hộ Đông Hán do Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, nhân dân An Lão ngày ấy đã cùng nhân dân vùng ven biển miền Đông, dưới sự lãnh đạo chỉ huy của nữ tướng Lê Chân kéo về Mê Linh tụ nghĩa, sau đó lại được Trưng Vương giao cho phòng thủ miền hải tần. Theo Thần tích đền Kinh Điền xã Tân Viên huyện An Lão lưu giữ cho biết, mẹ con Ngũ Đạo là Đô Chỉ huy sứ, một tuỳ tướng của Trưng Vương đã mộ quân ở vùng An Lão và đóng đồn ở trang Thượng Câu để chống quân Đông Hán. Đền Kinh Điền đang được đề nghị Bộ Văn hoá Thông tin xét công nhận Di tích Lịch sử.
Theo Thần phả đền An Tràng – xã Trường Sơn lưu giữ thì từ thời Bắc thuộc có nhân vật Vương Công Hiển – là người học giỏi và có tinh thần yêu nước. Ông sinh ngày mồng 8 tháng 2 năm Nhâm Ngọ tại thôn An Tràng. Năm 542, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, Vương Công Hiển đi theo và có nhiều công đánh giặc, ông đã có công cứu Lý Bí trong một trận giặc bao vây, ông được giữ thành Bô Cô. Năm 544 Lý Bí tự xưng Hoàng đế đặt tên nước là Vạn Xuân, Vương Công Hiển xin về trông nom đất An Tràng. Sau đó tham gia chống giặc ngoại xâm và Vương Công Hiển đã mất ngày 15 tháng 11 năm 545. Quân lính táng ông ở phía tây thành Chu Diên, nhân dân An Tràng thương nhớ ông đã lập miếu thờ ở ngay vườn nhà ông. Đền An Tràng đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1993.
Theo Thần phả – Toàn thư, nhà giáo Bùi Mộng Hoa là người trang Hoa Chử, huyện An Lão, nay là thôn Hoa Chử, xã Trường Thành, huyện An Lão. Ông sinh ngày 15 tháng 3 năm Quý Tỵ (1353), từ nhỏ ông đã có tiếng nhân từ, hiếu nghĩa lại học giỏi. Năm 26 tuổi ông thi đỗ cao, làm quan dưới triều Nghệ Tông, Duệ Tông, Thuận Tông đời Trần. Khi thấy trong triều quan lại còn nhiều nhũng nhiễu, ông trả quan từ chức về quê dạy học, làm thuốc và ở ẩn trong Núi Voi; đến năm Canh Thìn (1400) ông rời am đi đâu không rõ tung tích. Dân trang đã lập đền thờ ông làm phúc thần. Lưu truyền Đặng Minh Khiêm có bài thơ vịnh nói về ông như sau:
Yếm kiếm Trung châu phấn lỗ trần
Dự tri thần khí thuộc quyền thần
Nguy ngôn trung bất hồi thiên lực
Trường tác lầm tuyền tị thế nhân
Dịch nghĩa:
Chán cảnh kinh đô nhuốm bụi trần
Tiên tri ngôi báu thuộc quyền thần
Lời trung rốt cuộc khôn cứu vãn
Tìm trốn lâm tuyền tránh thế nhân.
Theo điều tra tư liệu Hán Nôm, văn thần xưa có cụ Đoàn Mậu – người làng Kim Côn, nay là thôn Kim Côn, xã Chiến Thắng, huyện An Lão tại khoa thi năm Ất Mùi (1475) niên hiệu Hồng Đức thứ 6, đời Lê Thánh Tông, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân và làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ, tri Chiêu Văn quán, cục Tú Lâm, tước Cẩn lễ Nam.
Thêm phần rạng rỡ sự nghiệp học hành của người dân An Lão xưa còn có ba cha con nhà Nguyễn Kim cùng đỗ tiến sĩ. Theo Thần phả họ Tam tiến sĩ. Khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 đời Lê Hiến Tông có Nguyễn Kim – sinh năm 1470, người làng Thạch Lựu, nay là thôn Thạch Lựu, xã An Thái, huyện An Lão. Ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, lúc 33 tuổi, làm quan đến chức Hiến Sát sứ, khi mất được tặng hàm Hữu Thị lang. Hai con trai ông là Nguyễn Chuyên Mĩ, Nguyễn Đốc Tín cùng đỗ khoa Hồng Thuận thứ 6 khoa thi năm Giáp Tuất (1514) đời Lê Tương Dực; ở quê ông, người ta vẫn còn lưu truyền đôi câu đối:
Đồng thế đồng triều tam tiến sĩ
Nhất gia nhất nhật lưỡng vinh quy.
Nghĩa là: Cùng một đời, cùng một triều đại có 3 người đỗ tiến sĩ. Cùng một nhà, cùng một ngày có hai người được vua phong cho vinh quy.
Tiến sĩ Nguyễn Chuyên Mĩ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau có công giúp Mạc Đăng Doanh lên ngôi nên ngay đợt thăng thưởng đầu tiên tháng 2 năm Minh Đức thứ 2 (1528) Nguyễn Chuyên Mĩ được thăng tước Văn đẩu Hầu, làm quan đến chức Thượng thư. Khi về quê, ông mở trường dạy học, sĩ tử theo học có đến hơn 300 người, có nhiều người thành đạt. Tiến sĩ Nguyễn Đốc Tín đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), sau ông ra làm quan thời nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước Hầu. Hiện nay ở thôn Thạch Lựu còn ngôi miếu lớn và nhà thờ Tam vị Tiến sĩ giữ được tư liệu và hiện vật Hán Nôm.
Trong Bạch Vân thi tập, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ ca ngợi truyền thống học hành của cha con, anh em Nguyễn Chuyên Mĩ cũng như phẩm chất cùng phúc ấm nhà họ Nguyễn:
Đề Văn đẩu hầu gia:
Nhất Môn phụ tử đệ nhị huynh
Đạo học tương truyền bản lục kinh
Tằng bả khoa danh liên quế tịch
Cánh lưu thanh ấm mãn hoè đình
Tâm vô tư luỵ thất sinh bạch
Thi hữu cao ngâm sơn đối thanh
Thiên thọ Đẩu, Nam quan thái tại
Niên niên trường chiếu tử vi tinh
Góp phần tô thắm truyền thống hiếu học của người dân An Lão thời xưa còn có Trạng nguyên Trần Tất Văn. Khoa thi năm Bính Tuất (1526) niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 đời Lê Cung Hoàng, Trần Tất Văn đỗ Trạng nguyên. Trần Tất Văn là người làng Nguyệt Áng, huyện An Lão (nay là thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, huyện An Lão). Do tài cao đức rộng, nhà Mạc phong cho ông làm quan đến chức Thượng thư, tước Hàn xuyên Bá. Dưới triều Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh ông coi việc từ hàn, những văn thư trao đổi giữa nhà Minh và nhà Mạc ông đều tham gia, ông cũng đã có lần được cử đi sứ. Sách Công Dư tiệp ký của Vũ Phương Đề có chép bài “Một bài biểu lui vạn binh” do Trần Tất Văn biên soạn lời lẽ đanh thép, có ý tứ sâu sắc, trong đó có câu:
Vị tiểu quốc bất học võ nhân, lễ nghĩa hà túc thâm trách.
Mẫn An Nam vô cô xích tử, phong nhận nhẫn sử hoành la.
Dịch nghĩa: “Cho nước tôi võ nhân ít học thì lễ nghĩa sao đáng trách móc? Bảo thương dân An Nam vô tội, nỡ nào đem gươm giáo chém giết dân lành”.
Tương truyền tướng nhà Minh là Mao Bá Ôn đọc biểu của ông xúc động rơi nước mắt rồi quyết định rút quân.
Trạng nguyên Trần Tất Văn làm quan trong vương triều mới từ trong đổ nát, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đất nước đã được bình yên; Đối với quê hương ông để lại nhiều ân đức như xây cầu đá cho dân qua sông, đắp đường cho dân đi, khắc bia Tiên Hiền, xây dựng văn từ hàng huyện để khuyến học và tế tiên tổ lúc đi thi, ông còn cấp đất, bỏ tiền xây dựng chùa thờ Phật, xây dựng đình làng.
Tượng trạng nguyên Trần Tất Văn trong đền thờ ông ở thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, huyện An Lão.
Con trai Trạng nguyên Trần Tất Văn là Trần Tảo đỗ Đệ tam giáp đồn g Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Ất Sửu (1565) niên hiệu Thuần Phúc thứ tư đời Mạc Mục Tông; được triều đình phong Thừa Chính sứ. Song quy luật nghiệt ngã thời bấy giờ đã đưa nhà Mạc sau phần thịnh là bắt đầu suy yếu do lộng thần và lòng dân không yên vì chiến tranh loạn lạc. Năm 1593 trong một trận chống quân Minh xâm lược nhà Mạc thua to, Trần Tảo cùng gia quyến và nhiều tướng sĩ bị bắt và bị giết. Sau đó cả gia đình Trạng nguyên Trần Tất Văn và Tiến sĩ Trần Tảo mất tích không để lại gia phả sau này. Để ghi nhớ công ơn Trạng nguyên Trần Tất Văn, dân làng Nguyệt Áng từ xưa đã lập đền thờ ông tại khu chùa Vĩnh Khoái.
Theo tư liệu Hán Nôm, Lê Khắc Cẩn sinh năm 1883, mất năm 1874, người làng Hạnh Thị, nay là thôn Đông Hạnh, xã An Thái, huyện An Lão. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thần đồng. Khoa thi năm Mậu Ngọ (1858) ông đỗ Giải nguyên, khoa thi năm Nhâm Tuất (1862) ông đỗ Hội nguyên. Khi vào Đình đối ông đỗ Á nguyên; Hoàng giáp. Bài thi phúc hạch của ông được vua Tự Đức phê: “Văn viết gọn ghẽ, cứng cáp, mạnh mẽ, lưu loát, đầy đủ. So với bài người đỗ đầu (Đình nguyên Nguyễn Hữu Lập) cũng xuýt xoát không hơn kém mấy”. Vua Tự Đức đánh giá cao Lê Khắc Cẩn và ban chức quan cho ông, ông viết nhiều sách, còn lưu lại như Hải Hạnh văn phái, Hải Hạnh thi tập, Miễn Trai văn tập… Khi ông mất, nhà vua thương tiếc đã ban một bức trướng viếng ông, chép ở sách Thi văn đối liên tạp lục.
Đền thờ tiến sĩ Lê Khắc Cẩn ở thôn Đông Hạnh, xã An Thái, huyện An Lão.
Mặc dù chỉ với một số tài liệu Hán Nôm rất khiêm tốn kể trên, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng, trải qua lịch sử lâu dài hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, miền đất An Lão từ xưa đã có nhiều nhân vật tiêu biểu cho truyền thống hiếu học, trọng thầy, trọng đạo lý, nhân sĩ trí thức giàu khí phách. Nhiều nhân vật đã đỗ đạt cao trong các khoa thi từ các đời xưa, hiến dâng cho kho tàng văn hoá dân tộc những đóng góp to lớn tiêu biểu cho tinh thần ham học của người dân An Lão thời xưa. Ngày nay trên vùng đất học, người dân An Lão tự hào theo bước ông cha nối tiếp phát huy tinh thần ham học đem kiến thức khoa học về xây dựng An Lão ngày càng phát triển.
Những công trình di tích văn hoá lịch sử, trải qua bao nhiêu năm, đến nay đã xuống cấp dần với thời gian, những thông tin, tư liệu Hán Nôm có giá trị về lịch sử để lại cũng đang bị mai một dần. Rất mong Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các cấp, các ngành, các cơ quan hữu quan giúp đỡ địa phương trong việc thu thập tìm hiểu, phát hiện, quản lý những tư liệu Hán Nôm; có sự giúp đỡ về tu bổ, tôn tạo, khôi phục, bảo vệ và xây dựng những công trình di tích văn hoá có giá trị từ xưa để lại, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương An Lão giàu đẹp, văn minh.
Đào Xuân Việp, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cung cấp; P.V Thi chia sẻ (Nguồn: Giới thiệu tư liệu văn hóa Hán Nôm ở huyện An Lão – Hải Phòng//Thông báo Hán Nôm học 2001 của Viện Nghiên cứu Hán-Nôm, tr. 694-703).