
Ảnh đền Cô Chín suối Rồng mới được trùng tu.
Đền Long Sơn (hay Long Sơn linh từ) mà nhân dân quen gọi là đền Cô Chín suối Rồng là ngôi đền linh thiêng tọa lạc tại đường Suối Rồng, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Đền thờ cô Chín – một thánh Cô nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ Mẫu và các vị thần linh Tứ phủ – những vị thánh phù hộ độ trì cho nhân khang, vật thịnh và cuộc sống bình an, hạnh phúc của nhân dân.
Đền nằm dưới chân núi Ngọc làng Ngọc Tuyền xưa. Thời Nguyễn, làng được đổi tên thành Đồ Hải và từ năm 1945 đến nay chính thức mang tên Ngọc Xuyên. Thời xưa, xung quanh khu vực đền Cô Chín bốn bề chỉ có cát và nước, cây cối um tùm, rậm rạp. Trước cửa đền có một khe suối nhỏ bắt nguồn từ mạch nước ngầm từ núi Rồng quanh năm không bao giờ ngừng chảy nên người ta gọi là Suối Rồng và ngôi đền cũng được gọi là đền Cô Chín suối Rồng. Nằm trong quần thể di tích lịch sử – văn hóa tâm linh-danh thắng cùng với tháp Tường Long, đền Chúa Bà Ngũ phương mới được trùng tu khang trang, tố hảo và rặng thị cổ thụ được công nhận là Cây Di sản, đền Cô Chín ngày càng trở thành một nơi thu hút đông đảo người dân Hải Phòng và du khách các nơi đến chiêm bái, dâng hương.
Với cảnh quan tươi đẹp, phía dưới là đình Ngọc Xuyên cổ kính – Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia, phía trên là sườn núi Ngọc um tùm bóng cây, đền Cô Chín được coi là nơi linh thiêng khi ngự tại chân núi Rồng, có cây đa, cây thị cổ thụ sum suê tỏa bóng, dòng suối Rồng hàng nghìn năm nay không bao giờ ngừng chảy.
Trên bản đồ, bán đảo Đồ Sơn là dải đất vươn ra biển theo hướng Đông Nam, được thiên nhiên tạo dáng như một con rồng đang trườn ra biển, chầu về viên ngọc là Hòn Dáu. Con rồng đó là dãy núi Cửu Long với 9 quả núi, trong đó có 8 quả núi nối tiếp nhau, riêng một ngọn núi đứng tách biệt ở phía Đông nên ông khóa Hiếu họ Phạm ở Đồ Sơn, một cống sinh thời Nguyễn từng viết:
Chín con theo mẹ ròng ròng
Còn một con út nẩy lòng bất nhân
Đông kia núi độc phản thân
Tây kia núi mẫu mấy lần ôm con.
Đền Long Sơn nằm giữa vành cung núi Mẫu Sơn, phía Đông và phía Tây vươn ra như hai hàm rồng, được ví như đôi cánh tay của người mẹ ấp ủ, che chở đàn con. Thực ra vành cung này có tới 15 điểm cao từ 25m đến 129m, cao nhất là đỉnh đồn Cao. Trên đỉnh núi còn dấu tích dãy tường thành, từng là đồn lũy của Phạm Đình Trọng – một tướng của Chúa Trịnh đã đàn áp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu, thế kỷ 18 ở Đồ Sơn.
Hiện nay, phía bên trong đền Long Sơn vẫn còn lưu giữ câu đối được cho là của vua Lý Thánh Tông đề tặng vào năm Mậu Tuất (1058) khi Ngài ngự giá qua cửa biển Ba Lộ, dừng chân tại đền và cho xây dựng tháp Tường Long trên đỉnh núi Ngọc.
Ông Hoàng Gia Bổn – thủ nhang đền Cô Chín và đền chúa Bà Ngũ Phương cho biết: Thuở khai sơn lập địa cách đây mấy nghìn năm, vùng đất Đồ Sơn khi nước thủy triều lên là một hòn đảo tách biệt với đất liền, khi nước triều rút mới lộ ra những sình lầy, lạch nước, lối vào đất liền. Hòn đảo này từng là nơi ghé chân của các thuyền buôn nước ngoài khi vào đây trao đổi lương thực và nước ngọt. Đây cũng là lý do chứng minh cho giả thuyết Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam đầu tiên qua ngả Đồ Sơn mà trong các thư tịch cổ Trung Quốc gọi là thành Nê Lê (bùn đen).
Theo sử cũ ghi lại và lời kể lưu truyền trong nhân dân địa phương, tại khu vực núi Rồng và đền Long Sơn, nhà sư yêu nước Phạm Ngọc (nhiều bô lão gọi là Phạm Ngọc Lam) từng dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân trong vùng nổi dậy chống ách thống trị tàn ác của quân Minh đô hộ. Là người học rộng, có uy tín lớn trong vùng, ông phao tin được trời ban cho ấn, kiếm để đuổi giặc, cứu dân nên được mọi người hưởng ứng đông đảo. Một số hào kiệt các vùng lân cận như Phạm Thiện, Đào Thừa, Ngô Trung …đều mang quân về tụ nghĩa. Phạm Ngọc được suy tôn là La Bình Vương, bèn xưng đế, đặt niên hiệu là Vĩnh Ninh. Chỉ trong một thời gian ngắn, một số vùng ở Hải Phòng đã nằm trong tay nghĩa quân. Bọn đô hộ nhà Minh lo sợ, tổng binh Lý Bân phải từ Nghệ An đem đại binh ra chống trả. Nghĩa quân đem cả quân thủy, quân bộ ra giao chiến nhưng do lực lượng quá chênh lệch nên không thắng nổi. Mùa đông năm Kỷ hợi (1419) quân ta thua to, nhiều tướng lĩnh bị giặc bắt. Các tướng Đào Thừa, Lê Hành thu thập quân sĩ được gần 1 vạn người rút về Đa Cẩm (Cẩm Giàng-Hải Dương) cố thủ. Nhưng Lý Bân tiếp tục truy quét. Sau 2 trận giao tranh ác liệt, quân ta thua to, hai tướng sa vào tay giặc. Thủ lĩnh nghĩa quân Phạm Ngọc rút về vùng núi Đông Triều chống trả đến tháng 5 năm 1420 phong trào khởi nghĩa mới bị dập tắt.
Hiện nay trong đền Long Sơn suối Rồng hiện còn đôi câu đối của nhà sư yêu nước Phạm Ngọc kêu gọi nhân dân ứng nghĩa, nội dung như sau: “Mẫu ngự Long Sơn linh thiên cổ/ Đế tuyền tự tại độ muôn dân” (nghĩa là thánh Mẫu ở núi Rồng linh thiêng nghìn năm/Vua ở suối này bảo hộ cho dân chúng).
Ông Hoàng Gia Bổn, nhà có nhiều đời làm thủ nhang, người hiện đang quản lý đền Cô Chín suối Rồng kể rằng, các cụ xưa truyền lại là đền này có từ rất xa xưa (có lẽ từ đời Lý). Khi đó nó chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ một bà Cô (người chết trẻ) linh thiêng nào đó chứ chưa được gọi là đền Cô Chín bởi lẽ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt mới có từ thời Hậu Lê (thế kỷ 15). Trải qua thời gian, cùng với sự sùng bái thánh thần mong được bảo vệ, chở che, người dân nơi đây ngày càng tu bổ ngôi miếu to đẹp hơn để ngày đêm hương khói thờ phụng. Và bởi lẽ ngôi miếu ở một nơi núi rừng, có dòng suối quanh năm không ngừng chảy nên nó đã được dân gian coi như một địa điểm thờ vọng vị thánh cô hầu cận Mẫu Liễu Hạnh – cô Chín cửu tỉnh ở Sòng Sơn (Thanh Hóa). Cũng xin lưu ý, Cô Chín Suối Rồng; Cô Chín Thượng Bắc Giang; Cô Chín Tây thiên; Cô Chín cửu tỉnh đều là một thánh Cô (tương truyền Cô là một trong 2 tiên nữ hầu cận thánh Mẫu Liễu Hạnh – vị thánh tối cao của phủ Thượng Thiên) và được thờ phụng ở nhiều nơi trên đất nước ta.
Còn tại sao dân gian lại gọi là Cô Chín là do trong thần tích đạo Mẫu, cô Chín được coi là vị thánh cô thứ chín trong 12 thánh cô Tứ Phủ, và còn có tích cho rằng cô là tiên nữ thứ chín, con của Ngọc Hoàng Thượng đế, có nhiều phép thuật như xem bói, cứu người và trừng trị những kẻ tham lam, gian ác, những kẻ dám báng bổ Cô. Cô Chín còn được các tín đồ thờ Mẫu cho là vị thánh cô thuộc cả 3 phủ Thượng Thiên, Thượng Ngàn và Thủy phủ nên rất linh thiêng.
Tiếp chuyện ông Hoàng Gia Bổn, một người nổi tiếng về các việc làm từ thiện cả ở quy mô thành phố và Quốc gia mà ở Đồ Sơn không ai không biết, tôi được ông cho biết:
Trong kháng chiến chống Pháp đền Long Sơn còn là địa điểm che giấu cán bộ hoạt động bí mật (cũng như đình Ngọc Xuyên). Dưới gốc cây thị cổ thụ ở đền từng có hầm bí mật để khi địch đến làm nơi lánh nạn cho cán bộ, du kích…Vì vậy, phường Ngọc Xuyên ngày nay là phường duy nhất trong quận Đồ Sơn được Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Pháp.
Ông Bổn, thủ nhang Đền cũng cho biết, Long Sơn linh từ cùng đình Ngọc Xuyên trong lịch sử từng trải qua nhiều biến động, bị xuống cấp hư hại do sự duy lý trí của con người, bị tàn phá vào những năm 1978-1979. Đến năm 1993 đình Ngọc Xuyên được trùng tu to đẹp để trở thành Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia và đền Cô Chín suối Rồng cũng được tu bổ, nâng cấp. Ông Hoàng Gia Bổn chính là người có nhiều công lao trong việc trùng tu, tôn tạo lại ngôi đền được khang trang, đẹp đẽ như ngày hôm nay. Giờ đây, ngôi đền đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng thu hút nhân dân và khách thập phương về tham quan, chiêm bái đông nhất Đồ Sơn, đặc biệt là vào những ngày tuần, rằm hàng tháng và dịp Tết Nguyên Đán.
Ông Bổn cho biết thêm, có nhiều câu chuyện linh thiêng về đền mà ông không lý giải được. Rất nhiều việc mà ông dự định trước khi tiến hành làm ở đền, thủ nhang đều được báo mộng trước. Có việc linh ứng đến mức mọi người trong đền đều vô cùng kinh ngạc khi những điềm báo, giấc mơ đều trở thành sự thật.
Sơ qua về bài trí đền Long Sơn: Chính giữa đền là Ban Công Đồng thờ tượng của Ngũ Vị Tôn Ông; bên phải thờ Tứ Vị Quan Hoàng; bên trái là động Sơn Trang với 3 pho tượng đại diện đều là một Cô Chín với gốc tích Cô Chín Sòng Sơn.
Phía sau Ban Công Đồng là Cung thờ Cô Chín và Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Thượng Ngàn và Mẫu Thoải phủ. Tượng Cô Chín sinh động, được dát vàng càng tạo nên một sự uy nghi, đẹp đẽ.
Với những giá trị văn hóa, tâm linh và những chứng tích trong lịch sử bảo vệ nền độc lập dân tộc, chống ngoại xâm, quận Đồ Sơn đã lập hồ sơ đề nghị Thành phố công nhận đền Long Sơn linh từ là Di tích lịch sử-văn hóa. Theo tôi được biết, hồ sơ đã đáp ứng các tiêu chí của ngành Văn hóa và tới đây, Thành phố sẽ chính thức trao bằng công nhận đền Cô Chín suối Rồng là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Thành phố. Vinh dự này đáp ứng sự mong mỏi của chính quyền và nhân dân địa phương cũng như của cá nhân ông Hoàng Gia Bổn – thủ nhang Đền và hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.
P.V. Thi, Hội viên Hội Khoa học Lịch sử và Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.