Hội thi pháo đất – trò chơi cổ truyền.

Một pháo thủ đang nâng quả pháo đất lên để thả xuống (kiểu pháo úp).

          Vào tháng 8 âm lịch hàng năm, khi mùa mưa bão, úng lụt đã qua, khi đồng lúa đang vào thời kỳ con gái cũng là lúc nông nhàn, ở các đình làng, nhà văn hóa trên khắp thôn quê Vĩnh Bảo lại vang lên tiếng trầm hùng của hội thi pháo đất ra đời từ khi ông cha ta chống giặc Nguyên xâm lược. Thưở ấy, trong một lần tiến quân, voi của Hưng Đạo Vương chẳng may bị sa lầy. Dân làng ở quanh vùng cùng với binh lính đã dùng đất ném xuống bãi lầy, đắp đường cho voi lên. Sự việc đó hàng năm đều được diễn lại và trò chơi pháo đất được hình thành.
          Có thuyết lại cho rằng, pháo đất nảy sinh từ nền văn hóa lúa nước là cách mà cha ông ứng xử với môi trường tự nhiên. Nước ta là nước nông nghiệp, có nhiều lưu vực sông lớn, là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Một trong những công trình văn hóa vĩ đại nhất của cư dân trồng lúa nước là những tuyến đê sông đắp lượn dài tít tắp ngăn lũ lụt bảo vệ mùa màng. Đắp đê, quai đê là công việc thường xuyên hàng năm của cha ông từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay. Đắp đê là công việc nặng nhọc của toàn dân, trai tráng đảm đương việc nặng, người già thì dẫn dắt chỉ bảo, phụ nữ thì phục vụ. Trong những phút nghỉ ngơi, người ta nảy sinh nhu cầu thư giãn và thế là những trò chơi làm từ đất được hình thành. Một trong những trò chơi ấy là pháo đất. Trò chơi này kích thích hứng thú cho người chơi trước hết là có tiếng nổ. Đầu tiên pháo đất nhỏ do từng người chơi làm ra gọi là pháo bát (giống cái bát), dần dần trò chơi thu hút ngày càng đông người tham gia nên cuộc chơi được chia thành từng nhóm, mỗi nhóm nhiều người và do vậy pháo cũng được làm ngày một to, thỏa sức trổ tài của từng trai tráng. Cách thức chơi ấy lưu truyền đến ngày nay.
          Cho dù có nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng đến nay pháo đất vẫn tồn tại và cuốn hút niềm say mê của biết bao người ở mọi lứa tuổi, nó gắn liền với tuổi thơ của trẻ con nông thôn; gần gũi, giản dị và vô cùng hấp dẫn.
          Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, hội thi pháo đất được diễn ra vào mùa xuân, khi thời vụ nông nhàn. Đây là thời điểm làng vào đám, có rước và tế lễ. Ngoài trò chơi pháo đất còn có các loại trò chơi dân gian khác như: vật, chọi gà, đánh đu, đi cà kheo…
          Hội Pháo đất ngày nay diễn ra quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 8 âm lịch. Trẻ con, người lớn có thể chơi pháo đất ở bất kỳ nơi đâu, từ góc sân nhà, thềm giếng cho đến khoảnh đất ở đầu làng, trên mặt đê hay ngoài bờ ruộng…và chơi trong lúc rảnh rỗi, khi chăn trâu..
          Từ trò chơi dân dã ấy đã tổ chức thành một hội thi phân định tài năng một cách rõ ràng, minh bạch. Để trở thành người thắng cuộc trong hội thi pháo đất, không phụ thuộc vào cách chơi điêu luyện của từng người mà còn phụ thuộc vào sự chung sức, chung lòng của toàn đội, và đòi hỏi người chơi phải nắm chắc các kỹ thuật về pháo. Từ khâu chọn đất, làm đất, nặn pháo và đánh pháo.
          Đất làm pháo là loại đất sét nặng được chọn lựa kỹ càng vì chất lượng của đất có tính quyết định thành bại của cuộc chơi. Không thể thay đất bằng chất liệu khác, cũng không thể pha trộn đất với những vật liệu dẻo, dài hơn. Làm nên pháo hoàn toàn phụ thuộc vào sự khéo léo của đôi bàn tay, cái tài hoa của đôi bàn tay nặn pháo được dẫn dắt bởi cảm giác tinh tế và lòng yêu thương đất đai của người làm pháo mới có thể phát hiện ra độ dày, mỏng khác nhau của pháo, dù chỉ một vài li, phát hiện ra các tạp chất nhỏ lẫn vào đất và những bóng khí bên trong, để nắn sao cho toàn bộ manh pháo phải đều, dẻo như nhau để giềng pháo không bị đứt. Vì vậy mỗi chiếc pháo làm xong như một tác phẩm nghệ thuật, đều đặn, quanh giềng in những dấu vân tay như hoa văn độc đáo, vuông vắn giống như những chiếc chiêng đồng. Thường một quả pháo đất nặng từ 30 đến 40 kg.

 Nặn pháo.

          Trước khi vào Hội thi pháo, các đội chở đất về tập kết tại sân chơi pháo, sau đó chia ra cho số người tham gia theo thứ tự được Ban tổ chức phân định. Cách chia đài pháo có thể từ 8-10 pháo thủ một đài mang tính cộng đồng chặt chẽ, mỗi pháo của một người là của chung cả đài, mỗi đài pháo là một niềm tự hào của một làng.
          Hội thi pháo đất thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là trai tráng trong làng. Đàn ông thì chọn, giã, dận đất; người già thì ngồi bên cạnh chỉ bảo hướng dẫn kinh nghiệm; phụ nữ thì nấu nước, thổi cơm phục vụ. Ngày hội pháo cả làng bận bịu, náo nức. Công đoạn làm đất đã kỹ càng, khi làm ra pháo lại tỷ mỉ hơn. Pháo thủ giậm đất thành khối mỏng hình bầu dục, dày khoảng 5cm, dài từ 70cm đến 1 mét, rộng 40cm đến 60cm, có quả pháo nặng 20kg, có quả nặng từ 30kg đến 40kg hoặc nặng đến 60kg tùy theo sức lực và sự khéo léo của người làm. Vì thế khi làm pháo người ta phải lót mo cau để dễ lấy pháo ra khỏi phản gỗ và trong thân pháo phải ghép xương bằng tre để không bị đứt.
          Pháo nặn xong chờ hiệu lệnh giao pháo. Đây chính là lúc hồi hộp, hào hứng nhất của người chơi pháo. Ngày xưa bàn gieo pháo làm bằng cách cuốc đất lên, dội nước vào để cho ngấm, sau đó dùng vồ nện kỹ, gạt mặt phẳng và hơi dốc về một phía. Ngày nay, bàn gieo pháo được làm bằng các tấm bê tông đúc sẵn. Theo qui định của Ban tổ chức, khi có hiệu lệnh thi, trong không khí rộn ràng, thôi thúc của tiếng trống ngũ liên, chọn ba bốn người khỏe mạnh tập trung vào nâng pháo lên tay cho một người đánh sao cho pháo không bị rã, bị lệch. Người reo pháo gọi là pháo thủ. Pháo thủ đứng ở tư thế hai chân mở rộng bằng vai, hai bàn tay nắm khum khum, nách khép chặt. Khi pháo đã nằm gọn trên tay pháo thủ, mọi người đứng lui ra, đó là lúc pháo thủ phải tự mình dùng toàn thân đỡ pháo lên ngang bằng vai và sự khéo léo của đôi tay, gieo cho pháo tiếp đất thật cân bằng, cùng với tiếng nổ là giềng pháo tung ra càng dài thì kết quả càng cao.Cũng có pháo khi tiếp đất không có tiếng nổ, không ra mảnh đó là pháo tịt; có pháo tung ra bị đứt làm hai hoặc nhiều đoạn đó là pháo tan, cả hai là những pháo hỏng. Mỗi lần pháo thủ phải tung 3 pháo (gọi là tung tiên, tung nhì, tung tam) và úp 3 pháo (gọi là úp tiên, úp nhì, úp tam). Mỗi lần tung hoặc úp đều dùng trượng để đo, ai có giềng pháo ra dài nhất là người thắng cuộc.

Pháo rơi xuống, giềng pháo bung dài, không đứt trong niềm vui của người tham gia trò chơi. 

          Qua ước tính điểm hơn kém trong cuộc chơi tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất chặt chẽ và công khai. Dù hội pháo có 2 đài hay 20 đài dự thi thì thủ tục cũng giống nhau. Mỗi đài pháo có một Thủ trịch làm nhiệm vụ ghi điểm và giám sát các thủ trịch khác, một Thủ trượng để đo và giám sát cách đo lẫn nhau. Cách đo bằng trượng (gậy tre dài năm thước ta, xưa dùng để đo ruộng) khi pháo xuống, tung ra, các thủ trượng đánh dấu trên trượng bằng mẩu đất và các thủ trịch chỉ ghi trên bàn trịch bằng một khuyên tròn. Hội thi pháo đất không có ăn thua là thắng thua tuyệt đối, không có hòa, đã có hai đài hòa là hòa cả làng.Tiền góp cho hội pháo là của mọi người, dù thắng, dù thua cũng chỉ đủ một bữa liên hoan thân mật thường là vui chung cho trai tráng trong làng. Mỗi khi có hội pháo là dịp cho bà con, anh em, đồng môn qua lại, thăm hỏi nhau, đó là nơi giao lưu tình cảm và học hỏi nhau về kinh nghiệm đồng áng.
          Pháo đất là trò chơi dân gian, xuất hiện ở nhiều vùng của đồng bằng và trung du Bắc Bộ, nhưng phổ biến và lưu truyền đền ngày nay chủ yếu ở Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc; Vĩnh Bảo – Hải Phòng là nơi còn nhiều vùng chơi pháo đất hơn cả. Trong đó Tân Liên là một xã nằm ven sông Thái Bình, phía tây có quốc lộ 10 chạy qua là nơi trò chơi dân gian pháo đất không những là niềm đam mê của mỗi người dân mà còn là truyền thống văn hóa với tinh thần thượng võ của quê hương.Vì vậy từ lâu nay, cuộc chơi pháo đất đã trở thành Hội thi pháo đất Tân Liên diễn ra hàng năm. Đặc biệt, xuân Quý Tỵ năm 2013 vừa qua, nằm trong khuôn khổ chương trình “Vui xuân Quý Tỵ” của Bảo tàng dân tộc, các pháo thủ đến từ xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo đã mang đến cho du khách một trải nghiệm thú vị về trò chơi pháo đất này.
          Ngày nay, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các trò chơi điện tử phát triển nhưng trò chơi pháo đất vẫn được duy trì phát triển. Cứ sau tết Nguyên đán, các xóm thôn lại rộn ràng chuẩn bị đất cho mùa Hội pháo mới. Tiềng chày giã đất âm vang, hội pháo đất từ mỗi gia đình, mỗi dòng họ, từ các xóm, các thôn thu hút mọi tầng lớp nhân dân. Nó không chỉ là trò chơi của đám trẻ con nữa mà trở thành một Hội thi mang tính cộng đồng chung cho cả làng, cả thôn xóm, hay cả dòng họ. Mỗi dịp Hội thi pháo đất không những thu hút nhân dân toàn xã mà còn thu hút được nhân dân ở các xã lân cận đến tham gia, cổ vũ. Có lẽ tính cấu kết cộng đồng, niềm tự hào với truyền thống và nhẩt là có thể chơi ở bất cứ đâu, với đủ mọi kích cỡ, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi nên pháo đất đã tìm cho mình một sức sống đặc biệt.
          Với bản chất khiêm nhường, suốt chiều dài lịch sử, người dân Vĩnh Bảo chung lưng đấu cật chống chọi với thiên tai, quân xâm lược, tạo dựng nên một vùng quê trù phú, tươi xanh và giàu bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, khơi dậy vẻ đẹp cổ điển, tạo ra tính nhân văn cao cả để gìn giữ và bồi đắp cho hồn quê và tình người mãi mãi đậm đà. Duy trì và phát triển Hội pháo đất Vĩnh Bảo là một việc làm ý nghĩa của các cấp, các ngành trong việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Hội thi pháo đất mang tính cộng đồng cao, là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời cố kết cộng đồng, cùng chung sức, chung lòng sẽ làm nên việc lớn. Vì vậy hội thi pháo đất mang tính nhân văn, giáo dục sâu sắc cần được bảo tồn, phát huy.

          (Nguồn: Hội thi pháo đất trò chơi cổ truyền / Chiêu Minh // Khoa học và Kinh tế HP. – số 136, năm 2013. – tr. 44 – 46). PV. Thi sưu tầm, giới thiệu, minh họa ảnh.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học