Hoàng Gia Bổn – nghệ nhân Dân gian Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hải Phòng.

Nghệ nhân Dân gian Hoàng Gia Bổn trả lời phỏng vấn.

       Ở quận Đồ Sơn, nói đến ông Hoàng Gia Bổn (hay Hoàng Gia Nhật) hầu hết mọi người đều biết tiếng. Trên bình diện tín ngưỡng – tâm linh, người ta biết ông là thủ nhang hai ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng linh thiêng ở phường Ngọc Xuyên là Long Sơn suối Rồng (còn gọi là đền Cô Chín suối Rồng) và đền Chúa bà Ngũ Phương (đền bà chúa Năm Phương)
       Trong lĩnh vực văn hóa dân gian, ông Hoàng Gia Bổn được ghi nhận là người có nhiều hoạt động tích cực:
       Với hơn 40 năm làm thủ nhang đồng đền, ông là một đồng thầy có tiếng không chỉ ở Hải Phòng mà còn là một thanh đồng tiêu biểu của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa – tín ngưỡng Việt Nam và được công nhận là Nghệ nhân Dân gian Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Hoàng Gia Bổn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hải Phòng với 300 hội viên là các thanh đồng, thủ nhang đồng đền, cung văn, hầu dâng, nghệ nhân múa hầu thánh.
       Mỗi khi Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa – tín ngưỡng Việt Nam hay các Đài truyền hình, báo mạng cần sự phối hợp trong nghiên cứu, tìm hiểu về tiềm năng tâm linh, tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ hoặc phỏng vấn, ông đều không quản mệt nhọc, trình diễn các giá đồng, trả lời các câu hỏi, diễn xướng minh họa. Khi Hội Bảo vệ Di sản văn hóa Dân gian hay Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa – tín ngưỡng Việt Nam do GS. TS Ngô Đức Thịnh làm Chủ tịch cần hỗ trợ, giới thiệu nghệ thuật hầu đồng trước bạn bè quốc tế, thầy Hoàng Gia Bổn đều sẵn lòng đáp ứng, sang Pháp, sang Ma-lai-xia trình diễn.
       Đối với Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng, nơi ông là hội viên (nay là Phó Chủ tịch Hội), mỗi khi cần tổ chức các hoạt động lớn đòi hỏi nguồn kinh phí để thực hiện, ông luôn sẵn sàng ủng hộ hoặc tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện cho Hội hoàn thành mục tiêu và kế hoạch đề ra. Điều đó làm uy tín của ông tăng cao.
       Trong giao tiếp và cuộc sống, thầy Hoàng Gia Bổn là một người giản dị, khiêm tốn và thân thiện, dễ gần, làm cho mọi người cảm mến. Ở độ tuổi không còn trẻ nhưng cũng chưa phải là già (sinh năm 1960) ông đã để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động văn hóa (VH) dân gian.
       Ở khía cạnh bảo tồn di sản VH phi vật thể truyền thống, năm 2013 Hoàng Gia Bổn là một trong 5 người Hải Phòng được Bộ Văn hóa- Thể thao-Du lịch tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam trong dịp lễ hội chọi trâu Đồ Sơn – lễ hội được coi là 1 trong 15 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
       Gia đình ông Hoàng Gia Bổn đã 4 đời có truyền thống nuôi trâu chọi và tham gia lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Từ đời ông nội ông đã tham gia lễ hội chọi trâu hàng tổng. Cha truyền con nối, bố ông nhiều năm nuôi trâu dự thi rồi truyền lại cho ông kinh nghiệm nuôi trâu và bây giờ con trai ông lại tiếp tục theo đuổi nghiệp luyện trâu và tham gia thi đấu ngưu ở địa phương.
       Năm 1990 Đồ Sơn tái lập Hội chọi trâu truyền thống thì năm 1995 bố ông đã có trâu vô địch vòng chung kết. Năm 2001 và 2003 gia đình ông đều có trâu thi đấu đạt giải ba. Từ năm 2006 anh em trong gia đình ông góp tiền đi tìm và mua trâu, huấn luyện và tham gia các lễ hội chọi trâu địa phương như một niềm yêu thích không thể bỏ để rồi năm 2009 ông có trâu vô địch. Từ đó đến nay gia đình ông Hoàng Gia Bổn hầu như không năm nào lại không tham gia lễ hội chọi trâu và đã 3 lần đoạt giải Trâu chọi hay. Từ năm 1990 đến nay, gia đình ông đã có 27 trâu tham gia thi đấu. Con số đó phản ánh tinh thần tích cực tham gia giữ gìn truyền thống gia đình và cũng là góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân gian địa phương.
       Năm 2014 ông đã tặng Ban Tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 9 chiếc chiêng đồng trị giá 270 triệu đồng, may tặng hơn chục bộ trang phục truyền thống cho Ban Tổ chức. Để trùng tu, tôn tạo đình Ngọc Xuyên, nơi thờ Thành hoàng và là địa điểm tế lễ mỗi lần Đồ Sơn tổ chức lễ hội chọi trâu, ông đã cung tiến cho việc tu sửa đình 500 triệu đồng, góp phần vào việc giúp địa phương lập hồ sơ di tích để đình Ngọc Xuyên được Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia.
       Thầy Hoàng Gia Bổn từng tham gia hoạt động diễn xướng chầu văn hầu đồng tại nhiều tỉnh, thành phố trong các dịp tổ chức Liên hoan, trình diễn nghi thức thờ Tam phủ, Tứ phủ do Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa – tín ngưỡng Việt Nam hoặc Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Văn hóa-thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa & Thể thao) tổ chức và để lại ấn tượng sâu sắc (đặc biệt với giá hầu bà Chúa cà phê).

Một giá hầu đồng của nghệ nhân Dân gian Hoàng Gia Bổn.

       Mỗi khi Hội Liên hiệp Văn học & nghệ thuật cùng Hội văn nghệ Dân gian Hải Phòng tổ chức Liên hoan diễn xướng chầu văn hầu đồng thì CLB Bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu do thầy Hoàng Gia Bổn làm Chủ nhiệm đều tích cực tham gia, trở thành nhà tài trợ chính cho các hoạt động này (như Liên hoan diễn xướng chầu văn hầu đồng mở rộng năm 2017 với 6 tỉnh, thành phố tham gia)
       Có thể kể ra đây nhiều hoạt động văn hóa lớn mà ông Hoàng Gia Bổn tham gia. Năm 2012 ông tham dự Hội thảo quốc tế tại Hà Nội với chủ đề “Nữ thần – bản sắc và giá trị châu Á” do UNESCO phổi hợp với Trung tâm Bảo tồn văn hóa – tín ngưỡng Việt Nam tổ chức. Năm 2015 ông dự Hội thảo “Đạo Mẫu và nữ thần Nam bộ” do Hội Di sản VH và Trung tâm Bảo tồn văn hóa – tín ngưỡng Việt Nam phối hợp với Đại học VH thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
       Năm 2014 ông vinh dự được tham gia Đoàn Nghệ thuật VH Dân gian Việt Nam do GS. TS Ngô Đức Thịnh dẫn đầu với sang Pháp tham dự Liên hoan (festival) văn hóa dân gian thế giới lần thứ 41 tổ chức tại thành phố Ga-Lát trong thời gian 10 ngày (18-28/7/2014). Tham dự Liên hoan có 16 nước và vùng lãnh thổ, đến từ châu Âu (Nga, xứ Basque, Irlande Hungarie, Serbie, Bỉ, Pháp…), châu Á (Việt Nam, Nhật Bản), châu Phi (Kenya), châu Mỹ (Argentine, Mỹ, Colombie…).
       Đoàn nghi lễ Chầu văn – hầu đồng Việt Nam tham dự liên hoan với 13 thành viên (6 thanh đồng, 2 cung văn, 2 hầu dâng và 3 cán bộ Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam). CLB Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu Hải Phòng vinh dự có 2 thành viên tham gia là nghệ nhân dân gian Hoàng Gia Bổn và hầu dâng Hoàng Đình Chung. Đoàn Việt Nam đã biểu diễn tại festival 2 tiết mục là diễn xướng chầu văn (hầu đồng) và cồng chiêng Tây Nguyên. Tiết mục hầu đồng Lục cung Nương (Cô Sáu lục cung) do đồng thầy Hoàng Gia bổn biểu diễn đã góp phần giới thiệu nghệ thuật diễn xướng chầu văn độc đáo của Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
       Tháng 11 năm 2016, Hoàng Gia Bổn lại vinh dự được Bộ ngoại giao nước ta mời tham gia đoàn nghệ thuật Việt Nam gồm 16 người sang Malaixia biểu diễn trong Đêm Văn hóa Việt Nam trước Ngoại giao đoàn 7 nước Asean có mặt. Tiết mục hầu đồng của Việt Nam đã được quan khách hoan nghênh nhiệt liệt.
       Kể từ khi nghệ thuật diễn xướng chầu văn hầu đồng của nước ta được Tổ chức Văn hóa-khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 01/12/2016) thì hoạt động này ngày càng có cơ hội xuất hiện nhiều trước công chúng, làm cho người ta hiểu rõ hơn về một loại hình biểu diễn văn nghệ dân gian mà trước đây thường bị đánh đồng là mê tín dị đoan và các thanh đồng, đạo quan có điều kiện để thể hiện tài nghệ diễn xướng của mình và nhận được nhiều hơn sự hâm mộ của nhân dân, kính trọng của các đệ tử của họ cùng với đó là sự cung tiến, đóng góp của cá nhân và xã hội cho các đền, phủ tôn thờ các vị thánh là nhân thần có công với nước, với dân. Nhờ vậy, nhiều thanh đồng có điều kiện làm từ thiện nhiều hơn như đóng góp cho quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Chất độc màu da cam” hay xây nhà tình nghĩa tặng các Gia đình chính sách có công với cách mạng hoặc ủng hộ tiền cho quỹ học bổng “Học sinh nghèo vượt khó”. Trong các hoạt động thiện nguyện này ở Hải Phòng, đồng thầy Hoàng Gia Bổn là một người tham gia tích cực.
       Là người giầu lòng từ thiện nên ngoài việc đầu tư hàng tỷ đồng cho việc trùng tu, xây dựng các cơ sở tín ngưỡng (đền, phủ) tại thành phố và các tỉnh, đóng góp tiền tỷ cho việc xây “nhà tình nghĩa” tặng các gia đình chính sách và Mẹ Việt Nam anh hùng. Với tấm lòng vàng, Hoàng Gia Bổn từng được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vinh danh. Ông là một trọng 100 gương mặt tiêu biểu của nước ta được trao tặng mô hình Quốc huy mạ vàng của Nhà nước (năm 2015). Ông còn được Chủ tịch Quốc hội trao tặng mô hình trống đồng Ngọc Lũ nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương (10 tháng 3 ÂL năm 2017).
       Năm 2017, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ, gia đình ông đã ủng hộ 324 triệu đồng góp phần tri ân các anh hùng liệt sĩ địa phương. Hoàng Gia Bổn là tấm gương điển hình cho truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của người Việt Nam.
       Nghệ nhân Dân gian Hoàng Gia Bổn còn là gương mặt tiêu biểu, xuất sắc của Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng khi tích cực đóng góp tài chính giúp Hội hoạt động trong hoàn cảnh thiếu thốn kinh phí. Năm 2017, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng, ông đã ủng hộ phần lớn kinh phí để xuất bản 400 cuốn sách “Văn hóa-Văn nghệ dân gian Hải Phòng (quá khứ-hiện tại) và để tổ chức Lễ kỷ niệm này.
       Ông luôn là người hỗ trợ tài chính nhiều nhất trong số các thanh đồng và nhà hảo tâm mỗi khi Hội Văn nghệ Dân gian phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, từ thiện. Điển hình là năm 2018, khi Hội Văn nghệ Dân gian cùng CLB Bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu HP vận động tổ chức tặng quà cho các học sinh giỏi nhà nghèo của thành phố, thầy Hoàng Gia Bổn đã góp 50 triệu trong số 120 triệu đồng của CLB để mua 50 chiếc xe đạp tặng 50 cháu học sinh Hải Phòng vào ngày Hội Liên hiệp VHNT phối hợp với Sở Giáo dục-đào tạo Hải Phòng tổ chức lễ trao thưởng tại Nhà hát lớn thành phố.
       Với mong muốn giữ gìn, phát triển cơ sở tín ngưỡng-tâm linh tại 2 ngôi đền thiêng ở Đồ Sơn mà ông là thủ nhang, từ năm 2019 ông đã đầu tư cải tạo, xây dựng Long Sơn linh từ (đền Cô Chín suối Rồng) khang trang, rộng rãi hơn. Ông thổ lộ với tôi ý nguyện biến nơi đây thành trung tâm tổ chức các hoạt động tâm linh, diễn xướng chầu văn và hội họp hàng năm của Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng mà ông hiện là Phó Chủ tịch. Hiện tại ông đang xây mới đền thờ Chúa bà Ngũ Phương nguy nga, tố hảo trên nền đền thờ cũ cách Long Sơn linh từ khoảng 600m ở phường Ngọc Xuyên với kinh phí hơn chục tỷ đồng.
       Mong cho những nguyện vọng của ông sớm trở thành hiện thực để phục vụ đời sống văn hóa tâm linh người dân địa phương cũng như đóng góp tích cực cho hoạt động của Hội Văn nghệ Dân gian thành phố.
                (Nguồn: Người nghệ nhân giàu lòng từ thiện/Phạm Văn Thi//Văn nghệ dân gian Hải Phòng (quá khứ – hiện tại); Nxb Hải phòng. – 2017; Tr. 170-173)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học