CLB Hải Phòng học tham quan cầu Tân Vũ- Lạch Huyện và một số di tích lịch sử văn hóa tâm linh trên đảo Cát Hải

Sáng ngày 10/9/2017 CLB Hải Phòng học tổ chức chuyến đi dã ngoại tham quan một số di tích lịch sử văn hóa và công trình xây dựng nổi tiếng trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Chương trình của chuyến đi là thăm quan cầu Tân Vũ- Lạch Huyện, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam vừa mới khánh thành ngày 2/9/2017, chiêm bái một số chùa, đình nổi tiếng trên đảo Cát Hải.

alt

Dẫn đầu đoàn tham quan là Thượng tọa Thích Thanh Giác- Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Hải Phòng, Chủ nhiệm CLB Hải Phòng học.

Đoàn xuất phát từ chùa Phổ Chiếu khi trời vừa tạnh ráo sau cơn mưa giông dữ dội về đêm, đầu tiên là tới thăm cầu Tân Vũ- Lạch Huyện, cây cầu dài hơn 5 km nối đầu này của quận Hải An với đầu kia của huyện đảo Cát Hải. Đây là một trong những công trình giao thông lớn nhất cả nước, góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố và phục vụ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội toàn miền Bắc.

Trên đỉnh cầu lộng gió, đoàn thăm quan chụp cảnh lưu niệm rồi tiếp tục hành trình tới đảo Cát Hải. Trên đường đi, đoàn ghé thăm cụm di tích lịch sử văn hóa đình, chùa xã Hoàng Châu, một địa chỉ văn hóa được xếp hạng là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2014.

Tiếp theo, đoàn tới thăm cụm di tích đình- chùa- miếu Văn Chấn ở xã Văn Phong (huyện Cát Hải) được xây dựng vào thời nhà Mạc thế kỷ 16. Cụm di tích tọa lạc trên một khu đất rộng bên bờ biển huyện Cát Hải. Chúng tôi  vào dâng hương, làm lễ cầu an, khấn Phật dưới sự đảnh lễ của Thượng tọa Thích Thanh Giác. Chúng tôi đọc và giải nghĩa tấm bia đá khắc từ thời vua Cảnh Thịnh (Tây Sơn) còn lại đến nay trên sân chùa. Người dân địa phương vẫn bảo tồn được nhiều di vật, cổ vật, tư liệu có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Đặc biệt, chùa đình Văn Chấn có khám thờ đặt tại cung cấm làm bằng gỗ vàng tâm sơn son thếp bạc phủ hoàng kim. Khám thờ có cấu trúc, hình dáng, độc đáo và được chạm khắc rất đẹp, trông như một ngôi miếu nhỏ đặt trên ba tầng đế. Đây là khám thờ có kiểu dáng, trang trí đặc biệt nhất trong hệ thống cổ vật được bảo tồn của thành phố.

Chùa Văn Chấn (hay còn gọi là Sùng Ninh tự) cũng được phục dựng lại theo kiến trúc truyền thống. Ngôi chùa còn bảo lưu được 15 pho tượng cổ có giá trị như tượng tam thế, Adi Đà tam tôn, Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm tống tử, Ngọc Hoàng Thượng đế… Cụm di tích đình- chùa Văn Chấn được công nhận Di tích lịch sử- văn hóa cấp thành phố năm 2013.

Điểm đến cuối cùng trong chuyến thăm quan của đoàn là di tích lịch sử – văn hóa cấp thành phố chùa Hòa Hy- một trong những ngôi chùa cổ nhất Cát Hải. Chùa còn tương đối nguyên vẹn, có nhiều pho tượng quý và những nét hoa văn trạm trổ trên bia đá thể hiện nét độc đáo hiếm thấy trong các Chùa miền Bắc Việt Nam.

Tại các di tích này, chúng tôi đều được Thượng tọa Thích Thanh Giác và một số hội viên am hiểu cung cấp thông tin về niên đại của công trình, đối tượng tôn thờ tại di tích v.v…

Qua buổi tham quan, điền dã, chúng tôi được mở mang hiểu biết, càng thêm yêu mến thành phố Cảng quê hương và tự hào về những công trình xây dựng độc đáo của Hải Phòng.

Phạm Văn Thi

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học