
Cầu Hoàng Văn Thụ kết nối trung tâm TP Hải Phòng với khu đô thị Bắc sông Cấm.
Hải phòng- đô thị Cảng biển nổi tiếng ở Bắc Bộ, nằm trong chuỗi đô thị biển của đất nước như Hạ Long, Khánh Hòa, Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh- với nhiều nét đặc trưng. Tuy nhiên Hải Phòng sớm có diện mạo riêng của một đô thị ven biển với chiều dày văn hóa lịch sử. Theo các nhà chuyên môn là mang đậm nét văn hóa đô thị, nói cách khác; có một bản sắc đô thị
Bản sắc đô thị là gì?
Theo GS- KTS Hoàng Đạo Kính: “Bản sắc đô thị là sản phẩm của văn hóa đô thị, ngoài quỹ kiến trúc đô thị, ngoài tài nguyên vật chất đô thị, văn hóa đó còn sản sinh ra nếp sống thành thị( theo nghĩa rộng) và bản sắc đô thị.Bản sắc đô thị bao gồm những cái riêng, những cái gen nổi trội dễ nhận biết và dễ so sánh của mỗi đô thị. Bản sắc đô thị có những biểu hiện thị sở ở hình thái và diện mạo đô thị, phố xá, ở cảnh sắc thiên nhiên đã được đô thị hóa, ở những dấu vết lịch sử và kiến trúc các thời, biểu hiện ở lối sống, cách ứng xử, tiếng nói, cách mặc, cách ăn…”.
Theo cách nhìn nhận như vậy, câu hỏi đặt ra: Đâu là bản sắc đô thị Hải Phòng? Làm cách nào phát huy bản sắc ấy?
Những cụm từ ít nhiều mang tính khái quát như Thành phố cảng, thành phố Hoa Phượng đỏ hiển nhiên chưa thỏa mãn câu hỏi này. Hơn nữa, theo thời gian và những biến động lịch sử, cùng với nhu cầu phát triển đô thị và sự lơ đãng trong tạo dựng hình ảnh văn hóa của đô thị, trước sức ép phát triển kinh tế, văn hóa,…Hải Phòng đang mất dần bản sắc đô thị.
Nhìn nhận từ góc độ sinh thái tự nhiên và nhân văn, trong đó nét đặc biệt là những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của Hải Phòng, những giá trị đã tạo cho Hải Phòng một bản sắc riêng, nói như G.S – KTS Hoàng Đạo Kính “một cái gen nổi trội dễ nhận biết và so sánh”. Ngoài một cảng biển lớn nằm sâu trong đất liền, Hải Phòng còn sở hữu những khu du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn, Cát Bà,…những tiềm năng kinh tế đặc trưng …Hải Phòng còn là quê hương của nhiều văn nghệ sĩ và danh nhân văn hóa lớn như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyên Hồng, Thế Lữ…Họ đã thổi vào thành phố ồn ào náo nhiệt, đầy chất thợ thuyền này hồn thơ nhạc nồng nàn mà như nhạc sĩ Dương Thụ đã tâm sự: “Tôi nhớ bên sông Tam Bạc, một dãy phố bờ sông hầu hết nhà không mặt tiền, lô nhô cầu tầu, nhấp nhô ca nô, thuyền phà xuôi ngược, có một vẻ gì đó rất Hải Phòng mà tôi khó nói ra. Tam Bạc hầu hết quyến rũ các họa sỹ và các nhà nhiếp ảnh giống như sự quyến rũ của phố cổ Hà Nội vậy, ông nào đã ghé qua Hải Phòng không thể không có một ký họa hoặc một bức sơn dầu, bức ảnh về Tam Bạc…”
Bài viết này không tham vọng phân tích những giá trị sinh thái và nhân văn của bản sắc đô thị Hải Phòng mà chỉ nhấn vào những giá trị mà ta đang “ đi tìm” cũng có nghĩa ta “đã có” và đã “đánh mất” hoặc còn “ ẩm nấp” ở đâu đó.
Bản sắc kiến trúc một đô thị phải được coi là ý chí tư tưởng mang sắc thái của đô thị ấy.
Vấn đề được nêu lien quan đến các nhà quản lý, các nhà qui hoạch và thiết kế đô thị. Thực tiễn cho thấy giữa ý chí tôn tạo, làm mới một cảnh quan, một không gian đô thị với bảo tồn bản sắc đô thị ấy không phải lúc nào cũng đạt sự hài hòa.
Khi cải tạo bờ sông Tam Bạc, thành phố được một cảnh quan tốt, chất lượng cuộc sống của dân cư tại chỗ được nâng cao. Tuy nhiên cái ta mất là mất Tam Bạc, nói đúng hơn là mất bản sắc đô thị. Hiện tại là một khu phố Tam Bạc bàn bạc về phong cách kiến trúc, không còn là cảm xúc sáng tác của các nhạc sĩ, nhà thơ…Những phố như vậy luôn như đã thấy ở đâu đó. Khu phố Tàu của Hải Phòng cũng là một ví dụ: thế kỷ 20, khu phố này tồn tại một bản sắc riêng, với những ngôi nhà mang phong cách người Hoa, những con phố nhỏ bí ẩn và nồng nàn hương vị Tàu gắn với những tên đường Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Lãn Ông và các công trình kiến trúc như đền Nhà Bà…Những biến động năm 1970- 1980, người Hoa về nước, bản sắc phố Tàu mất dần, thay vào là những kiến trúc lai tạp và xô bồ. Một lần nữa Hải Phòng lại đang đánh mất bản sắc không gian đô thị này. Nhìn xa hơn, phố cổ Hội An- nay là di sản văn hóa của nhân loại, cái mà Hội An đang làm là một thách thức của phát triển nhưng hơn chúng ta, họ đã làm được.
Phố đi bộ Tam Bạc về đêm.
Ngược dòng lịch sử, đô thị Hải Phòng được hình thành mang ý chí cực đoan của người Pháp, nét cực đoan này chính là bản sắc riêng của Hải Phòng. Người Pháp đã khéo tạo cho đô thị Hải Phòng một con kênh vắt ngang thành phố vốn đã đầy ắp hơi thở của biển và sông nước. Giữa ý chí lấn biển của bà Lê Chân với việc đào kênh vắt ngang thành phố của người Pháp, xét về mặt tạo dựng một đô thị có lẽ không mâu thuẫn gì.
Nó như tạo cho Hải Phòng nét cân bằng về phong thủy, thử tưởng tượng nếu không có con kênh này đô thị Hải Phòng nghèo nàn biết bao! Chính con kênh này đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, vào ngay những tiêu chí qui hoạch và thiết kế đô thị Hải Phòng. Chỉ tiếc, chúng ta đã cực đoan khi đắp đập Tam Kỳ, có nhà văn đã nói: “Chặn dòng một con sông đầy cảm xúc thi ca chảy vào thành phố với cây cầu treo thơ mộng đã đi vào ký ức ta được một bến xe nhộn nhạo và đầy tính công năng”, kể cũng là một đánh đổi day dứt.
Nhạc sĩ Dương Thụ, người đã gắn bó tuổi thơ với thành phố Hải Phòng chia sẻ:
“Có lẽ cái riêng nhất để tôi hình dung ra diện mạo Hải Phòng là việc phân chia khu vực một cách tương đối rõ ràng về mặt phong cách kiến trúc. Con sông Lấp và những phần tiếp theo của nó ra đến bến Sáu kho vô hình chung chia Hải Phòng ra làm đôi. Nửa bên này từ Nhà hát lớn đổ về Sáu kho (cũ) là khu phố mang phong cách rất Châu Âu với những dinh thự và công sở kiến trúc theo kiểu Pháp và nhiều đường phố nhỏ yên tĩnh với lòng đường hẹp, vỉa hè rộng, um tùm cây cối…Từ Nhà hát lớn về chợ Sắt là khu phố theo kiểu Tàu với những dẫy phố lầu với ban công sắt uốn, đường phố chật chội nổi bật là kiến trúc lòe loẹt của đền và chùa Tàu (được dùng để cúng lễ và làm hội quán). Bên kia sông Lấp là phố xá có kiến trúc thuộc địa, Việt lai Pháp, lai cả Tàu, nó cứ ngồ ngộ một vẻ đẹp tỉnh lẻ”.
Dự án đô thị nam sông Lạch Tray.
Mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn bản sắc văn hóa, bản sắc đô thị.
“ Cái được nhìn thấy trước hết của bản sắc đô thị là hình thái đô thị…” Hải Phòng đang hình thành một đô thị ven biển có hình thái đặc trưng trên sông nước, một đô thị gắn liền với sự phát triển công nghiệp truyền thống, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản và du lịch dịch vụ…
Là một thành phố có địa hình không gian phong phú, đa dạng, sự tiếp cận các không gian thiên nhiên như biển, đồi núi và sông hồ cùng với một lịch sử phát triển đô thị và truyền thống lịch sử hào hùng.
Tất cả những yếu tố đó làm nên bản sắc đô thị Hải Phòng. Tuy nhiên trước sự phát triển quá nhanh của đô thị, bất cứ một sự lơ đãng nào của các nhà quản lý, các nhà qui hoạch và các kiến trúc sư đều tiềm ẩn nguy cơ biến mất nét đặc trưng của đô thị Hải Phòng. Chúng ta đã có bài học về sự phát triển quá nóng của Cát Bà. Hậu quả của sự buông lỏng quản lý qui hoạch và xây dựng một thời gian dài đã khiến khu trung tâm Cát bà trở thành một kiểu phố thị đầy sự khoa trương với đa dạng phong cách kiến trúc, hỗn loạn về kiểu dáng và đã phá vỡ cân bằng cảnh quan tại hòn đảo này.
Khu phố ven bến tầu thị trấn Cát Bà.
Hiếm đô thị nào có được cảnh quan núi rừng soi bóng bên bờ vịnh như Cát Bà. Ta đã chưa biết sử dụng đúng mức quà tặng đầy ưu đãi này của thiên nhiên.
Ta thấy, mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển đô thị và ý chí bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, bản sắc đô thị luôn tồn tại. Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển cho thấy họ đã làm rất tốt vấn đề này. Điển hình là người Nhật và người Pháp, dễ dàng nhận ra hình ảnh đô thị của họ từ bất cứ một góc độ nào. Đôi khi sự dung hòa những mâu thuẫn, hay nói cách khác việc tạo dựng và phát triển bản sắc một đô thị nằm ở chính sự phát triển bản sắc. Thử đặt ra điều này với Hải Phòng. Trong đồ án được giải của công ty NIKKEN SEKKEI CIVIL – Nhật bản về “qui hoạch chi tiết ý tưởng thiết kế đô thị dọc sông Lạch Tray- Hải Phòng”, các tác giả đặc biệt chú ý tới hình ảnh sông nước. Hội đồng thẩm định nhận xét; Đồ án của tập đoàn NIKKEN SEKKEI CIVIL là đồ án kết hợp tốt giữa bảo tồn cảnh quan thiên nhiên với sự phát triển của đô thị. Tác giả đồ án- ông Yasuhiko Nomura nói: Chúng tôi muốn tạo ra một thành phố Hải Phòng đa dạng hấp dẫn, thân thiện bằng cách xây dựng một bộ mặt mới của thành phố du lịch quốc tế, phát huy sự hấp dẫn của không gian vùng nước, liên kết khu vực nội đô với khu đất nghiên cứu bằng nước và cây xanh… không gian hành lang sông cần đảm bảo rộng trên 40m, khống chế bóng dáng đô thị (Silhouette) thấp dần về phía không gian mặt nước”. Như vậy qua đồ án này, bóng dáng đô thị Hải Phòng hay chính là bản sắc đô thị Hải Phòng đang được hình thành với định hướng phát triển mới của hình thái đô thị.
Một sự án khác cũng hứa hẹn mang lại cho Hải Phòng một khởi sắc mới. Đó là qui hoạch và ý tưởng thiết kế đô thị Nam sông Cấm (khu cảng hiện nay trong nội đô). Đồ án này sẽ mở ra sự tiếp của nội đô thành phố với dòng sông Cấm mạnh mẽ, năng động như tính cách con người Hải Phòng. Một quảng trường mới gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một dải công viên doanh nhân văn hóa, những điểm cao đô thị mới và những không gian tiện ích. Một không gian đô thị mới, hiện đại, hào hoa cùng với khu đô thị Bắc Sông Cấm đang hình thành tạo cho Hải Phòng một diện mạo mới, một bản sắc mới thực chất hơn và đa dạng hơn.
Nhìn nhận khái quát: Đô thị Hải Phòng cần phát triển đúng với những gì mà yêu cầu một đô thị loại I cấp quốc gia đòi hỏi – hạ tầng và các khu công nghiệp, các khu ở mới, các trung tâm du lịch – các dự án về thiết kế đô thị cần làm thay đổi da thịt thành phố. Đó cũng là lợi thế và cũng là thách thức cho các nhà quản lý đô thị và các nhà qui hoạch, kiến trúc trước việc bảo tồn và phát huy bản sắc đô thị Hải Phòng.
Một số vấn đề cho việc bảo tồn và tạo dựng bản sắc đô thị Hải Phòng.
Khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Qui hoạch Xây dựng Việt Nam, ông Trịnh Quang Sử, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: “Áp dụng thiết kế đô thị sẽ tạo cho đô thị gương mặt mới, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và khai thác được đặc trưng của một đô thị ven biển. Kết quả trên sẽ tạo cho Hải Phòng trong những năm tới một bộ mặt kiến trúc đẹp, hài hòa, hiện đại và có bản sắc riêng của đô thị Cảng biển”.
Các nhà qui hoạch và thiết kế đô thị Hải Phòng đã nêu rõ định hướng phát triển Hải Phòng đến năm 2020, theo đó Hải Phòng là một đô thị Cảng biển phát triển, đẹp, hiện đại và văn minh với rất nhiều dự án phát triển mới. Đây là cơ hội để Hải Phòng khẳng định một bản sắc đô thị. Dưới góc độ sinh thái tự nhiên và nhân văn chúng tôi nhìn nhận:
Hải Phòng là thành phố ven biển, địa hình nhiều sông hồ, các con sông đều có hình thái đẹp, khá đặc trưng nhưng sự tiếp cận đô thị, nói cách khác, trong các đồ án qui hoạch và thiết kế yếu tố sông nước hầu như ưu tiên cho các dự án công nghiệp.Các khu dân cư và các công trình công cộng ít được tiếp cận yếu tố này. (Đồ án của hãng NIKKEN SEKKEI CIVIL lấy sông nước làm yếu tố chính và họ đã thành công).
Với các khu phố nội đô nên định hướng rõ các hình thái kiến trúc cần được tôn tạo, bảo tồn và sự tương quan với các công trình phụ cận như khu trung tâm Nhà hát lớn, các tuyến phố mang phong cách Pháp; những công trình kiến trúc mới xen kẽ cần có sự phát huy và được nghiên cứu kỹ (khách sạn Hữu nghị 11 tầng đã phá vỡ cân bằng hình thái kiến trúc khu vực này).
Cần mang lại cho dải vườn hoa trung tâm và đặc biệt là sông Lấp cùng 2 tuyến phố là Quang Trung và Nguyễn Đức Cảnh một sắc thái mới. Sông Lấp đã rất thiếu vắng hình bóng 1-2 cây cầu vắt ngang; sự kết hợp hài hòa 2 dải vườn hoa nhỏ chạy dọc phố cùng với mặt nước gợi ý hình thành 2 tuyến phố thương mại. Nếu có điều kiện nên hình thành tuyến phố đi bộ hoặc ẩm thực đêm…ở đây để yếu tố sông nước tiếp cận được với đô thị, các nhà quản lý và chuyên môn nên nghiên cứu kỹ hơn về khu vực đập Tam Kỳ- bến xe, nên chuyển đổi như một nút giao thông thủy bộ phục vụ giao thương. Với ý tưởng này chợ Sắt có thể sẽ có một công năng mới và một màu sắc mới.
Khu trung tâm thị trấn Cát Bà và vùng phụ cận đang là một không gian đô thị sầm uất và rất phát triển của Hải Phòng. Tuy nhiên đây lại là không gian có ít bản sắc đô thị nhất. Sự hỗn loạn về phong cách kiến trúc đã triệt tiêu những tiêu chí bản sắc cho không gian đô thị có địa hình độc đáo này. Các nhà qui hoạch đã có dự án lấn một phần vịnh để tạo cho khu trung tâm một không gian công cộng và tiện ích. Đó là một ý tưởng tốt, nhưng hình thái đô thị hiện nay tại khu trung tâm Cát Bà cần một dự án tổng thể về sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Do đặc điểm địa hình, Hải Phòng hình thành những đô thị vệ tinh như Cát Bà, Đồ Sơn với giao thông thủy bộ thuận tiện, điểm nổi bật trên tuyến hành trình thủy bộ Cát Bà và Đồ Sơn là cảnh quan đồi núi, sông nước đa dạng. Đây là lợi thế phát triển du lịch và phát triển đô thị. Khai thác tốt lợi thế trên sẽ tạo ra cho Hải Phòng một bản sắc đô thị độc đáo mà nơi khác không dễ có được.
Thay cho lời kết:
Tạo dựng một bản sắc đô thị là ý chí và tâm huyết của nhiều thế hệ. Nhiều khi những tiêu chí phát triển kinh tế, phát triển đô thị luôn mâu thuẫn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa, bản sắc đô thị. Tạo dựng và phát huy những bản sắc văn hóa, bản sắc đô thị nằm ngay trong những tiêu chí phát triển của đô thị là một quan niệm và hướng đi đúng mà nhiều quốc gia đang làm. Hải Phòng cũng không ngoại lệ, vấn đề còn lại là ý chí đi tìm của mỗi chúng ta.
(Nguồn: Đi tìm bản sắc đô thị Hải Phòng/Th.S- KTS Nguyễn Trí Tuệ//Tạp chí Khoa học và kinh tế HP. – số 125, tr. 24 – 27); PV. Thi giới thiệu, minh họa ảnh.