CLB Hải Phòng học tham dự lễ kỷ niệm 480 năm ngày mất của Trạng nguyên Lê Ích Mộc

Sáng 31-3 (15 tháng 2 âm lịch), tại khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc (xã Quảng Thanh), huyện Thủy Nguyên long trọng tổ chức khai mạc lễ hội kỷ niệm 480 năm ngày mất Trạng nguyên Lê Ích Mộc (15-2-1538 – 15-2-2018).

alt

Các đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an thành phố; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện và đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương về dự.

Được Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Hải Phòng ủy nhiệm, sáng 31 tháng 3, thượng tọa Thích Thanh Giác – Phó trưởng ban Hoằng pháp giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Hội Phật giáo Hải Phòng thay mặt Hội Phật giáo về Thủy Nguyên dự Lễ hội theo lời mời của UBND huyện. Là Chủ nhiệm CLB Hải Phòng học, thượng tọa Thích Thanh Giác đã tổ chức cho các hội viên CLB đi cùng Thượng tọa về dự lễ kỷ niệm 480 năm ngày mất của trạng nguyên Lê Ích Mộc tại đền thờ ông tại thôn Thanh Lãng, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên.

Trạng nguyên Lê Ích Mộc là vị trạng nguyên khai khoa đầu tiên của Hải Phòng dưới thời phong kiến và là một trong 3 vị trạng nguyên nổi tiếng của thành phố Hoa Phượng Đỏ. Lê Ích Mộc sinh ngày 2 tháng 2 năm 1458 ở làng Ráng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là thôn Thanh Lãng, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên) – người làm rạng danh cho quê hương và Thành phố. Ông xuất gia từ nhỏ, theo học vị cao tăng trụ trì chùa Ráng (tức chùa Thanh Lãng). Lê Ích Mộc nổi tiếng là người đọc nhanh, nhớ tốt. Tài học của ông được sách “Đại Việt đỉnh nguyên Phật lục” (sách sử Phật giáo) ghi: “Tam công túc học đáo Kim cang” tức là sau ba năm đã thông hiểu đầy đủ giáo lý, giáo pháp của bộ kinh Kim cương. Sống nơi cửa thiền sân phật, Lê Ích Mộc luôn thông cảm sâu sắc với những khó khăn của dân làng, ông khuyên mọi người hướng về cửa phật với lòng thành tâm của chính mình chứ không phải bằng những nghi lễ tốn kém. Không chỉ là một vị tăng sư chuyên tâm hoằng dương phật pháp, mà ông còn là người am hiểu sâu sắc giáo lý Khổng tử, Mạnh tử, tỏ tường sâu trình các phép thần thông huyền bí của Đạo Giáo, Lão, Trung. Ông kế thừa được truyền thống “Nhập thế gia trụ Phật pháp” của các thiền sư nổi tiếng như Vạn Hạnh, Đạo hạnh, Minh không… Chính nhờ các phương thuật huyền bí kết hợp với sự am hiểu về y học, thiên văn, chiêm tinh, lý số… của Lê Ích Mộc mà ngôi chùa Ráng đã trở thành một sơn môn lẫy lừng.

Lê Ích Mộc đỗ đầu kỳ thi đình năm 1502 dưới triều vua Lê Hiến Tông, làm tới chức Tả Thị lang dưới triều nhà Mạc. đứng hàng thứ ba sau Thượng thư, Tham tri nhưng thấy triều đình Mạc ngày càng suy vi, sa vào hưởng lạc, ông chán ngán xin từ quan. Ông đã tích cực cùng với dân làng Ráng khai phá vùng đầm lầy ven sông, trồng cây gây rừng, trong đó có một rừng lim xanh tốt, Lê Ích Mộc bỏ tiền ra tu sửa, mở mang chùa Ráng, lấy tên chữ là Diên Phúc tự và mở trường dạy học, đào tạo nhân tài cho quê hương đất nước…Nhờ có rừng lim này mà nhân dân địa phương có nguyên liệu tại chỗ để trùng tu Diên Phúc tự, xây đền Diên Thọ, mở rộng Từ văn, xây đình Hoàng Giáp, chùa Lốt, chùa Vang…

Cuộc đời và sự nghiệp của trạng nguyên Lê Ích Mộc là tấm gương sáng cho các thế hệ nối tiếp nhau phấn đấu học tập, bởi ông chính là hiện thân của tinh thần vượt khó, ham học hỏi để vươn tới đỉnh cao của trí tuệ.

Để tri ân công đức Lê Ích Mộc và giáo dục truyền thống hiếu học, khuyến tài, hiện nay huyện Thủy Nguyên cùng thành phố đã và đang đầu tư xây dựng khu tưởng niệm ông ngày càng khang trang.

Trước khi cùng lãnh đạo thành phố và huyện dâng hương trước ban thờ Trạng, thượng tọa Thích Thanh Giác được ủy nhiệm tuyên lời cầu phúc. Thượng tọa cầu anh linh tiền nhân ban cho mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an, thế giới hòa bình, tri ân công đức của vị trạng nguyên khai khoa thành phố đồng thời là một bậc tu hành Phật giáo có công hoằng dương Phật pháp, mở mang chùa chiền.

Trên đường về Khu tưởng niệm trạng nguyên Lê Ích Mộc ở xã Quảng Thanh, nhóm hội viên CLB Hải Phòng học đã cùng thượng tọa Thích Thanh Giác ghé thăm chùa Hàm Long bái Phật (một ngôi chùa có cảnh quan đẹp với thế tựa sơn ở thị trấn Núi Đèo).

Kết thúc lễ tưởng niệm 480 năm ngày mất trạng nguyên Lê Ích Mộc, nhóm hội viên CLB Hải Phòng học còn tranh thủ tham quan chùa Mỹ Cụ- ngôi chùa được coi là lâu đời nhất của huyện Thủy Nguyên cũng như thành phố Hải Phòng. Tương truyền, song thân vua Lê Đại Hành đã đến chùa cầu tự sau đó sinh ra vua (Tức là vào khoảng thế kỷ X chùa đã được xây dựng). Chùa Mỹ Cụ (hay còn gọi là Linh Sơn tự) thuộc thôn Mỹ Cụ, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên nằm tựa lưng vào núi đất nhỏ chạy dài có tên gọi “ núi con rồng” với địa thế đẹp hai bên có “ Hổ phục quy chầu”.

Cuối cùng các hội viên CLB Hải Phòng học đã đến thăm quan, vãn cảnh chùa Hà Tê ở xã Trung Hà huyện Thủy Nguyên – một ngôi chùa mới di chuyển từ đồng bằng lên xây dựng trên một ngọn đồi có cảnh quan đẹp, nhìn xuống sông Giá thơ mộng uốn khúc dưới chân. Trên đường vào chùa, chúng tôi đi qua khu doanh trại của lữ đoàn 126 quân chủng hải quân gần đó và được nghe bác Trịnh Văn Hoãn – một hội viên am hiểu lịch sử kể rằng đây là nơi huấn luyện các chiến sĩ đặc công nước trước khi vào Nam chiến đấu chống xâm lược Mỹ. Chiến công của những người lính đặc công nước từ đây ra đi đã nổi danh thế giới và khiến cho kẻ thù khiếp sợ.

Trong một buổi sáng ngày 31/3/2018, nhóm hội viên CLB Hải Phòng học đã thực hiện được nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm tìm hiểu lịch sử, đất và người Hải Phòng, củng cố thêm tình yêu quê hương và lòng tự hào về bề dầy lịch sử một vùng đất phía Đông Bắc thành phố.

Phạm Văn Thi

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học