Đình Quán Khái – điểm hẹn du lịch đồng quê

          Quán Khái là một trong 6 làng cổ của trang Quán Khái (nay thuộc xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo). Tương truyền hơn 4000 năm trước ngài Tản Viên Sơn Thánh Bùi Thiên Quý về đây xây đồn lập trại, bảo vệ nước Văn Lang. Thần tích về Ngài được ghi ở đình Quán Khái như sau:
          Vào thời Hùng Vương, ở miền thượng đạo Nam Sơn, có người họ Bùi tên Hiền (tức Vương Phụ), vợ là Nguyễn Thị Gián (tức Vương Mẫu) nhà nghèo, làm nghề đánh cá nhưng hay làm điều thiện. Cả hai vợ chồng đều đức độ, sâu dày. Nhưng tuổi cao mà vẫn chưa có con trai. Một đêm nằm mơ thấy, con rắn hoa trắng to, bỗng rơi xuống mình. Đến ngày 3/3 năm Quý Mùi sinh một con trai diện mạo, thân thể khác thường, biết ngay là thần nhân xuất thế nên mới đặt tên là Thiên Quý vì dựa theo dung nghi. Năm 6 tuổi đi học, đến năm 15 tuổi đã làu thông kinh sử. Năm 20 tuổi, cha mẹ đều qua đời. Ông tìm nơi đất đẹp mai táng, ba năm cư tang cha mẹ theo đúng lễ nghi. Khi hết tang trở về, gặp lúc Vua Hùng Duệ Vương có chiếu cầu hiền, ai có tài văn, tài võ ra giúp nước sẽ được bổ nhiệm. Ông ra nhận chức, từ đó đội ơn vua lập nước.
          Từ thuở khai đất lập làng, người dân nơi đây chỉ sống bằng nghề trồng lúa nước, hạn hán, thiên tai, giặc giã nhiều phen làm cho cuộc sống của người dân nơi đây điêu đứng. Tuy nhiên, ở miền quê này vẫn luôn duy trì cuộc sống tình làng, nghĩa xóm đầm ấm, nghĩa tình “No đói có nhau, ốm đau thăm hỏi, trên kính duới nhường”. Vì thế năm 1940, vua Bảo Đại tặng làng Quán Khái bức đại tự in 4 chữ “Mỹ tục thuần phong”, là phần thưởng rất cao quý dưới thời chế độ phong kiến. Tại Hải Phòng hiện nay chỉ còn hai bức đại tự như thế. Bức đại tự của làng Quán Khái hiện lưu giữ tại đình làng, một di tích nghệ thuật cấp Quốc gia. Ngày nay, nhân dân làng Quán Khái vẫn duy trì những nét đẹp của quê hương từ bao đời, đường ngang ngõ dọc, bê tông hóa hoặc lát gạch sạch sẽ. Nhà ai có đám hiếu, đám hỷ đều có sự chung tay của dân làng tạo không khí vừa đầm ấm vừa chứa chan tình làng nghĩa xóm.
          Đình Quán Khái là công trình kiến trúc cổ có qui mô bề thế, khang trang, thờ Thành hoàng làng là Tản Viên Sơn Thánh Bùi Thiên Quý – một trong bốn vị Thánh bất tử trong quan niệm tâm linh của người Việt. Đình nằm cạnh dòng sông Hóa, bố cục theo lối chữ đinh, gồm 5 gian tiền đường và 4 gian hậu cung. Đình hiện tại nằm ở phía Tây Nam thôn, được khởi dựng từ năm 1906 đến năm 1916 hoàn thành. Kinh phí xây đình do dân làng đóng góp. Người đứng chủ hưng công là cụ Chánh Bát, một hào lý có uy tín trong vùng. Chuyện dựng đình cũng khá công phu: Tục truyền, ngày ấy, cụ Bá Phú họ Ngô cùng một số trai làng khỏe mạnh “khăn đùm cơm nắm” vào tận rừng mua gỗ, đóng bè trở về. Nghe tin Quán Khái dựng đình lớn, nhiều hiệp thợ nổi tiếng đến xin được thi công. Cuối cùng “thắng thần” thuộc về hiệp thợ Ninh Giang (Hải Dương), với đáp số thừa một cây gỗ lim để dùng vào việc chuẩn bị đồ nghề cho thợ. Công việc làm đình diễn ra gần chục năm, số vật tư dân làng trù tính vừa đủ không thừa, không thiếu. Điều này chứng tỏ, khả năng thiết kế xây dựng tài ba của “tổng công trình sư” Bá Phú và dân làng.
          Đình Quán Khái tiêu biểu cho kiến trúc đình làng Việt Nam đầu thế kỷ 20, bao gồm hồ bán nguyệt, ngũ môn, tường bao, sân, từ chỉ và tòa đại đình. Đình là tòa nhà 6 mái cao rộng, lợp ngói mũi hài với 10 mái đao cong vút. Trên nóc đình, bờ dải đắp con kìm, con sô, đầu guột…là những tác phẩm quý được giữ gìn từ ngày khởi dựng đến nay. Bên trong đình là cảnh lộng lẫy vàng son của các bức hoành phi, câu đối, cửa võng, khám thờ được chạm khắc công phu và to lớn khác thường. Vì kèo đình Quán Khái làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”, một phong cách đậm nét cổ truyền. Có một khác biệt so với các ngôi đình khác là các bộ phận kiến trúc dù ở tiền đường cao thoáng, hay ở tận cùng hậu cung tối sẩm đều được chạm khắc tỷ mỉ như nhau. Nhìn vào tác phẩm điêu khắc tại nơi này, có thể hình dung như một cung điện thu nhỏ trong một kiến trúc đồ sộ “ độc nhất vô nhị” ở thành phố Hải Phòng.
          Ngoài giá trị về kiến trúc và nghệ thuật, đình Quán Khái lưu giữ khá nhiều đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của quê hương Vĩnh Bảo, tượng quan văn, quan võ, tượng ông Đô, tượng chim hạc, hương án, sập thờ, cỗ ngai, câu đối, cửa võng, đại tự…vừa mang tính cung đình và phảng phất màu sắc dân gian.
          Như vậy, từ một trang (xã) Quán Khái khởi thủy, sau này phát triển thành ba xã là Quán Khái, Phần Thượng và Lý Nhân (nay là 3 thôn của xã Vĩnh Phong) đều thờ Đức thánh Tản Viên và hai công chúa nhà Hùng. Đình Quán Khái là một di tích kiến trúc nghệ thuật có quy mô lớn và bảo lưu khá trọn vẹn về giá trị nguyên gốc của một đình làng Việt Nam ra đời đầu thế kỉ XX. Đáng tiếc, thời gian đã làm thất lạc nhiều di vật quý.
          Trước cửa đình hiện nay, mỗi bên có một cây gạo cổ thụ cao chừng 25-30m, phần gốc cây có chu vi hơn 6m. Tháng ba, màu hoa gạo về cũng là dịp lễ hội truyền thống của đình, hai bên cổng đình đỏ rực màu hoa gạo như hai khỏang trời lửa trước sân. Theo các cụ cao niên trong làng, hai cây gạo này có tuổi đời bằng tuổi ngôi đình. Thuở dựng đình  người ta trồng cây gạo với ước mong thần hoàng làng sẽ phù độ cho dân làng có nhiều thóc gạo, cuộc sống ấm no. Trải qua thời gian, thiên tai nhưng cây gạo vẫn sừng sững hiên ngang, tươi cành xanh lá. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, dưới gốc gạo lúc đó có tòa nhà từ đường 7 gian làm nơi trung chuyển thương binh của mặt trận Kiến An- Hải Phòng. Hai cây gạo là nơi du kích trèo lên để theo dõi tình hình địch từ xa, là “ cột cờ” của quân cách mạng. Hai cây gạo không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp tổng thể cảnh quan đình Quán Khái mà còn có giá trị về sinh thái rất lớn. Nhận thức rõ về giá trị này, nhân dân làng Quán Khái cũng như Ban Quản lý di tích đình làng vừa có đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền xét đưa hai cây gạo vào hạng mục cây di sản.
          Chẳng bao lâu xa nữa mùa hoa gạo lại về, dân làng Quán Khái đang nô nức chuẩn bị cho ngày hội truyền thống của đình làng vào mồng 10 tháng 3 Giáp Ngọ. Dân làng Quán Khái nói riêng, nhân dân xã Vĩnh Phong nói chung luôn rộng lòng đón chào những du khách gần xa và con em xa quê về dự hội, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đình làng, ngắm những chùm hoa gạo đỏ rực lung linh trong nắng xuân quê, tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền đời của một vùng quê lúa.

        (Nguồn: Đình Quán Khái điểm hẹn du lịch đồng quê/Minh Duyên//Hải phòng cuối tuần số 01, bộ mới . – ngày 3 tháng 1 năm 2014; tr. 10-11); PV. Thi sưu tầm, bổ sung (theo báo Công thương online, ngày 28/12/2015)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học