Hình tượng ngựa trắng trong văn hóa Đông-Tây và tín ngưỡng thờ thần Bạch Mã của người Việt

 

Tượng ngựa trắng và đỏ trong đình, đền.

Ngựa là một trong 12 con giáp của văn hóa Phương Đông, đại diện cho chi Ngọ và là một con vật rất gần gũi với đời sống con người. Nó còn là một hình tượng đa dạng trong các nền văn hóa thế giới cũng như tôn giáo, trong đó hình tượng ngựa trắng (bạch mã) lại có một ý nghĩa đặc biệt. Trong các giai thoại, thần tích thì các nhân vật anh hùng, thần thánh thực thi sứ mệnh cao cả hầu như đều cưỡi ngựa trắng mà đức Phật Thích  Ca Mâu Ni là một ví dụ điển hình. Thái tử Tất Đạt Đa trước khi trở thành Phật đã cưỡi con Kanthaka (Kiền Trắc Mã, theo âm Hán-Việt) trong đêm, từ bỏ hoàng cung ra đi tìm đường tu để giải thoát cho mình và chúng sinh khỏi nỗi khổ trần thế. Con ngựa này khi trở về hoàng cung đã buồn bã nhịn ăn uống mà chết. Theo các kinh sách Phật giáo, sau khi thái tử Tất Đạt Đa thành Phật, Kanthaka được tái sinh làm một người Bà-la-môn và đều đặn đến chú tâm nghe Đức Phật giảng Pháp, đi đến giác ngộ, được giải thoát và nhập Niết-bàn.

Cũng có thể thấy nguồn gốc của ngựa trắng liên quan đến Phật giáo là sự kiện: năm 67 (sau CN), hai Thiền sư Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dùng ngựa trắng chở kinh Phật từ Tây Trúc sang Lạc Dương (Trung Quốc), đánh dấu việc khởi truyền Phật pháp ở xứ Đông Độ (Từ điển Phật học Huệ Quang (cảo bản); Thích Minh Cảnh chủ biên.- 1996). Ở đây, ngựa trắng biểu thị cho sự phổ hóa Phật pháp.

Hình ảnh ngựa được thể hiện rộng rãi trong văn học dân gian, tranh vẽ, tranh thêu, điêu khắc, và đồ gốm – sứ cổ và hiện đại. Con ngựa (cả hình tượng lai tạp như long mã hay nhân mã) với các màu sắc khác nhau dường như đều có mục đích thể hiện ý nghĩa văn hóa hay tâm linh nhất định. Có thể nói hình tượng ngựa rất phổ biến trong văn hóa Đông – Tây.

Trong tranh dân gian Đông Hồ nước ta có một bức vẽ con ngựa không có người cưỡi mà lại có lọng che rất trang nghiêm. Chính “khoảng trống” dưới mái lọng che ấy là Đức Phật (theo Phật thoại: trời Đế Thích cầm lọng che cho thái tử Sakyamuni trên đường xuất gia). Trong Ấn Độ giáo thần Kalki (hay Kalkin) – vị thần biểu trưng cho tương lai, hóa thân thứ 10 của thần Vishnu cũng là con ngựa trắng.

Màu trắng được cho là màu của chiến thắng. Cho nên nhiều anh hùng, thánh nhân chiến thắng kẻ thù thường cưỡi ngựa trắng như một biểu tượng của sự đăng quang. Biểu tượng này còn được thể hiện trong Kinh thánh của đạo Thiên chúa. Đấng Cứu thế (Chúa trời) cưỡi ngựa bạch trong chương 19 của sách Khải huyền ra đi để chiến thắng kẻ thù. Ngài đem đến hòa bình và ơn cứu chuộc. Trong thần thoại Hy Lạp có con ngựa Pegasus. Nó là con ngựa thần, có cánh như chim đại bàng, lông trắng muốt. Sau khi giúp đỡ người anh hùng Hy Lạp Bellerophon đánh bại Chimera, thần Zeus (chúa tể của các thần) đã biến ngựa Pegasus thành một chòm sao đó là chòm sao có tên Nhân Mã (một trong 12 chòm sao của cung Hoàng đạo).

Ở Việt Nam, trong các đình, đền, miếu, phủ người ta thường đặt tượng ngựa đá, ngựa gỗ sơn son, sơn trắng làm con vật thờ, bởi nó là con vật mà các vị Thành Hoàng, thần linh, nhân thần thường cưỡi khi đánh trận hay di chuyển, làm việc (Thường là hai con ngựa gỗ giống nhau nhưng một con màu trắng, một con màu đỏ đặt hai bên đối xứng như âm – dương hòa hợp). Trong đó con màu trắng (màu hành Kim trong dịch lý Ngũ hành) thuộc về phương Tây (phương của Phật nên mới gọi Tây phương cực lạc), tượng trưng cho gió, sự di chuyển. Màu trắng là màu sắc của sự khởi đầu, đồng thời cũng là sự kết thúc trọn vẹn. Màu trắng còn có tính lạnh (âm)

Con màu đỏ (màu hành Hỏa trong Ngũ hành) thuộc về phương Nam, tượng trưng cho thánh thần  nên mới có câu: Thánh nhân ngồi quay mặt hướng nam nghe thiên hạ tâu bày. Màu đỏ có tính nóng, cũng là màu của mặt trời (dương).

Vậy là tượng ngựa trắng và ngựa đỏ không chỉ muốn nói đến sự hài hòa âm – dương mà còn tượng trưng cho phương tiện di chuyển của Thần, Phật.

Trong các đình làng ở miền Nam hay miền Trung (nhất là vùng ven biển) người ta thường thờ thần Bạch Mã với tên gọi Bạch Mã Thái Giám (mà để giải thích tại sao thì trong bài sau tác giả sẽ trình bày). Tại các xứ này, Bạch Mã Thái Giám được coi là vị thần phù hộ cho giới thương nhân buôn bán bằng đường thủy hay đường bộ.

Dân gian vùng này thường cho rằng tượng ngựa trắng thờ ở đình là con vật cưỡi của Thành Hoàng làng và là thuộc hạ hầu cận – Thái giám/ hoạn quan (nên mới gọi là Bạch Mã Thái giám). Điều này nghe ra không thỏa đáng. Đó là cách hiểu thế tục, còn trong truyền thống Phật giáo, ngựa trắng/bạch mã được coi là Balaha – hóa thân của Bồ Tát quan Thế Âm, hay chính là Phật. Thường thì triều Nguyễn xếp Bạch Mã Thái Giám vào bậc Trung đẳng thần. Song ở một số làng ở Thừa Thiên Huế, Bạch Mã Thái Giám được cấp sắc là Thượng đẳng thần, trong khi đó, thần Thành Hoàng đa phần chỉ là thần Hạ đẳng. Nghĩa là Thành Hoàng còn là vị thần có thứ hạng thấp hơn thần Bạch Mã Thái Giám.

Vì Bạch Mã Thái Giám cũng là hóa thân của Bồ Tát nên được nhà Nguyễn phong tặng danh hiệu “Dương Uy Ngự Vũ Bão Chướng Kiện Thuận Hòa Nhu Hàm Quang, Thượng Đẳng Thần” vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5. Bên cạnh đó, Thần Bạch Mã trở thành thần đồng tự với thần Thành hoàng nên được vua Thiệu Trị phong “Lợi Vật Kiện Thuận, Hòa Nhu Chi Thần” – vị thần mang lại lợi ích cho nhân gian. Bạch Mã Thái Giám là vị thần của triều đình và cũng là vị thần của dân gian.

Hình tượng ngựa trắng còn được thể hiện trong thần tích Việt Nam ở đền thờ thần Bạch Mã (Long Đỗ) ở Hà Nội:

Tương truyền khi Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư đến Đại La, đổi tên thành Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo tại đền thờ thần Long Đỗ. Chợt người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân tại đó, và cuối cùng vào đền rồi biến mất. Nhà vua biết là thần Long Đỗ hiển linh hóa thân vào con ngựa trắng giúp mình xây thành, nên cứ theo vết chân ngựa mà đắp thì thành không lở nữa. Sau khi thành xây xong, vua sai người đúc tượng ngựa trắng để thờ tại đền thần Long Đỗ, phong thần làm thành hoàng của Thăng Long, trấn giữ, bảo vệ cho kinh kỳ. Các triều đại phong kiến sau này cũng tôn kính mà phong thần Long Đỗ là Bạch Mã Thượng đẳng thần, rồi Bạch Mã Quảng Lợi tối linh Thượng đẳng thần để muôn đời thờ phụng. Đền Bạch Mã đã trở thành một trong những Tứ trấn của Thăng Long nghìn năm văn hiến là vì lý do này.

Nhiều nơi ở Hải Phòng cũng thờ hình tượng Bạch Mã hay Long Mã.

Con ngựa Long Mã với đầu rồng, thân ngựa, vẩy cá chép, chân hươu, đuôi bò ở chùa Trà Phương thuộc Kiến Thụy – Hải Phòng (dấu ấn điêu khắc thời Mạc) – gắn với nguồn nước, biểu hiện cho vua chúa và ý chí tung hoành ngang dọc của thánh nhân trên trời, dưới nước, trên mặt đất.

Ít ai biết rằng ở làng Lệ Tảo thuộc phường Nam Sơn, quận Kiến An người dân cũng lấy thần Long Đỗ Bạch Mã làm Thành hoàng làng để thờ tự và sự tích xây đình cũng gắn liền với sự hiển linh của vị thần cưỡi con ngựa trắng.

Báo Công lý số ra ngày 05/01/2015 ghi lại lời kể của Ông Nguyễn Văn Hứa, Trưởng ban Trị sự đình Lệ Tảo về câu chuyện mang màu sắc ly kỳ:

“Tương truyền vào năm 1813, làng quyết định xây đình thờ thành hoàng làng “Bạch Thiên Quan Cán trúc tôn thần”, nhưng không hiểu sao đình cứ xây xong lại đổ, mấy năm liền không hoàn thành. Sau các cụ cao niên trong làng nhiều lần nằm chiêm bao thấy thần Long Đỗ cưỡi con bạch mã về báo mộng muốn giúp dân xây đình. Thế là ngay sau đó, làng phải cử người lên tận kinh thành để làm lễ, xin dấu, ấn của đền Bạch Mã. Kỳ lạ thay, kể từ đó đình làng nhanh chóng được hoàn thành và vững vàng qua bao thăng trầm thời gian cho đến tận ngày nay. Ghi nhớ công ơn này, nhân dân trong làng quyết định thờ thêm thần Long Đỗ Bạch Mã làm Thành hoàng, ngựa trắng trở thành vật thờ cúng thiêng trong đình”.

Xin nói thêm, dân Lệ Cảo (tên gọi xưa của những di dân từ kinh kỳ Thăng Long đến định cư) vốn thờ thần Long Đỗ (Bạch Mã) và đình Lệ Tảo là Di tích lịch sử được thành phố Hải Phòng cấp bằng công nhận năm 2003. Ở đây hiện còn lưu giữ được 7 đạo sắc phong của triều Nguyễn, từ đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định…

Từ văn học dân gian đến nghệ thuật hội họa, điêu khắc và các câu chuyện thần thoại, thần tích, ta thấy hình tượng ngựa, nhất là ngựa trắng là một đối tượng thiêng liêng được người ta tôn thờ. Ngựa trắng ở miền Bắc hay Bạch Mã Thái giám (theo cách gọi người miền Trung, miền Nam) được coi như thần thánh trong tín ngưỡng dân gian với những lý do như đã trình bày ở trên.

PV. Thi sưu tầm, chú giải

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học