Dương Xuyên hầu Dương Đức Nhan (nhân vật lịch sử Hải Phòng).

          Vua Lê Thánh Tông trị vì trong suốt 38 năm (từ niên hiệu Quang Thuận 1460 – 1469 đến Hồng Vua Lê Thánh Tông trị vì trong suốt 38 năm (từ niên hiệu Quang Thuận 1460 – 1469 đến Hồng Dương Đức Nhan là nhạc phụ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dương Đức Nhan đỗ tiến sĩ năm Quý Mùi (1463) khoa thi thứ tư đời Lê Thánh Tông (cùng khoa với Nhữ Văn Lan – ông ngoại Trạng Trình). Dương Đức Nhan làm quan đến chức Hình bộ Hữu thị lang, tước Dương xuyên Hầu (tước cao thứ hai trong hàng quý tộc được phong). Ông là tác giả của tuyển tập thơ 5 quyển rất nổi tiếng gọi là “Tinh tuyển chư gia luật thi” (gọi tắt là Tinh tuyển thi tập hay Cổ kim thi gia tinh tuyển), gồm 472 bài thơ của 13 tác giả từ cuối đời Trần đến đầu thời Lê.
          Dương Đức Nhan là người ở xã Hà Dương, tổng Hạ Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Hà Dương, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Hiện nay ở Hà Dương – Vĩnh Bảo, dòng họ Dương Đức còn đông đúc. Con cháu trực hệ Dương Đức Nhan di cư lên Thăng Long, sau trải loạn lạc và cũng qua nhiều đời rồi lên không còn giữ được liên hệ với họ mạc nơi quê hương.
          Ông là học trò của Thám hoa Lương Nhữ Học. Ở trang đầu của cuốn Tinh tuyển chư gia luật thi do Dương Đức Nhan sưu tầm, biên soạn có ghi câu “Hồng Châu Lương Thám hoa phê điểm, môn nhân Dương Đức Nhan soạn. Nghĩa là cuốn Tinh tuyển chư gia luật thi do Thám hoa Lương Nhữ Học ở Hồng Châu khảo đính, học trò là Dương Đức Nhan soạn. Căn cứ vào đây các nhà nghiên cứu cho rằng ông soạn cuốn này trước năm 1463 là năm ông đỗ Tiến sĩ. Vì lúc soạn cuốn này Dương Đức Nhan còn đang là môn nhân của thầy dạy là Thám hoa Lương Nhữ Học (trước khi ông dự thi Hội)
          Vào năm 1501 ông về trí sỹ tại quê và hưng công Hoa Am (chùa Am). Bốn chục năm sau, con rể ông là Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy tên Hoa Am đặt cho làng ven sông Đuống là Hoa Am. Đến thời Thiệu Trị đổi thành Thanh Am. Đây có thể coi là làng Am thứ 19 của lục tổng khu dưới Vĩnh Bảo.
          Tác phẩm duy nhất và nổi tiếng của ông còn để lại là bộ Tinh tuyển chư gia luật thi nói trên. Ông còn được biết đến là nhạc phụ của danh nhân văn hóa nổi tiếng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Con gái Dương Đức Nhan là người vợ đầu của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về chuyện Trạng Trình lấy con gái ông lưu truyền một giai thoại như sau:
          Khi đến tuổi trưởng thành, ngoài chuyện học hành, văn chương, thơ phú, Nguyễn Bỉnh Khiêm có sở thích cùng bạn bè dạo chơi, thăm thú các danh lam, thắng cảnh và trong một lần đi du ngoạn, ông đã gặp mối lương duyên đầu tiên của mình. Hôm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi qua đất Hà Dương (nay là xã Hà Dương, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) thì tình cờ gặp một cô gái đi gánh nước. Trông “người yểu điệu, nét hảo cầu”, duyên dáng, xinh đẹp khiến cho chàng trai họ Nguyễn ngẩn ngơ, xao xuyến đem lòng yêu mến, cứ tiến đến gần nhìn say đắm làm cô gái xấu hổ vứt cả quang gánh bỏ chạy.
          Nguyễn Bỉnh Khiêm giật mình như tỉnh mộng vì hành động có phần “sỗ sàng” của mình nhưng không biết nói sao chỉ trông theo thở dài. Chợt thấy chiếc đòn gánh dưới đường, chàng cúi xuống nhặt lên và nảy ra một ý, viết lên trên đó bốn chữ “Huyền lý hảo cầu” rồi bỏ đi.
          Cô gái chờ cho chàng trai lạ mặt đi xa mới quay lại lấy đòn gánh, đọc thấy dòng chữ nhưng không hiểu có ý là gì bèn vội vàng trở về thưa chuyện với cha. Thấy con gái mình mặt còn đỏ lên vì ngượng, lại hỏi ngay ý tứ của dòng chữ trên đòn gánh, biết có chuyện vui, người cha đọc to bốn chữ rồi cười lớn và giải thích “Huyền lý hảo cầu” nghĩa là từ nơi xa đến tìm điều tốt lành. Nói xong ông hỏi con gái:
          – “Ai viết cho con những chữ này?”.
          Cô gái đáp:
          – “Dạ, đó là một anh học trò qua đường!”.
          Nghe xong, ông cả cười mà nói:
          – “A, phải chăng chàng trai này muốn nói mình từ nơi xa đến tìm người con gái tốt để làm hồng nhan tri kỷ? Với khẩu khí này, ta đoán cậu ta là học trò yêu của quan Bảng nhãn Lương Đắc Bằng chứ không sai”.
          Thấy cha vui cười, lòng cô gái xốn xang vội lánh vào phòng để che giấu tình cảm của mình đang thể hiện rõ trên khuôn mặt xinh đẹp. Dù không dám hỏi nhưng cô đã biết rõ tên của người ấy, một chàng trai nổi tiếng thông minh mà cha cô thường khen ngợi mỗi khi nhắc tới những học trò của người bạn đồng liêu.
          Không lâu sau đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận được giấy mời của cha cô gái gánh nước mà chàng tình cờ đã gặp và kể từ đấy cuộc tình duyên thắm đẹp giữa hai người chính thức được bắt đầu với sự vun vén của hai gia đình, cuối cùng là lễ thành hôn của đôi trai tài gái sắc.
          Các tư liệu không cho biết tên người vợ cả (chính thất) của Nguyễn Bỉnh Khiêm, chỉ biết rằng bà họ Dương, hiệu là Từ Ý, ái nữ của Dương Đức Nhan.

          Thi Văn biên soạn theo: Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế: Từ điển nhân  vật lịch sử Việt Nam (từ  mục“Dương Đức Nhan”).- Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1992; Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. – Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003; Báo Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh online, ngày 09/09/2015.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học