Gặp lại với vị tướng với phong trào “Làm giàu , đánh thắng”

Kênh đào Cái Tráp – tuyến đường thủy nhân tạo quan trọng của Hải Phòng.

       Thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân từng nổi danh một thời khi đảm nhiệm các cương vị quan trọng tại thành phố Cảng, đặc biệt là thời gian làm Chính ủy và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Hải Phòng với phong tràoLàm giàu, đánh thắng” và các công trình an dân. Cụ nổi danh khi bị khép tội chủ mưu trong vụ án kinh tế năm 1987, rồi sau đó lại được minh oan. Thời gian lặng lẽ trôi và con người nổi danh ấy với bao thăng trầm, ẩn ức trong cuộc đời đã bước sang tuổi 90. (Thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân, Chỉ huy trưởng cùng nhiều bị cáo cũng là cán bộ chỉ huy các cấp thuộc Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng bị Toà án quân sự cấp cao xét xử ngày 7/9/1987 với cáo buộc “lợi dụng chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế  phạm tội đầu cơ, buôn lậu, tham ô, cố ý làm trái…”)
       “ Một thời sôi nổi trên đất Cảng”
       Gặp Thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân, chúng tôi vẫn thấy ở cụ phong thái đĩnh đạc, cẩn chắc. Cụ kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng sôi nổi nhiệt huyết cùng quân và dân thành phố Cảng chiến đấu và xây dựng Hải Phòng, đôi mắt người lính cụ Hồ vẫn ánh lên niềm tự hào, lạc quan.
       Những năm đánh Mỹ, ở Quân khu 3, trên trận địa tiền tiêu của Trung đoàn 50 đóng quân tại Đồ Sơn, Hòn Dấu; ngoài đảo xa của trận địa mặt biển Cát Hải, Cát Bà; trận địa pháo bờ biển Vinh Quang (Tiên Lãng), Đường 10, Đường 5…Cụ và đồng đội phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn làm nên những chiến công oanh liệt chiến đấu chống các cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay B52 của giặc Mỹ vào thành phố Cảng; làm thất bại kế hoạch phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi, bom mìn dày đặc…mở đường biển chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam.
       Đất nước thống nhất (1975), cảng Hải Phòng là nơi xuất nhập khẩu, có thời điểm lên đến hàng triệu tấn/năm. Trong khi đó, cách làm ăn thời chiến, bao cấp không còn phù hợp, không thể đáp ứng yêu cầu thực tế. Hàng hóa ứ đọng, mất mát, xuống cấp, nhiều tiêu cực nảy sinh. Được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ quốc phòng, Quân khu 3 trực tiếp tham gia và chỉ đạo Bộ CHQS Hải Phòng đứng ra xây dựng lại Cảng.Với cương vị là Chỉ huy trưởng, cụ dũng cảm đi đầu chống tiêu cực tại Cảng; tổ chức cho quân, dân và tự vệ ra Quảng Ninh, Cát Bà, Bạch Long Vĩ…giữ trận địa Đông Bắc Tổ quốc. Những năm tháng ấy, kết hợp kinh tế với quốc phòng, Hải Phòng “ quai đê lấn biển” trong phong trào “Làm giàu, đánh thắng”. Những công trình mang tính lịch sử và chiến lược đã hình thành: Đào kênh Cái Tráp dài 4,5km cho tàu 10 nghìn tấn vào Cảng; khai hoang 2.200ha mở đường 14 (nay là đường Mạc Quyết, quận Dương Kinh) và quận Đồ Sơn tạo thành khu công nghiệp và khu dân cư mới; khai hoang, lấn biển ở xã Vinh Quang ( Tiên Lãng) 2.500ha; phục hóa 900ha ở khu đảo Đình Vũ; đắp đê bao đường 14; mở đường xuyên đảo từ nội thành ra Cát Bà dài 30km.
       Cụ Xuân khi nói chuyện với chúng tôi luôn nhắc đến cụm từ  “Tôi đã cùng đồng chí, đồng đội” như một sự khẳng định việc làm và thành quả có được ngày đó đều do sự đồng tâm nhất trí của tập thể. Cụ cùng tập thể đã tạo nên thế và lực mới cho Hải Phòng ở thời kì đó.
       Kiên trung với niềm tin chiến thắng
       Gần một phần tư thế kỷ sống ,chiến đấu và làm việc trên thành phố Cảng, Thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân đã có những đóng góp không nhỏ cho mảnh đất sôi động này; nơi ghi dấu những thành công trong cuộc đời binh nghiệp của cụ. Và cũng ở đó, cụ và một số đồng đội thuộc Bộ CHQS Hải Phòng đã phải chịu đựng những oan nghiệt của một vụ án mang tên “ Vụ án lớn về kinh tế Nguyễn Trường Xuân” được công khai xét xử tháng 9/1987.
       26 năm nữa lại trôi qua kể từ tháng 9/1987, cụ và 20 cán bộ dưới quyền ở Bộ CHQS Hải Phòng đã nói lên nhiều điều trước công luận; họ cùng lực lượng vũ trang thành phố thực hiện thắng lợi kế hoạch chiến lược của Quân khu 3 và Thành Ủy Hải Phòng, vừa làm tốt nhiệm vụ quân sự, vừa làm tốt nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng, thực hiện chính sách hậu phương quân đội…
       Với Liên hiệp Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Pháp Cổ (Thủy Nguyên) và Xí nghiệp cơ khí Kiến An, 5 đoàn xà lan có sức chở hơn 3.000 tấn, 50 xe vận tải các loại và nhiều cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng, Bộ CHQS Hải Phòng đã xây dựng thành công 15 công trình tầm cỡ kết hợp kinh tế với quốc phòng, lấn biển để tạo ra diện tích gần bằng một huyện; xây dựng và sửa chữa gần 4.000 nhà tình nghĩa, giúp gần 1.000 cán bộ trong và ngoài Quân đội được mua 1 tạ sắt, 3 tạ xi măng, 4 tấn vôi/ mỗi gia đình theo giá cung cấp để tu sửa nhà ở sau chiến tranh…Song việc làm của họ bị luận thành 7 tội, mà cụ Xuân phải gánh 6 tội, 63 năm tù qui ra 20 năm tù giam. Tuy vậy, những người chịu án trong vụ này luôn giữ được sự trong sáng trong suy nghĩ, hành động, nghiêm túc chấp hành bản án mặc dù có nhiều ẩn ức.
       Chỉ sau 3 năm( 9/1990) thực hiện án, cụ và đồng đội được minh oan, được trở về với sự thật. Dẫu day dứt về tinh thần, suy giảm về sức khỏe, song cụ vẫn đến chào và báo cáo với cấp trên những phấn đấu để vượt qua giông tố trong thời khắc ngặt nghèo. Hành động đó càng thể hiện bản lĩnh cách mạng của “Bộ đội Cụ Hồ” trong cụ và đồng đội.
       Bản chất tốt đẹp đó đã được những người tường tận vụ việc cảm thông chia sẻ; nhiều lãnh đạo các cấp, các tổ chức, cá nhân đã đề nghị Tòa xem xét lại vụ án Nguyễn Trường Xuân. Ngày 24/8/1992,Hội đồng Nhà nước ra quyết định số 626/ NĐ- HĐNN “Trả lại tự do cho Nguyễn Trường Xuân và được nối lại thời gian công tác”.Cụ được hưởng lương chuyên viên bậc 7 (theo mức lương qui định trước tháng 10/1993).
       Trở về cuộc sống của một quân nhân hưu trí, cụ và gia đình vẫn sống thanh bạch, chắt chiu, nhẫn nại. Không ngoái lại quá khứ bằng con mắt giận hờn mà bằng cách nhìn biện chứng. Cụ thể, muốn cái gì thuộc về lịch sử thì hãy chân thật với nó. Khi đã bước sang tuổi 90, cái tuổi gần đất xa trời cụ vẫn là một người chồng, người cha gương mẫu, hội viên Hội Người cao tuổi  tích cực ở Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.
       Như lời anh Nguyễn Văn Quân, con trai cả của cụ chia sẻ: “Đến giờ, tôi mới hiểu hết bản lĩnh và tấm lòng của cha tôi đối với nhân dân, quê hương đất nước và đồng đội. Đó cũng là cái phúc của gia đình chúng tôi”.

       (Nguồn: Gặp lại vị tướng với phong trào “ Làm giàu, đánh thắng”/ Bích Trang// Báo Người cao tuổi; số 196 tháng 6/ 2013.- tr. 26-27)

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học