
Tượng Nam Hải Đại vương Phạm Tử Nghi tại lăng miếu Đôn nghĩa.
Phạm Tử Nghi dù là tướng nhà Mạc – vương triều đối nghịch với nhà Lê Trung hưng sau này và bị coi là ngụy triều, vẫn được các triều đại Lê, Nguyễn sắc phong. Điều này chứng tỏ nhà Lê Trung hưng và triều Nguyễn rất coi trọng chí khí anh hùng và bản lĩnh, lý tưởng mà Phạm Tử Nghi theo đuổi.
Do công tích của Phạm Tử Nghi đối với dân, với nước nên ông được các triều đại phong kiến Lê, Nguyễn sắc phong thượng đẳng thần.
Sắc phong đời Cảnh Trị (Lê Huyền Tông) năm 1670 ghi:
“Có công giữ nước giúp dân, có ơn đức rất mực, đã cất quân dấy nghiệp, chức Nam Dương Đông nguyên soái, tóm thâu, làm Tiết chế cả mọi dinh thuỷ bộ của hai nước ở khắp nơi, phò mã đô uý, tước Thành quốc công, phong là Nam Hải linh ứng đại vương”.
Theo đây, Phạm Tử Nghi được coi như một vị nguyên soái thống lĩnh quân đội, có công hộ quốc, giúp dân và được phong là vị thần linh thiêng cai quản vùng biển phía Nam. Từ đó nhân dân ta đã luôn ghi nhớ công đức của Ngài và đời đời thờ phụng như một vị thần.
Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi được người dân nhiều nơi thờ phụng: tại Đền Kiến Ốc, xã Khánh Trung; Đền Hải Đức trên bờ đê sông Đáy thuộc xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tại Quảng Ninh, từ lâu Phạm Tử Nghi đã được nhân dân vùng Hà Nam (Quảng Yên) tôn lập đền, miếu thờ như miếu Vu Linh (làng Yên Đông, phường Yên Hải), phối thờ tại đình Quỳnh Biểu (phường Liên Hoà), chùa Lái (phường Liên Vị)… Có nơi như làng Hải Yến (phường Phong Hải), làng Động Linh (xã Minh Thành) tôn Phạm Tử Nghi là thành hoàng làng thờ ở trong đình. Các nơi thờ Phạm Tử Nghi đều tôn ngài là Đức Thánh Niệm hay Linh ứng Đại vương, Đại Hải chi thần. Tại miếu Vu Linh hiện còn các đôi câu đối ca ngợi Phạm Tử Nghi như: “Thánh đức linh thiêng, Đông Hải núi sông thiên cổ miếu/ Thần thông chính trực/ xã tắc vững bền bốn mùa hương” hay “Đức lớn yên dân thiên cổ thịnh/ Công cao hộ quốc vạn niên thường”…
Tại Hải Phòng, ước có khoảng hơn 20 làng, xã thờ Phạm Tử Nghi (hay còn gọi là đức Thánh Niệm) làm thành hoàng hoặc phúc thần.
Tại quận Lê Chân có 4 di tích tạo nên một quần thể di tích thờ danh tướng Phạm Tử Nghi của người dân Hải Phòng. Quần thể di tích đó bao gồm: Miếu An Dương thuộc phường Niệm Nghĩa; di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình Niệm Nghĩa thuộc phường Vĩnh Niệm; di tích lịch sử cấp Quốc gia Lăng Đôn Nghĩa thuộc phường Vĩnh Niệm và đền chính Nghĩa Xá thuộc phường Nghĩa Xá.
Người dân quanh khu Vĩnh Niệm ngày nay vẫn còn truyền tai nhau câu ca dao nói về việc 3 lăng Đôn, Niệm, Nghĩa Xá chia nhau phụng thờ Đức thánh Niệm:
“Bể dâu thay đổi cuộc đời
Làng xưa Vĩnh Niệm sau dời làm ba
Làng Nghĩa Xã, đấy là nhà
Dựng ngôi đền chính, một tòa khang trang
Làng Đôn, lăng, miếu, đèn hương.
Còn làng Niệm Nghĩa phụ vương mộ phần.
Ba làng vẫn một tinh thần
Ấm no, hạnh phúc nhờ ân đức Người”
Xin giới thiệu về 4 di tích tiêu biểu thờ đức Thánh Niệm trên địa bàn quận Lê Chân:
Miếu An Dương
Miếu An Dương gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, kết cấu hình chuôi vồ. Bên trong miếu còn lưu giữ rất nhiều đồ tế khí, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng với những đường nét chạm trổ khéo léo và tinh xảo, thể hiện được tài điêu khắc của các nghệ nhân xưa.
Ngoài giá trị của một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ mang đậm bản sắc dân tộc, miếu An Dương còn là một di tích lịch sử, nơi đây là địa điểm bí mật của những chiến sĩ cách mạng, đồng thời cũng ghi lại nhiều tội ác của kẻ thù đối với những người yêu nước và các chiến sĩ trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
Hàng năm, vào ngày sinh (2 tháng 2 âm lịch), ngày hóa (14 tháng 9 âm lịch) của Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi và dịp tết Nguyên Đán, nhân dân quanh vùng vẫn đến miếu dâng hương, để tưởng nhớ công lao và cầu mong được Ngài che chở trong cuộc sống.
Đình Niệm Nghĩa
Đình tọa lạc tại đường Nguyễn Sơn Hà thuộc phường Niệm nghĩa, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Đình Niệm Nghĩa hiện là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật còn khá nguyên vẹn.
Những người xây dựng Đình đã rất khéo léo trong việc lựa chọn địa điểm dựng Đình, nó không chỉ thỏa mãn nhu cầu địa linh và hướng đình, mà còn thuận lợi về giao thông thủy bộ để tập kết nguyên vật liệu xây dựng công trình tâm linh của làng. Đình Niệm Nghĩa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam thế kỷ XIX. Dòng chữ Hán khắc chìm trên câu đầu của bộ vì giữa cho biết Đình được trùng tu xây dựng năm Tự Đức thứ 4 (năm 1851).
Đình Niệm Nghĩa cổ hoàn toàn được làm bằng gỗ lim, bố cục hình chữ Công, gồm 5 gian tiền đường, hai gian nhà cầu (ống muống) và một gian hai dĩ hậu cung.
Cùng với kiến trúc nghệ thuật cổ, mái đình Niệm Nghĩa còn là nơi bảo tồn một số di vật quý có giá trị về lịch sử, nghệ thuật và văn hóa như nhang án tiền, long đình, kiệu bát cống, long ngai, tượng thánh, cuốn thư, hoành phi, câu đối,…
Với những giá trị về kiến trúc, năm 1996, đình Niệm Nghĩa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Lăng Đôn Nghĩa
Lăng – miếu Đôn Nghĩa tọa lạc tại đường Phạm Tử Nghi, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Đây tương truyền là nơi chôn cất thủ cấp của danh tướng Phạm Tử Nghi.
Khu di tích lăng – miếu Đôn Nghĩa đã trở thành một chỉnh thể công trình kiến trúc văn hóa, gồm bái đường, hậu cung, khu lăng mộ và khu vực cảnh quan thiên nhiên với vườn hoa chậu cảnh. Đặc biệt, số lượng nhiều cây cổ thụ gắn liền với khu vực lăng – miếu như đa, si, đại, góp phần làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, u tịnh của khu di tích. Hiện nay, lăng – miếu Đôn Nghĩa còn bảo lưu được nhiều di vật cổ là đồ tế tự bằng gỗ sơn son thếp vàng rực rỡ, mang giá trị mỹ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX, như: cửa võng, kiệu bát cống, lonh đình, bát biểu, một số di vật là đồ đồng, đồ sứ như bộ tam sự, rùa, hạc, bát hương đồng và men sứ…
Toàn bộ khu lăng – miếu nằm trong hệ thống tường bao quanh có cổng xây cất theo lối chồng diềm 8 mái, bên trong cổng đặt bức bình phong xây theo lối cuốn thư soi bóng xuống hồ nước trong xanh phía sau kiến trúc tòa miếu thờ là khu lăng mộ Phạm Tử Nghi.
Hiện khu di tích lăng – miếu Đôn Nghĩa đã được tu tạo. Vào dịp kỷ niệm ngày sinh 2 tháng 2 và ngày hóa 14 tháng 9 âm lịch, lễ hội diễn ra đơn giản và có nhiều trò bách hý dân gian, thu hút khách thập phương đến dâng cúng và chiêm bái. Lăng – miếu Đôn Nghĩa được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử -văn hóa năm 2001.
Từ chính Nghĩa Xá
Tọa lạc trên đường Thiên lôi – con đường đã được chính Phạm Tử Nghi đắp khi sinh thời. Nhân dân địa phương được truyền ngôn lại rằng: Từ Nghĩa Xá được xây dựng trên chính mảnh đất của gia đình Phạm Tử Nghi. Trải qua bao biến thiên của lịch sử quê hương, đất nướ, từ Nghĩa Xá đã bao lần thay dạng đổi hình để cuối cùng định vị với dáng vẻ hiện tại, một thực thể kiến trúc hiện hữu của nghệ thuật dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Từ Nghĩa Xá thờ Phạm Tử Nghi được coi là một trong tứ linh từ của huyện An Dương xưa. Hàng năm, cứ vào ngày 14 tháng 9 âm lịch, nhân dân quang vùng nô nức trảy hội từ Nghĩa Xá, đình Niệm Nghĩa… và ngày hội trở thành một sinh hoạt văn hóa truyền thống sâu đậm của người dân Hải Phòng nói chung và “dân Làng Niệm xưa” nói riêng.
Trong đền thờ Phạm Tử Nghi có câu đối đề:
Tướng Mạc, thần Lê, danh bất hủ
Cừu Minh, hận Hán, tiết di cao
Dịch:
Tướng Mạc, thần Lê, tên còn mãi
Thù Minh ghét Hán khí tiết cao.
(PV. Thi biên soạn theo: Tạp chí Công thương online ngày 22/11/2020; Báo Quảng Ninh điện tử ngày 23/03/2014; Ngọc phả tại miếu Đôn Nghĩa, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân; Tư liệu điền dã).