
Đình làng Nghĩa Lộ thờ nhân vật Hùng Sơn đại vương – vị thần hoàng có công chống giặc phương Bắc xâm lược và được người dân nơi đây quanh năm hương khói thờ phụng. Theo thần tích còn lưu ở miếu-đình Nghĩa Lộ thì sự tích về ông khá ly kỳ.
Đời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân vào đánh phá nước ta. Vua Hùng sai sứ giả đến các nơi trong nước để cầu người tài ra cứu nước. Ở vùng đảo nay thuộc xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, có một thanh niên tên là Hùng Sơn. Cha Hùng Sơn mất sơm, hai mẹ con làm lụng cần cù nuôi nhau.
Là một người có sức khỏe, lại giỏi săn bắn, Hùng Sơn xin phép mẹ ra đi giết giặc cứu nước. Người mẹ vui lòng tiễn con trai duy nhất của mình ra trận đánh giặc theo lời kêu gọi của Vua Hùng.
Hùng Sơn đã tham dự nhiều trận, lạp nhiều chiến công. Giặc Ân thua to, bị quét sạch khỏi bờ cõi nhưng Hùng Sơn đã anh dũng hy sinh.
Thi thể Hùng Sơn trôi về đảo quê hương cùng một cành cây lớn, xum xuê. Dân làng vô cùng thương tiếc, rước thi thể ông chôn cất trọng thể rồi sau xây dựng ngôi miếu thờ vị tướng đã hy sinh vì nước. Thấy cành cây trôi theo thi thể Hùng Sơn đâm chồi nảy rễ, dân làng ngắt thành 3 nhánh: hai nhánh trồng ở khu miếu thờ, còn nhánh thứ 3 đem trồng nơi bà mẹ Hùng Sơn ở. Không biết tên cây, dân làng gọi là “cây thơm”.
Khi bà mẹ mất, dân làng đã chôn cất bà ở dưới bóng cây thơm, rồi sau lại dựng ngôi miếu thờ người mẹ ngay nơi đó. Nhân dân địa phương gọi là miếu thờ Tổ Mẫu. bóng cây thơm bao trùm lên ngôi miếu nhỏ. Còn nơi ngày xưa thi thể Hùng Sơn cùng cành cây trôi dạt vào gọi là gò Cốt Múa, vì tương truyền rằng cành lá cứ xoay tròn xung quanh thi thể ông.
Theo lời kể của ông Lê Thế Loan, cán bộ Bảo tàng Hải Phòng đã về hưu thì 3 cây thơm cổ thụ lấy từ nhánh cây đã đưa thi thể Hùng Sơn trở về vùng đảo quê hương hiện còn ở đình, miếu thờ Hùng Sơn và miếu Tổ Mẫu.
(Lê Thế Loan, cán bộ hưu trí Bảo tàng Hải Phòng kể; PV. Thi ghi)