Sáng ngày 7/4/2018 (ngày 22 tháng 2 ÂL) tại đình Hào Khê thuộc phường Kênh Dương, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng chiếu xẩm Hải Thành trực thuộc Hội Văn nghệ Dân gian thành phố tổ chức lễ giỗ tổ nghề hát xẩm theo thông lệ hằng năm. Mỗi năm, xuân – thu nhị kỳ câu lạc bộ (CLB) xẩm Hải Thành do nghệ nhân Dân gian Đào Bạch Linh làm Chủ nhiệm đều long trọng tổ chức lễ giỗ tổ nghề 2 lần, trước hết là để tri ân công đức của tổ sư, sau là để quảng bá, giới thiệu loại hình văn nghệ dân gian của tầng lớp cần lao xưa. Hoạt động này vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, lại kích thích sự quan tâm, tìm học của những người yêu mến vốn văn nghệ dân gian truyền thống.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 hát xẩm là loại hình ca hát kiếm sống phổ biến của những người hát rong (phần lớn là người khiếm thị) tại những khu chợ, bến đò, bến tàu, nhà ga, tàu điện, nơi công cộng. Khi đó, 1, 2, hoặc 3 người (thường có quan hệ gần gũi trong gia đình) tập hợp thành nhóm biểu diễn với đồ nghề là cây nhị, phách, trống trầu (thậm chí là đàn bầu, sáo). Một người trong số họ hát những lời ca dân giã theo một làn điệu nhất định (thường là ai oán, buồn rầu hoặc trào lộng) hòa trong âm sắc của nhị, trống, phách lôi cuốn người nghe, khiến khán giả thương cảm, hoặc thích thú mà cho tiền thưởng. Ở Hải Phòng cũng từng phổ biến loại hình ca hát này.
Sau cách mạng tháng Tám, loại hình văn nghệ dân gian này bị mai một dần và có nguy cơ mất hẳn. Nghị quyết Trung ương V (khóa 8) năm 1998 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã tạo cơ hội cho việc phục hồi và phát triển các loại hình văn nghệ dân gian. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các ban, ngành hữu quan và tâm huyết của những người yêu văn nghệ dân gian, nhiều loại hình ca nhạc dân tộc dần được phục hồi và sống lại tại các tỉnh, thành qua các cuộc liên hoan, diễn xướng, biểu diễn và được bảo tồn, phát triển thông qua các hoạt động của các nhóm, câu lạc bộ như ca trù, hát xẩm, hát xoan, các hoạt động phổ biến, truyền dạy của các nghệ nhân, giảng viên văn hóa-văn nghệ dân tộc.
Ở thành phố Hải Phòng, chiếu xẩm Hải Thành do nghệ nhân Dân gian Đào Bạch Linh (một người có chuyên môn công nghệ thông tin đang công tác ở Sở Ngoại vụ thành phố) thành lập chục năm nay với các hoạt động truyền dạy tại gia, tại trường khiếm thị, biểu diễn tại các lễ hội, đình, chùa đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của ngành Văn hóa, Hội văn nghệ dân gian và đông đảo công chúng yêu văn nghệ dân tộc. Nhiều người với đủ lứa tuổi, thuộc các ngành nghề khác nhau đã tìm đến học hát xẩm, học biểu diễn nhạc cụ nhị, trống, phách đệm cho hát xẩm khiến loại hình ca hát này ngày càng phổ biến trong công chúng yêu âm nhạc. Từ một người có tâm bảo tồn văn hóa dân tộc và say mê hát xẩm, trong những năm học đại học ở Hà Nội, Đào Bạch Linh đã lặn lội về Ninh Bình học nghề xẩm từ nghệ nhân nổi tiếng Hà Thị Cầu – người cuối cùng trong thế kỷ 20 ở Việt Nam còn giữ được vốn cổ. Thành danh, anh đã và đang tích cực cùng các học trò, các nghệ nhân từ các chiếu xẩm và CLB các tỉnh, thành khác giao lưu, phối hợp hoạt động để quảng bá và phát triển rộng hơn loại hình ca hát dân gian này.
Đến tham dự Lễ giỗ tổ nghề hát xẩm năm nay tại đình Hào Khê có đông đảo nghệ nhân, ca sĩ, nghệ sĩ có tên tuổi thuộc các nhóm nghệ thuật, các CLB và giáo phường như Đình Làng Việt (Hà Nội), câu lạc bộ UNESCO Hà Nội, “Còn duyên” tỉnh Vĩnh Phúc, chiếu xẩm Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định.
Đến dự còn có đại biểu lãnh đạo phường, ông Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thuộc Hội LHVHNT Hải Phòng, hội viên hội Văn hóa Dân gian thành phố, Chủ nhiệm các CLB ca trù, chèo Hải Phòng và đông đảo công chúng hâm mộ xẩm.
Khách mời và các nghệ nhân, nghệ sĩ đã cùng dâng hương trước bàn thờ tổ nghề hát xẩm – hoàng tử Trần Quốc Đĩnh đặt trước cửa đình, chứng kiến các tiết mục biểu diễn đa dạng với các làn điệu như đò đưa, trống quân, xẩm ba bậc, ba bậc lối ca trù, huê tình, ngâm sa mạc, xẩm tầu điện, xẩm chợ, chênh bong, huê bằng và huê tình lời cổ của bà Nguyễn Thị Mận – con gái út cố nghệ nhân Hà Thị Cầu đến từ Ninh Bình.
Không chỉ cac nghệ nhân chuyên nghiệp biểu diễn mà còn có sự thể hiện của các ca sĩ tự do như bé Hà Linh (lớp 4), Minh Khoa (lớp 5) hay tiến sĩ Đức Minh (ngành xây dựng) với lời ca điêu luyện và phong cách tự nhiên, thần thái có hồn lôi cuốn người nghe.
Một số hội viên CLB Hải Phòng học quan tâm nghiên cứu nghệ thuật hát xẩm cũng đến tham dự từ đầu đến cuối chương trình, công đức và dự bữa trưa với khán giả bằng món ăn dân tộc là nem cuốn, bún chả thịt, xôi-giò.
Có thể nói, lễ giỗ tổ nghề hát xẩm do CLB xẩm Hải Thành thuộc Hội Văn nghệ Dân gian thành phổ tổ chức công phu sáng 7/4/2018 đã thành công như mong đợi.
Phạm Văn Thi