Đốc Tít và cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược.

Tranh minh họa lãnh tụ cuộc khởi nghĩa – Đốc Tít.

          Đốc Tít (sinh năm 1853 – mất năm 1916), tên thật là Mạc Văn Tích (Tiết), còn gọi là Nguyễn Xuân Tiết (hay Nguyễn Đức Hiệu), tự Tất Thắng, người làng Yên Lưu Thượng, tổng Yên Lưu, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thôn Yên Lưu Thượng, xã An Lưu, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Tổ tiên ông họ Mạc, là dòng dõi vương triều Mạc, vì tránh sự trả thù của triều đình Lê Trịnh mà phải di cư về đây, thay tên, đổi sanhg họ Nguyễn. Mạc Văn Tích vì vậy cũng mang họ Nguyễn (gốc Mạc) là Nguyễn Xuân Tiết (hay Nguyễn Đức Hiệu), còn tên kèm chức “Đốc Tít” là do người Pháp phát âm sai từ chữ Tiết mà ra.
          Sau Nguyễn Xuân Tiết về Thủy Nguyên định cư, lấy vợ người làng Phù Lưu (nay thuộc xã Phù Ninh), huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
          Theo truyền ngôn, Mạc Văn Tích dáng người nhỏ bé, nhưng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, rất giỏi võ và lại có nhiều tài lẻ. Thường truyền, khi ông còn nhỏ, bố mẹ ông có tham gia một cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn, bị kết tội phản nghịch phải đi trốn, gửi chị em ông nhờ người em trai nuôi. Người chú ông theo học ông thầy đồ nổi tiếng trong làng, thầy đồ là người có tinh thần yêu nước, thương dân, căm ghét chế độ bất công, hà khắc của triều đình nhà Nguyễn, nhất là khi triều đình đầu hàng giặc Pháp…Có lẽ vì vậy ông sớm ảnh hưởng những tư tưởng này từ gia đình nên sau này đã tham gia chống thực dân Pháp và triều đình Nguyễn.
          Năm 1882, ông chiêu mộ nghĩa quân chống lại thực dân Pháp, lập căn cứ tại làng Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên. Năm 1883, thực dân pháp đánh Bắc kỳ lần thứ hai và đặt ách thống trị tại đây. Trước cảnh triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, ông càng nung nấu ý chí chống Pháp đến cùng. Căn cứ Trại Sơn được xây dựng thành các phòng tuyến phòng ngự. Ngoài cùng là hào sâu, lũy cao, trồng tre gai xung quanh làng. Hang Thung, có địa thế cao, là nơi đặt hỏa lực và núi Hưng đặt tuyến xạ giới. Chùa Kim Liên là nơi đặt đại bản doanh được đào hào, đắp lũy, trồng tre bao quanh. Cuối năm 1883, đội quân của Đốc Tít đã có tới 600 người và 20 tướng lĩnh, đến cuối năm 1884 tăng lên trên nghìn người và 40 tướng lĩnh, trong đó có 2 người ở Trại Sơn, 2 người ở An Ninh Nội, An Ninh Ngoại. Phong trào khởi nghĩa Đốc Tít lan rộng ra nhiều địa phương, liên kết chặt chẽ với cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (Hưng Yên), với Tiền Đức ở Cát Bà. Nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh lớn, gây cho quân Pháp và triều đình nhà Nguyễn nhiều tổn thất. Tiêu biểu là các trận tấn công các đồn Đông Triều, Uông Bí (Quảng Ninh), Tượng Sơn (An Lão, Hải Phòng), các huyện lỵ Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kinh Môn (Hải Dương), đánh tàu chiến trên sông Đá Bạc (Thủy Nguyên)…
          Cuối năm 1884, ông chỉ huy nghĩa quân Trại Sơn đánh bật một tiểu đoàn lính Pháp tấn công căn cứ (vùng giáp ranh phía nam căn cứ Hai Sông), gây thiệt hại nặng cho địch, buộc quân Pháp phải tháo chạy. Khi ông hoạt động tại căn cứ Hai Sông, ông thu thuế trong vùng để nuôi nghĩa quân, tích trữ nhiều vũ khí, quân nhu trong hang đá (hang Đốc Tít thuộc Khu Di tích Lịch sử cấp Thành phố tại làng Trại Sơn, xã An Sơn, Thủy Nguyên). Nhờ đó nghĩa quân chiến đấu được nhiều năm. Bên cạnh sự giúp đỡ của nhân dân, nghĩa quân còn chủ động chuẩn bị về lương thực bằng cách tham gia sản xuất với nông dân, dựa vào các lũy tre làng đào hào đắp lũy, tổ chức chống giặc càn quét và bảo vệ lực lượng. Vũ khí của nghĩa quân tự trang bị là chính, ngoài những vũ khí thô sơ như: giáo, mác, mã tấu, đinh ba, gậy gộc…nghĩa quân còn sản xuất được loại súng theo mẫu súng của quân Pháp.
          Năm 1885, khi có chiếu cần Vương của vua Hàm Nghi, ông gia nhập khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật. Ông đã chọn động Thiên Khai, chùa Kim Liên (ngôi chùa dựng từ thời Mạc) và làng Trại Sơn (xã An Sơn, Thủy Nguyên), nơi địa thế hiểm trở có rừng núi, hang sâu, có cù lao đầy lau sậy kẹp giữ hai dòng Kinh Thầy – Bạch Đằng làm căn cứ (được gọi là căn cứ Hai Sông). Tháng 8 năm Ất Dậu (1885), tại sân chùa Kim Liên, Trại Sơn, nghĩa sĩ hội quân tế cờ, tuyên thệ, nêu khẩu hiệu: Linh sơn động chủ xướng nghĩa bình Tây.

Chân dung Nguyễn Thiện Thuật – lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

          Tại căn cứ ở Thủy Nguyên, nghĩa quân tỏa ra hoạt động ở các tỉnh Hải Dương, Tp. Hải Phòng, Quảng Yên. Có lần ông cùng Nguyễn Thiện Thuật (thủ lĩnh cao nhất của nghĩa quân Bãi Sậy) diệt trừ nạn cướp ở phủ Kiến Thụy (Hải Phòng) và Cẩm Giàng, ông được triều đình phong chức Quản tinh binh suất đội, rồi chức Cấm suất đội.
          Tháng 10 năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), vua Hàm Nghi phong cho ông chức Đề đốc Quân vụ Hải Dương dưới sự chỉ huy của Tán Thuật – thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Quân Pháp mấy lần tấn công căn cứ Hai Sông nhưng đều bị thất bại.
          Năm 1888, quân Pháp tiếp tục tấn công Trại Sơn, 600 quân của Đốc Tít phải rút lui sau 12 ngày cầm cự.
          Cuối tháng 7-1889, Pháp tập trung 1000 quân bao vây và tấn công Trại Sơn cùng 1.500 binh lính của Tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải. Chúng chia thành 4 đạo, vây chặt căn cứ trung tâm, dùng tàu chiến tuần tiễu ngày đêm trên các ngả sông quanh căn cứ. Nghĩa quân liên tục phải rút. Địch thắt chặt vòng vây, tăng cường truy quét và khủng bố nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa nghĩa quân và nhân dân. Nghĩa quân tổ chức cuộc phá vây nhưng không thành.
          Trong suốt một tháng, địch tấn công liên tiếp, nhờ dựa vào thế núi hiểm trở, nghĩa quân nhiều lần đánh địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề. Tuy nhiên trong quá trình chiến đấu, nghĩa quân cũng đã bị hi sinh, lương thực, đạn dược cũng cạn dần, lực lượng ngày càng giảm sút. Thế cùng lực kiệt, ngày 12 tháng 8 năm 1889, Đốc Tít cùng với toàn quân ra hàng quân Pháp. Quân Pháp bắt ông đi đánh nghĩa quân của Đề Thám, những ông không chấp nhận. Rút kinh nghiệm Đội Văn trá hàng lúc trước, tháng 1 năm 1890, thực dân Pháp đày ông sang Angiêri. Tại đây ông đã nhiều lần viết thư lên Chính phủ Pháp đòi ân xá nhưng không thành. Hết hạn lưu đày, ông bị đưa về Pháp quản thúc và mất tại đây ngày 21 tháng 12 năm 1916, thọ 63 tuổi. Sau này, thi hài ông được đưa về an táng tại quê nhà Việt Nam.
          Tấm gương yêu nước, kiên cường chống quân Pháp xâm lược và triều đình bán nước của Đốc Tít tiêu biểu cho khí phách của nhân dân Việt Nam anh hùng không chịu khuất phục kẻ thù. Nhằm nêu cao tấm gương hy sinh vì nước, vì dân của Đốc Tít, tên ông đã được đặt cho nhiều đường phố ở Hải Dương, Hải Phòng. Tại phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng có một con phố mang tên Đốc Tít.

P. V Thi, Hội KHLS Hải Phòng.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học