Vua Lê Thánh Tông trị vì trong suốt 38 năm (từ niên hiệu Quang Thuận 1460 – 1469 đến Hồng Đức (1470 – 1497). Nhà sử học Phan Huy Lê nhận xét : “Trên cương vị hoàng đế của nước Đại Việt, ông đã để lại một sự nghiệp phục hưng đất nước rạng rỡ, trên từng phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội… Những thành tựu triều vua Lê Thánh Tông đạt được đã được sử sách ghi nhận mà không mấy ai có thể phủ nhận”. (Lê Thánh Tông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt thế kỷ XV//Sách “Núi Bài thơ, lịch sử và danh thắng, Quảng Ninh, 1992, tr. 29).
Thời kỳ Lê Thánh Tông trị vì có thể coi là thời kỳ “vua sáng, tôi hiền” khi có nhiều văn thần, võ tướng giỏi, đất nước phát triển, bờ cõi được bảo vệ vững chắc.
Trong 2 năm Quý Sửu (1493) và Giáp Dần (1494) do thời tiết thuận hòa nên mùa màng tốt tươi, đời sống nhân dân no đủ. Nhân đất nước thanh bình, vua Lê Thánh Tông phấn khởi sáng tác 9 bài thơ ca ngợi chế độ, là: Phong niên, Quân đạo, Thần tiết, Minh lương, Anh hiển, Kỳ khí, Thư thảo, Văn nhân và Mai hoa. Nhân đó, Vua lập ra nhóm Tao Đàn gồm 28 quan văn có tài văn chương (gọi là Nhị thập Bát tú – 28 vì sao) và đưa 9 bài thơ này ra cho các triều thần trong Tao Đàn dựa theo vần luật của chúng mà xướng họa ra tới 250 bài thơ chữ Hán và chữ Nôm ca ngợi triều đại rồi in thành sách để sử quan đem chép vào chính sử. Những người trong Hội Tao đàn đều là những người giỏi thơ phú mà những bài thơ xướng họa của họ đã được in trong bộ “Thiên nam dư hạ tập” gồm 100 quyển bao gồm đủ các mục như thơ, ca, phú, bình luân, địa chí.
Phong trào vua tôi xướng họa thơ ca sôi nổi thời vua Lê Thánh Tông là một hiện tượng văn học độc đáo có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Chính nhờ phong trào này mà đã đẻ ra nhiều áng thơ hay ca ngợi thiên nhiên Việt Nam, con người Việt Nam, ca ngợi công lao ông cha tổ tiên…, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Trong số 28 vì sao của nhóm Tao đàn có một người là vị quan quê ở Hải Phòng nay. Đó là Bùi Phổ.
Ông sinh năm 1462, không rõ năm mất (theo sách Đăng khoa lục Bùi Phổ đỗ đại khoa lúc 25 tuổi).
Bùi Phổ người làng Lê Xá, huyện Nghi Dương, phủ Kinh môn, trấn Hải Dương (nay là thôn Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng).
Năm Hồng Đức thứ 18 (1487) ông thi đậu Hoàng giáp, làm quan đến chức Hiệu lý của Viện Hàn lâm.
Khi vua Lê Thánh Tông lập ra hội Tao đàn, ông là một trong số 28 văn thần của Nhị thập bát tú. Nhóm này có khối lượng sáng tác khá đồ sộ, chiếm phần lớn trong các tác phẩm văn học viết nửa sau thế kỷ XV. Một số tập thơ của nhóm Tao đàn như Hồng đức quốc âm, Quỳnh uyển cửu ca, minh lương cẩm tú…thường do Lê Thánh Tông – Chánh Nguyên soái Tao đàn làm thơ xướng và các hội viên Tao đàn họa theo nhưng không ghi tên tác giả. Nay không rõ bùi phổ họa bao nhiêu bài và những bài nào. Nhưng biết rõ một điều, khi Lê Quý Đôn soạn sách Toàn Việt thi lục có tuyển của Bùi Phổ 5 bài thơ.
P.V Thi Văn biên soạn theo: Đại Việt lịch triều đăng khoa lục; Bia văn miếu phủ Kiến Thụy tạo năm Minh Mạng (hiện lưu ở Bảo tàng Hải Phòng; lịch triều Hiến chương loại chí (khoa mục chí) và Từ điển Bách khoa mở Wikipedia (từ mục Hội Tao đàn)