Dấu tích Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đất Hải Phòng.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Long Hoa xã Trường Thành huyện An Lão (Ảnh sưu tầm)

          1) Đền thờ Trần Nhân Tông: ở làng Diên Lão, nay thuộc xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng:
          Sách Đồng Khánh dư địa chí và Hải Dương Toàn hạt dư địa chí, mục “từ miếu huyện Tiên Minh” chí chép: “Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi vua, đến tu ở chùa Yên Tử. Một hôm từ Thiên Trường qua Diên Lão (nay thuộc xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng) gặp phụ lão cung kính đón rước, Nhân Tông rất bằng lòng, cho là dân nơi đây biết lễ ban cho tên là Diên Lão; lại dặn sau này thấy trên mặt sông có vật lạ thì rước về thờ sẽ được che chở. Ngày Điều Ngự giác Hoàng nhập niết bàn trên núi Yên Tử, phụ lão Diên Lão thấy có phiến đá trôi ngược dòng sông bèn rước về lập đền thờ gọi là Trần Nhân Tông từ (tức đền thờ Trần Nhân Tông), rất linh ứng. Hòn đá nay vẫn còn ở trong đền”…: “Nhân Tông sau khi thoái vị về trụ trì chùa Yên Tử, một hôm đến phủ Thiên Trường qua làng Diên Lão, già làng kính cẩn nghinh đón, Nhân Tông hài lòng vì làng biết lễ nghi nên ban tên là Diên Lão, lại dặn bao giờ trên sông có vật lạ thì rước về thời ác được phù hộ. sau này Nhân Tông đã nằm trên phiến đá ở núi Yên Tử thiêu hóa, các già làng Diên Lão thấy có một viên đá trôi ngược dòng sông, nhớ đến lời dặn của Nhân Tông bèn rước về thờ, rất linh ứng. Viên đá này còn ở trong đền.”
          Trong thời Pháp tạm chiếm, có một viên tề là giáo dân vào đền xâm phạm tượng, nói nhiều lời vô lễ. Ít ngày sau, tên Tề ác này dẫm phải mìn chết tan xác. Đền đã được UBND Tp. Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
          2) Bến đò “sáu mươi”: ở xã Nghi Dương, nay thuộc xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng:
          Theo truyền ngôn nguồn gốc của tên bến đò này, vì có lần Trúc Lâm Đại Đầu Đà từ Thiên Trường qua bến đò thăm chị gái là công chúa Thiên Thụy tu ở chùa Nghi Dương. Lúc ấy trời đã xẫm tối, viên xã quan đi kiểm tra đếm canh, hắn thấy nhà sư gầy gò, túi vải vát vai, chống gậy dò đường lên bến. Viên xã quan đã ngà ngà sai rượu, đã hách dịch hỏi giấy tờ tùy thân, Ngài từ tốn đáp không mang theo, thế là tên này túm lấy Ngài đấm 60 đấm. Vừa may gia nhân công chúa Thiên Thụy thấy thế quát to “Thượng Hoàng đấy, sao dám hỗn”. viên xã quan sợ hết hồn, quỳ rạp xuống xin xá tội. Ngài ôn tồn bảo tên xã quan chừa tính hóng hách rượu chè, và quay lại nói với giai nhân công chúa : “ đây là nghiệp chướng của ta”. Nhân đó ban tên bến đò này là “bến đò 60”. Dân thường gọi tắt là bến đò “sáu”.

         (1), (2): Trích “Những di tích lịch sử văn hóa liên quan đến Điều ngự Giác Hoàng Trúc Lâm đệ nhất Tổ”/Văn Hà, Lợi Hội//Báo ĐT “Giác ngộ”- cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo VN. – ngày 27/2/2010)

          3) Cuối đường Bến Vua thị trấn Tiên Lãng hiện nay có ngôi miếu cổ của xã Phú Kê huyện Tiên Lãng thờ Bốn vị Thánh vương. Tại đó:
          Sáng 15 -2 – 2014, tại miếu Bến Vua, UBND huyện Tiên Lãng TP Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy di sản dân tộc Phật hoàng Trần Nhân Tông tại huyện Tiên Lãng”, với sự tham gia của các nhà khoa học thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đại diện các cơ quan, ban ngành thành phố và huyện Tiên Lãng.
          Các đại biểu tập trung làm sáng tỏ địa danh Bến Vua (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) – nơi duy nhất trên vùng địa bàn nay là Hải Phòng từng được hoàng đế Trần Nhân Tông lui tới, họp tướng sĩ bàn bạc, ra các quyết sách quan trọng có ảnh hưởng tới thắng lợi của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ 2 (năm 1288)

         (Nơi duy nhất tại Hải Phòng từng đón Phật hoàng Trần Nhân Tông//Báo ĐT “Van hien.Vn” (thuộc Hội Khoa học LS Việt Nam). – ngày 16/2/2014)

          4) Trần Nhân Tông có đầu hàng giặc hay không?:
          “Ngày 1 tháng 3, năm Ất Dậu (1285), giặc Nguyên đuổi theo rất gắt, hai vua (Thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng Đế Nhân Tông) phải bỏ thuyền, xử dụng đường trên bộ đi đến Thủy-Chú (không rõ nơi nào ngày nay), sau đó lấy thuyền ra cửa Nam-Triệu, vượt biển Đại-Bàng (thuộc địa phận xã Đại-Bàng, huyện Nghi- Dương, tỉnh Hải-Dương) đi vào Thanh-Hóa. Quân đội Đại Việt đang rơi vào thế tam đầu thọ địch đúng như kế hoạch của kẻ địch dự trù là các cánh quân của Thoát Hoan từ Thăng Long tiến về phối hợp với các cánh quân của tướng Hữu thừa Khoan Triệt, Vạn Hộ Mông Cổ Đãi và Bột La Hợp Đát Nhi dẫn quân bằng đ ường bộ và Lý tả thừa Ô Mã Nhi Bạt Đô (sau khi chiếm xong bãi Tha-Mạc) bằng đường thủy; cánh quân của Toa Đô giải quyết xon g chiến trường Thanh, Nghệ cũng thẳng đường tiến tới Thiên Trường. Để giải tỏa thế gọng kềm này ta phải giải quyết ra sao? Từ Thiên Trường một cánh quân của ta rút về các lộ vùng đông bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh) để dụ địch rượt theo rồi chờ cho Toa Đô dẫn quân ra khỏi Thanh Hóa thì ta mới vượt biển Đại-Bàng như đã nói ở trên để vào chiếm lại Thanh Hóa làm căn cứ đóng quân. Toa Đô vừa phải vất vả ngược xuôi để rượt đuổi quân ta, rốt cuộc cũng chẳng được gì lại mất đi cứ điểm vừa mới chiếm. Cương Mục Chính Biên quyển VII có đoạn viết: «Lúc ấy quân Nguyên đuổi theo riết, nhà vua phải mời thượng hoàng cùng ngự một chiếc thuyền con, chạy ra nguồn Tam Trĩ, một mặt khác, sai người kéo thuyền của vua vẫn ngự đi ra ngả núi Ngọc Sơn, để đánh lừa quân Nguyên. Tướng Nguyên do thám biết được mưu ấy, mới sai Hữu thừa là Khoan Triệt, Tả thừa là Lý Hằng chia đường đuổi theo. Nhà vua phải đổi đi đường bộ đến xã Thủy-Chú, rồi lại đi thuyền đến sông Nam-Triệu, qua cửa biển Đại- Bàng vào Thanh Hóa».
          Ngày 9 tháng 3 năm Ất Dậu (1285), hai vua bị tướng Nguyên là Giảo-Kỳ và Đường-Cổ-Đới đem chu-sư (hải quân) ra biển vây và suýt bắt được các ngài. May thay nhờ tướng Nguyễn Cường tận lực hộ giá mới có thể rút ra được về phía nguồn Tam-Trĩ, đồng thời giả đưa thuyền rồng đi miền Ngọc-Sơn (miền biển Thanh Hóa) để đánh lừa giặc. Quân thù tưởng là thyền hai vua, chúng đón bắt và tịch thu rất nhiều vàng bạc cũng như nam nữ của ta. Ở đoạn này ta thấy rằng sau khi quân Đại Việt rút khỏi kinh thành Thăng Long rồi liên tiếp xảy ra các trận đánh Tha Mạc, Bình Than, A Lỗ, Đại Hoàng, Thanh Hóa thì hai vua và quân đội Đại Việt gần như rơi vào thế bị động phải liên tục di chuyển để tránh né sự truy đuổi của quân Nguyên theo Cương Mục ghi «nhà vua phải chạy loạn long đong»; Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim viết: «Nhân Tông kinh hãi, Thượng hoàng đêm ngày lo sợ»; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: «Thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ Nguyên…xa giá nhà vua phiêu bạt».
          Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim viết: «Nhân Tông kinh hãi, Thượng hoàng đêm ngày lo sợ»; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: «Thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ Nguyên…xa giá nhà vua phiêu bạt». Các vị sử gia nói trên phê phán một vị đại anh hùng như Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông như vậy thì hơi vội vàng và thiếu khách quan. Hãy xem tình hình quân thù ra sao, theo Nguyên Sử 13 tờ 8b8-10 ghi: «Tháng 3 ngày Bính Tý Kinh Hồ Chiêm Thành hành tỉnh xin thêm quân. Lúc bấy giờ Trần Nhật Huyên (Trần Nhân Tông) trốn về hai xứ Thiên Trường và Trường Yên, binh lực lại tập hợp. Hưng Đạo Vương đem hơn ngàn chiến thuyền về nhóm Vạn-Kiếp, còn Nguyễn Lộc thì ở Vĩnh Bình, mà quan quân đi xa lại đánh lâu, treo lơ lửng ở giữa. Quân của Toa Đô và Đường Cổ Đãi lại đến không đúng lúc, nên xin thêm quân. Vua cho đi đưòng thủy là nguy hiểm, ra lệnh cho quân tăng viện đi theo đường bộ» – Toàn Tập Trần Nhân Tông-Lê Mạnh Thát Việt dịch. Như vậy thì quá rõ ràng, theo Nguyên Sử thì quân Mông-cổ cũng đang rơi vào thế bị động. Thế bị động đó là chúng phải đối phó với nghĩa quân của ta quấy rối trong hậu phương của địch. Bằng chứng là  phản thần Trần-Kiện trên đường về chầu Hốt-Tất-Liệt lại được quân ta cho đi chầu âm phủ; để đối phó với những hoạt động tiêu thổ kháng chiến của quân ta, chúng bắt buộc phải xin thêm quân xây dựng thêm nhiều đồn bót để gia tăng phòng thủ cũng như kiểm soát những vùng đã chiếm được. Nếu thật sự kẻ thù có khả năng làm cho quân ta lúng túng, bị động thì cần gì phải xin thêm viện binh như thế? Sau khi hóa giải thế gọng kềm mà chúng muốn tạo ra để vây hãm quân ta  phải quy phục, thì nay chính đoàn quân xâm lược lại bị rơi vào thế trận mà Đức Hoàng đế Trần và Hưng Đạo Vương đã sắp xếp sau cuộc họp ở Hải-Đông. Đó là rút lui, phòng thủ và phản công chiến lược. Hiện tại ta ở giai đoạn nhì là phòng thủ chiến lược để chuẩn bị bước qua giai đoạn ba là phản công chiến lược. Chưa hết, tại chiến trường Thanh Hóa quân Mông-cổ đã gặp sức phản kháng rất quyết liệt của quân dân ta. Ngày 9 tháng 3 năm 1285, tướng Nguyên là Giảo Kỳ kéo quân đến Bố Vệ (thuộc Cần Bố, Thanh Hóa). Người dân trong vùng nổi lên đánh địch, trong đó có dân chúng Hương Yên Duyên (xã Quảng Hùng, Quảng Xương, Thanh Hóa) dưới sự chỉ huy của ông Lê Mạnh tước là Đại Toát đã chống cự quyết liệt khiến chúng không biết đường chống đỡ, rút lui cũng không được tiến tới cũng chẳng xong, cuối cùng vì quân ta có có kẻ phản bội nên giặc Nguyên mới thoát được và chúng còn đốt phá nhà cửa của ông. Sự kiện này không thấy ghi trong sử nhưng nhờ công đức xây chùa nên bia chùa Hưng Phúc ghi lại rằng: «Hữu tướng giặc là Toa Đô tiến quân vào hương này. Ông đem người trong hương chận giặc ở bến Cổ Bút. Hai bên đánh nhau giặc cơ hồ không rút chạy được. Nhưng vì có kẻ gian hàng giặc chỉ đường nên nhà cửa của ông bị đốt phá» (Thơ văn Lý Trần, Hà Nội xuất bản 1988 tập II quyển thượng trang 648). Trong lúc này Hưng Đạo Vương được lịnh đem hơn 1000 chiến thuyền về Vạn-Kiếp là nơi trước đây đã rút lui, còn tướng Nguyễn Lộc đóng ở Vĩnh Bình tạo thế gọng kềm đối với quân thù. Vì thế cả ba cánh quân của chúng do Thoát Hoan, Ô Mã Nhi và Toa Đô đều nằm ở giữa vòng vây mà Đức Hoàng đế Trần và Hưng Đạo Vương dầy công sắp xếp kể từ sau trận Nội-Bàng và Chi-Lăng. Với tài dụng binh như thần của Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông như thế, quân đội Đại Việt đang ở thế bị bao vây cả ba hướng, thế mà quân ta đã lật ngược được thế cờ trong những lúc nguy cấp nhất, khiến kẻ thù rơi vào giữa vòng vây của quân ta, như Nguyên sử nói «quan quân đi xa đánh lâu, lại treo lơ lửng ở giữa».

        (Trần Nhân Tông có đầu hàng giặc hay không?/Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam online//nonghoc.com (thuộc trường ĐH nông- lâm Tp. Hồ Chí Minh)

          5. Dấu thiêng của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đất Hải Phòng:
          Đức vua Trần Nhân Tông tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258), năm hai vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược Thát Đát lần thứ nhất tại Đông Bộ Đầu. Ngài là con trưởng của Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu. Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), Ngài lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo (1279-1284), Trùng Hưng (1285-1293). Năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, lui về phủ Thiên Trường (Nam Định) làm Thái Thượng hoàng, nhưng vẫn chỉ đạo và giám sát vua Anh Tông.
          Vốn sùng kính đạo Phật từ nhỏ, năm 1295, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến chùa Vũ Lâm, huyện Yên Khánh, trấn Trường Yên (nay thuộc xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư – Ninh Bình), tập sự xuất gia với Quốc sư Huệ Tuệ. Đến tháng 10 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299), 41 tuổi, Ngài vào núi Yên Tử, chính thức tu hạnh Đầu Đà, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Do uy tín, đức độ, trí tuệ của Trúc Lâm Tam Tổ mà Thiền phái Trúc Lâm đã quy tụ được các tông phái Phật giáo của Đại Việt thành một tổ chức Phật giáo thống nhất.
          Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn vùng non thiêng Yên Tử để tập hợp tín đồ để truyền bá giáo lý Thiền tông của Lục tổ Huệ Năng với tinh thần “Cư trần lạc đạo” của mình, không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Khi còn là Tổng chỉ huy và đích thân xông pha trận mạc chống giặc Nguyên Mông xâm lược, Trần Nhân Tông và quân đội nhà Trần đã nhiều lần nhận được sự giúp đỡ, che chở của nhân dân, tăng ni, Phật tử vùng rừng núi non hiểm trở miền Đông Bắc và vùng cửa biển Bạch Đằng.
          Giữa lúc nguy khốn nhất, bị giặc bao vây, truy đuổi gắt gao, vua Trần Nhân Tông và Thái Thượng hoàng đã được Trần Lại – người làng Hữu Triều Môn (Thuỷ Nguyên) dâng cơm gạo; dân làng Thuỷ Chú (Thuỷ Nguyên), Chân Kim (Dương Kinh) cử người bí mật đưa Vua và Thượng Hoàng vượt vòng vây vào Thanh Hoá chuẩn bị cuộc phản công chiến lược.
          Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và bộ phận tham mưu chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 được các vị sư trụ trì chùa Đỏ (Linh Độ tự), chùa Vẽ (Hoa Linh tự) ở làng Đoạn Xá phục vụ. Chùa Thiểm Khê (Liên Khê – Thuỷ Nguyên) là nơi Trần Hưng Đạo luyện tập quân sĩ chuẩn bị cho trận đánh Trúc Động năm 1288.
          Chùa Mai Động (Liên Khê – Thuỷ Nguyên) là nơi quân đội triều đình xây dựng kho lương phục vụ chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Các làng xã phía Nam huyện Vĩnh Bảo còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện cảm động về căn cứ Lưu Đồn ở huyện Thái Thụy – tức cung điện dã ngoại (gọi là cung Trần Vương) của vua Trần Nhân Tông ở vùng hạ lưu sông Thái Bình
          Đề cập đến động cơ tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng – Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông không thể không nhắc đến vai trò và ảnh hưởng to lớn của Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, đạo hiệu là Tuệ Trung thượng sĩ. Sách Tam tổ thực lục chép rằng: “Nhân Tông tham khảo những yếu chỉ của Tuệ Trung thượng sĩ, thu lượm được nhiều tinh hoa của dòng thiền
          Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung là con cả của An Sinh Vương Trần Liễu, mẹ là Thiện Đạo phu nhân Lý Thị Nguyệt. Ngài là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu (mẹ của Trần Nhân Tông). Trần Quốc Tung là bậc danh thần lỗi lạc. Ngài đã nhiều lần làm sứ giả đến trại giặc để nghị hòa và thám thính ở Tổng hành dinh Thoát Hoan.
          Thực hiện kế sách giữ nước, nhà Trần chủ trương “toàn dân vi binh, tông tử duy thành” (toàn dân làm lính, các thân vương cùng lo bảo vệ vương triều) và một trong những chính sách kinh tế được nhà Trần áp dụng là phong cấp thái ấp cho các vương hầu quý tộc và những người có công để làm phên dậu bảo vệ chính quyền. Vốn là người có nhiều công lao trong sự nghiệp chống đế quốc Nguyên – Mông (từng được cử làm Phó Tổng tư lệnh cánh quân phía Đông do Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đảm trách) nên sau khi khải hoàn, Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung được vua Trần giao trấn giữ miền biên tái Thái Bình (vùng Hải Dương và Hải Phòng ngày nay). Ở làng Dưỡng Chính, xã Chính Mỹ, huyện Thuỷ Nguyên, các nhà sử học đã phát hiện thấy dấu vết Tịnh thất Dưỡng Chân của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung.
          Do ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm và uy tín cũng như đạo hạnh của Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, đạo Phật thời Trần ở vùng đất Hải Phòng phát triển rất thịnh đạt. Đương thời, vùng này xuất hiện nhiều chùa, tháp với quy mô lớn như: chùa Đông Khê (Nguyệt Quang tự), chùa Dư Hàng (Phúc Lâm tự), chùa Thường Sơn (Hàm Long tự), chùa Phù Lưu (Thiên Vũ tự), chùa Mỹ Cụ (Linh Sơn tự), chùa Vẽ (Hoa Linh tự), chùa Núi Voi (Long Hoa tự), chùa Kha Lâm, chùa Vân Bản…
          Đáng chú ý là công chúa Thiên Thuỵ – chị gái vua Trần Nhân Tông đã chiêu mộ dân khai hoang, đắp đê ngăn mặn, mở mang nhiều làng xã ở huyện Kiến Thuỵ và An Lão. Thái trưởng công chúa Thiên Thuỵ (công chúa Quỳnh Trân) cho dựng chùa Mõ ở trang Nghi Dương (xã Ngũ Phúc – Kiến Thuỵ). Một người chị khác của Trần Nhân Tông là công chúa Chiêu Chinh đã bỏ tiền của làm chùa Kha Lâm, mở chợ Bến Đò, khai hoang đất ở ven sông Lạch Tray (quận Kiến An) và tu sửa chùa Long Hoa ở núi Voi…
          Theo ngọc phả đền Kha Lâm, công chúa Chiêu Hoa (con gái trong dân gian của vua Trần Thánh Tông) cùng chồng là Thái Học Sinh Cao Toàn, người làng Phù Liễn (Kiến An) dốc lòng giúp dân làng Phù Liễn (Kiến An), làng Tiểu Trà (Kiến Thụy) mở mang làng xóm, dựng chùa thờ Phật. Sách Đồng Khánh dư địa chí và Hải Dương Toàn hạt dư địa chí, mục từ miếu huyện Tiên Minh chí chép: “Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi vua, đến tu ở chùa Yên Tử. Một hôm từ Thiên Trường qua Diên Lão (nay thuộc xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng) gặp phụ lão cung kính đón rước, Nhân Tông rất bằng lòng, cho là dân nơi đây biết lễ ban cho tên là Diên Lão; lại dặn sau này thấy trên mặt sông có vật lạ thì rước về thờ sẽ được che chở. Ngày Điều Ngự giác Hoàng nhập niết bàn trên núi Yên Tử, phụ lão Diên Lão thấy có phiến đá trôi ngược dòng sông bèn rước về lập đền thờ gọi là Trần Nhân Tông từ (tức đền thờ Trần Nhân Tông), rất linh ứng. Hòn đá nay vẫn còn ở trong đền”…
         (Dấu thiêng của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đất Hải Phòng//Cổng thông tin điện tử Tp. Hải Phòng. – ngày 14/11/2016)

          Phạm Văn Thi (Hội KHLS Hải Phòng) sưu tầm.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học