CLB Hải Phòng học tham dự lễ hội kỷ niệm 314 năm ngày thánh tổ Quốc sư Thủy Nguyệt nhập niết bàn.

Nhận lời mời của Ban tổ chức Lễ hội chùa Nhẫm Dương trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương, ngày 20/4/2018 (ngày 05/3 năm Mậu Tuất) câu lạc bộ Hải Phòng học, dẫn đầu là thượng tọa Thích Thanh Giác – Phó Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Trị sự Hội Phật giáo Hải Phòng đã đến chùa Nhẫm Dương, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn tham dự đại lễ kỷ niệm 314 năm ngày thánh tổ Quốc sư Thủy Nguyệt nhập niết bàn.

alt

Chùa Nhẫm Dương tại xã Duy Tân, huyện Kinh Môn còn gọi là chùa Thánh Quang bởi ngôi chùa gắn liền với sự “hóa thánh”, nghĩa là viên tịch kỳ lạ của vị đệ nhất tổ sư phái Tào Động Việt Nam là Thủy Nguyệt.

Dấu tích của sự viên tịch này vẫn còn lưu giữ trong hang Thánh Hóa cùng hang Tĩnh Niệm phía sau chùa và được sử sách ghi lại rất rõ trên văn bia bằng chữ Hán.

Chùa và hệ thống hang động ở Nhẫm Dương được coi là chốn tổ thiền phái Tào Động. Nơi đây có những núi đá, núi đất chạy dài theo thế rồng uốn voi phục. Hệ thống núi đá vôi, các hang động và cảnh quan thiên nhiên là những cảnh quan hiếm có của Hải Dương và cả nước.

Dãy núi Nhẫm Dương với một hệ thống gồm 26 hang động lớn nhỏ, ẩn chứa bởi những hóa thạch phát hiện được đã minh chứng dãy núi này có thể là nơi sinh sống của người Việt thời tiền sử. Các hang động có giá trị to lớn về giá trị khảo cổ học cũng như về địa chất địa mạo như hang Tĩnh Niệm, hang Thánh Hóa và hang Tối.

Sư tổ Thủy Nguyệt vốn mang họ Đặng, quê ở Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình) sinh năm 1637 dưới thời vua Lê Thần Tông. Sau 6 năm xuất gia học đạo, sư tổ Thủy Nguyệt vẫn chưa thỏa mãn đạo pháp về con đường giác ngộ nên xin phép sư phụ mình được du phương tham vấn các bậc Tôn túc trong nước.

Năm 34 tuổi, sư tổ Thủy Nguyệt cùng một đệ tử đã sang đến đất Trung Hoa và gặp được vị hòa thượng Thượng Đức tu trên núi Phượng Hoàng.

Qua khá nhiều thử thách và khổ luyện học đạo, sư tổ Thủy Nguyệt được sư phụ ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền Sư và cho phép trở về nước để giáo hóa muôn dân, phát triển đạo pháp. Tính theo hệ phái, Thiền sư Thủy Nguyệt là tổ đời thứ 36 của Thiền phái Tào Động Trung Hoa và là Đệ nhất tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam.

Thiền sư Thủy Nguyệt đã khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương làm nơi thuyết pháp, phổ độ chúng sinh. Thiền sư còn đi truyền bá Phật pháp ở chùa Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn, khai sáng chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) ở Hà Nội…

Năm 1704, Thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch trong tư thế thiền trong hang núi ở Nhẫm Dương với truyền thuyết kỳ bí. Ngày viên tịch của Thánh tổ Thủy Nguyệt hằng năm được lấy làm ngày tổ chức Lễ hội chùa Nhẫm Dương vào ngày 5/3 âm lịch.

Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng quần thể Di tích An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương thuộc huyện Kinh Môn là Di tích Quốc gia đặc biệt và ngày kỷ niệm 314 năm ngày thánh tổ Quốc sư Thủy Nguyệt nhập niết bàn năm nay cũng là ngày Tỉnh ủy, HĐND, UBND huyện Kinh Môn cùng Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Tham dự Đại lễ, ngoài đại biểu các Ban, ngành tỉnh Hải Dương, ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, đại diện Hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, nhiều tăng ni, phật tử các nơi còn có thượng tọa Thích Quảng Tùng – Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, Trưởng ban Trị sự Hội Phật giáo Hải Phòng, nguyên Trưởng ban Trị sự Hội Phật giáo Hải Dương. Ông cũng là người được mời phát biểu thay mặt giáo hội Phật giáo Việt Nam sau màn khai mạc của Ban Tổ chức lễ hội huyện Kinh Môn, sau lời Tóm lược thân thế-sự nghiệp thánh tổ Quốc sư Thủy Nguyệt của thượng tọa Thích Thọ Lạc – ủy viên Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, đại diện sơn môn thiền phái Tào Động Việt Nam.

CLB Hải Phòng học tham dự Đại lễ đã trân trọng tặng Ban Tổ chức lễ hội lẵng hoa tươi thắm đính dải băng với dòng chữ “Câu lạc bộ Hải Phòng học Tp. Hải Phòng kính tặng”, dự bữa cơm tray tại chùa Nhẫm Dương. Đây là lần thứ 3 Câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng học có dịp tham gia các hoạt động được tổ chức tại đây bởi sự quan tâm khuyến khích của thượng tọa Thích Thanh Giác – hiện trụ trì chùa, đồng thời là Chủ nhiệm CLB.

Phạm Văn Thi

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học