Đi tìm những điểm sáng trong lịch sử Phật giáo Hải Phòng

alt

I. Về núi Đồ Sơn – chùa Tháp – am thờ Phật.

Từ trước tới nay, phần lớn những nhà nghiên cứu lịch sử, lịch sử tư tưởng, triết học và lịch sử Phật giáo tại Việt Nam đều khẳng định rằng: Từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên đạo Phật đã hiện diện ở Giao Châu (miền đất phía bắc Đại Việt – Việt Nam sau này). Từ thế kỷ thứ II, Luy Lâu, mà trung tâm điểm là khu vực chùa Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hiện nay) là trung tâm Phật giáo ở khu vực. Ngay từ đầu đã có mặt những nhà sư Ấn Độ đến từ Tây Trúc – quê hương của đức Phật Thích ca.

Vùng núi Đồ Sơn, miền biển Đông Bắc là địa bàn cửa ngõ mà thương thuyền đưa các lái buôn và nhà sư từ Ấn Độ tới Việt Nam truyền đạo. Trong đó có một nhà sư đã ở lại Đồ Sơn lập am thờ Phật.

Trong một thời gian dài cả ngàn năm chưa có tài liệu tin cậy để chúng ta có thể khẳng định được: từ am trong hang (núi Đồ Sơn) lan tỏa đạo Phật ra các vùng  lân cận hoặc giao tiếp với vùng Luy Lâu (thời Bắc thuộc). Nhưng chúng ta có thể đồng thuận với ý kiến của Đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử viết trong Lịch sử Phật giáo Hải Phòng: “Chắc rằng lúc sơ thủy ấy, một số người cổ Việt Nam gặp đạo Phật một cách thấp thoáng, đơn giản chỉ tin theo thờ phượng với từng nhóm thiểu số người nào đó thôi, còn ngoài ra quần chúng nhân dân chưa hiểu ra và cũng ít có quan niệm coi đạo Phật là một tôn giáo lớn như mọi người đều thấy sau đó và ngày nay…”.

“Đến thế kỷ thứ hai (sau  CN), trong nước Việt Nam đã có từ lâu rồi, chỉ có rằng chưa nổi tiếng rộng khắp đó thôi” (1).

Trong sách “50 chùa cổ Hải Phòng” xuất bản năm 2013 cũng có viết về hai chùa là chùa Hang và chùa tháp Tường Long, nhưng do hạn chế về tài liệu nên chỉ viết chùa Hang “trước công nguyên – thời Hùng Vương” có nhà sư từ xứ Thiên Trúc đến lập chùa Hang cũng dựa hoàn toàn vào truyền thuyết về nhân vật huyền thoại Chử Đồng Tử mà thôi mà chưa có tư liệu nào để khẳng định từ chùa Hang đạo Phật truyền lên Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) – đóng vai trò “trung tâm Phật giáo tại Giao Châu”.

Trong thời điểm hiện nay, các hội viên Hội KHLS Hải Phòng khi viết “Lược sử Phật giáo Hải Phòng không nên viết nhiều về những điều còn tranh luận do các tác giả có tên tuổi nêu ra, thậm chí “Thành Nê Lê (Đồ Sơn – Hải Phòng) hay “Thành Nê Lê” ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) còn chưa rõ ràng. Tuy mới chỉ là tính lược sử, nhưng cần có tính chất khoa học, tránh cho bạn đọc tranh luận rồi suy luận linh tinh. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nghiên cứu kiến giải cuốn “Đạo Phật và dòng sử Việt” của tác giả Đức Nhuận: “Tại Ấn Độ, do vua Asoka gửi tới 9 giáo đoàn đi truyền bá chính pháp tại các nước, trong đó có một giáo đoàn do 2 ngài Sona và Ultara lãnh đạo đã Việt Nam…

Hồi đó, ở Giao Chỉ, tại thành Lê Nê (tên cũ của vùng Đồ Sơn hiện nay), cách Hải Phòng 12 cây số có bảo tháp A dục (Asoka) do các phật tử địa phương xây nên để tri ân vua A dục đã cử giáo đoàn tới đây để truyền bá Phật pháp”.

Đầu năm 1994, tác giả đã ra thăm quan Đồ Sơn được đọc 8 bài thơ tả cảnh vùng này (Đồ Sơn bát vịnh). Hiện nay chùa Tháp xây dựng khang trang cũng chú giải theo quan điểm này.

Điều đáng chú ý, từ những thế kỷ cuối thời Bắc thuộc, các triều đại Đinh – Lê (Tiền Lê), nhất là từ các triều đại Lý – Trần, vị thế cửa ngõ địa bàn Đông Bắc có núi giáp biển trở lên hết sức quan trọng về quốc phòng – kinh tế. Về mặt tư tưởng – tâm linh, trong đó đạo Phật được các triều đại, nhất là buổi đầu triều Lý xem trọng với vai trò quốc giáo.

Từ nhà sử học đầu tiên và Đại việt Sử ký Toàn thư đều viết về Phật giáo thời   Lý – Trần đã nói đến Đồ Sơn và việc xây tháp Tường Long, đến Phan Huy Chú (1782-1840) – tác giả Lịch triều Hiến chương loại chí, viết trong phần địa chí: “Đồ Sơn về cửa biển về huyện Nghi Dương (tức Kiến Thụy sau này). Các ngọn núi cao sững giáp liền với biển. Triều Lý xây tháp ở trên đỉnh núi từ lâu năm, có yêu quái”.

Cũng tác giả Phan Huy Chú viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm đời Mạc: “về làng dựng am Bạch Vân, tự đặt tên Bạch Vân cư sĩ…, sửa chữa lại chùa thờ Phật, thường dắt sư già đi chơi…thả thuyền ra cửa biển Đồ Sơn xem đánh cá, chống gậy ddi khắp các núi Yên Sơn, Ngọa Vân, Kính Chủ, Đồ Sơn…Có lúc về kinh bày mưu kế lớn (với vua Mạc) rồi lại về am thỏa chí mình. Ông rong chơi nhàn nhã trong 40 năm mà không ngày nào qài ên đời, lòng lo thời, thương đời, thể hiện ra văn thơ. Trong bài  Từ thi (thơ về chùa). Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lại nhấn mạnh quan điểm “tâm phát đèn thiền rõi ánh sâu”, khẳng định và mở đường quan điểm của nhiều nhà nho đương thời và sau này chấp nhận quan điểm Tam giáo đồng nguyên, phù hợp với xu thế tư tưởng – văn hóa Việt Nam qua nhiều đời. Lý Tế Xuyên từng là tác giả chính viết “Việt điện u linh” – kể về các vị thần linh thời Lý sau này đã khẳng định lại quan điểm này. Thời Nguyễn sau này, sách Đồng Khánh Dư địa chí (1880-1888) – phần viết Địa chí tỉnh Hải Dương vẫn khẳng định “tháp Tường Long  (xây từ thời Lý bị phá)..vv..Sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi rõ “táp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương cao trăm thước. Năm Gia Long thứ 3 (1805) phá tháp lấy gạch xây thành trấn Hải Dương”…vv..

Đến sau này, (từ 1945-1949) theo nhà khoa học lớn nổi tiếng Hoàng Xuân Hãn, thì năm 1943, khi nghiên cứu ba tấm bia ghi công đức của Lý Thường Kiệt đối với các chùa mà ông viết sách Lý Thường Kiệt (lịch sử ngoại giao triều Lý). Chương XV về  “Đạo Phật đời Lý” nói rõ thời Bắc thuộc, đạo nho và đạo lão (với Thái thú Giao châu Sĩ Nhiếp) nhiều trí thức Trung Hoa tụ tập ở Luy Lâu (Thuận Thành – Bắc Ninh), đạo Nho, đạo Lão phát triển nhưng cũng phải hòa nhập và thích ứng với tín ngưỡng gốc của dân Việt và tập tục dân gian.

Đạo Phật từ Ấn Độ mới lan tràn đến Đông Nam lục địa với tính cách ôn hòa, thần bí, Phật giáo chóng ăn sâu vào lòng tín ngưỡng người Việt. Theo sư Đàm Thiên, Giao Châu đã được Phật hóa từ lâu trước cả Giang Đông  (nước Tề). Khi Phật chưa tới Giang Đông thì ở Luy Lâu (kinh đô Giao Chỉ) làng Lũng Khê ở phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh đã xây hơn 20 ngôi chùa, chọn hơn 500 vị tăng, tụng 15 quyển kinh rồi.

“Vì có thể đạo Phật từ Ấn Độ vào Giao Châu trước khi đến Trung Quốc nên tạo nhiều điều kiện cho Nho giáo và Lão giáo phát triển, nhưng người dân Giao Châu thấy các đạo này thường biện hộ cho bọn xâm lược áp bức mình, còn các nhà sư thường đi sát cuộc sống nghèo khổ, bị áp bức của dân, lại có lòng từ bi, bác ái…Cho nên đạo Phật thường có ưu thế hơn Nho giáo và Lão giáo rất nhiều” (Gs. Vũ Khiêu).

Dưới thời Lý, rất nhiều chùa, tháp được xây dựng với quy mô rộng lớn. Ở những danh sơn, trong đó núi Đồ Sơn ở huyện nghi Dương (sau này là Kiến Thụy) đều có dựng chùa và tháp, cùng thời với Diên Hựu (chùa Một Cột) ở kinh đô Thăng Long.

Khi tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo về Yên Tử – hồn thiêng (tháng 11/1981), thành phố Hải Phòng hội thảo phục dựng tháp Tường Long (Đồ Sơn-Hải Phòng) năm 2002 các nhà quản lý và khoa học từ Trung ương và các địa phương đã xác định khá rõ vai trò của đạo Phật thời Lý – Trần phát triển đến đỉnh cao. Chùa – tháp Tường Long ở Đồ Sơn (năm 1058) cùng thời với nhiều chùa tháp ở kinh thành Thăng Long gắn liền với sự phát triển rực rỡ của đạo Phật. Vì vậy:

– Trong thời đầu Bắc thuộc, núi Đồ Sơn có am thờ Phật, dưới sự chủ trì, tu tạo của nhà sư từ quê hương đức Phật. Có thể nói, đây là địa bàn cửa ngõ truyền đạo Phật (gốc) vào miền Duyên hải Giao châu.

Đến thời Lý, xây tháp Tường Long và chùa, và cùng thời nhiều chùa khác được xây dựng trên các miền đất sau này thuộc Hải Phòng theo một quá trình quanh co và độc đáo, mà cũng là một điểm sáng cần chú ý để sau đó chúng ta thấy rõ hơn ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tới các địa bàn Hải Phòng sau này….

(1) Hòa thượng Kim Cương Tử: Lịch sử Phật giáo Hải Phòng, Xb. Năm 1990; Tr. 159-160

Nguyễn Khắc Phòng, Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học