
Hoa phượng đỏ bên bờ sông Lấp khi hè về.
Hoa Phượng đỏ từ lâu đã ghi tạc vào tâm hồn người Hải Phòng, đi vào thơ ca, nhạc, họa, tạo ấn tượng đẹp đẽ.
Không phải vô cớ mà ở nước ta, người ta thường gọi Hải Phòng là thành phố Hoa Phượng Đỏ.
Nếu ta biết rằng mỗi một loại cây, một góc phố cũ đều lưu giữ một phần linh hồn của thành phố. Gìn giữ hồn cốt xưa thì khó mà xóa bỏ thì dễ.
Đối với người Việt ta, một thành phố dù hiện đại đến đâu mà không có linh hồn thì chỉ là một thành phố trống rỗng không có sức sống. Vậy nên, giữ cho thành phố của mình hồn cốt xưa (dù chỉ một phần) là một yêu cầu tất yếu của những người làm công tác quy hoạch, xây dựng thành phố.
Hoa phượng được người Hải Phòng gọi tắt là cây ba giăng (có thể hiểu “giăng” chính là “trăng”). Ba giăng ở đây là 3 mùa trăng (3 tháng). Loại cây này thường nở trong 3 tháng mùa hè (tháng 5, 6, 7) nên người ta còn gọi cây phượng là cây ba giăng. Thường thì người ta gọi nó là cây phượng vĩ bởi hoa của nó màu đỏ rực rỡ, nở xòe 5 cánh giống như đuôi chim phượng.
Năm 1971 một trận bão lớn đã quật đổ 70% số cây phượng của Hải Phòng và một thời gian sau đó thành phố cho trồng thay thế bằng cây gạo gai vì cho rằng phượng vĩ lá nhỏ và thưa, hay rụng, ít bóng mát. Thế nhưng thực tế thời gian cho thấy chính cây gạo gai lại giòn, dễ gãy, đổ hơn cây phượng. Bởi vậy sau đó phượng vĩ lại được trồng đại trà trên địa bàn thành phố. Có lẽ không thành phố nào nào ở nước ta lại có nhiều hoa phượng đỏ như Hải Phòng.
Giờ đây, mỗi khi hè về, trùng với ngày kỷ niệm Hải Phòng giải phóng (13/5/1955) khắp các con phố của thành phố Cảng lại bừng nở sắc đỏ của hoa phượng. Và có một con đường còn được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “đường có nhiều hoa phượng nhất Việt Nam”. Đó là đường Phạm Văn Đồng (từ cầu Rào ra Đồ Sơn)
Có lẽ ít người Hải Phòng nào lại không biết bài hát “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” của nhạc sĩ Lương Vĩnh (phổ thơ Hải Như):
“Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ/ Ơi Hải Phòng thành phố quê hương/ Ta yêu thành phố quê ta như yêu chính người thương yêu nhất/ Những hẹn hò bên bờ sông Lấp/ Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm/ Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên/Những cái tên nghe chẳng thơ đâu/Nhưng với ta vô cùng oanh liệt…”
Đó là một số câu trong bài hát được cho là địa phương ca của Hải Phòng này. Nó khắc họa tình yêu quê hương và nhịp sống hối hả của một thành phố công nghiệp cùng những địa đanh thân thiết, niềm tự hào của người Hải Phòng về những chiến công cách mạng.
Xuất xứ của bài hát này như sau: Năm 1970, vợ chồng nhà thơ nổi tiếng Liên Xô, K.Xi-mô-nốp sang thăm Việt Nam và đến Hải Phòng. Cùng đi với vợ chồng nhà thơ Xô-viết, có nhà thơ Huy C ận, Hải Nhưòng và các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Hoàng Vân… Lúc ấy là mùa hè, TP. Hải Phòng đang rực rỡ hoa phượng đỏ.
Đi giữa thành phố Cảng rực rỡ hoa phượng đỏ trong những ngày cả nước sôi động cùng miền Nam đánh Mỹ, Hải Như xuất thần viết lên bài thơ “Thành phố Hoa phượng đỏ”. Hồi ấy, sự phân biệt trong quan niệm văn nghệ địa phương và văn nghệ Trung ương là rất lớn. Muốn phá bỏ khoảng cách đó, Hải Như nhờ Hội Âm nhạc Việt Nam và Sở Văn hóa – Thông tin thành phố Hải Phòng mời một nhạc sĩ địa phương chưa mấy tên tuổi cộng tác với mình để phổ nhạc cho lời thơ. Được Hội và Sở giới thiệu, ông yên tâm giao bài thơ của mình cho nhạc sĩ Lương Vĩnh, một nhạc sĩ thuộc Đoàn Ca-Múa-Nhạc Trung ương đang đi thực tế sáng tác ở Hải Phòng. Và 3 tháng sau, bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” đã được hát thử lần đầu tiên tại trụ sở Đoàn Ca múa Hải Phòng ở Phố Ga (nay là phố Lương Khánh Thiện). Người hát là Lương Vĩnh với cây ghi-ta gỗ, khán giả là nhà thơ Hải Như, nhạc sĩ Lê Yên và chị Ngọc – diễn viên múa, vợ nhạc sĩ Lương Vĩnh.
Ca sĩ Hoàng Thái (Đoàn Ca múa Hải Phòng) là người đầu tiên chính thức hát bài này trên sân khấu Hải Phòng đã gây xúc động lòng người. Và vào một chiều mùa hè năm 1971, NSƯT Kiều Hưng lần đầu tiên hát bài này trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam và bài hát lập tức được đông đảo công chúng cả nước yêu thích. Hơn 50 năm đã qua, bài hát Thành phố Hoa phượng đỏ vang lên vẫn tràn đầy sức sống, tình yêu và niềm lạc quan cách mạng của những người thợ, người chiến sĩ trong cuộc đấu tranh chống xâm lược Mỹ.
Hoa phượng đỏ, dần trở thành biểu tượng tự hào của người dân Hải Phòng trong ấn tượng và tình yêu của người dân nơi đây, cho nên:
Năm 2012, sau khi tổ chức thành công Lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ nhất, thành phố có chủ trương chọn một loài hoa làm biểu tượng của Hải Phòng. Ngành văn hóa-Thể thao-Du lịch khẩn trương xây dựng Đề án trình Thành phố. Tuy nhiên, việc chọn biểu trưng hoa rất khó, bởi hoa phải đáp ứng nhiều tiêu chí và nó phải là loài hoa tiêu biểu, được đông đảo nhân dân thành phố yêu thích… Rất nhiều loại hoa có tính đặc trưng của Hải Phòng được Ban soạn thảo Đề án đưa ra và trưng cầu ý kiến của các cơ quan, ban, ngành liên quan và người dân. 15.000 phiếu thăm dò ý kiến đã được chuyển đi khắp nơi, và kết quả là có tới 97% số phiếu chọn Hoa Phượng đỏ là biểu trưng hoa của thành phố.
Cây phượng vĩ là một loài thực vật có hoa thuộc họ đậu, sống ở vùng cận nhiệt đới gió mùa. Cây phượng vĩ có thể sống ở nhiều vùng thổ nhưỡng khác nhau, kể cả ở nơi đất bạc màu và không dễ bị quật ngã bởi bão tố, phong ba do nó thuộc cây thân mộc, có thể cao lớn nhất đến 20 mét, tán lá xòe rộng như những chiếc dù lớn, rễ phượng vĩ cũng rất chắc khỏe nên có thể bám chặt vào đất, hứng chịu những phong ba bão táp. Người Hải Phòng được ví như cây phượng vĩ, có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh sống và luôn kiên cường đương đầu với thử thách, phong ba, xứng đáng với 4 chữ vàng mà Hồ Chủ Tịch từng phong tặng “Trung dũng – Quyết thắng”.
Phượng vĩ Phượng vĩ vốn có nguồn gốc từ quốc đảo Madagascar (nguyên là thuộc địa của Pháp), người ta đã tìm thấy nó mọc dại trong các cánh rừng ở miền tây Malagasy. Phượng vĩ được người Pháp mang về trồng ở một số thành phố tại Việt Nam như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn vào những năm cuối thế kỷ 19. Không ngờ loại cây này cũng hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam và ngày một lan rộng khắp cả nước từ vỉa hè vào trường học, đến công viên…. Phượng vĩ có rất nhiều loại nhưng có ba loại cơ bản có màu đỏ, hồng pha trắng, tím. Trong đó màu đỏ có nhiều ở Hải Phòng, tím có nhiều ở Đà Lạt và trắng (rất ít) đang được nhân giống ở thành phố Ngàn Hoa này.
Hoa phượng tím ở Đà Lạt.
Ở Đà Lạt có một cây phượng trắng duy nhất trổ hoa tại Việt Nam do tiến sĩ Hà Ngọc Mai mang giống từ Úc về trồng từ năm 2000 và bắt đầu từ năm 2010, cứ đến độ cuối tháng ba, đầu tháng tư, cây phượng này trổ bông rợp trắng. Từ cây phượng trắng này, thành phố Đà Lạt đã và đang nhân giống để trồng, tạo thêm nhiều cây phượng đẹp hiếm có.
Hoa phượng trắng ở Đà Lạt.
Hoa phượng mọc thành cụm như chiếc ô trên đỉnh cây hoặc nách lá. Hoa phượng đỏ thường to, màu đỏ và sáng bóng với với 4 cánh hoa tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ hơi cam, dài 6-8 cm, còn cánh hoa thứ năm mọc thẳng, cánh hoa này lớn hơn một chút so với 4 cánh kia và lốm đốm màu trắng/vàng hoặc cam/vàng (cũng có khi trắng/đỏ).. Quả đậu hình dải, dẹt, khi quả chính có màu nâu đen. Cây phượng thường ra hoa vào tháng 5 – 7, ra quả vào tháng 8 -10.
Phượng Tím lại có hình dáng khác. Cánh hoa hình chuông, rũ xuống tạo nên sự mềm mại, đẹp đẽ. Hoa có màu tím nhẹ nhàng, đây cũng là màu tượng trưng cho lòng thuỷ chungcủa con người. Do đó, hoa phượng tím thường là đại diện cho tình yêu thủy chung, thơ mộng.
Còn hoa phượng đỏ lại đại diện cho tình yêu thắm thiết, cháy hết mình dưới nắng hè gay gắt rồi mới rụng tàn phai. Hoa phượng đỏ vì thế còn đại diện cho màu cách mạng, màu của cờ đỏ sao vàng.
Hoa phượng không kiêu sa, rực rỡ như một số loài hoa khác nhưng với những người dân thành phố Hải Phòng nó là loài hoa đáng được coi là biểu tượng của thành phố Cảng thân yêu.
Thi Văn.