Đường Hồ Sen xưa và nay.

Đường Hồ Sen trước khi nằm trong trục giao thông mới Hồ Sen – Cầu Rào 2.

          Đường Hồ Sen kéo dài từ phố Tô Hiệu đến phố Nguyễn Công Trứ, dài 610m. Vùng Hồ Sen vốn là khu hồ ao của xã Hàng Kênh cũ. Cho đến năm 1925 vùng này vẫn là ngoại vi thành phố. Năm 1926, trên bản đồ quy hoạch thành phố, đường Hồ Sen nằm trong dự kiến sẽ được mở trong tương lai nhưng cho đến tận thời Pháp tạm chiếm 1947 – tháng 5/1955) vẫn chưa triển khai được bao nhiêu và nơi đây vẫn chỉ có một con đường ngoằn ngoèo chạy qua một vùng đầm ao rộng.
          Trước khi tiếp quản thành phố (1955), đoạn từ ngã tư Trại Cau đến ngã ba Hồ Sen – chợ Con vẫn thuọc phố Chợ Con (khu Dư Hàng). Sau khi thành phố chính thức lập đường Hồ Sen, đoạn nói trên mới được đưa về đường Hồ Sen.
          Hồ Sen trước đây trồng sen, ngoài ra những nhà ven hồ còn thả bèo, rau cần, rau dút, rau muống…nên hồ mang lại nguồn lợi không nhỏ cho người dân quanh hồ trong một thời gian khá dài. Có lẽ con đường chạy qua đây vì vậy mà được gọi là đường Hồ Sen.
          Khoảng vài chục năm gần đây hồ hết sen, các loại rau cũng ít được thả rồi mất hẳn. Cuối đường Hồ Sen có từ Vũ thờ nhân vật lịch sử Vũ Chí Thắng, người địa phương, đã theo giúp Trần Hưng Đạo làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Sau khi ông qua đời, được nhân dân lập đền thờ. Từ Vũ từng được dùng làm trụ sở của Đoàn múa rối thành phố.
          Năm 1976, thành phố tiến hành san lấp lớn khu vực phía tây dường Hồ Sen. Lúc đầu dự kiến đây sẽ là trung tâm của thành phố trong tương lai với những tòa nhà của các cơ quan cấp Thành phố. Sau dự kiến này không thực hiện nữa nên cả vùng đất được giao cho quận Lê Chân quản lý. Sau đó, trên vùng đất này đã mọc lên nhiều tòa nhà và những công trình kiến trúc đẹp như trung tâm Du lịch Công đoàn, cơ sở của công ty xây dựng. Đoạn từ ngã tư Tô Hiệu đến nga ba Hồ Sen – chợ Con tuy ngắn nhưng là một đoạn đường vào loại đẹp của thành phố hiện nay. Đường Hồ Sen phát triển mạnh từ những năm đầu thập kỷ 90. Nay phía tây đường đã kín nhà cửa. Phía đông đường, từ ngã ba Hồ Sen – chợ Con đến ngã ba rẽ sang đường Dư Hàng vẫn còn là hồ.
          Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ngã tư Trại Cau là một trong những tuyến phòng ngự của ta, chặn không cho quân Pháp triến khai chiến sự ra vùng ngoại vi thành phố. Ở đây cọc nhọn được đóng ken dày bằng các thanh đường ray, thanh sắt và các cây gỗ cao 2-3 m để chống xe cơ giới Pháp. Từ ngày 20/11 đến ngày 1/12/1946, tự vệ khu 5 cùng bộ đội đã theo đường Hồ Sen tấn công địch ở ngã tư Trại Cau, gây nhiều thiệt hại cho chúng.
          Trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ và đến tận cuối những năm 80, bến xe ô-tô đi Hà Nội và một số tuyến đã được đặt gần ngã tư Hồ Sen-Chợ Con. Trong những năm này toàn bộ đường Hồ Sen vẫn còn rải đá. Hiện nay bên đường Hồ Sen còn có sân vận động và Trung tâm Văn hóa-thể thao cùng trụ sở HĐND-UBND và Đảng ủy quận Lê Chân. Khu vực này cùng khách sạn Công đoàn giờ đây tạo thành một quần thể kiến trúc-xây dựng đẹp cùng với Hồ Sen tuy đã bị thu hẹp nhưng trở lên sạch sẽ, phong quang sau khi tuyến đường Hồ Sen – cầu Rào 2 hoàn thành.
          Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 được triển khai từ năm 2018 đến năm 2020 (được khánh thành trước ngày 10/10/2020) nhằm xây dựng tuyến đường trục giao thông kết nối khu vực trung tâm thành phố với Quốc lộ 5, đường Phạm Văn Đồng và khu vực phía nam thành phố, là cửa ngõ chính của thành phố thông thương đi các tỉnh và cả nước theo các trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đường cao tốc ven biển.
          Dự án góp phần hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm lưu lượng giao thông cho tuyến đường Cầu Đất – Lạch Tray – Cầu Rào 1, phát huy hiệu quả khai thác Cầu Rào 2, từng bước giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông đô thị cho người và phương tiện lưu thông qua nút giao Nguyễn Văn Linh – Cầu Rào 2.
          Đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 gồm 3 phân đoạn: Đoạn từ đường Chợ Con đến đường Tô Hiệu; Đoạn từ nút giao cầu vượt đường Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 Chợ Con; Đoạn từ cầu vượt Nguyễn Văn Linh đến chân cầu Rào 2 (sau đượt đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp).
          – Đoạn từ đường Chợ Con đến đường Tô Hiệu có quy mô: Đầu tư xây dựng, mở rộng mặt đường, hè đoạn từ đường Chợ Con đến đường Tô Hiệu đạt tiêu chuẩn đường trục chính đô thị cấp thứ yếu theo TCXDVN 104: 2007. Đường đô thị với bề rộng làn đường rộng 32,5m, mặt đường rộng 22,5m, gồm 4 làn xe cơ giới (4×3,75m), 2 làn xe hỗn hợp (2×3,25m), dải an toàn 2×0,5m; hè đường hai bên (2×5,0m). Kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên đoạn tuyến, gồm: thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, tuynel kỹ thuật…
          – Đoạn Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 Chợ Con có quy mô: xây dựng nút giao khác mức đường Nguyễn Văn Linh, xây dựng trục đường từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con có tổng chiều dài tuyến hơn 1.590m; bề rộng nền đường từ 32,5m đến 42m theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60km/h.
          – Đường Võ Nguyên Giáp (đoạn cuối đường hồ Sen-Cầu Rào 2) có chiều dài 2.115m; điểm đầu từ nhà số 387 đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối đến Cầu Rào 2. Đây chính là phần phía Nam của tuyến đường Hồ Sen – Cầu Rào 2. Lòng đường rộng 26m, vỉa hè mỗi bên rộng từ 4 đến 10m, có dải phân cách cứng rộng từ 2 – 10m; có hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước ngầm, cây xanh 2 bên đường.
          Giờ đây khi con đường Hồ Sen – cầu Rào 2 mới được mở rộng thênh thang, đẹp đẽ thì con đường cũ đã thay đổi hẳn diện mạo, cùng với nó nhà cửa và các công trình dịch vụ, kinh doanh mới mọc lên khang trang, đẹp đẽ góp phần tô điểm bộ mặt đô thị Hải Phòng trên con đường phấn đấu trở thành Thành phố văn minh, hiện đại vào năm 2045.

Đường Hồ Sen mới sau khi khánh thành trục giao thông Hồ Sen – Cầu Rào 2.

P.V Thi.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học